Nhân lực, yếu tố then chốt trong mục tiêu phát triển điện
07:37 | 06/02/2017
Chủ tịch EVN kiểm tra công tác chuẩn bị điện phục vụ APEC
Độ tin cậy cung cấp điện của HCMC vượt chỉ tiêu
DƯƠNG QUANG THÀNH, BÍ THƯ ĐẢNG ỦY, CHỦ TỊCH HĐTV EVN
Chủ động vượt khó
Năm qua, EVN thực hiện kế hoạch trong điều kiện không thuận lợi khi mức nước các hồ thủy điện (đến cuối năm 2015) hụt khoảng 2,5 tỷ kW giờ. Dịp cuối năm, mưa lũ diễn ra liên tục ở các tỉnh miền trung và Tây Nguyên ảnh hưởng lớn cung cấp điện, gây thiệt hại các công trình ước khoảng 350 tỷ đồng. Do đó, Ðảng ủy Tập đoàn chỉ đạo phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, vận hành hệ thống điện, kế hoạch khai thác hồ thủy điện để cân đối giữa sản xuất điện và cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn và chống lũ vùng hạ du.
Trong khi đó, tác động từ biến động tỷ giá, các chi phí đầu vào đều tăng, chi phí khắc phục thiệt hại do thiên tai đối với lưới điện tăng đáng kể đã tạo áp lực lớn đối với tình hình tài chính của Tập đoàn.
Trên cơ sở đó, Ðảng ủy Tập đoàn đã chỉ đạo cấp ủy các đơn vị trực thuộc, bám sát thực tế, dự báo tình hình để có giải pháp kịp thời tại chỗ và "dài hơi" để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, hạn chế thấp nhất rủi ro. Công tác điều hành hệ thống điện, thị trường điện bám sát nhu cầu sử dụng điện và diễn biến thủy văn, huy động hợp lý các nguồn điện, góp phần tối ưu hóa chi phí sản xuất và mua điện của EVN. Các nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 vận hành ổn định vượt kế hoạch gần một tỷ kW giờ, góp phần quan trọng bảo đảm cấp điện cho miền nam. Tập đoàn đã chủ động phối hợp ngành thủy lợi, cấp hơn ba tỷ m3 nước phục vụ gieo cấy ở đồng bằng Bắc bộ. Mùa khô năm 2016, EVN đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước cho hạ du miền trung và Tây Nguyên.
Cùng với việc đẩy nhanh các tiến độ dự án đầu tư xây dựng, EVN cũng chú trọng ứng dụng công nghệ mới để nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống điện, nâng cao hiệu suất các nhà máy điện, độ tin cậy cung cấp điện. Ðảng ủy Tập đoàn đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, nhiều giải pháp cụ thể tập trung củng cố hệ thống quản lý chất lượng xây dựng công trình. Nhờ đó, EVN đã hoàn thành đưa vào phát điện năm tổ máy với tổng công suất 2.305MW. Các dự án cấp bách cấp điện cho miền nam tại các Trung tâm Ðiện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải và các dự án trọng điểm cơ bản bám sát mục tiêu tiến độ; hoàn thành nghiệm thu bàn giao sản xuất năm công trình gồm: Thủy điện Lai Châu, Huội Quảng; Nhiệt điện Mông Dương 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1; đóng điện 297 công trình lưới điện, trong đó có nhiều công trình lưới điện đồng bộ các nguồn điện, bảo đảm cấp điện cho miền nam, Hà Nội, các khu vực kinh tế trọng điểm...
Ðáng chú ý là trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, với việc áp đặt cứng tiêu chí phải nâng cao chất lượng điện xuống các đơn vị thành viên, tổng thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI) trong năm 2016 của EVN còn 1.579 phút (khoảng 26,3 giờ), giảm 25,1% so năm 2015. Tần suất mất điện kéo dài bình quân (SAIFI) là 10,23 lần/khách hàng, giảm 23%. Tần suất mất điện thoáng qua bình quân (MAIFI) 1,94 lần/khách hàng, giảm 4,35%.
Trong việc giải quyết cấp điện đối với lưới trung áp, thời gian giải quyết bình quân của điện lực là 7,3 ngày (năm 2015 là 14 ngày) ít hơn so chỉ tiêu 10 ngày, góp phần cải thiện Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đứng ở vị trí 96 trên 190 (tăng năm bậc so năm 2015)... Ðộ tin cậy cung cấp điện và mức độ hài lòng của khách hàng đều đạt như mục tiêu phấn đấu. Ðiểm bình quân mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện toàn EVN năm 2016 là 7,69 trên 10 điểm, tăng 0,42 điểm so năm 2015...
Nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực
Một trong những trọng tâm của Ðảng ủy Tập đoàn là hoàn thành Ðề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2016-2020; rà soát, xây dựng mới hệ thống Quy chế quản lý nội bộ để triển khai áp dụng thống nhất, hiệu quả trong hoạt động quản lý điều hành. Trong năm, EVN đã hoàn thành công tác lập và thẩm định các đề án tách bộ phận sửa chữa, bảo dưỡng và các dịch vụ phụ trợ với bộ phận quản lý vận hành lưới điện truyền tải, phân phối và các nhà máy điện...
Ðảng bộ Tập đoàn cũng đã xác định bảy nhiệm vụ trong chỉ đạo, điều hành, trong đó, đào tạo phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Về nguồn nhân lực quản lý, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và năng lực tốt, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Về nguồn nhân lực vận hành, EVN đã từng bước sẵn sàng cho đội ngũ chuyên gia kỹ thuật chuyên sâu lý thuyết cơ sở và kiến thức chuyên môn, nắm bắt công nghệ mới, xu hướng sẽ thay thế dần chuyên gia, tư vấn nước ngoài. Tập đoàn đã xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, có tính kỷ luật công nghiệp, bảo đảm an toàn lao động, nâng cao năng suất lao động sản xuất, kinh doanh trực tiếp. Tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo kỹ sư tài năng, chương trình đào tạo sau đại học tại các quốc gia phát triển. Triển khai các chương trình đào tạo chuyên gia chuyên sâu cho các lĩnh vực chủ chốt như quản lý vận hành hệ thống điện, nhiệt điện… Hoàn thiện chương trình đào tạo, cơ chế quản lý và đãi ngộ chuyên gia, tạo cơ hội học tập thường xuyên, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống điện, hướng đến những tiêu chuẩn khu vực và thế giới.
Với mục tiêu "cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng tốt hơn", đáp ứng sự hài lòng của khách hàng dùng điện, nguồn nhân lực chăm sóc và dịch vụ khách hàng không thể thiếu sự chuyên nghiệp. Ðó là cơ sở để EVN tiếp tục thực thi hiệu quả văn hóa doanh nghiệp, tiếp tục áp dụng quy trình chăm sóc khách hàng, với những chỉ tiêu cụ thể và thường xuyên đào tạo, chấn chỉnh đội ngũ nhân viên trực tiếp giao dịch với khách hàng.
Trên cơ sở tính toán cung cầu điện thương phẩm năm 2017 tăng 11,5% so năm 2016, Tập đoàn nhận định, hệ thống điện bảo đảm cung ứng đủ điện cho phụ tải, hệ thống truyền tải Bắc - Nam tiếp tục giữ vai trò hết sức quan trọng với sản lượng truyền tải 20 tỷ kW giờ. Hướng tới chủ đề năm 2017 là "Ðẩy mạnh khoa học công nghệ", nhóm giải pháp tăng cường áp dụng khoa học công nghệ được cấp ủy đặt "áp lực" cao với các nhiệm vụ trọng tâm: phát triển công nghệ mới, hiện đại trong quản lý vận hành và đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, năng lượng tái tạo; tăng cường độ tin cậy và hiệu quả trong vận hành lưới điện truyền tải. Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong điều hành các nhà máy điện, trạm biến áp, công tác dịch vụ khách hàng, vận hành thị trường điện... Triển khai chương trình phát triển lưới điện thông minh; các trung tâm điều khiển, các trạm biến áp không người trực; triển khai các giải pháp sửa chữa không cắt điện…
NangluongVietnam Online