RSS Feed for Nhu cầu than cho sản xuất điện và giải pháp thực hiện (Kỳ 1) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 10:45
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhu cầu than cho sản xuất điện và giải pháp thực hiện (Kỳ 1)

 - Có ý kiến cho rằng, thế giới có xu hướng giảm sử dụng than và nhiệt điện than, điều đó là chưa đúng thực tế, mà một số nước giảm, nhưng có một số nước tăng tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng nước. Đối với Việt Nam, theo chúng tôi, cần phải tiếp tục phát triển than và nhiệt điện than là tất yếu - là nhiệm vụ sống còn để đáp ứng nhu cầu điện, đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một số vấn đề về cung cầu than cho nền kinh tế Việt Nam
Than Indonesia trong cân bằng năng lượng Việt Nam
Thị trường than ASEAN và những rủi ro của Việt Nam

KỲ 1: NHU CẦU THAN CHO SẢN XUẤT ĐIỆN

"Quy hoạch điều chỉnh phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030" được phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quy hoạch điện VII - điều chỉnh) đã đề ra định hướng phát triển nhiệt điện than.

Cụ thể: "Khai thác tối đa nguồn than trong nước cho phát triển các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên sử dụng than trong nước cho các nhà máy nhiệt điện khu vực miền Bắc. Đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, sản xuất khoảng 131 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than; năm 2025, tổng công suất khoảng 47.600 MW, sản xuất khoảng 220 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than; năm 2030, tổng công suất khoảng 55.300 MW, sản xuất khoảng 304 tỷ kWh, chiếm khoảng 53,2% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than. Do nguồn than sản xuất trong nước hạn chế, cần xây dựng một số nhà máy nhiệt điện tại các trung tâm điện lực: Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Long An, vv... sử dụng nguồn than nhập khẩu".

Theo số liệu cập nhật mới [4], nhu cầu than cho sản xuất điện có thể cao hơn số dự báo nêu trên. Theo đó, năm 2020: 66,8 triệu tấn, năm 2025: 107,8 triệu tấn, năm 2030: 135,3 triệu tấn và nhu cầu than của toàn nền kinh tế là: năm 2020: 94 triệu tấn, năm 2025: 138 triệu tấn, năm 2030: 165 triệu tấn.

Nhu cầu than gia tăng nêu trên của nền kinh tế nói chung và cho sản xuất điện nói riêng là cần thiết và hoàn toàn có thể chấp nhận được - xét trên mọi phương diện: nhu cầu điện, mức sử dụng than, vai trò của than trong đảm bảo an ninh năng lượng và mức phát thải khí nhà kính (CO2) của nước ta.

Chẳng hạn, đến 2016 sản lượng điện bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ đạt 1.995 kWh, bằng 56,65% bình quân của thế giới và 69% bình quân của Thái Lan [5]; đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 4.500 kWh/người, chỉ cao hơn khoảng 35% so với bình quân của thế giới năm 2016, khi đó tỉ trọng nhiệt điện than chiếm khoảng 53,2% tổng sản lượng điện sản xuất, vẫn còn rất thấp so với nhiều nước hiện nay. Ví dụ như: Nam Phi 93,8%, Ba Lan 86,7%, Trung Quốc 79%, Hồng Kông 71,2%, Úc 68,6%, Ấn Độ 67,9%, vv... [7].

Hoặc, mức sử dụng than tính theo bình quân đầu người năm 2016 của Việt Nam là 0,23 TOE, bằng 45,7% bình quân của thế giới và rất thấp so với Úc, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, vv... kể cả sau khi các nước này giảm sử dụng than theo mục tiêu đã đề ra [5], và với nhu cầu than dự báo nêu trên thì đến năm 2030 mức tiêu hao than bình quân đầu người của Việt Nam cũng chỉ bằng mức của Nhật Bản hiện nay.

Hoặc, tổng phát thải khí CO2 năm 2016 của Việt Nam là 167 triệu tấn, chiếm 0,5% của thế giới và chỉ bằng 40% bình quân đầu người của thế giới và rất thấp so với các nước công nghiệp phát triển, chỉ bằng 10,9% bình quân đầu người của Mỹ [5].

Có một số ý kiến cho rằng, thế giới có xu hướng giảm sử dụng than và nhiệt điện than, điều đó là chưa đúng thực tế, mà một số nước giảm, nhưng có một số nước tăng tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng nước.

Cụ thể là, sau quá trình tăng liên tục thì từ 2015 sản lượng than sử dụng của toàn thế giới giảm, nhưng chủ yếu là do Trung Quốc và Mỹ. Năm 2015, thế giới giảm 104,7 triệu TOE so với 2014. Trong đó, Trung Quốc giảm 40,9 và Mỹ giảm 61,7 triệu TOE (tổng cộng 2 nước giảm 102,6 triệu TOE), số giảm còn lại của một số nước khác chỉ là 2,1 triệu TOE. Năm 2016 toàn thế giới giảm 52,7 triệu TOE so với 2015. Trong đó, Trung Quốc giảm 26,0 triệu TOE và Mỹ giảm 33,4 triệu TOE (tổng cộng 2 nước giảm 59,4 triệu TOE).

Như vậy, có một số nước sử dụng tăng thêm gần 7 triệu TOE. Trung Quốc giảm chủ yếu là vì đã sử dụng quá mức, gây ô nhiễm trầm trọng ở trong nước. Tuy nhiên, mức sử dụng than bình quân đầu người vẫn khoảng 2,5 tấn. Nước Mỹ giảm chủ yếu là do tăng sử dụng dầu và khí đốt có lợi thế hơn sử dụng than (năm 2016 so với 2015: dầu tăng 6,6 triệu TOE và khí đốt tăng 5,8 triệu TOE). Tuy nhiên, mức sử dụng than bình quân đầu người vẫn trên 2 tấn, quá cao so với bình quân đầu người của thế giới (khoảng 1 tấn). Còn một số nước giảm chủ yếu là do nguồn tài nguyên than trong nước suy giảm.

Nói chung, việc sử dụng than của các nước chủ yếu tuy thuộc vào tiềm năng tài nguyên năng lượng sơ cấp nói chung và tài nguyên than nói riêng của từng nước. Các nước có tiềm năng tài nguyên than vẫn ưu tiên sử dụng than, thậm chí một số nước không, hoặc có ít tài nguyên than như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaixia, Philipin, vv... vẫn gia tăng sử dụng than.

Tóm lại, trường hợp giảm sử dụng than và nhiệt điện than của Mỹ và Trung Quốc có thể ví như một đại gia và một trung niên quá "béo phì" cần phải giảm ăn để giảm "béo" - đó là lẽ đương nhiên, không có gì đáng để cổ súy như một số phương tiện thông tin đại chúng đã làm. Hơn nữa, trên thực tế việc giảm sử dụng than và nhiệt điện than của hai nước này đang trong giai đoạn "tuyên truyền" là chính.

Đặc biệt, vừa qua, Mỹ đã hủy bỏ quy định hạn chế khai thác than và dầu, đồng thời hủy bỏ cam kết COP21-Pari. Còn Việt Nam có thể ví mới chỉ như "một thiếu niên gầy gò đang tuổi ăn, tuổi lớn" không thể bắt chước Trung Quốc và Mỹ "giảm ăn" để "giảm béo" - đó chỉ là sự tự hủy diệt mà thôi.

Đối với Việt Nam phải tiếp tục phát triển than và nhiệt điện than là tất yếu - là nhiệm vụ sống còn để đáp ứng nhu cầu điện, đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm thực hiện mục tiêu "Dân giàu, Nước mạnh" như đã đề ra. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, trong quá trình phát triển sắp tới, Việt Nam cần phải lưu ý bài học kinh nghiệm của các nước đi trước. (Đón đọc kỳ tới)

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

Tài liệu tham khảo:

1. Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

2. “Đề án Tái cơ cấu ngành than Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” phê duyệt tại Quyết định số 12750/2015/QĐ-BCT ngày 20/11/2015 của Bộ Công Thương.

3. Điều chỉnh “Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030” được phê duyệt theo Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/3/2016.

4. Khái quát Quy hoạch than 403/2016 và cập nhật nhu cầu than cho nền KTQD đến năm 2030, những khó khăn và thách thức, đề xuất các giải pháp. Tập thể tác giả. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đáp ứng nhu cầu than của nền kinh tế - Hiện trạng và giải pháp” của Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam. Nhà xuất bản Công Thương, tháng 8/2017.

5. BP Statistical Review of World Energy June 2017.

6. Niên giám Thống kê Việt Nam 2016.

7. PGS.TS. Trương Duy Nghĩa: Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường. Kỷ yếu hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ơe Việt Nam” do Ủy ban KH,CN & MT Quốc hội và Hội KHKT Nhiệt Việt Nam tổ chức ngày 29/8/2017.

8. Phan Ngô Tống Hưng: Than Indonesia trong cân bằng năng lượng Việt Nam. Năng lượng Việt Nam online 13.35h ngày 23/8/2017.

9. Phan Ngô Tống Hưng: Thị trường than ASEAN và những rủi ro của Việt Nam. Năng lượng Việt Nam online 7.3h ngày 18/8/2017.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động