RSS Feed for Một sự hiểu nhầm đáng tiếc về công tơ điện tử (bài 2) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 03/01/2025 03:49
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Một sự hiểu nhầm đáng tiếc về công tơ điện tử (bài 2)

 - Ý thức được vai trò của công tơ điện tử (trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh điện trước mắt) và tầm quan trọng của các giải pháp đo đếm từ xa (trong việc hình thành lưới điện thông minh trong tương lai), ngành điện đã có những bước đi cẩn trọng và phù hợp trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà cung cấp trọn gói thiết bị và giải pháp công nghệ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có thể đã có sự hiểu chưa đúng, ngành điện sẵn sàng thực hiện đầy đủ “chức năng giải trình”, với mong muốn dư luận cũng như người dân tiếp tục ủng hộ chủ trương của Chính phủ đã đề ra.

Một sự hiểu nhầm đáng tiếc về công tơ điện tử (bài 1)

Hội ĐỒNG PHẢN BIỆN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Lợi ích công tơ điện tử và lưới điện thông minh

Trong tương lai, cũng như trên thế giới, hệ thống điện của Việt Nam không thể thiếu các nguồn điện gió (công nghệ phong điện), điện mặt trời (công nghệ quang điện). Để các công nghệ này có thể phát triển và trở thành hiện thực, đặc biệt là các công nghệ phát điện của các hộ lẻ (gia đình) như điện mặt trời từ các tòa nhà, hay thủy điện mini, thủy điện micro/picro (công suất 1-100kW - thủy điện gia đình, công nghệ Midget plants) hệ thống lưới điện của Việt Nam cần phải trở thành “connecting everything” để người dùng điện có thể bán điện cho nhau vào bất cứ thời điểm nào, và bán điện lên lưới (cho EVN chẳng hạn) khi không dùng đến. Như vậy, “lưới điện tương tác” hay “lưới điện thông minh” này sẽ mang lại hiệu quả cho mọi gia đình.

Trên thế giới, lưới điện thông minh, tương tác không thể thiếu công tơ điện tử đo đếm từ xa. Ở Việt Nam, để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh điện, EVN không thể không áp dụng công tơ điện tử đo đếm từ xa - hay còn gọi là công tơ điện tử “thông minh”.

Từ sau năm 2000, đơn vị “cháu” của EVN là Công ty Công nghệ Thông tin Điện lực miền Trung (CPC IT) đã bắt đầu nghiên cứu công tơ điện tử đọc chỉ số từ xa, không dây theo kiểu mắt lưới (RF-Spider). Các công tơ này có chức năng đo đếm điện năng, tập hợp và chuyển tiếp số liệu của các công tơ lân cận về thiết bị tập trung dữ liệu tại trạm biến áp.

Hệ thống thu thập số liệu từ xa ARM với bộ thu thập số liệu tập trung DCU (Data Collection Unit) và giải pháp thu thập số liệu bằng công nghệ RF đã được hoàn thiện và ngày càng phát triển. 

Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát triển thành công các giải pháp và các công nghệ “made in Việt Nam” tương tự. Trong đó, có giải pháp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả như Chương trình phần mềm Amiss phiên bản sử dụng trên Winform và Webform của Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viễn thông (Infras Consult JSC). Giải pháp thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa của đơn vị này đã được giải thưởng “Nhân tài đất Việt 2015” trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Phần mềm AMISS WEB PRO 3 được thiết lập phục vụ cho các đơn vị sản xuất kinh doanh điện năng với nhiều tính năng chủ yếu như: thu thập và hiển thị các số liệu của công tơ điện tử; cảnh báo các thông số vận hành và các dữ liệu công tơ; đồng bộ số liệu để tính toán hóa đơn tiền điện cho khách hàng; quản lý thông tin khách hàng tiêu dùng điện.

Giải pháp của Infras Consult JSC đã tích hợp các thành phần gồm: Modem IFC-2032 (thực hiện chức năng giao tiếp với công tơ điện tử qua giao diện truyền thông RS232/RS485); REPEATER D1200-01 (thu nhận, khuếch đại và chuyển tiếp các tín hiệu vô tuyến RF); Module RFM-S1301 (truyền dữ liệu từ công tơ điện tử về DCU theo yêu cầu); và DCU RF D2100-01 (giao tiếp với với công tơ điện tử theo các chuẩn giao thức IEC, DLMS/- Cosem, Modbus).

Các sản phẩm của hệ thống có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam đều đã được Bộ TT&TT cấp Giấy chứng nhận hợp quy (phù hợp với quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật).

Cụ thể: Thiết bị thu phát vô tuyến lưu động mặt đất có giao diện vô tuyến trong hệ thống GSM loại D2100-01 phù hợp với QCVN 12:2015/BTTTT; QCVN 18:2014/BTTTT; QCVN 42:2011/BTTTT. Thiết bị thu phát vô tuyến lưu động mặt đất D1300-01 (408,875-408,975MHz) - phù hợp với QCVN 42:2011/BTTTT; QCVN 18:2014/BTTTT. Thiết bị phát lặp vô tuyến lưu động mặt đất D1200-01 (408,90-408,95MHz) - phù hợp với QCVN 18:2014/BTTTT; QCVN 47: 2015/BTTTT.

Đồng thời, các mẫu phương tiện đo đếm từ xa, gồm SF80C-20 (kiểu PDM289-2016) và SF80P-20 (kiểu PDM290-2016) cũng đã được Bộ KH&CN quyết định cho phép sản xuất và đưa vào sử dụng.

Trong tương lai, công tơ điện tử đo đếm từ xa sẽ là công cụ không thể thiếu của “lưới điện thông minh”.

Trước mắt, với hệ thống lưới điện phân phối sử dụng các công tơ điện tử có đo đếm từ xa “made in Việt Nam” nói trên còn là tiền đề để EVN có thể thực hiện việc thanh toán tiền điện của khách hàng bằng công nghệ “thẻ thông minh”. Việc thu tiền điện qua “thẻ thông minh” sẽ là một bước tiến tiếp theo của EVN trong việc góp phần hình thành một “xã hội thông minh” (bán hàng thông minh - Smart Retail như nêu trên).

Một sự hiểu nhầm không đáng có, cần được làm rõ

Trước đây, như trên đã nói, sớm nhận ra lợi ích của công tơ điện tử trong quản lý kinh doanh điện năng và vai trò tất yếu của công tơ điện tử trong việc phát triển lưới điện thông minh, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) đã bắt đầu và triển khai thành công việc thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử.

Gần đây, với tinh thần trách nhiệm của mình trước Chính phủ (về giảm tổn thất trong kinh doanh điện năng), để thị trường điện (nói chung) ngày càng được vận hành có hiệu quả và việc mua - bán điện với khách hàng (nói riêng) ngày càng trở nên công khai và minh bạch, HĐTV của EVN đã có nghị quyết về việc thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử, đã đề ra mục tiêu rất rõ ràng cho giai đoạn 2016-2020, cụ thể:

(1) Đối với EVN Hà Nội, và EVN Hồ Chí Minh dự kiến ở các thành phố, thị xã sẽ thực hiện thay thế 100%, còn ở vùng nông thôn phấn đấu thực hiện 50% việc thay thế.

(2) Đối với EVN miền Bắc (NPC) và EVN miền Nam (SPC), toàn bộ các thành phố sẽ thực hiện xong việc thay thế; vùng nông thôn phấn đấu thực hiện 25% việc thay thế.

Nghị quyết của HĐTV EVN với mục tiêu khiêm tốn như trên, đã cân nhắc đến các điều kiện triển khai thực tế. Tuy nhiên, trong việc triển khai vừa qua, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã gặp những rào cản không đáng có do có sự hiểu nhầm đáng tiếc trên các phương tiện thông tin đại chúng trong việc chọn nhà thầu cung cấp công tơ điện tử.

Với tinh thần hết sức cầu thị và để “rộng đường dư luận”, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã tìm hiểu, trao đổi với các cơ quan quản lý và thấy cần làm rõ như sau:

Thứ nhất: Nhà thầu được lựa chọn là nhà thầu trong nước. Ngoài việc ưu tiên nhà thầu trong nước (có giá phù hợp, tạo việc làm, tăng GDP, vv...) việc lựa chọn của EVNNPC còn nhắm tới mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài sau này.

Với số lượng khách hàng trong toàn bộ hệ thống điện Việt Nam có thể lên tới hàng chục triệu (doanh nghiệp + hộ gia đình), khối lượng công tơ điện tử ngành điện cần mua sắm, lắp đặt mới ban đầu (để thay công tơ cơ) và thay thế sau này (trong quá trình vận hành hàng năm) là rất lớn, cho phép hình thành một lĩnh vực sản xuất công tơ điện tử “made in Việt Nam”. Điều này, không chỉ mang lại lợi ích trước mắt (chung cho ngành điện và cho cả khách hàng), mà còn khuyến khích phát triển thêm một lĩnh vực công nghệ cao cho nền kinh tế.

Thứ hai: Mặt hàng công tơ được EVNNPC lựa chọn là sản phẩm công nghệ cao do Việt Nam sản xuất. Trong điều kiện hội nhập hiện nay, đã có không ít các sản phẩm công nghệ cao (như điện thoại thông minh, TV, tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt mang các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài) đang được sản xuất, lắp ráp tại trong nước và do người Việt Nam thực hiện.

Tương tự, trong ngành điện, như trên đã nói, thời gian vừa qua, EVNCPC cũng đã và đang dần dần sản suất được công tơ điện tử cùng các thiết bị tích hợp cho hệ thống đo đếm điện từ xa với tính năng và chức năng tương tự.

Thứ ba: Chủng loại công tơ điện tử được EVNNPC lựa chọn mua sắm vừa qua, như trên đã nêu, có chứng chỉ ISO 9001:2008 (cho việc sản xuất và kinh doanh công tơ), có chất lượng đáp ứng được nhiều tiêu chí đặc biệt (được kiểm định bởi phòng thí nghiệm độc lập), được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam phê duyệt và cho phép sử dụng.

Sản phẩm công tơ của Liên danh nhà thầu - Công ty cổ phần Quản lý Năng lượng thông minh (Công ty PSMART) đạt yêu cầu, đạt tiêu chuẩn và được Tổng cục Đo lường phê duyệt cho phép lưu hành trên thị trường.

Thứ tư: Công tơ điện tử mới chỉ là một phần không thể thiếu (phần cứng - không thể tách rời) của một giải pháp (phần mềm) liên quan đến việc tích hợp nhiều công nghệ tin học (công nghệ cao). Vì vậy, trong trường hợp này, EVN NPC đã đấu thầu mua giải pháp (cả phần cứng + phần mềm đi kèm). Giải pháp trong gói thầu này phải mang tính “tổng thể” vì liên quan đến cả hệ thống điện. Và nhà thầu được lựa chọn là nhà thầu đã có bản chào tối ưu nhất về giải pháp tổng thể.

Thứ năm: Về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu được lựa chọn đã được đánh giá theo các tiêu chí của Hồ sơ mời thầu. Liên danh nhà thầu có 3 hợp đồng tương tự (về sản phẩm và về giá trị) đã được thực hiện.

Thứ sáu: Về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm: Với tỷ lệ nội địa hóa (sản xuất tại Việt Nam) trên 25%, sản phẩm được công nhận là sản xuất trong nước (theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Liên quan đến vấn đề này, sản phẩm của nhà thầu cung cấp phải đảm bảo tất cả các điều kiện và phù hợp với quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Thứ bảy: Trên thực tế, nhà sản xuất đã có chứng chỉ ISO 9001:2008, được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam phê duyệt. Toàn bộ 09 mẫu công tơ chào thầu (theo quy định yêu cầu trong Hồ sơ mời thầu và không tách rời trong quá trình xét thầu) đã được kiểm định bởi Công ty TNHH MTV Thí nghiệm Điện miền Bắc.

Các mẫu công tơ này đều đạt yêu cầu kỹ thuật nêu trong Hồ sơ mời thầu.

Thứ tám: Sau này, trong quá trình thực hiện hợp đồng, EVNNPC còn đưa ra một yêu cầu vượt trội các yêu cầu thông thường đó là yêu cầu chọn mẫu theo một tỷ lệ nhất định để gửi đến các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam kiểm tra, thí nghiệm xác định các thông số điển hình cần được đáp ứng trong quá trình vận hành (đặc biệt là vấn đề tác động của môi trường đến việc các sóng của công tơ điện tử).

Bên cạnh đó là các thí nghiệm về nóng ẩm, thí nghiệm về mang tải trong điều kiện khí hậu đặc biệt của Việt Nam.

Chỉ trong trường hợp kết quả thí nghiệm đạt yêu cầu thì nhà cung cấp mới được phép giao hàng. Còn nếu trong lô hàng có 3% số công tơ không đạt yêu cầu thì lô hàng sẽ bị loại. Tất cả yêu cầu đó đã được tuân thủ và thực hiện đúng trên tất cả các công tơ.

Trong hợp đồng, EVNNPC có quy định những điều kiện hết sức khắt khe. Ví dụ khi giao hàng xong, EVNNPC vẫn tổ chức thí nghiệm lại 100% lô hàng 128.000 công tơ. Kết quả thí nghiệm lô công tơ đều đạt yêu cầu. Chất lượng công tơ rất ổn định.

Thứ chín: Về chất lượng của giải pháp: EVNNPC chỉ quản lý chất lượng cuối cùng. Nhà thầu cung cấp 128.000 công tơ lắp lên lưới với số lượng bộ định tuyến đi kèm phải đủ để đạt yêu cầu theo giải pháp đã chào. Nếu không đạt, nhà thầu phải bổ sung thêm. Chính vì thế, trên thực tế thời gian đầu sau khi lắp đặt, có thể xẩy ra trường hợp Nhà thầu phải điều chỉnh lại vị trí của các bộ khuếch đại, hoặc phải bổ sung các vị trí lắp đặt.

Thứ mười: Ngoài ra, trong Hồ sơ mời thầu, EVNNPC đã đưa ra yêu cầu về thời gian bảo hành là 36 tháng (đây là trường hợp chưa có ngoại lệ đối với sản phẩm tương tự). Có nghĩa trong vòng 36 tháng sau khi bàn giao, nghiệm thu, nhà thầu vẫn sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm (thay công tơ, và chịu tất cả chi phí nhân công, nguyên vật liệu phát sinh).

Tóm lại, ý thức được vai trò của công tơ điện tử (trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh điện trước mắt) và tầm quan trọng của các giải pháp đo đếm từ xa (trong việc hình thành lưới điện thông minh trong tương lai), ngành điện đã có những bước đi cẩn trọng và phù hợp trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà cung cấp trọn gói thiết bị và giải pháp công nghệ. Đây là gói thầu có hàm lượng công nghệ cao. Trong quá trình thực hiện, có thể đã có sự hiểu chưa đúng, ngành điện sẵn sàng thực hiện đầy đủ “chức năng giải trình” với mong muốn dư luận cũng như người dân tiếp tục ủng hộ để các đơn vị thành viên của EVN thực hiện tốt chủ trương đúng mà Chính phủ đã đề ra.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động