RSS Feed for Kiến nghị tăng giá điện,  giá than | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 15:16
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kiến nghị tăng giá điện, giá than

 - Nội dung văn bản:

 

 

HIỆP HỘI

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

…………

Số: 138/CV-VEA

V/v: Kiến nghị tăng giá điện,

giá than

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------------

 

                          

                    Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2010

 

      

 

                     Kính gửi:     - Ban Bí thư Trung ương Đảng

                          - Thủ tướng Chính phủ

 

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) xin gửi tới Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ lời chào trân trọng!

 

Cuối năm 2009, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có kiến nghị lên Chính phủ, thông qua các Bộ chức năng là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về việc tăng giá điện từ ngày 01/02/2010 và tăng giá than bán cho điện từ ngày 01/01/2010. Cơ sở để 2 tập đoàn trên đưa ra các kiến nghị này là Quyết định số: 21/2009/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường và Văn bản số: 244/TB-VPCP ngày 11/08/2009 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về giá than bán cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.

 

EVN đã đề xuất 4 phương án tăng giá điện năm 2010, theo đó giá điện bình quân năm 2010 cao nhất là 1079,5 VNĐ/kWh và thấp nhất là 1007,3 VNĐ/kWh và TKV đã đề xuất tăng giá 4 loại than bán cho điện là: than cám 4b (1.100.000 VNĐ/tấn), than cám 5 (960.000 VNĐ/tấn), than cám 6a (830.000 VNĐ/tấn) và than cám 6b (690.000 VNĐ/tấn).

 

Trước các yêu cầu của EVN và TKV, Bộ Công Thương đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ với phương án đề nghị là: Giá điện năm 2010 sẽ tăng 4,98% so với mức bình quân 970,9 VNĐ/kWh của năm 2009. Tiếp đó, Bộ Tài chính cũng có báo cáo trình Chính phủ với đề xuất 2 phương án tăng giá điện cao hơn của Bộ Công Thương là tăng 10,7% (phương án 1) và 6,8% (phương án 2).

 

VEA đã nghiên cứu kỹ các kiến nghị của EVN, TKV và các báo cáo trình Chính phủ của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề tăng giá điện, giá than cho điện năm 2010; đặc biệt VEA đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo và các ban chuyên trách của TKV để tìm hiểu sâu tình hình sản xuất than, cũng như những cơ sở điều chỉnh giá bán than năm 2009, 2010.

 

Để đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cần khẩn trương hoàn thành đề án về giá bán điện năm 2010 sớm báo cáo thường trực Chính phủ xem xét, quyết định đồng thời với việc xây dựng các văn bản pháp lý cho việc hình thành thị trường điện tại Việt Nam, VEA xin có ý kiến như sau:

1. Việc tăng giá điện năm 2010 là theo đúng lộ trình nhằm hình thành thị trường điện lực được thể hiện qua 3 cấp độ đã được nêu trong Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg, ngày 26 tháng 1 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là năm thứ hai của cấp độ thị trường phát điện cạnh tranh (2009-2014) mà chúng ta đang làm theo từng bước thí điểm và hoàn chỉnh. Đây cũng là biện pháp cần thiết nhằm đẩy mạnh thực hiện sản lượng điện hiệu quả và tiết kiệm, góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

2. Việc tăng giá điện năm 2010 sẽ góp phần tạo điều kiện để EVN cân bằng được tài chính và huy động được nguồn vốn cho đầu tư.

Nguồn vốn đầu tư của ngành điện theo Quy hoạch điện VI, chỉ tính đến năm 2015 là rất lớn, riêng EVN được giao 48 dự án nguồn điện, với tổng công suất 22.748 MW/59.469 MW (chiếm 38,3% tổng công suất lắp đặt mới) và hệ thống lưới điện đồng bộ; tổng vốn đầu tư cả nguồn và lưới rất lớn, ước tính 715 nghìn tỷ VNĐ. Do đó, việc thực hiện thị trường hoá giá điện như chỉ đạo của Chính phủ là nhằm cân bằng tài chính dài hạn, đảm bảo khả năng thu xếp vốn và trả nợ của EVN cũng như các nhà đầu tư nguồn điện khác.

3. Về ngành Than, hiện đang chịu sức ép rất lớn về giá thành sản xuất do những nguyên nhân như khai thác than ngày càng xuống sâu, chi phí thăm dò, khảo sát, chi phí nhiên liệu cho sản xuất than và lương công nhân ngày càng cao, tỉ giá ngoại tệ ngày càng tăng cao, lãi vay tăng, thuế VAT than xuất khẩu không được khấu trừ, thuế tài nguyên tăng gấp đôi so với năm trước…

Hiện nay, Chính phủ đã có chỉ đạo ngành Than phải nghiên cứu lập đề án tăng sản lượng khai thác tới 100 triệu tấn/năm, trong khi khả năng tối đa của ngành chỉ có thể tính đến khoảng 60-70 triệu tấn/năm. Việc mở các mỏ mới cần nhiều vốn đầu tư, trong khi đó than bán cho điện chiếm tỷ trọng lớn nhưng lại bán với giá chỉ bằng 56% (cám 4) và 59% (cám 5) giá thành, sẽ không thể cân bằng được tài chính.

Trong trường hợp giá  bán than cho điện chưa được điều chỉnh, hoặc điều chỉnh còn thấp hơn giá thành cộng lợi nhuận để đầu tư phát triển thì TKV sẽ phải báo cáo Chính phủ xin được tiếp tục duy trì  sản lượng than xuất khẩu hợp lý để bù đắp phần thiếu hụt, đây là giải pháp khó được chấp nhận. 

4. Tuy nhiên trong điều kiện nước ta vừa bước ra khỏi những khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nên không thể chấp nhận việc tăng giá điện năm 2010 quá lớn (tới 17,11%) có thể gây sốc cho nền kinh tế và làm giảm tốc độ phát triển vừa được vực dậy, VEA thống nhất và xin kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt phương án 1 của Bộ Tài chính trình Chính phủ với mức tăng là 10,7% so với mức bình quân 970,9 VNĐ/kWh của năm 2009.

Theo VEA với mức tăng này là hợp lý, bởi trên thực tế các hộ dùng điện 50 kWh/tháng chỉ phải trả thêm 5.000 đồng và các hộ sự dụng 100kWh/tháng chỉ trả thêm 10.000 đồng.

Với mức tăng giá điện này, VEA kiến nghị giá than bán cho điện sẽ thực hiện điều chỉnh theo hai bước như đã thực hiện với các hộ xi măng, giấy, phân bón chỉ khác là thực hiện sau một năm - tức là:

Bước 1: Tăng 30% áp dụng từ 01/03/2010

Bước 2: Điều chỉnh thấp hơn giá than xuất khẩu tối đa là 10% trong năm 2011.

Phần tăng giá than năm 2010 trong giá điện thực ra chỉ tác động đến giá điện tại các nhà máy chạy than một phần không lớn, còn lại là tăng chi phí khác không phải do giá than.

Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất trên (giá điện tăng 10,7% và giá than tăng 30%) thì với sản lượng điện dự kiến của năm 2010 là 72,8 tỷ kWh, doanh thu của ngành điện sẽ tăng thêm được từ 7.750 tỷ VNĐ (theo kết cấu giá các hộ dùng điện) và ngành than với sản lượng than bán cho điện năm 2010 dự kiến khoảng 9 đến 10 triệu tấn, doanh thu tăng thêm được khoảng 1.120 tỷ VNĐ. Doanh thu tăng giúp cho 2 ngành điện, than cân bằng được tài chính và tạo ra lợi nhuận để đầu tư phát triển.

5. Việc tăng giá điện và giá than năm 2010 không tránh khỏi gây ra những khó khăn cho các ngành sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống của người tiêu dùng trong điều kiện giá dầu, giá nước đã tăng làm cho lạm phát có thể tăng cao mặc dù Bộ Tài chính đã đưa ra những số liệu của phương án 1 về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), giá thành sản phẩm các ngành nghề cũng như chi phí tăng thêm của các hộ dùng điện cũng không lớn lắm đặc biệt là các hộ dùng điện dưới 50kWh/tháng vẫn được trợ giá.

VEA tin tưởng Chính phủ sẽ có các giải pháp hữu hiệu để kiềm chế được lạm phát và có chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo dùng điện dưới 50kWh/tháng do việc phải điều chỉnh giá điện, than trong năm nay.

Xin trân trọng cảm ơn!


Nơi nhận:

-             Như kính gửi

-             PTT TT Nguyễn Sinh Hùng

-             PTT Hoàng Trung Hải

-             Văn phòng Chính phủ

-             BT Bộ Công Thương

-             BT Bộ Nội vụ

-             BT Bộ Tài chính

-             Uỷ ban Kinh tế Quốc hội

-             Các hội viên VEA,

-             Lưu VP.

TM. HIỆP HỘI

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chủ tịch

Đã ký

 Trần Viết Ngãi

 

nangluong.mastercms.org/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động