RSS Feed for Môi trường nhiệt điện than: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 2] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 12:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Môi trường nhiệt điện than: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 2]

 - Để đảm bảo việc phát triển nhiệt điện than gắn với phát triển bền vững, ngoài sự vào cuộc của các nhà máy, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các nhà máy nhiệt điện than có thể chủ động xử lý các vấn đề môi trường...

Môi trường nhiệt điện than: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 1]

KỲ CUỐI: KHÓ KHĂN TRONG THỰC THI PHÁP LUẬT VÀ GIẢI PHÁP

Đối với quản lý, xử lý, tái chế tro, xỉ

Như đã nêu ở khỳ trước, tất cả tro, xỉ của 21 nhà máy nhiệt điện than (NĐT) đang vận hành đều được phân tích và xác định là chất thải rắn thông thường. Tuy nhiên, theo QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại thì tro bay của các nhà máy NĐT thuộc đối tượng "có khả năng" là chất thải nguy hại, đây là rào cản pháp lý gây hiệu ứng "tâm lý" trong ứng xử của cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông và người dân đối với tro, xỉ nhiệt điện.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khác có khả năng sử dụng sử dụng tro, xỉ của nhà máy NĐT làm nguyên liệu sản xuất nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận tro xỉ theo quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ (không có Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường theo Khoản 5 Điều 32 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP).

Thiếu các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền. Do đó, vấn đề xử lý, tiêu thụ tro, xỉ tại các nhà máy NĐT sẽ được giải quyết sớm nếu các cơ quan chức năng sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về tro, xỉ làm vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng, cũng như những chính sách đặc thù về quản lý tro, xỉ (tránh việc đánh đồng với những quy định về quản lý, xử lý các loại chất thải rắn khác).

Đối với quản lý, xử lý khí thải

Trong thời gian qua, việc áp dụng QCVN 22:2009/BTNMT - khí thải công nghiệp nhiệt điện đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập.

Thứ nhất: Nhiều nhà máy cũ như Phả Lại 1, Ninh Bình,… đã vận hành từ 30 - 40 năm phải đầu tư cải tạo hệ thống xử lý môi trường để đáp ứng yêu cầu của QCVN 22. Tuy nhiên, nếu có cải tạo nâng cấp các hạng mục bảo vệ môi trường đáp ứng quy chuẩn thì cũng chỉ hoạt động được 10 năm nữa do tuổi thọ của thiết bị không cho phép kéo dài hơn sẽ làm tăng chi phí.

Thứ hai: Một số nhà máy như Phả Lại 2, Uông Bí mở rộng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghi Sơn 1 đã được phê duyệt ĐTM trước khi có QCVN 22 và áp dụng hệ số vùng Kv = 1, hệ số công suất Kp = 1 để tính giá trị phát thải, tuy nhiên do việc nâng cấp đô thị, quy hoạch khu bảo tồn và cách tính mới theo QCVN 22 nên phải áp dụng hệ số Kv = 0,6 và Kp = 0,85, tương đương với việc nồng độ phát thải giảm một nửa so với thời điểm phê duyệt (0,6*0,85 = 0,51). Điều này dẫn tới việc các nhà máy này phải cải tạo, bổ sung lắp đặt các hệ thống xử lý môi trường với chi phí đầu tư rất lớn và sẽ làm tăng giá thành.

Vướng mắc do các quy định quản lý khác

Trong thời gian qua, việc xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của các nhà máy NĐT kéo dài, điển hình như nhiệt điện Uông Bí mở rộng (10 năm), nhiệt điện Vũng Áng 1 kéo dài 3 năm nhưng vẫn chưa nhận được. Do báo cáo đánh giá tác động môi trường không nêu cụ thể về các hạng mục bảo vệ môi trường, một số nhà máy có những điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn những quy trình chấp thuận của cơ quan quản lý kéo dài và bổ sung những yêu cầu mới của hệ thống pháp luật.

Mặt khác, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường liên tục thay đổi, và cơ quan quản lý cũng ban hành nhiều quy định, yêu cầu chưa thực sự phù hợp đã gây khó khăn cho các nhà máy NĐT đã và chuẩn bị đi vào vận hành. Cụ thể là lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục nước làm mát, lắp đặt đồng hồ điện riêng cho hệ thống xử lý nước thải, lắp đặt quan trắc lưu lượng khí thải tự động, xây dựng hồ kiểm chứng nước thải, hồ sự cố… Điều này cũng ảnh hưởng đến việc nhiều nhà máy NĐT đã và chuẩn bị đi vào vận hành gặp khó khăn trong việc được cấp Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, việc chậm ban hành các quy định hướng dẫn cũng gây khó khăn cho các nhà máy NĐT trong việc đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục. Cụ thể, theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ thì các nhà máy NĐT phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với khí thải. Tuy nhiên, do sự thiếu thống nhất giữa trung ương và địa phương (do Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa quy định nên địa phương đã ban hành hướng dẫn trước) đã dẫn đến tình trạng các nhà máy NĐT tại Quảng Ninh đã lắp đặt xong hệ thống quan trắc tự động theo đúng yêu cầu của địa phương, nhưng lại không đáp ứng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường sau đó (Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ).

Giải pháp và kiến nghị

1/ Giải pháp

Công tác bảo vệ môi trường thời gian qua đã được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm, rà soát và chỉ đạo các tập đoàn quản lý các nhà máy NĐT triển khai các biện pháp đồng bộ.

Thứ nhất: Giải pháp kỹ thuật. Loại bỏ các nhà máy NĐT công nghệ cũ không đáp ứng điều kiện về môi trường, tháng 7/2016 đã loại bỏ 2 khối cao áp nhà máy nhiệt điện Uông Bí do công nghệ cũ, hiệu suất thấp, không đáp ứng Quy chuẩn môi trường.

Phê duyệt thiết kế cơ sở cải tạo các công trình bảo vệ môi trường (khí thải) đối với nhà máy NĐT Quảng Ninh, Hải Phòng, Phả Lại, Ninh Bình.

Hoàn thành đưa vào vận hành phương án cải tiến hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào làm việc ngay khi khởi động bằng dầu FO; nghiên cứu phương án cải tạo hệ thống khởi động lò bằng dầu FO sang DO.

Các nhà máy NĐT phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương (Vĩnh Tân 2, các nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh). Hiện nay, nhiều địa phương chưa đầu tư hệ thống thiết bị để tiếp nhận cơ sở dữ liệu từ các nhà máy.

Trong giai đoạn tới, việc phê duyệt đầu tư xây dựng các nhà máy NĐT hướng tới áp dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện tối đa hiệu suất năng lượng, giảm thiểu tối đa lượng khí thải và chất thải rắn phát sinh.

Thứ hai: Giải pháp quản lý và truyền thông. Các nhà máy NĐT đang và chuẩn bị đi vào hoạt động lập Đề án xử lý, tiêu thụ tro xỉ trình Bộ Công Thương phê duyệt trước ngày 31/12/2018 theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Làm cơ sở để giải quyết cơ bản vấn đề tro, xỉ của NĐT.

Các cơ quan quản lý, các tập đoàn, tổng công ty, các nhà máy NĐT phải tăng cường công tác truyền thông để các cấp quản lý và cộng đồng dân cư hiểu rõ hơn về vai trò của nhiệt điện đốt than, thực trạng công nghệ và bảo vệ môi trường của các nhà máy. Xây dựng phòng truyền thông cộng đồng với đầy đủ thiết bị truyền tín hiệu, hình ảnh trực tiếp về hoạt động bảo vệ môi trường của nhà máy để phục vụ cộng đồng dân cư, cơ quan quản lý và cơ quan báo trí đến thăm quan, tìm hiểu (như nhà máy Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1).

2/ Kiến nghị

Để đảm bảo việc phát triển NĐT gắn với phát triển bền vững, ngoài sự vào cuộc của các nhà máy, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các nhà máy NĐT có thể chủ động xử lý các vấn đề môi trường của nhà máy. Trong đó cần tập trung:

Thứ nhất: Sửa đổi Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ theo hướng loại bỏ giấy phép "Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường" theo Khoản 5 Điều 32 để các doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng dễ dàng tiếp cận và xử lý, tái chế tro, xỉ của nhà máy NĐT.

Thứ hai: Sớm ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền. Làm cơ sở để quản lý chất lượng các loại tro, xỉ cũng như việc sử dụng các loại tro, xỉ cho các mục đích khác nhau.

Thứ ba: Sửa đổi QCVN 22:2009/BTNMT phù hợp với thực tế hoạt động của các nhà máy và đảm bảo lộ trình áp dụng Quy chuẩn phù hợp với các nhà máy NĐT.

Thứ tư: Sửa đổi các quy định liên quan đến việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy định về xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.

TS. TRẦN VĂN LƯỢNG - CỤC KTAT VÀ MTCN (BỘ CÔNG THƯƠNG)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động