RSS Feed for Ngành Than Việt Nam: Trước thách thức và vận hội mới | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 09:40
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ngành Than Việt Nam: Trước thách thức và vận hội mới

 - “Trong năm 2014, sẽ mở ra cho ngành Than nhiều triển vọng để phát triển một cách ổn định hơn, nhưng chắc chắn còn không ít khó khăn về cơ chế chính sách, giá bán, vấn đề thăm dò, khai thác, thuế, phí… Tuy nhiên, bản tính người dân Việt Nam khi càng khó khăn thì càng “ló cái khôn”, sức bật, sự vươn lên càng mạnh mẽ, nên tôi tin chính trong sự gian khó thì bản thân mỗi doanh nghiệp kể cả quốc doanh và ngoài quốc doanh đều có động lực vươn lên để tồn tại và phát triển”. Nhân dịp năm mới, ông Trần Xuân Hòa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Toàn soạn Năng lượng Việt Nam/ NangluongVietnam.vn về những định hướng của ngành Than Việt Nam trong thời gian tới.

>> Vinacomin phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 3,5 triệu tấn than trong tháng 1
>> Vinacomin ký hợp đồng phối hợp kinh doanh năm 2014
>> Vinacomin quyết tâm giữ vững thị trường tiêu thụ than

Ông Trần Xuân Hòa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

PV: Ông có thể cho biết những kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cũng như những đóng góp của Vinacomin đối với sự phát triển kinh tế đất nước trong năm 2013?

Ông Trần Xuân Hòa: Năm 2013 vẫn là một năm rất khó khăn, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thông qua Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/01/2013 và các giải pháp điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Các bộ, ngành cũng đã có các chương trình, đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có biện pháp hỗ trợ về chính sách thuế, nên tình hình kinh tế trong nước đã có các kết quả tích cực ban đầu, góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng tăng trưởng.

Với riêng Vinacomin, chúng tôi cũng đã chủ động đề ra nhiều giải pháp. Đặc biệt là tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực tiết giảm chi phí, giảm giá thành để nâng cao hiệu quả. Do vậy, dù khó khăn, nhưng Tập đoàn vẫn cơ bản hoàn thành nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho là sản xuất, cung cấp đầy đủ sản lượng than, điện và khoáng sản để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế đất nước. Tuy đến thời điểm này, số liệu tổng kết chưa phải là con số cuối cùng nhưng chúng tôi dự kiến kết thúc năm 2013, Vinacomin sẽ hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch điều chỉnh năm 2013, thấp hơn so với kế hoạch đầu năm, nhưng tương đương mức thực hiện năm 2012. Cụ thể là:

Doanh thu toàn Tập đoàn ước thực hiện 96.300 tỷ đồng (giảm 8.136 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm). Trong đó, doanh thu sản xuất than dự kiến đạt 54,3 ngàn tỷ đồng, doanh thu khoáng sản và cơ khí, doanh thu các sản phẩm khác đều đạt và tăng so với kế hoạch giao (đặc biệt là sản xuất điện doanh thu tăng cao và đạt trên 10.000 tỷ đồng). Lợi nhuận của Tập đoàn dự kiến đạt  2,5 ngàn tỷ đồng, bằng mức kế hoạch đầu năm đã giao.

Nhưng điều đáng nói nhất, trong năm qua, khi nền kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp trong các doanh nghiệp đều gia tăng, nhưng Vinacomin vẫn duy trì công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định cho gần 140.000 cán bộ, công nhân viên, với mức lương bình quân là 7,65 triệu/người/tháng, riêng sản xuất than là 8,1 triệu/người/tháng (tương đương năm 2012).

Với mức nộp ngân sách Nhà nước khoảng 11,5 ngàn tỷ đồng, Vinacomin là một trong những đơn vị đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt với tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn đã tạo được nhiều việc làm cho lao động, đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương.

PV: Ông có thể cho biết những giải pháp căn bản mà Vinacomin đã thực hiện để vượt qua những khó khăn, thách thức trong năm qua?

Ông Trần Xuân Hòa: Tập đoàn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác điều hành sản xuất phù hợp với tình hình thị trường tiêu thụ, tăng cường quản lý kỹ thuật, quản lý đầu tư, quản trị chi phí, quản lý sản phẩm và phối hợp kinh doanh, nhằm mục tiêu giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh chung toàn Tập đoàn.

Theo đó, Tập đoàn đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề tiêu thụ, về điều hành sản xuất và quản lý chi phí. Các biện pháp tập trung vào các nội dung như: Tăng cường công tác chế biến sâu than lẫn đất đá có giá thành thấp để tăng doanh thu và lợi nhuận; Tối ưu hoá các chỉ tiêu công nghệ, tập trung huy động các diện khai thác có điều kiện tốt hơn để giảm áp lực giá thành, tăng tỷ lệ thu hồi than, giảm tỷ lệ tổn thất than; Đàm phán với các đối tác để giảm đơn giá thuê ngoài, giảm giá mua vật tư, phụ tùng tối đa có thể; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện công tác điều hành sản xuất, tăng cường công tác quản trị, tiết giảm tiêu hao vật tư, phụ tùng, chi phí quản lý, chi phí sản xuất chung, tạo văn hoá chi tiêu tiết kiệm trong mọi lĩnh vực.

Vinacomin đã trình Chính phủ và các bộ liên quan, xem xét điều chỉnh giá bán than cho điện và bám sát giải quyết. Từ ngày 20/4/2013 giá bán than cho điện đã được điều chỉnh bằng giá thành năm 2011 đã được kiểm toán (so với giá thành 2013 bằng 86%) và từ ngày 1/8/2013 đã được điều chỉnh bằng giá thành kế hoạch năm 2013. Cùng đó, chúng tôi cũng báo cáo các bộ để giải quyết các vướng mắc về thuế và một số cơ chế chính sách khác liên quan…

PV: Ngoài tập trung sản xuất kinh doanh hoàn thành nhiệm vụ được giao thì vấn đề tái cơ cấu Vinacomin đang diễn ra như thế nào thưa ông?

Ông Trần Xuân Hòa: Theo lộ trình của Đề án tái cơ cấu Vinacomin đã được Thủ tướng phê duyệt thì đến nay Tập đoàn đã chuyển đổi xong 6 công ty TNHH MTV sản xuất than gồm: Công ty Than Mạo Khê, Công ty Than Nam Mẫu, Công ty Than Dương Huy, Công ty Than Thống Nhất, Công ty Than Khe Chàm thành chi nhánh thuộc Công ty mẹ. Các đơn vị đã hoạt động ổn định theo mô hình mới kể từ ngày 1/8/2013. Đối với các đơn vị sản xuất than 2 cấp là Công ty Than Hòn Gai, Công ty Than Hạ Long, Công ty Than Uông Bí theo lộ trình được thực hiện chuyển đổi kể từ ngày 1/1/2014.

Hiện chúng tôi đang triển khai các thủ tục cổ phần hóa 3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH MTV Vật tư, Vận tải và Xếp dỡ - Vinacomin, Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên (thuộc Tổng công ty Khoáng sản) và Công ty TNHH MTV Phát triển công nghệ và thiết bị mỏ (thuộc Viện Khoa học Công nghệ mỏ). Theo lộ trình, các đơn vị này đang tiến hành bán đấu giá cổ phần và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần kể từ ngày 1/1/2014. Các đơn vị khác đang thực hiện tái cơ cấu theo định hướng và lộ trình trong Đề án được duyệt.

Tôi rất tâm đắc câu nói của đồng chí Vũ Đức Đam khi còn là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: “Thay đổi hay là chết” để nói về việc tái cơ cấu tại mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Câu chuyện tôi muốn nói ở đây chính là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ ra sao khi nền kinh tế Việt Nam tiến tới hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới và khu vực. Chẳng hạn như đến năm 2015 khi khu vực Asean trở thành một thị trường chung, thì các biểu thuế xuất nhập khẩu gần như bằng 0%. Đó là còn chưa nói đến một số các hiệp định đang trong tiến trình đàm phán, nay mai sẽ được ký kết chính thức.

Do vậy liên tục mấy năm gần đây, Vinacomin đã có những chủ trương như không cho các đơn vị đầu tư mua sắm xe, thiết bị để phục vụ cho chở than, đất đá. Theo kế hoạch của chúng tôi hết năm 2015, việc vận chuyển than từ mỏ ra bến cảng tiêu thụ sẽ hoàn toàn sử dụng băng tải thay thế vận chuyển bằng đường bộ và đường sắt như hiện nay. Cùng đó, chúng tôi cũng chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, đấu thầu theo hình thức BOO, BOT để cho các thành phần kinh tế khác ngoài Nhà nước có cơ hội tham gia. Chúng tôi đã thành công ở dự án băng tải chở than từ mỏ đến Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê và Nhà máy nhiệt điện Mông Dương. Tới đây, một loạt dự án vận chuyển than, đất cũng sẽ sử dụng hình thức này.

PV: Ông có thể cho biết tiến độ thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Na Dương 2 đang diễn ra như thế nào? Theo tôi được biết, nguồn than ở mỏ Na Dương có hàm lượng lưu huỳnh rất cao, chỉ có thể phục vụ cho sản xuất điện của Nhà máy nhiệt điện Na Dương 1. Liệu có bất cập nào không về thời gian, sản lượng khai thác và tiến độ dự án nhiệt điện Na Dương 2 như trong quy hoạch đã được phê duyệt theo quyết định của Chính phủ không thưa ông?

Ông Trần Xuân Hòa: Trước hết, xin khẳng định Nhà máy nhiệt điện Na Dương 1 là một thành công của Vinacomin. Đúng là với nguồn than tại mỏ Na Dương có tính tự cháy cao, không thể dùng trong các lĩnh vực khác. Nhưng ngành Than đã kịp thời xây dựng được Nhà máy nhiệt điện Na Dương 1, sử dụng được tài nguyên cho sự phát triển của đất nước, tăng cường được tiềm lực cho Tập đoàn, đặc biệt tạo được nguồn thu cho ngân sách tỉnh Lạng Sơn, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biên giới. Với trữ lượng than tại mỏ Na Dương chúng tôi đã tính toán trước mắt là nâng gấp đôi công suất Nhà máy Na Dương 1. Tập đoàn đã báo cáo và được Chính phủ chấp thuận cho phép điều chỉnh thời gian vận hành của Nhà máy nhiệt điện Na Dương 2 sẽ bắt đầu từ năm 2018-2019.

Hiện nay, Tập đoàn cũng đang tích cực triển khai dự án này. Chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục sử dụng công nghệ của Nhật Bản đã được áp dụng tại Nhà máy nhiệt điện Na Dương 1. Thời gian qua, nhà máy đã chứng minh được hiệu quả trong sử dụng nguồn than có chất lưu huỳnh cao, tự cháy cao. Chúng tôi cũng đang tiến hành đàm phán với các đối tác nước ngoài để lựa chọn công nghệ và cũng được một số ngân hàng của Nhật Bản bày tỏ tiếp tục hỗ trợ việc thu xếp nguồn vốn ưu đãi để đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Na Dương 2. Chúng tôi tin rằng, dự án nhiệt điện Na Dương 2 sẽ thực hiện đúng tiến độ mà Chính phủ đã điều chỉnh.

PV: Về tình hình thu xếp nguồn vốn đầu tư mở rộng 28 mỏ than mới và cải tạo 61 mỏ cũ theo chỉ đạo của Chính phủ, Vinacomin gặp khó khăn gì thưa ông?

Ông Trần Xuân Hòa: Theo Quy hoạch phát triển ngành Than đã được Thủ tướng phê duyệt, riêng ngành Than mỗi năm cần vốn đầu tư từ 30 - 40 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,5 - 2 tỷ USD). Để vay được khoảng 1 tỷ USD cho đầu tư phát triển than thì chúng tôi cũng phải có ít nhất 30% vốn đối ứng. Đây là những khó khăn mà ngành Than phải đương đầu. Do vậy, bên cạnh phấn đấu gia tăng vốn tự có (vốn chủ sở hữu), chúng tôi đang phải tích cực triển khai xã hội hóa đầu tư để thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, giảm nguồn vốn đầu tư cho Nhà nước. Hai năm qua do những khó khăn khách quan và chủ quan làm cho hiệu quả kinh doanh sút giảm, chúng tôi đã không thể tăng tiền lương cho cán bộ công nhân viên. Đây cũng là cái khó cho việc thu hút được nguồn nhân lực, đặc biệt là thợ lò khi tỷ lệ khai thác hầm lò đang dần thay thế khai thác lộ thiên. Hiện nay, ngành Than không chỉ khai thác ở mức -100 m, -200 m mà bằng công nghệ lò giếng đứng đã xuống sâu mức -300m, -400m thậm chí là -500m so với mặt nước biển. Như vậy nhu cầu về vốn, thiết bị kỹ thuật đầu tư dự án ngày càng lớn trong điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, phức tạp.

Tương ứng như vậy thì giá thành ngày một cao, kể cả các mỏ lộ thiên hiện nay cũng đã vượt ngưỡng giới hạn giá thành để chuyển sang khai thác hầm lò. Nhiều mỏ lộ thiên hiện nay giá thành đã bằng, thậm chí còn cao hơn giá thành khai thác than hầm lò. Nhưng để chuyển được từ lộ thiên sang hầm lò cũng không phải là câu chuyện đơn giản. Không phải một sớm một chiều mà có thể chuyển đổi cả mấy nghìn công nhân khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò được.

PV: Nói như vậy có nghĩa là Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 cần hiệu chỉnh?

Ông Trần Xuân Hòa: Hiện nay, theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Công Thương, Vinacomin đang rà soát lại tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được phê duyệt theo Quyết định số 60/2012-TTg. Cho đến thời điểm này, tuy chưa có báo cáo chính thức, nhưng tôi có thể khẳng định Quy hoạch này rất khó khả năng thực hiện.

Nếu nói về sản lượng đáp ứng nhu cầu than năm 2015 phải đạt 50-55 triệu tấn thì trong năm 2013, tính cả sản lượng của Tập đoàn và Tổng công ty Đông Bắc chỉ mới đạt khoảng 40 triệu tấn. Như vậy rất khó để một năm nữa chúng tôi có thể tăng thêm 10-15 triệu tấn để đạt được mức 50-55 triệu tấn than.

Ngoài vấn đề trữ lượng, hiện nay việc thăm dò đảm bảo độ tin cậy cho quá trình khai thác vẫn chưa đủ độ chắc chắn. Bên cạnh đó việc cấp phép thăm dò, khai thác mỏ của Bộ Tài nguyên và Môi trường còn rất khó khăn. Tôi có thể lấy ví dụ như mỏ than Khe Chàm 2/4 lẽ ra phải đi vào khởi công từ cuối năm ngoái, chậm nhất là năm nay, nhưng đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa được cấp giấy phép, nên mọi việc vẫn trong trạng thái chuẩn bị.

Để ra được mỏ than hầm lò, công tác chuẩn bị và đầu tư xây dựng mất ít nhất khoảng 7 năm, nếu cứ kéo rê như thế này thì chắc chắn rất khó để ngành Than đảm bảo cung ứng than theo Quy hoạch được duyệt. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành rà soát lại toàn bộ các vấn đề của Quy hoạch và sẽ có báo cáo chính thức lên Thủ tướng và Bộ Công Thương về vấn đề hiệu chỉnh một số nội dung trong Quy hoạch.

Do vậy, theo tôi bài toán nhập khẩu than cần được cân nhắc sớm hơn nữa. Tuy rằng, Chính phủ giao cho Vinacomin làm đầu mối nhập khẩu than nhưng theo tôi, một mình Vinacomin cũng không thể đảm đương được việc cung ứng sản lượng than cho nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là than cho các nhà máy nhiệt điện. Chúng tôi ủng hộ sự tham gia của các Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị khác cùng chung gánh vác việc nhập khẩu than phục vụ nhu cầu nền kinh tế. Đây cũng là điều hết sức bình thường trong nền kinh tế thị trường hội nhập và toàn cầu hóa: chỗ nào thuận lợi và tốt hơn thì khai thác than sẽ cạnh tranh hơn.

Riêng với than antraxit của Việt Nam khi chúng ta đã quen với nhập khẩu than nhiệt năng (nồi hơi) để chạy các nhà máy nhiệt điện thì giá trị hòn than atraxit của Việt Nam sẽ càng được nâng lên. Khi đó chúng ta không phải dùng than atraxit của Việt Nam để đốt điện nữa mà dùng để phục vụ cho công nghiệp luyện kim, hóa chất cơ bản và xuất khẩu có giá trị cao hơn. Tôi hy vọng không lâu nữa, chúng ta sẽ quen với điều này, vì than nhiệt năng bao giờ cũng rẻ hơn than atraxit, nhưng vì chúng ta dùng than atraxit để đốt điện nên bị ép giá so với than nhiệt năng.

PV: Trong năm 2014 này, định hướng phát triển của Vinacomin là gì thưa ông?

Ông Trần Xuân Hòa: Sang năm 2014 này, chúng ta thấy bắt đầu có tín hiệu của sự phục hồi nền kinh tế. Đặc biệt hơn với ngành Than, trong năm 2014 trở đi một loạt các dự án nhiệt điện than của Vinacomin và của các đơn vị khác sẽ đưa vào vận hành nên nhu cầu than trong nước, đặc biệt là cho điện sẽ tăng lên. Vừa qua, Chính phủ cũng đã quyết định từ năm 2014 ngành Than sẽ được bán cho điện theo giá thành cộng lợi nhuận định mức để bắt đầu 2015 thực hiện giá bán than cũng theo thị trường. Điều này là động lực lớn để ngành Than có điều kiện tích lũy được nguồn vốn đầu tư phát triển trong chặng đường tiếp theo. Năm 2014, với thuận lợi như vậy, cũng mở ra cho ngành Than những triển vọng để tạo điều kiện phát triển một cách ổn định hơn. Nhưng bên cạnh đó thì ngành Than chắc chắn cũng gặp không ít khó khăn như đã nói về cơ chế chính sách, giá bán, vấn đề thăm dò, điều kiện khai thác, thuế, phí ngày càng tăng…

Tuy nhiên, bản tính người dân Việt Nam khi càng khó khăn thì càng “ló cái khôn”, sức bật, sự vươn lên càng mạnh mẽ. Nên tôi tin, chính trong sự gian khó thì bản thân mỗi doanh nghiệp kể cả quốc doanh và ngoài quốc doanh đều có động lực vươn lên để tồn tại và phát triển. Để thực hiện thành công việc tái cơ cấu nền kinh tế thì chính sự liên kết, phối hợp giữa các thành phần kinh tế Nhà nước và các thành phần kinh tế khác cũng sẽ là yếu tố để giúp nền kinh tế đất nước phát triển. Cùng với đó, là sự quyết liệt chỉ đạo thực hiện vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, mà quan trọng nhất là tái cơ cấu được lĩnh vực đầu tư công mới là nền tảng để thực hiện hai nội dung còn lại là tái cơ cấu tổ chức tín dụng và tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước. Tôi đề nghị cần có các ban chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu kinh tế với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Trong năm 2014 là năm Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng đồng nghĩa chỉ còn 1 năm để chúng ta sẵn sàng tham gia thị trường chung của khu vực Asean. Vì vậy, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Nhà nước được xem là vấn đề sống còn. Phát huy bài học tổng hợp của Chiến thắng điện Biên Phủ, đặc biệt là bài học huy động sức mạnh tổng hợp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Quốc hội và Chính phủ, tôi tin bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn, thách thức, tiến lên tầm cao mới và điều quan trọng là làm sao để chúng ta có những cơ chế, chính sách phù hợp, sát thực tiễn để tháo gỡ khó khăn hiện nay.

PV: Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN TÂM (thực hiện)

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Tình hình Campuchia: Chủ tịch đảng CNRP đã chạy trốn?
Tình hình chính trị Thái Lan: Quân đội đứng về phe nào?
Báo Mỹ phản biện thông tin vụ Kim Jong un xử chú Jang
Thông điệp của Tập Cận Bình vẫn là "giấc mơ Trung Quốc"
Suy ngẫm về thông điệp đầu năm của Thủ tướng

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động