RSS Feed for Nhiệt điện than vẫn giữ mức đáng kể trong cơ cấu nguồn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 04:24
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhiệt điện than vẫn giữ mức đáng kể trong cơ cấu nguồn

 - Quy hoạch điện VII sau khi được hiệu chỉnh đã giảm tỷ trọng nhiệt điện than và tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu phát triển nguồn điện, một điểm mới so với phương án cơ sở của Quy hoạch điện VII, vào năm 2030 nhiệt điện than sẽ chiếm 56% trong công suất dự báo và 62% trong tổng điện lượng dự báo.

Bến đổi khí hậu và xu thế phát triển nhiệt điện than trên thế giới

Những bàn thảo, khuyến nghị cho quy hoạch và phát triển năng lượng tái tạo và nhiệt điện than theo hướng bền vững hơn trong mối liên hệ với Chiến lược Tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam đã được đưa ra trong Hội thảo “Phát triển năng lượng- Tăng trưởng Xanh- Biến đổi khí hậu: Nỗ lực và Khoảng trống”, do Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) tổ chức ngày 24/3 tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia,nếu có sự dịch chuyển mạnh từ năng lượng nhiệt điện sang năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể thành công thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Đến

Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính, phát thải khí nhà kính của chỉ riêng việc đốt nhiên liệu trong ngành sản xuất năng lượng (nhiệt điện) của Việt Nam chiếm tới 31,1% tổng phát thải khí nhà kính năm 2020 và lên đến 51% tổng phát thải khí nhà kính năm 2030.

Tại Hội nghị Cop 21, Thủ tướng Việt Nam đã cam kết “giảm phát thải so với kịch bản cơ sở 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế”.

Quy hoạch điện VII được hiệu chỉnh, năng lượng tái tạo đang đứng trước cơ hội phát triển trong bối cảnh Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến 2030, tầm nhìn đến 2050 đã ban hành, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Xét về cơ cấu nguồn điện hay giá thành, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng - Bộ Công Thương khẳng định: “Dù không mong muốn, nhưng tỷ trọng nhiệt điện than vẫn tiếp tục giữ ở mức đáng kể trong cơ cấu nguồn điện”.

Ngành năng lượng đang chịu nhiều áp lực như: Duy trì tăng trưởng GDP ở mức cao, khoảng 7%/năm; chính sách thu hút đầu tư chưa đủ hấp dẫn; các quyết định chính sách chưa sát thực tế; khởi nghiệp rất hạn chế; không có công nghệ cốt lõi... trong khi đó, áp lực thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đầu tư cho tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn tài chính lớn...

Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo cũng đứng trước những thách thức về cơ chế, biểu giá điện chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư, chưa có quy hoạch phát triển...

Trong ngắn hạn, ông Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo việc áp dụng tối đa các giải pháp công nghệ tiên tiến, hiệu quả, giảm nhẹ tác động tới môi trường - xã hội. Cạnh đó, Nhà nước cần sớm ban hành các cơ chế thích hợp, đủ mạnh để thực sự khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, công cụ kinh tế.

Ông Lê Đức Chung - Chuyên gia dự án CIGG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, nếu không có hành động đủ mạnh, lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.

“Các nguồn năng lượng mới cần phải được triển khai trên quy mô tương đương với cách mạng công nghiệp”, ông Chung nói.

Theo vị đại diện đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhà nước cần xây dựng Quy hoạch tổng thể về năng lượng tái tạo, đồng thời đưa ra các cơ chế chính sách cụ thể nhằm thu hút nguồn lực đầu tư phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo, để từ đó giảm dần tỷ lệ nhiệt điện than.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động