RSS Feed for Một số vấn đề về cung cầu than cho nền kinh tế Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 08/10/2024 12:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Một số vấn đề về cung cầu than cho nền kinh tế Việt Nam

 - Than là tài nguyên năng lượng không tái tạo, nhưng lại có vai trò rất lớn trong chính sách an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, cần phải xem xét và đánh giá một cách toàn diện về mặt kinh tế, xã hội và chính trị của ngành than trong chiến lược phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn từ nay đến 2020 và sau 2020. Mặt khác, thực tế khách quan cho thấy tỷ trọng nhiệt điện than vẫn trên 50% tổng công suất điện năng đến năm 2030, do đó để giảm một phần nào rủi ro phụ thuộc vào than nhập khẩu (than nhiệt) thì cần tạo điều kiện đầu tư duy trì sản lượng than anthracite trong nước với sản lượng tối ưu là 40 triệu tấn/năm để đáp ứng nhu cầu than cho sản xuất điện là giải pháp tối ưu .

Sự thiếu nghiêm túc của Bộ Tài chính khi xem xét thuế than
Thị trường than ASEAN và những rủi ro của Việt Nam
Than Indonesia trong cân bằng năng lượng Việt Nam

LÊ MINH CHUẨN - CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN TKV

Tổng quan thị trường than thế giới và khu vực

Trong 2 năm 2015-2016, nhu cầu than nhiệt trên toàn cầu có xu hướng giảm mạnh ở thị trường Bắc Mỹ (10%), Nam Mỹ (1%), châu Phi (3%)  và châu Âu (12%), nhưng lại tăng mạnh ở thị trường châu Á (chiếm 73%), trong đó chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN. Rõ ràng, bức tranh về nhu cầu than nhiệt trên thị trường toàn cầu có xu hướng ổn định với 6,3 tỷ tấn năm 2015 và 6,4 tỷ tấn năm 2016, sau đó là 6,2 tỷ tấn năm 2017 và có xu hướng giảm dần đến 5,5 tỷ tấn than/năm được dự báo đến đến 2021.

Tuy nhiên, có rủi ro của thị trường Trung Quốc vì nhu cầu than vẫn tăng tới năm 2021 so với năm 2015.

Thị trường Trung Quốc tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến thị trường than toàn cầu. Trong bốn tháng đầu năm 2017, sản lượng than của Trung Quốc tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước - sau khi giảm từ 8,7% vào năm 2016.

Tuy nhiên, báo cáo tháng 5 năm 2017 cho thấy, Trung Quốc đang cố gắng hạn chế nhập khẩu than nhiệt có chất lượng thấp. Ngành năng lượng của Trung Quốc đang phát triển, tuy nhiên sản lượng than nhiệt đã giảm đáng kể, và được dự báo sẽ duy trì ở mức 3,0-3,2 tỷ tấn/năm cho tới năm 2025-2030, kể từ khi đạt mức đỉnh điểm gần 4.0 tỷ tấn vào năm 2013, với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước đang được đáp ứng bởi dầu lửa (trong vận tải), khí tự nhiên và năng lượng tái tạo...

Thị trường Nhật Bản có xu hướng tăng nhập khẩu than chất lượng tốt (than sạch), đã tăng khoảng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái và trong ba tháng đầu năm 2017. Trong khi đó, thị trường Ấn Độ lại có xu hướng giảm nhập khẩu than trong giai đoạn từ tháng 1 đến giữa tháng 5 năm 2017 do sản xuất than trong nước ngày càng đáp ứng nhu cầu. Và dự đoán sang năm 2018 Chính phủ Ấn Độ phấn đấu tự cung, tự cấp than đáp ứng nhu cầu năng lượng.

Sản lượng than nhiệt xuất khẩu của Australia và Indonesia cũng có xu hướng ổn định ở mức 350 triệu tấn/năm từ 2014-2017. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu than á bitum của Indonesia giảm, nhưng tỷ trọng than bitum của Australia lại tăng. Mặc dù xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Trung Quốc tăng (5,0% và 33% tương ứng), nhưng xuất khẩu sang tất cả các thị trường khác lại giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Về giá than nhiệt, kết quả phân tích dự báo cho thấy: năm 2018 sẽ giảm xuống 60-65 đô la Mỹ/tấn, giảm từ 85 đô la Mỹ/tấn trong năm 2017, do xu hướng tiếp tục giảm giá thành, tăng sản xuất than trong nước của Trung Quốc và Ấn Độ, và giảm xuất khẩu than của Indonesia.

Nhu cầu than cho nhiệt điện 

Nhu cầu than cho sản xuất điện của Việt Nam trong giai đoạn 2017 - 2030 được phân ra thành 2 loại: than anthraxite và than nhiệt (bitum và á bitum). Theo Quy hoạch điện VII (QHĐVII) điều chỉnh, đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, chiếm gần 50% điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300MW, chiếm 53,2% điện sản xuất. Cụ thể nhu cầu từng loại than trong giai đoạn 2017-2030 được đánh giá sơ bộ như sau:

Nhu cầu than Anthracite trong nước hiện nay:

1/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam có 14 nhà máy đang hoạt động, tổng công suất là 8.400 MW, có nhu cầu tiêu thụ 21 triệu tấn than/năm.

2/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 3 nhà máy đang hoạt động, có tổng công suất là 3.600 MW, có nhu cầu tiêu thụ 10,5 triệu tấn than/năm.

3/ Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam có 7 nhà máy đang hoạt động, có tổng công suất là 1.505 MW, có nhu cầu tiêu thụ 4 triệu tấn than/năm.

4/ Các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước có 4-5 nhà máy đã và sắp đưa vào hoạt động, có tổng công suất 1.500-2.000 MW, với nhu cầu tiêu thụ 4-5 triệu tấn than/năm.

Như vậy, tại thời điểm hiện nay tổng nhu cầu than Anthracite cho các nhà máy nhiệt điện là 40-42 triệu tấn than/năm.

Nhu cầu than nhiệt (bitum và á bitum) nhập khẩu trong giai đoạn 2017-2030:

1/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam có 4 dự án đang xây dựng, với tổng công suất là 3.705 MW, có nhu cầu tiêu thụ 12 triệu tấn than/năm (trong giai đoạn 2017-2020).

2/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 2 dự án đang xây dựng, có tổng công suất là 2.400 MW, có nhu cầu tiêu thụ 7 triệu tấn than/năm (trong giai đoạn 2018-2021).

3/ Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam có 1 nhà máy đang triển khai, có tổng công suất là 1.200 MW, có nhu cầu tiêu thụ 3,5 triệu tấn than/năm (trong giai đoạn 2020 - 2022).

4/ Các nhà đầu tư trong và ngoài nước khác (các dự án IPP, BOT) có khoảng 9-10 dự án đang được triển khai xây dựng, với tổng công suất là 12.500-14.000 MW, có nhu cầu tiêu thụ 37-38 triệu tấn than/năm (trong giai đoạn 2020 - 2026).

5/ Ngoài ra, còn khoảng hơn 10 dự án nhiệt điện chưa có chủ đầu tư (theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh) nên chưa đượcc tính đến.

Như vậy, trong giai đoạn 2017-2030 thì cần nhập khẩu than nhiệt (Bitum và á bitum) để đáp ứng nhu cầu cho các dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện là khoảng 60 - 62 triệu tấn than/năm, chưa tính đến các dự án nhiệt điện chưa có chủ đầu tư và thời hạn hoàn thành.

Khả năng đáp ứng nhu cầu than anthracite 

Tiềm năng với tổng tài nguyên, trữ lượng than anthracite trong ranh giới TKV được giao quản lý tính đến 30/12/2016 là 4,67 tỷ tấn, trong đó:

- Cấp chắc chắn: 0,50 tỷ tấn, chiếm 10,29%.

- Cấp tin cậy: 1,97 tỷ tấn, chiếm 42,49%.

- Cấp dự tính: 1,10 tỷ tấn, chiếm 23,51%.

- Cấp dự báo: 1,10 tỷ tấn, chiếm 23,16%.

Nếu chỉ huy động trữ lượng ở cấp tin cậy và chắc chắn là 2,47 tỷ tấn, chiếm 52,8% thì TKV có nguồn trữ lượng than có thể đáp ứng nhu cầu than anthracite là 40 triệu tấn/năm tới hơn 60 năm nữa.

Những khó khăn, thách thức

Điều kiện Khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn làm tăng hệ số bóc đất, tăng cung độ vận chuyển (từ năm 1995 đến 2015: hệ số đất tăng 3,1 lần, từ 3,41 m3/tấn lên 10,71 m3/tấn, cung độ vận chuyển đất tăng 4 lần từ 1,03 km lên 4,1 km), các mỏ hầm lò từ mức + 0 so với mức nước biển đã xuống -300-500m, áp lực mỏ lớn, khí, nước nhiều,... làm cho chi phí thông gió, thoát nước, vận tải tăng cao,... Suất đầu tư tăng làm tăng chi phí khấu hao và lãi vay (suất đầu tư năm 2000 khoảng gần 50 USD/tấn thì nay tăng lên 150-180 USD/tấn công suất mỏ hầm lò) và đang có xu thế tiếp tục tăng khi đầu tư khai thác xuống sâu. Khả năng cơ giới hóa đồng bộ rất thấp, gặp nhiều khó khăn, chi phí môi trường tăng cao, và năng suất lao động thấp (thấp nhất trong ngành mỏ của các nước trên thế giới).

Thị trường than hiện nay cho thấy, đã có sự thay đổi về chất, từ chỗ chỉ có một nguồn cung và một loại than là từ các mỏ than anthracite trong nước, hiện nay có thêm các nguồn cung từ các mỏ than nước ngoài như Indonesia, Úc, Nga, Nam phi, với các chủng loại than khác nhau như anthracite, bituminous và á-bituminous và tham gia thị trường cung ứng cho các hộ tiêu thụ như xi măng, hóa chất, và các nhà máy nhiệt điện với giá than và giá các dịch vụ cạnh tranh. Cạnh đó, cùng với đa dạng hóa các đối tác (chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân) đã làm cho thị trường than trong nước bị biến dạng, không minh bạch, xung đột lợi ích (như việc cấp than cho nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 năm 2016),… dẫn đến làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững của TKV và Tổng cô ng ty Đông Bắc.

Theo chúng tôi, khi so sánh than sản xuất trong nước và than nhập khẩu không thể chỉ so sánh một cách đơn thuần về giá của chúng mà phải tính tới hiệu quả kinh tế - xã hội và sự đảm bảo cung cấp ổn định, lâu dài của nguồn than sản xuất trong nước. Chính vì vậy, hiện nay trên thị trường đang có rất nhiều loại giá than khác nhau. Tuy nhiên, chủ yếu là giá than thương mại trong ngắn hạn, có biên độ thay đổi rất lớn và không ổn định (chủ yếu từ các nguồn cung của Indonesia), rủi ro cao vì phụ thuộc vào vận chuyển đường biển, kho cảng xếp dỡ và tác động của thời tiết bất thường và biến đổi khí hậu. Điều này không phù hợp với yêu cầu về cấp than cho các nhà máy nhiệt điện, đó là "ổn định" và "dài hạn".

Mặt khác, tủi ro chính sách cao với mức thuế và phí trong lĩnh vực khoáng sản cao, điều này dẫn đến làm hạn chế việc đầu tư, cơ giới hóa, tự động hóa sẽ khó khả thi về mặt hiệu quả kinh tế. Trong đó phải kể đến hiện nay các doanh nghiệp trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến than, khoáng sản đang phải chịu 12 loại thuế, phí, lệ phí khác nhau.

Đề xuất 

Tài nguyên than là tài nguyên năng lượng không tái tạo, nhưng lại có vai trò rất lớn trong chính sách an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, cần phải xem xét và đánh giá một cách toàn diện về mặt kinh tế, xã hội và chính trị của ngành than trong chiến lược phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn từ nay đến 2020 và sau 2020. 

Mặt khác, thực tế khách quan cho thấy tỷ trọng nhiệt điện than vẫn trên 50% tổng công suất điện năng đến năm 2030, do đó để giảm một phần nào rủi ro phụ thuộc vào than nhập khẩu (than nhiệt) thì cần tạo điều kiện đầu tư duy trì sản lượng than anthracite trong nước với sản lượng tối ưu là 40 triệu tấn/năm để đáp ứng nhu cầu than cho sản xuất điện là giải pháp tối ưu.

Kiến nghị

1/ Rà soát luật định, ban hành những quy định về khai thác khoáng sản có tính cạnh tranh, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, như áp dụng hệ thống thuế, phí công bằng cho cả nhà nước và doanh nghiệp, cũng như những quy định bảo đảm những chủ trương nhất quán, cam kết dài hạn.

2/ Khuyến khích thăm dò nâng cao trữ lượng khoáng sản của Việt Nam nhờ những công nghệ, phương pháp thăm dò, khai thác mới, hiện đại, tầng sâu với độ tin tin cậy cao trên cơ sở ứng dụng các tiêu chuẩn hiện đại, tiên tiến và hội nhập.

3/ Cần xem chính sách giá than là một trong những đột phá mới, tiến tới xóa bỏ độc quyền, bao cấp trong sản xuất và tiêu dùng than. Chính sách phải được xây dựng phù hợp với chính sách phát triển kinh tế, xã hội và chính sách năng lượng quốc gia. Cung ứng và định giá than phải kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu: hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và khả thi về tài chính. Chính sách thuế, giá về than phải được xây dựng trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa thị trường trong nước và thế giới. Trong đó vai trò Nhà nước trong việc xác lập và kiểm soát thực hiện chính sách giá than, đặc biệt đối với than cho các nhà máy nhiệt điện còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

4/ Bảo đảm khai thác, chế biến bền vững nguồn khoáng sản nói chung và than nói riêng bằng công nghệ cao, phương pháp hiện đại một cách có trách nhiệm với môi trường, hiệu quả, an toàn.

5/ Tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các ngành dịch vụ tại những khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, nhưng cũng thường là những nơi có nguồn tài nguyên khoáng sản.

6/ Tuyên truyền sâu rộng trong xã hội về quản lý khai thác tài nguyên than bền vững, hiệu quả, đảm bảo ổn định nguồn năng lượng quốc gia, phát triển Quy hoạch Than hài hòa với Quy hoạch Kinh tế - Xã hội của địa phương nơi có tài nguyên than.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động