RSS Feed for Giải pháp xử lý môi trường, tro xỉ ở các nhà máy nhiệt điện than | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 16:10
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giải pháp xử lý môi trường, tro xỉ ở các nhà máy nhiệt điện than

 - Bằng nhiều nghiên cứu và kết quả thực tế, hiện nay đã có thể khẳng định tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than không những không phải là nguồn chất thải nguy hại, mà còn là nguồn nguyên liệu có giá trị đối với những sản xuất vật liệu xây dựng. Nhưng để đạt được các mục tiêu về xử lý, sử dụng tro, xỉ đặt ra, cần sự tham gia của tất cả các chủ thể như cơ quan quản lý nhà nước, chủ các nhà máy nhiệt điện than, các đơn vị tiếp nhận, sử dụng tro xỉ... nhằm triển khai đồng bộ và có tính hệ thống các công việc liên quan.

Đột phá mới trong giải quyết vấn đề tro xỉ nhiệt điện than

Nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội, từ năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020. Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Gần đây nhất, Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng với mục tiêu đến năm 2020 là:

1/ Phải xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao đảm bảo đáp ứng lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón nhỏ hơn tổng lượng phát thải của 2 năm sản xuất.

2/ Đến năm 2020 xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng đạt khoảng 52% tổng lượng tích luỹ (khoảng 75 triệu tấn, bao gồm 56 triệu tấn tro, xỉ nhiệt điện; 2,5 triệu tấn thạch cao FGD; 16,5 triệu tấn thạch cao PG).

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong năm 2017, tổng sản lượng điện sản xuất của các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than là 67,56 tỷ kWh, chiếm 34,1% tổng sản lượng toàn quốc. Theo Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh, dự kiến đến năm 2020, sản lượng của các NMNĐ than sẽ chiếm 42,7% và tăng lên 49,3% trong năm 2025. Tương ứng với đó là khối lượng tro xỉ phát sinh của các NMNĐ than là 15 triệu tấn năm 2020 và tăng lên 20 triệu tấn vào năm 2025.

Là đơn vị sở hữu nhiều NMNĐ than nhất trong hệ thống điện, đóng góp gần 2/3 tổng khối lượng tro xỉ của các NMNĐ than tại Việt Nam, dó đó EVN có vai trò và trách nhiệm trong việc đẩy mạnh tái sử dụng tro xỉ của các nhà máy điện nhằm đạt được những mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.

I. Hiện trạng tro xỉ tại các NMNĐ than của EVN

1/ Tình hình tiêu thụ than và khối lượng tro xỉ phát sinh:

Hiện nay, EVN đang sở hữu và vận hành 12 nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than. Trong đó, có 10 nhà máy dùng than sản xuất trong nước được cấp từ Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc. Các nhà máy dùng than nhập khẩu là NMNĐ Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 4 và tới đây là Duyên Hải 3 mở rộng và Vĩnh Tân 4 mở rộng sử dụng than bituminos và sub-bituminous.

Tổng khối lượng than sử dụng trung bình năm là khoảng 34 triệu tấn, trong đó than nội địa là 25-27 triệu tấn và than nhập khẩu là 9-10 triệu tấn.

Tổng khối lượng tro xỉ của các NMNĐ của EVN phát sinh trung bình trong một năm là 8,1 triệu tấn.

2/ Tình hình quản lý và lưu trữ tro xỉ tại các NMNĐ than:

Hiện nay, ngoài một phần tro xỉ được các đơn vị tiếp nhận và tái sử dụng, phần còn lại của tro, xỉ thải ra từ các tổ máy được vận chuyển và lưu giữ tại các bãi chứa xỉ của NMNĐ. Bãi chứa xỉ được thiết kế đảm bảo chống rò rỉ ra môi trường.

Đối với các nhà máy có đơn vị thu mua xử lý tro xỉ, thì tro xỉ được lấy trực tiếp từ các xilo tại nhà máy, hoặc khai thác ngoài bãi chứa xỉ và được vận chuyển đi bằng xe bồn kín đảm bảo chống phát tán bụi ra môi trường xung quanh. Các nhà máy điện sử dụng cả công nghệ thải xỉ khô và ướt.

Tổng khối lượng tro, xỉ hiện nay đang còn lưu giữ tại bãi chứa xỉ của các NMNĐ là gần 15 triệu tấn, trong đó các nhà máy có khối lượng tro, xỉ lớn chủ yếu tập trung tại các NMNĐ Quảng Ninh (4,8 triệu tấn), Vĩnh Tân (3,9 triệu tấn), Duyên Hải (1,8 triệu tấn), Mông Dương 1 (1,7 triệu tấn).

3/ Tình hình tiêu thụ tro xỉ của NMNĐ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng:

Thứ nhất: Về chất lượng tro xỉ của các NMNĐ than:

Bằng nhiều nghiên cứu và kết quả thực tế, hiện nay đã có thể khẳng định tro, xỉ của các NMNĐ than không những không phải là nguồn chất thải nguy hại, mà còn là nguồn nguyên liệu có giá trị đối với những sản xuất vật liệu xây dựng.

Các NMNĐ thuộc EVN đã phối hợp với các đơn vị kiểm định độc lập như VinaControl, Trung tâm Năng lượng than Nhật Bản (JCOAL) để tổ chức lấy mẫu tro xỉ và phân tích, đồng thời qua kết quả nghiên cứu của Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, tro xỉ NMNĐ có các đặc điểm phù hợp để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và dùng trong các công trình xây dựng.

Thứ hai: Tình hình tiêu thụ tro xỉ tại các NMNĐ than:

Việc tiêu thụ tro xỉ của các NMNĐ than khu vực phía Bắc đã được thực hiện từ lâu. Hiện nay, thị trường tiêu thụ tro xỉ các NMNĐ tương đối ổn định. Hầu hết các nhà máy đã tìm và ký hợp đồng với các đối tác để tiêu thụ phần lớn lượng tro xỉ của nhà máy. Điển hình như các Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và Ninh Bình đã tiêu thụ hết hoàn toàn lượng tro xỉ của nhà máy.

Trong nhưng năm qua, tro xỉ của các NMNĐ than của EVN đã được sử dụng trong các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng như bê tông, xi măng, gạch không nung, cấu kiện xây dựng… Điển hình như tại 2 công trình thủy điện lớn là Sơn La và Lai Châu đã sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn, trong đó thành phần khối lượng tro bay tương đối lớn được tuyển chọn từ tro bay của NMNĐ Phả Lại.

Riêng khu vực Quảng Ninh có NMĐ Quảng Ninh và Mông Dương 1 khối lượng tro, xỉ chưa tiêu thụ còn nhiều. Đặc biệt là Nhiệt điện Mông Dương 1, lượng tro xỉ chứa tại nhà máy đã gần đạt đến dung lượng tối đa của bãi thải xỉ. Vì vậy, để đảm bảo nhà máy tiếp tục hoạt động ổn định, cần khẩn trương tìm giải pháp để tiêu thụ lượng tro xỉ đang tiếp tục phát sinh và còn tồn tại bãi thải xỉ hiện nay.

Đối với các NMNĐ than khu vực phía Nam là Duyên Hải và Vĩnh Tân, các NMNĐ mới đưa vào vận hành tại Duyên Hải và Vĩnh Tân trong thời gian vừa qua đã làm việc với các đơn vị có khả năng tiêu thụ tro xỉ, tạo điều kiện để các đơn vị này tiến hành lấy mẫu thí nghiệm nhằm đưa ra phương án tiêu thụ. Cụ thể như tại Nhiệt điện Duyên Hải đã ký hợp đồng tiêu thụ tro xỉ với tổng khối lượng 2,9 triệu tấn/năm bằng 210% tổng khối lượng tro xỉ trung bình hàng năm của hai nhà máy. Nhiệt điện Vĩnh Tân đã làm việc với 9 công ty để nghiên cứu xử lý tro xỉ. Tuy nhiên, cho đến nay khối lượng tro, xỉ được tiêu thụ vẫn chưa đáng kể.

II. Các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ tro xỉ của các NMNĐ than

Để đạt được những mục tiêu với xử lý tro xỉ trong các nhà máy điện, EVN đã đề ra một số giải pháp chính để thực hiện như sau:

Thứ nhất: Nâng cao hiệu suất vận hành các nhà máy điện: Giải pháp này nhằm nâng cao hiệu quả đốt than của các nhà máy, giảm lượng tro xỉ thải ra. EVN đã nghiên cứu và triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1/ Thường xuyên theo dõi, tính toán suất hao nhiên liệu của các nhà máy, có phương thức vận hành các lò máy, tổ máy phát tối ưu để đạt được hiệu suất cao nhất.

2/ Điều chỉnh chế độ đốt cháy, thường xuyên theo dõi hàm lượng carbon trong tro để điều chỉnh chế độ cháy phù hợp.

3/ Nghiên cứu và triển khai giải pháp đốt than trộn, đặc biệt với các nhà máy sử dụng than nội địa, xác định tỷ lệ trộn tối ưu giữa than antraxit và than bitum/sub-bitum, nhằm lựa chọn được chủng loại than và tỷ lệ trộn phù hợp, nâng cao được hiệu suất và giảm tối đa tro xỉ thải ra.

4/ Củng cố, duy trì tình trạng và chất lượng các thiết bị trong dây chuyền sản xuất ở mức tối ưu, đảm bảo thiết bị luôn ở trạng thái sẵn sàng, đem lại hiệu quả vận hành cao nhất.

Thứ hai: Tăng cường công tác bảo vệ môi trường: Mục tiêu của giải pháp này nhằm đảm bảo các nhà máy điện tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra sự cố môi trường.

Theo đó, EVN cùng các đơn vị tiếp tục nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường. Tập trung cao độ mọi nguồn lực làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là tại các nhà máy nhiệt điện đốt than. Mặt khác, quản lý và chuyển giao tro xỉ cho các đối tác vận chuyển, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Thứ ba: Lựa chọn các đơn vị có khả năng xử lý tro xỉ: Gải pháp này nhằm tìm kiếm, lựa chọn và tạo điều kiện cho các đối tác có đủ điều kiện và năng lực xử lý tro xỉ trong các nhà máy điện, đảm bảo giải quyết được tro xỉ của nhà máy trong dài hạn. Các nội dung cụ thể triển khai như sau:

1/ Chủ động làm việc với các đối tác quan tâm, có năng lực và có cam kết sử dụng khối lượng lớn trong thời gian dài.

2/ Yêu cầu các đối tác phải đám ứng công tác bảo vệ môi trường trong suốt quá trình khai thác, vận chuyển, xử lý; chỉ chuyển giao cho các đối tác đủ hồ sơ tài liệu chứng minh doanh nghiệp có khả năng vận chuyển, xử lý và tiêu thụ tro xỉ.

III. Cam kết của EVN đối với các đối tác xử lý tiêu thụ tro xỉ

Để đẩy mạnh việc tái sử dụng tro, xỉ, EVN sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho các đối tác tiếp cận nghiên cứu phương án vận chuyển và tiêu thụ tro xỉ, cụ thể:

Thứ nhất: Phối hợp cùng với các đối tác để làm việc với cơ quan quản lý nhà nước, đề xuất ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn liên quan tới thu gom, vận chuyển và tái sử dụng tro xỉ.

Thứ hai: Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị có giải pháp tái sử dụng tro xỉ để sản xuất các sản phẩm tiếp cận nguồn nguyên liệu tro xỉ tại các NMNĐ than của EVN.

Thứ ba: Sẵn sàng hỗ trợ các đối tác trong việc tìm kiếm các giải pháp để đảm bảo chất lượng tro xỉ của các NMNĐ; bố trí mặt bằng và nhân lực phù hợp trong phạm vi các nhà máy để phối hợp với các đơn vị trong lắp đặt, vận hành các hệ thống thiết bị thu gom và vận chuyển tro xỉ.

Thứ tư: Ưu tiên hợp tác với các đối tác có mục tiêu đầu tư sử dụng tro xỉ dài hạn với khối lượng lớn. Thực hiện tiêu thụ tro xỉ theo các hợp đồng dài hạn.

Thứ năm: Thực hiện lựa chọn các đối tác trên cơ sở cạnh tranh, công khai, minh bạch.

IV. Kết luận và kiến nghị

Tro, xỉ nhiệt điện được đánh giá là phù hợp cho việc sử dụng làm nguyên vật liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng cho xây dựng. Quyết định số 1696/QĐ-TTg và 452/QĐ-TTg là cơ sở cho việc thúc đẩy việc xử lý, sử dụng tro xỉ nhiệt điện ở Việt Nam. Để đạt được các mục tiêu về xử lý, sử dụng tro, xỉ đặt ra, cần sự tham gia của tất cả các chủ thể như cơ quan quản lý nhà nước, chủ các NMNĐ, các đơn vị tiếp nhận, sử dụng tro xỉ... nhằm triển khai đồng bộ và có tính hệ thống các công việc liên quan. Theo đó, các chuyên gia, nhà khoa học và EVN kiến nghị:

1/ Đối với cơ quan quản lý nhà nước:

Thứ nhất: Kiến nghị các cấp có thẩm quyền tăng cường công tác tuyên truyền khuyến khích các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về sử dụng các sản phẩm từ ứng dụng tro xỉ thay thế vật liệu xây dựng.

Thứ hai: Ban hành các quy định pháp lý yêu cầu bắt buộc thị trường vật liệu xây dựng sử dụng các sản phẩm sản xuất từ tro, xỉ, thạch cao, bê tông, gạch không nung...

Thứ ba: Nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu ứng dụng, tham gia hợp tác kinh doanh với các nhà máy nhiệt điện trong việc xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao.

Thứ tư: Sửa đổi Nghị định 38/2015/NĐ-CP theo hướng xem tro, xỉ nhiệt điện khi đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng thì được coi là sản phẩm hàng hóa và không bị điều chỉnh theo quy định về chất thải công nghiệp thông thường.

Thứ năm: Kiến nghị sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật quy định việc xử lý, sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng, giao thông, san lấp mặt bằng...

2/ Đối với các đối tác vận chuyển, sử dụng tro xỉ:

Thứ nhất: Nghiên cứu kỹ và chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường.

Thứ hai: Có phương án và kế hoạch tiếp nhận, tiêu thụ tro, xỉ dài hạn.

Thứ ba: Các đơn vị cùng hợp tác để nghiên cứu sử dụng và khai thác nguồn tro,xỉ của các NMNĐ than để đạt được hiệu quả cao nhất.

HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động