Ngày xuân bàn ‘huyệt đạo’ ngành Năng lượng Việt Nam
07:02 | 13/02/2015
Ngành năng lượng Việt Nam đã thực sự là động lực cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhưng bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn tồn tại nhiều bất cập, làm hạn chế tiến trình phát triển về số lượng và đặc biệt về chất lượng.
“Huyệt” Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia:
Ngành năng lượng (bao gồm các phân ngành điện, than, dầu - khí và nay đã hình thành thêm phân ngành năng lượng tái tạo, hạt nhân). Tuy nhiên, trong cả quá trình phát triển vừa qua, chúng ta vẫn xem các phân ngành năng lượng tồn tại và phát triển khá biệt lập. Cho tới 2014, khi xây dựng các quy hoạch phân ngành năng lượng riêng lẻ, gồm: 7 Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (QHĐ), 5 Quy hoạch phát triển ngành than (QHT), 3 Quy hoạch phát triển dầu - khí (QHDK) và 1 dự thảo Quy hoạch năng luợng tái tạo (NLTT), chúng ta chưa có một Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia (QHTTNLQG) nào.
Các quy hoạch phân ngành đã góp phần định hướng quan trọng cho sự phát triển các phân ngành năng lượng. Nhưng quá trình thực hiện đã thể hiện nhiều bất hợp lý, thiếu đồng bộ. Cụ thể:
- Thời gian quy hoạch chưa thống nhất, chưa bao giờ các quy hoạch phân ngành được lập đồng thời.
- Tư liệu, số liệu phục vụ quy hoạch thiếu thống nhất, thiếu tin cậy, thiếu thẩm định.
- Các nội dung quy hoạch chưa được xem xét, tính toán một cách đồng bộ, dẫn tới khập khiễng, thiếu thống nhất.
- Cơ cấu, tỷ lệ đầu tư bất hợp lý giữa các phân ngành, giữa các giai đoạn quy hoạch.
Chính vì những tồn tại, bất cập này, nhiều quy hoạch chỉ thực hiện vài ba năm đã thấy không hợp lý, điển hình là Quy hoạch điện VI, sau 5 năm thực hiện chỉ đạt được trên 50% kế hoạch, QHĐ VII giai đoạn 2011 - 2020 và có xét đến 2030, chỉ thực hiện 2 - 3 năm đã thấy không thể đạt chỉ tiêu đề ra, đang phải nghiên cứu hiệu chỉnh, Quy hoạch dầu - khí, than cũng với tình trạng tương tự, hiện đang được hiệu chỉnh và xây dựng.
Để khắc phục tình trạng thiếu thống nhất, bất cập này, Luật Điện lực (sửa đổi 2013) đã quy định về Quy hoạch điện lực quốc gia, tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Quy hoạch phát triển điện lực phải phù hợp với quy hoạch các nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện gồm cả nguồn năng lượng tái tạo và có tính đến quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật”.
Với quy định này, có thể hiểu quy hoạch các phân ngành năng lượng nói chung và quy hoạch điện lực quốc gia nói riêng phải tuân thủ Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, mà luật Điện lực sửa đổi 2013 ghi là phải phù hợp với quy hoạch các nguồn năng lượng sơ cấp.
Tuy nhiên, các tập đoàn điện, than, dầu - khí đang nghiên cứu hiệu chỉnh, xây dựng quy hoạch vẫn thực hiện theo phương thức cũ. Nghĩa là vẫn xây dựng riêng lẻ, không tổ chức phối hợp để cùng xây dựng quy hoạch năng lượng sơ cấp và từ đó làm cơ sở khoa học và pháp lý cho quy hoạch phân ngành mình. Các nguồn năng lượng sơ cấp đáng ra phải được xem xét sớm, nay vẫn chưa được luận chứng, chưa tính toán cân đối tổng thể khả năng khai thác, tiêu thụ, xuất nhập khẩu. TKV, PVN đã ký hàng chục văn bản ghi nhớ, hợp đồng nhập than từ Indonesia, Australia… với khối lượng lớn (vài chục triệu tấn/năm trong những năm tới), kế hoạch nhập LNG giá cao cũng đang được xúc tiến! Mặt khác, các tập đoàn bây giờ không còn là đại diện duy nhất của phân ngành. Vì vậy, để xây dựng quy hoạch phân ngành rất cần sự phối hợp rộng rãi, nếu không kết quả chỉ là quy hoạch của từng tập đoàn.
Hiện nay, Việt Nam có đầy đủ khả năng pháp lý và nhân lực thực hiện Quy hoạch TTNLQG. Vấn đề quan trọng là cần một cơ quan chủ trì/nhạc trưởng, tổ chức, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan cùng thực hiện. Với tư cách quản lý nhà nước về năng lượng, Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương có thể chủ trì vấn đề này.
Đây là một “huyệt đạo” quan trọng, “bấm nó” có thể thúc đẩy quá trình đổi mới ngành năng lượng, đề nghị cương quyết thực hiện.
“Huyệt” cường độ năng lượng:
Để tiện so sánh, xin giới thiệu cường độ điện đối với GDP (CĐĐ-kWh/1USD), cường độ năng lượng (CĐNL- kgOE/1000USD) ở một số nước, vào năm 2010.
| Thái Lan | Nhật Bản | Hàn Quốc | CHLB Nga | CHLB Đức | Trung Quốc |
CĐĐ | 0,56 | 0,25 | 0,35 | 0,37 | 0,20 | 0,65 |
CĐNL | 199 | 154 | 239 | - | 164 | 231 |
Việt Nam đã có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thực hiện các chương trình, dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ), tuy hoạt động khá sôi nổi, nhưng tính lan tỏa và hiệu quả còn hạn chế.
CTMTQG về SDNLTK&HQ đã đề ra nhiều chỉ tiêu khá cụ thể cho từng lĩnh vực, về tổng quát giai đoạn 2006 - 2010 giảm 3 - 5% tổng tiêu thụ năng lượng. Giai đoạn hai 2011 - 2015 giảm 5 - 8%, với tổng kinh phí từ nhiều nguồn khoảng 930 tỷ đồng. Chương trình đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, từ nâng cao nhận thức, xây dựng quy phạm pháp luật, thực hiện các dự án TKNL ở các ngành và địa phương, tiêu thụ năng lượng ở một số ngành công nghiệp được đánh giá có tiến bộ như gốm sứ, vật liệu xây dựng…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương trong kỳ tổng kết Chương trình giai đoạn 2006 - 2010: Do nguồn lực có hạn, lại đầu tư dàn trải nên hiệu quả chưa cao, chưa đủ sức thu hút các doanh nghiệp tham gia, nhiều dự án manh mún, chưa đúng tầm mục tiêu quốc gia, nhiều đơn vị còn trông chờ, ỷ lại nhà nước, công tác chỉ đạo thiếu quyết liệt, đặc biệt vai trò khoa học công nghệ còn thiếu vắng.
Nội dung tiết kiệm năng lượng là rất quan trọng, là nhiệm vụ chiến lược, được xem là quốc sách, nhưng chỉ với các biện pháp tiết kiệm, dù có thực hiện được mục tiêu đề ra, cũng không thể giảm được cường độ năng lượng như các nước đã giới thiệu trên.
Năm 2012, CĐĐ nước ta là 1,2 kWh/1USD, theo dự báo của QHĐ VII vào 2020 là 1,5; vào 2030 là 1,7 - 2 kWh/USD. Như vậy, sẽ là thụt lùi với chính mình. Cường độ năng lượng nói chung cũng đang lớn gấp 2 lần các nước. Đồng thời hệ số đàn hồi điện đối với GDP, hiện nay là 1,6 - 1,7, Chính phủ yêu cầu giảm xuống 1 vào 2020 cũng không thể đạt được.
Cơ cấu phát triển các ngành kinh tế chưa hợp lý dẫn tới cường độ năng lượng, cũng như cường độ điện đối với GDP còn rất cao. Đối với các nước đang phát triển, cường độ năng lượng, cường độ điện cao hơn các nước phát triển là hợp lý, nhưng không thể cao hơn 2 - 3 lần như đã trình bày trên. Thể hiện sử dụng năng lượng của nước ta còn kém hiệu quả, dẫn tới chi phí sản xuất cao, tính cạnh tranh thấp.
Nói vui là như ngày Tết, ăn tiêu nhiều mà sản phẩm không mấy giá trị!
Việc tiết TKNL quan trọng và Việt Nam có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, để giảm tiêu thụ năng lượng nhiều hơn, nền kinh tế cần phát triển các ngành tiêu thụ năng lượng thấp mà đem lại giá trị gia tăng cao, giảm dần các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng (nếu không phải là bắt buộc) mà giá trị gia tăng thấp.
Hiện nay, công nghiệp Việt Nam tiêu thụ 52,5% điện năng, 38,6% tổng năng lượng thượng mại (NLTM) mà chỉ làm ra 32,5%GDP, trong đó sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, thép… được đánh giá là tiêu tốn nhiều năng lượng. Trong khi đó nông - lâm - ngư nghiệp vốn là những ngành tiêu thụ ít năng lượng, vừa qua chỉ tiêu thụ 1,4% tổng điện năng, 1,28 % tổng NLTM mà đem lại 22%GDP.
Phải chăng chúng ta chưa làm tốt việc cung cấp năng lượng và nội dung điện khí hóa trong nông nghiệp? Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp nhẹ, dịch vụ, thường được xem là “đầu tư ngắn ngày mau ăn”, đặc biệt các ngành công nghệ cao, thiếu định hướng chiến lược. Nghĩa là chúng ta cần cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. Thời đại ngày nay không thể định hướng công nghiệp hóa kiểu tiền tư bản, mà cần hướng tới hiện đại hóa và kinh tế tri thức, có như vậy mới giảm được CĐNL và tránh được tụt hậu.
Định mức năng lượng là một nội dung, một công cụ quan trọng trong hoạt động và quản lý hiệu quả năng lượng, nhưng một thời gian dài vừa qua chúng ta buông lỏng. Một số ý kiến cho rằng: Trong nền kinh tế thị trường không cần quản lý định mức năng lượng, dẫn tới giải tán Viện Định mức ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trước đây. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều nghiên cứu và sử dụng định mức năng lượng. Sử dụng năng lượng theo định mức tiên tiến không những là thực hiện tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, góp phần giảm cường độ năng lượng, mà về mặt xã hội còn thể hiện sự bình đẳng của mọi công dân đối với tài nguyên năng lượng của đất nước.
Đây là “huyệt đạo” có tính lan tỏa lớn, mọi ngành, mọi đơn vị sản xuất và sử dụng năng lượng đều phải lưu tâm, đổi mới cơ cấu mô hình tăng trưởng.
“Huyệt” giá năng lượng:
Giá cả là đòn bẩy của quá trình sản xuất xã hội, Việt Nam đang chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường; Nhà nước đang quan tâm đến chính sách giá nói chung và đặc biệt giá năng lượng nói riêng. Tuy nhiên, hậu quả của kinh tế bao cấp vẫn còn kéo dài, thể hiện tính độc quyền và thiếu tương quan giữa các dạng năng lượng.
Thực trạng định giá điện, than, dầu, khí ở Việt Nam hiện nay chủ yếu do các tập đoàn sản xuất thực hiện và Bộ Công Thương phê duyệt. Tức là phía cung (thiếu chính sách thống nhất), phía cầu (thiếu vai trò người tiêu dùng). Về mặt tổ chức thị trường cũng đang thiếu vắng người “nhạc trưởng” - Cơ quan quản lý. Điều này đã dẫn tới các tập đoàn sản xuất năng lượng thường kêu lỗ, khi tăng giá thiếu đồng thuận của cộng đồng, giá các dạng năng lượng thiếu hài hòa, khập khiễng.
Việc định giá các loại năng lượng là một công việc công phu, khoa học, thường phải tuân thủ một số nguyên tắc xuất phát từ: (i) Tiềm năng năng lượng và môi trường của đất nước, (ii) Phù hợp mức độ phát triển của nền kinh tế, (iii) Hài hòa giữa hiệu quả sản xuất, tài chính và công bằng xã hội, (iv) Hài hòa giữa thị trường trong ngoài nước và vai trò quản lý của nhà nước.
Sẽ rất phiến diện, nếu cứ nhìn giá ở nước này, nước kia để điều chỉnh.
Trong nền kinh tế thị trường, việc định giá năng lượng thường được dựa trên cơ sở chi phí biên dài hạn đối với các dạng năng lượng thông qua tính toán quy hoạch tổng thể và quy hoạch các phân ngành năng lượng. Trên cơ sở chi phí biên được xác định, sẽ xây dựng giá cho các dạng năng lượng ở hiện tại và cho cả tương lai. Mặt khác, người ta còn nghiên cứu cả giá tương đối để so sánh các dạng năng lượng có thể thay thế cho nhau. Giá tương đối phản ảnh mức độ ưa chuộng của người tiêu dùng và khả năng cung ứng các dạng năng lượng theo những điều kiện kỹ thuật nhất định.
Từ lâu, nhiều nước có nền kinh tế thị trường đã sử dụng chi phí biên để làm cơ sở cho việc định giá năng lượng. Nhưng ở nước ta, cho tới nay, tính toán chi phí biên chỉ mới dừng lại trong phạm vi nghiên cứu với điện năng và cũng chưa trở thành quy định đối với công tác định giá năng lượng.
“Huyệt đạo” này có tính lan tỏa rộng lớn, cần được khơi thông thì thị trường năng lượng, mà đặc biệt là thị trường điện mới có thể phát triển, giá các dạng năng lượng mới có thể hài hòa, minh bạch.
Ngành năng lượng Việt Nam thời gian qua tuy đạt nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần được đổi mới. Một số “huyệt đạo” bàn luận trên, thực chất là phản ánh tâm huyết về những tồn tại, những điểm yếu cần được tập trung tháo gỡ, cũng chính là những nội dung có tính đột phá, chữa trị tốt sẽ có tính lan tỏa rộng, góp phần đổi mới cơ cấu và mô hình phát triển ngành năng lượng.
Đón năm Ất Mùi, cũng là lúc chúng ta vừa mừng ngành Điện lực Việt Nam tròn 60 tuổi. Nhìn lại chặng đường đã qua, ngành Năng lượng nói chung và phân ngành điện nói riêng đã có những bước tiến quan trọng. Năm 1954, công suất điện chỉ 31,5 MW, đến nay hệ thống điện quốc gia đã có tổng công suất khoảng 34.000 MW, sản xuất điện 2014 khoảng 140 tỷ kWh; than khai thác trên 40 triệu tấn, dầu khai thác khoảng 17 triệu tấn và khí 10 tỷ m3, năng lượng tái tạo bước đầu khai thác sử dụng hiệu quả./.
PGS, TS. BÙI HUY PHÙNG - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM