RSS Feed for Giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải điện - Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 07/11/2024 08:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải điện - Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp

 - Nhiệm vụ đặt ra đối với công tác đầu tư các công trình lưới điện truyền tải trong giai đoạn tới là hết sức cấp bách khi phải truyền tải công suất giữa các vùng miền, giải tỏa công suất các nguồn điện, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thành công trong dự án đường dây 500kV mạch 3 và những bài học kinh nghiệm Thành công trong dự án đường dây 500kV mạch 3 và những bài học kinh nghiệm

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 (Quảng Trạch - Phố Nối) hoàn thành sau hơn 6 tháng thi công thần tốc. Mới đây nhất, trong bài viết “chống lãng phí”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh cần tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 cho các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia. Vậy quá trình triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 có gì đặc biệt?

Trong thời gian qua, phụ tải điện tiếp tục tăng cao, trong khi đó việc đảm bảo cung cấp điện đang gặp nhiều khó khăn, một số nguồn điện quan trọng đang bị chậm tiến độ. Do đó, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác đầu tư các công trình lưới điện truyền tải trong giai đoạn tới là hết sức cấp bách khi phải truyền tải công suất giữa các vùng miền, giải tỏa công suất các nguồn điện, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng là chìa khóa để thúc đẩy tiến độ các dự án.

1. Khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án lưới điện truyền tải:

1.1. Về công tác quản lý đất đai tại các địa phương:

Mặc dù đã có những quy định cụ thể trong công tác quản lý đất đai tại địa phương theo Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương, vẫn còn tồn tại những vướng mắc như:

- Tranh chấp đất tại địa phương giải quyết không dứt điểm.

- Xây dựng nhà, công trình kiến trúc trong phạm vi dự án đã được cấp thẩm quyền thỏa thuận địa điểm.

- Việc mua bán sang tay không qua chính quyền diễn ra nhiều.

- Công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng tại cấp xã đôi lúc còn buông lỏng, chưa xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh, dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng, xây dựng trái phép.

1.2. Về đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm:

Theo quy định, sau khi dự án đầu tư được duyệt, chủ đầu tư đăng ký kế hoạch sử dụng đất cho các dự án, kèm theo là các thông tin về diện tích đất dự kiến thu hồi. Tuy nhiên, với đặc thù của các dự án truyền tải điện, để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến các tổ chức, hộ gia đình, đồng thời đảm bảo an toàn vận hành lâu dài dự án và tiết kiệm kinh phí đầu tư, việc chuẩn xác các vị trí móng trung gian chỉ được thực hiện trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, vì vậy khi đăng ký kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn trước khi có thiết kế kỹ thuật mà yêu cầu chính xác vị trí móng trung gian là rất khó khăn.

1.3. Về chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với đất ở và các loại đất khác trong hành lang an toàn:

- Đối với các dự án đường dây cấp điện áp 500 kV: Theo quy định hiện hành thì không phải thu hồi đất ở trong hành lang an toàn nên người dân bị ảnh hưởng không được nhận 100% tiền bồi thường, hỗ trợ về đất ở.

- Đối với đường dây 220 kV: Theo quy định hiện nay thì nhà ở, công trình xây dựng được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 kV nếu đáp ứng đủ các điều kiện. Vì vậy, không phải di dời nhà, chỉ hỗ trợ phần diện tích nhà bị ảnh hưởng trong hành lang. Tuy nhiên, các hộ dân thường có tâm lý không an tâm sinh sống trong hành lang lưới điện cao áp, nên sự đồng thuận không cao.

1.4. Về bồi thường cây cối và chi phí để chặt hạ cây cối:

Các hộ dân sau khi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ thường không tự chặt hạ, với nhiều lý do. Đối với các công việc này, hiện nay chủ đầu tư đang phải tổ chức thực hiện để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án, tuy nhiên, do không có quy định cụ thể của pháp luật về nội dung này, nên gây ra nhiều khó khăn trong việc thực hiện và nguồn kinh phí để thực hiện.

1.5. Về bồi thường, hỗ trợ nhà:

Một trong những thách thức lớn nhất là việc xác định giá bồi thường hợp lý cho người dân bị ảnh hưởng. Mức giá bồi thường theo quy định thường không tiệm cận được mong muốn của các hộ dân. Điều này dẫn đến việc không đồng thuận và có thể xảy ra khiếu nại, kéo dài thời gian triển khai dự án.

1.6. Về đơn giá bồi thường, hỗ trợ:

- Về đơn giá đất: Để xác định giá cụ thể, UBND các huyện/thị xã phối hợp với các sở chuyên ngành của tỉnh để thực hiện hay thuê đơn vị độc lập chuyên ngành để thực hiện. Tuy nhiên khi chuyển nhượng đất đai các bên (mua-bán) thường kê khai thấp hơn giá trị giao dịch thực tế. Vì vậy, giá đất cụ thể được ban hành thường thấp hơn giá thực tế dẫn đến người dân khó đồng thuận.

- Về mức hỗ trợ hạn chế khả năng sử dụng đất trong hành lang: Theo quy định thì mức bồi thường, hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Tuy nhiên, các công trình lưới điện truyền tải theo dạng tuyến, kéo dài qua các tỉnh khác nhau nên trên thực tế, cùng một dự án kéo dài qua địa bàn nhiều tỉnh thì mức bồi thường, hỗ trợ do UBND các tỉnh ban hành thường không giống nhau giữa các tỉnh. Có tỉnh hỗ trợ 30% đơn giá đất, có tỉnh 50% hoặc có tỉnh lên tới 80%. Đây là vướng mắc phổ biến trong quá trình giải phóng mặt bằng hành lang an toàn lưới điện, tạo tâm lý so bì giữa các hộ dân trong cùng một dự án nhưng khác địa phương.

1.7. Về mở đường tạm thi công:

Theo các quy định pháp luật hiện hành, việc mở đường tạm thi công, bãi tập kết nguyên vật liệu do đơn vị thi công/nhà thầu thỏa thuận với người dân theo quy định của pháp luật dân sự. Vì vậy, nhiều hộ dân đòi chi phí quá cao, không phù hợp thực tế nhưng do các bên tự thỏa thuận nên sự vào cuộc, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể rất hạn chế, khiến cho quá trình thỏa thuận bị kéo dài, thậm chí không thống nhất được.

Trong một số trường hợp, do cấp bách về tiến độ, nhà thầu chấp nhận thỏa thuận chi phí ở mức cao hơn mặt bằng chung nhưng lại tạo hiệu ứng không tốt đối với các hộ dân lân cận trước đó đã đạt được thỏa thuận chi phí thấp hơn, hoặc tạo thành một bằng giá mới cao hơn mặt bằng chung, gây khó khăn cho các dự án triển khai sau trên địa bàn, vì vậy chính quyền địa phương thường không khuyến khích áp dụng biện pháp này.

1.8. Một số khó khăn, vướng mắc khác:

- Về thỏa thuận và điều chỉnh hướng tuyến: Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án lưới điện, nhiều địa phương yêu cầu điều chỉnh tuyến mặc dù trước đó đã được UBND tỉnh thỏa thuận khiến chủ đầu tư phải điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và phải thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng từ bước đầu tiên đối với những đoạn tuyến phải điều chỉnh.

- Tại một số địa phương, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch điện lực chưa có sự đồng bộ dẫn đến dự án có tên ở quy hoạch này nhưng chưa có tên ở quy hoạch khác nên phải làm thủ tục điều chỉnh theo quy định. Có dự án phải đến giai đoạn lập phương án bồi thường mới phát hiện sai sót.

- Công tác cập nhật bản đồ địa chính tại một số địa phương không tốt dẫn đến việc dự án đã có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa cập nhật vào bản đồ địa chính, đến khi đo đạc, kiểm đếm mới phát hiện ra.

- Công tác bố trí tái định cư tại nhiều địa phương triển khai rất chậm do khó khăn về quỹ đất, kinh phí xây dựng, trình tự thủ tục kéo dài (lập quy hoạch, lập phê duyệt thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thi công xây dựng,...).

- Tại một số địa phương, lực lượng trực tiếp tham gia vào công tác giải phóng mặt bằng còn ít, trong khi số lượng dự án trên địa bàn địa phương rất nhiều, không chỉ các dự án lưới điện truyền tải mà còn cả các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, khu đô thị, khu dân cư,... Bên cạnh đó, năng lực của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, làm việc chưa quyết liệt, ngại va chạm, thiếu chủ động sáng tạo nên cũng ảnh hưởng đến quá trình triển khai các thủ tục giải phóng mặt bằng.

- Chính sách hỗ trợ người dân ổn định đời sống, chuyển đổi nghề chủ yếu thực hiện chi trả bằng tiền, chưa có giải pháp cụ thể khác như trực tiếp đào tạo nghề để người dân ổn định đời sống, nhất là các hộ bị thu hồi hết đất nông nghiệp.

- Việc di dời mồ mả là vấn đề rất khó khăn và mất nhiều thời gian vì ngoài các yếu tố về đơn giá, chính sách bồi thường còn liên quan nhiều đến yếu tố tâm linh, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

- Về áp dụng các biện pháp hành chính khi người dân cố tình không chấp hành: Mặc dù đã có quy định pháp luật về việc cưỡng chế, áp dụng các biện pháp hành chính đối với các trường hợp cố tình không chấp hành. Tuy nhiên phần lớn các địa phương thường không muốn thực hiện biện pháp này do lo ngại sự phản ứng của người dân và ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

2. Một số bài học kinh nghiệm từ sự thành công của các dự án đường dây 500 kV mạch 3:

Vừa qua, ngày 29/8/2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức khánh thành các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) chỉ sau hơn 6 tháng triển khai thi công. Đây được đánh giá là “kỳ tích” trong đầu tư, xây dựng các dự án lưới điện từ trước đến nay. Từ thành công của các dự án này, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

- Bài học về công tác quản lý, lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo: Các dự án đã nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm vào cuộc của các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương, EVN và các đơn vị thành viên với tinh thần: “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, ‘Vượt nắng, thắng mưa”, “Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “Làm việc 3 ca, 4 kíp”, “Làm việc xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ”. Nhờ đó các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đã được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất có thể.

- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương vào cuộc: Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể, đoàn thanh niên, công an, quân đội trong quá trình triển khai các dự án đã góp phần rất lớn đẩy nhanh tiến độ các dự án.

- Công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động người dân trong khu vực bị ảnh hưởng được thực hiện rất tốt ở cả các cơ quan Trung ương và địa phương. Xây dựng phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, kịp thời động viên, khen thưởng tạo không khí hăng say trên công trường.

- Sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân trong khu vực dự án đã giúp cho công tác giải phóng mặt bằng và công tác thi công trên công trường được triển khai rất nhanh và thuận lợi.

- Huy động được nguồn lực của toàn xã hội trong công tác thi công, xây dựng với phương châm “4 tại chỗ”. Sự vào cuộc của các tập đoàn kinh tế nhà nước, của toàn bộ các đơn vị trong ngành điện và của người dân cùng tham gia, phối hợp, hỗ trợ công tác thi công.

- Sự nỗ lực, tích cực, chủ động của EVN, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, các nhà thầu và đơn vị thi công cùng sự hỗ trợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (Viettel, VNPT, PNV...) với khoảng 15.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trên công trường đã vào cuộc với tinh thần và quyết tâm cao triển khai các dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo EVN và EVNNPT thường xuyên có mặt tại công trường để kiểm tra, đôn đốc và quyết liệt chỉ đạo xử lý ngay các vướng mắc khó khăn. Cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trên công trường đã có nhiều sáng kiến khắc phục khó khăn, hăng say làm việc với quyết tâm cao đưa các dự án về đích đúng tiến độ.

3. Các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án lưới điện truyền tải:

- Hoàn thiện khung pháp lý và chính sách về bồi thường: Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện và cập nhật các văn bản pháp luật liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các quy định về định giá đất và tài sản, nhằm phản ánh đúng giá trị thực tế thị trường. Đồng thời thống nhất chính sách bồi thường giữa các loại dự án.

- Cải thiện công tác quy hoạch và lập kế hoạch giải phóng mặt bằng: Quy hoạch hạ tầng truyền tải điện phải đảm bảo tính đồng bộ với các quy hoạch khác như Quy hoạch đô thị, Quy hoạch đất đai,...

Trong mỗi dự án cụ thể, cần xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng chi tiết, bao gồm cả dự trù cho các tình huống phát sinh. Kế hoạch này nên được thiết kế linh hoạt để có thể điều chỉnh nhanh chóng khi có vấn đề bất ngờ xảy ra.

- Nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cơ quan thực hiện: Các cán bộ tham gia công tác giải phóng mặt bằng cần được đào tạo chuyên sâu về pháp luật, kỹ năng đàm phán, kỹ năng vận động, tuyên truyền và quản lý dự án để có thể xử lý các tình huống phát sinh một cách hiệu quả và chuyên nghiệp. Đồng thời quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan kết hợp với tăng cường giám sát để đảm bảo tính minh bạch và ngăn ngừa các hành vi tiêu cực.

- Thực hiện tốt việc tham vấn và đối thoại cộng đồng: Trước khi triển khai dự án, cần tăng cường tổ chức các buổi họp công khai với sự tham gia của người dân, để lắng nghe ý kiến và giải đáp các thắc mắc. Công khai minh bạch mọi thông tin liên quan đến dự án và chính sách bồi thường, đảm bảo người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

- Ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính: Sử dụng các hệ thống quản lý đất đai điện tử để cập nhật và quản lý thông tin đất đai chính xác, nhanh chóng và minh bạch. Tinh giản quy trình và thủ tục hành chính liên quan đến giải phóng mặt bằng.

- Tăng cường phối hợp liên ngành: Để đảm bảo sự đồng bộ trong quá trình giải phóng mặt bằng, cần có một cơ chế phối hợp liên ngành chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và người dân. Cơ chế này giúp giải quyết nhanh chóng các vướng mắc phát sinh và đẩy nhanh tiến độ dự án. Trong các dự án lớn hoặc phức tạp, có thể thành lập các nhóm công tác liên ngành đặc biệt để tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, đảm bảo các quyết định được đưa ra kịp thời và hiệu quả.

- Tạo cơ chế khuyến khích và hỗ trợ người dân: Cần có các biện pháp khuyến khích người dân hợp tác trong quá trình giải phóng mặt bằng như cung cấp các ưu đãi tài chính, hỗ trợ tái định cư, hoặc đảm bảo quyền lợi về y tế và giáo dục cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Đối với các hộ gia đình phải di dời, cần đảm bảo khu tái định cư có cơ sở hạ tầng tốt và người dân được hỗ trợ trong việc ổn định cuộc sống và chuyển đổi nghề nghiệp nếu cần thiết.

- Giải pháp về kỹ thuật: Đối với một số vị trí, hướng tuyến dự báo sẽ gặp khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng như qua rừng tự nhiên, khu dân cư, khu đô thị, cần nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật như nâng chiều cao cột, thu hẹp diện tích móng để giảm thiểu ảnh hưởng đến các hộ dân và rừng tự nhiên.

- Đa dạng hóa hình thức hỗ trợ đào tạo nghề đối với các hộ bị thu hồi đất phải chuyển đổi nghề nghiệp: Hiện nay, việc hỗ trợ người dân ổn định đời sống, chuyển đổi nghề chủ yếu thực hiện chi trả bằng tiền mà ít có các hình thức khác hỗ trợ, dẫn đến người dân có thể sử dụng tiền vào mục đích khác hoặc học nghề không phù hợp thực tế và lợi thế của địa phương dẫn đến hiệu quả của chính sách này bị hạn chế. Vì vậy, ngoài hình thức hỗ trợ bằng tiền, đối với một số trường hợp cụ thể cần có giải pháp tổ chức đào tạo nghề trực tiếp, phù hợp với trình độ, khả năng và mong muốn của người dân đồng thời phù hợp với lợi thế, điều kiện tại địa phương.

- Tăng cường và đa dạng hóa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức kết hợp với phổ biến kiến thức về an toàn lưới điện để người dân hiểu, ủng hộ cho các dự án lưới điện truyền tải.

4. Kết luận:

Để nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong các dự án lưới điện truyền tải, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ việc hoàn thiện khung pháp lý, cải thiện quy hoạch, nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, đến việc tăng cường đối thoại với cộng đồng, cải cách thủ tục hành chính và tạo cơ chế hỗ trợ người dân. Những giải pháp này không chỉ giúp giảm thiểu các khó khăn hiện tại mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án truyền tải điện trong tương lai nhằm đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn, đảm bảo phát kiển kinh tế, xã hội của đất nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia./.

HOÀNG TRỌNG HIẾU

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động