Khuyến khích phát triển năng lượng bền vững
08:50 | 14/06/2016
Thay đổi lớn trong chiến lược phát triển NLTT Việt Nam
Thông tin được Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chia sẻ tại Diễn đàn Kinh Tế Tư nhân Việt Nam (VPSF), do Hội Doanh nghiệp trẻ tổ tổ chức.
Việt Nam trước đây, nếu tăng 1% GDP thì năng lượng phải tăng 2%. Bây giờ, tỷ lệ này đã rút xuống được 1,5%, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng “vẫn rất cao so với các nước”.
Phó thủ tướng khẳng định: “Năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng rất quan trọng với Việt Nam”. Ảnh: kttw.
Theo số liệu mới nhất của Chương trình Năng lượng Bền vững của WWF Việt Nam, năng lượng mặt trời có thể cung cấp ít nhất 35%, trong khi năng lượng gió có thể cung cấp ít nhất 13% nhu cầu điện của Việt Nam vào năm 2050.
Nếu sử dụng năng lượng hiệu quả và tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo phong phú, theo WWF, Việt Nam có thể giảm được sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch, hoặc nhập khẩu than, cũng như đảm bảo giá điện ổn định trong các thập niên tới.
Năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng là một trong 10 chủ đề được thảo luận tại Diễn đàn VPSF năm nay. Ảnh: technologymag
Tại Diễn đàn VPSF Ông Lê Vinh Sơn - Chủ tịch Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà, đại diện cho các doanh nghiệp tư nhân lĩnh vực này đã báo cáo với Chính phủ những vấn đề liên quan đến phát triển nguồn năng lượng này.
Nâng cao năng suất và đẩy mạnh tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo là tất yếu với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh 195 nước vừa ký cam kết không làm gia tăng nhiệt độ trái đất.
Thực tế, Việt Nam vẫn nằm trong số nước sử dụng cường độ năng lượng thấp và tác động của biến đổi khí hậu, môi trường.
Phần lớn nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam chưa được khai thác, chưa thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào năng lượng sạch cũng như sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo ông Lê Vinh Sơn, có nhiều chính sách ban hành chưa phù hợp với thực tế, thủ tục đánh giá công nghệ, sử dụng năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn rườm rà.
Cùng với đó, các quy chuẩn mới được ban hành, nên chưa được cập nhật, trong khi phát triển nguồn năng lượng này vẫn thiếu cơ chế, dịch vụ.
Ông Sơn khẳng định, doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng tham gia một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào phát triển năng lượng sạch, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua các hình thức, như hợp tác công tư, đầu tư tư nhân, liên doanh.
Để làm được điều này, ông Sơn thay mặt các doanh nghiệp đề xuất với Chính phủ 5 vấn đề liên quan đến chính sách phát triển lĩnh vực năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng.
Thứ nhất, chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện các chính sách để thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo.
Thứ hai, cần có chính sách ưu đãi linh hoạt, áp dụng cho cả sản lượng năng lượng sạch được sản xuất, công suất thiết bị được lắp đặt, cả trong giai đoạn nghiên cứu, thí điểm những năm đầu sản xuất; ưu đãi với thiết bị lắp đặt ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Thứ ba, hình thành đầu mối đánh giá với quy trình chuẩn, nhanh chóng và thuận tiện những công nghệ ứng dụng, sản xuất năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thứ tư, cải tiến cơ chế quản lý khoa học, hỗ trợ tài chính minh bạch, thuận tiện, nhanh chóng và tạo điều kiện để giới doanh nghiệp và tư nhân cùng các doanh nghiệp khác tham gia hoạch định chính sách để khuyến nghị, điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Thứ năm, tiếp tục duy trì các chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Với các tổ chức, đối tác quốc tế, ông Sơn nói các doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng hợp tác phát triển năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng, thông qua 5 hình thức.
Một là, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để khai thác các nguồn năng lượng tái tạo.
Hai là, hỗ trợ hợp tác đào tạo tăng cường năng lực về phát triển năng lượng tái tạo.
Ba là, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển năng lượng tái tạo.
Bốn là, liên doanh, liên kết sản xuất các thiết bị khai thác các nguồn năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu suất tiết kiệm năng lượng.
Năm là, đầu tư hỗ trợ vốn để đầu tư cho việc nghiên cứu, triển khai các dự án về phát triển năng lượng tái tạo.
“Chúng tôi kỳ vọng rằng, vấn đề này được Chính phủ và các tổ chức quốc tế lắng nghe và quan tâm hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các nguồn năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng”, ông Sơn nói.
SONG ANH