Hợp tác NLNT Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu
16:02 | 12/12/2016
Nhà máy điện hạt nhân nổi, xu hướng mới của nhân loại
Ứng dụng NLNT đến năm 2020: Cần điều chỉnh các mục tiêu
Lễ ký kết.
Lễ ký kết Hiệp định về hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) vì mục đích hòa bình giữa Việt Nam và Ấn Độ đã diễn ra ngày 9/12/2016, trước sự chứng kiến của hai Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc đã tham gia đoàn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với tư cách là thành viên chính thức đi thăm nước Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 8 - 11/12/2016.
Trước Lễ ký kết Hiệp định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cùng các thành viên trong đoàn Bộ KH&CN đã có buổi làm việc với Tiến sĩ Sekhar Basu, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nguyên tử Ấn Độ tại Trụ sở Bộ Ngoại giao Ấn Độ.
Hai bên đã trao đổi các định hướng hợp tác về năng lượng nguyên tử giữa Việt Nam và Ấn Độ, trong đó thời gian sắp tới sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác trong các hướng chính là: Ấn Độ hỗ trợ, hợp tác với Bộ KH&CN, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam trong việc xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân, trong đó có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới, triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực y tế (y học hạt nhân), đặc biệt là sản xuất đồng vị phóng xạ và phát triển các phương pháp chữa trị cho bệnh nhân ung thư; ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và công nghệ bức xạ trong công nghiệp, nông nghiệp, phục vụ xuất khẩu và đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân.
Đặc biệt, tại buổi làm việc còn có sự hiện diện của Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, Parvathaneni Harish, thể hiện mối quan tâm sâu sắc của Ấn Độ trong lĩnh vực hợp tác về NLNT với Việt Nam.
Hai bên đã trao đổi các định hướng và biện pháp cụ thể để sớm thúc đẩy lĩnh vực hợp tác về NLNT đi vào chiều sâu thông qua các hoạt động nghiên cứu khảo sát cụ thể nhu cầu và tiềm năng của Việt Nam để từ đó Ấn Độ sẽ cử đoàn sang Việt Nam (dự kiến tháng 3/2017), xây dựng các chương trình hợp tác, tư vấn kỹ thuật một cách thấu đáo, trọng tâm và trọng điểm.
Với việc ký kết Hiệp định về sử dụng NLNT vì mục đích hòa bình giữa hai nước, hy vọng thời gian tới các hoạt động hợp tác về NLNT sẽ đóng góp thực sự, trở thành một trong các nội dung chính trong hợp tác chung giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ.
Trong lĩnh vực NLNT, Ấn Độ là quốc gia có ngành NLNT rất phát triển, có nền khoa học công nghệ hạt nhân tiên tiến và có nhiều ứng dụng rộng rãi trong các ngành, đóng góp thực sự cho phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, hiện nay Ấn Độ đang đẩy mạnh phát triển điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung cấp điện năng ổn định và góp phần chống biến đổi khí hậu. Ấn Độ có thể tự thiết kế, xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, tự chế tạo lò phản ứng và các thiết bị… bằng công nghệ bản địa của mình với hiệu suất sử dụng tốt và độ an toàn cao có thể sánh vai với các cường quốc năng lượng nguyên tử trên thế giới.
NangluongVietnam Online