RSS Feed for Những thách thức trong phát triển nguồn điện khí LNG đến năm 2030 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 25/12/2024 12:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những thách thức trong phát triển nguồn điện khí LNG đến năm 2030

 - Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Với trên 7.400 MW các nhà máy điện khí hiện tại, cộng với 18.950 MW các dự án trong quy hoạch, tổng cộng sẽ có khoảng 26.400 MW công suất tua bin khí hỗn hợp đi vào vận hành trước năm 2030. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức trong duy trì các nhà máy đang vận hành, cũng như triển khai các dự án mới.


Vì sao Việt Nam cần có chiến lược nhập khẩu LNG trong dài hạn?


Cụ thể, cụm tua bin khí hỗn hợp Phú Mỹ và Bà Rịa đã, đang thiếu hụt khí do nguồn khí khu vực Nam Côn Sơn suy giảm nhanh, dự kiến sẽ thiếu khí cấp vào khoảng 2023 trở đi. Nếu không chuẩn bị nguồn khí bổ sung (LNG nhập khẩu) thì sẽ không đảm bảo đủ nhiên liệu khí cho phát điện. 

Cân đối khí đốt Đông Nam bộ.


Theo minh họa trên cho thấy, cân đối nhu cầu khí cho sản xuất điện và cho các hộ tiêu thụ ngoài điện sẽ thiếu hụt đáng kể vào 2023. Tổng cung khí vào khoảng trên 8 tỷ m3, trong khi tổng cầu là cho điện gần 8 tỷ m3/năm và nhu cầu khác khoảng 2 tỷ m3/năm.

Còn theo số liệu cập nhật trong báo cáo về Quy hoạch điện VIII, khu vực Đông Nam bộ cần bù khí từ năm 2022 bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu.

Với cụm tua bin khí hỗn hợp miền Trung, khí từ mỏ Cá Voi Xanh chỉ đủ cấp cho 5 nhà máy 750 MW như trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), sẽ không có khí cho hóa dầu như quy hoạch ngành khí (dự kiến khoảng 1 tỷ m3/năm) tại khu Lọc dầu Dung Quất.

Mặt khác, theo tiến độ kế hoạch tổng thể phát triển mỏ Cá Voi Xanh đã được phê duyệt, dự kiến giữa năm 2023 sẽ có dòng khí đầu tiên, nhưng thực tế cho thấy việc triển khai có nhiều vướng mắc, nên dự án này đã chậm khoảng 1 năm.

Còn cụm nhiệt điện khí Ô Môn được cấp khí từ Lô B đã chậm nhiều năm do không thương thảo được giá khí. Cụ thể, giá khí của cụm dự án này cao hơn nhiều so với vùng Đông Nam bộ (khoảng 11 USD/triệu BTU) sẽ tác động đến tính khả thi của các dự án tua bin khí hỗn hợp, nhất là dự án Ô Môn 2 được đầu tư theo hình thức BOT.

Để giải quyết mâu thuẫn này, chúng ta cần thực hiện giải pháp chuyển ngang giá khí sang các nhà máy điện để đảm bảo phát triển cả chuỗi nhiên liệu - phát điện.

Theo phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, với dự kiến sẽ xây dựng khoảng 8.500 MW tua bin khí hỗn hợp - LNG và 1.400 MW động cơ đốt trong - Intern Combustion Engine (dùng LNG), nước ta cần khoảng trên 6,5 triệu tấn LNG nhập khẩu, cùng với khoảng 2 triệu tấn LNG bù thay thế dần khí Đông Nam bộ cho các nhà máy điện Phú Mỹ, Bà Rịa. Nếu chúng ta không xác định rõ hạ tầng cảng và kho cho nhập LNG, sẽ không đủ khí cấp cho các nhà máy điện (kể từ năm 2022).

Riêng với các chuỗi dự án điện khí Ô Môn, Cá Voi Xanh, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng: Nhà nước cần đưa các dự án này vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia. Bởi từ khâu thượng nguồn (khai thác khí) đến trung nguồn (đường ống - nhà máy xử lý khí) và hạ nguồn (nhà máy điện), nếu cứ mỗi bước triển khai lại vướng mắc quy định, thủ tục, các bộ, ngành lại đùn đẩy, sợ trách nhiệm, Chính phủ thiếu quyết liệt thì sẽ lại trượt tiến độ như lâu nay./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động