RSS Feed for Giải pháp nào cho điện đồng phát từ bã mía Việt Nam? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 17:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giải pháp nào cho điện đồng phát từ bã mía Việt Nam?

 - "Nếu có giải pháp đồng bộ, cơ chế khuyến khích, thực hiện tái cơ cấu hiệu quả thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ có thể đạt 40 triệu tấn mía, sản xuất được 4,7 triệu MWh, tương ứng tổng công suất phát 1.600 MW và lượng điện thương phẩm lên lưới có thể đạt 50 - 60% (2,8 triệu MWh), tương ứng công suất đấu nối vào lưới điện quốc gia 900MW...", ông Phạm Ngọc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết tại Hội thảo nhà đầu tư về “Các cơ hội đầu tư vào dự án đồng phát năng lượng từ ngành mía đường Việt Nam”, tổ chức ngày 3/10, tại Hà Nội.

Vận hành Nhà máy điện sinh khối KCP - Phú Yên
Quy định về phát triển dự án điện sinh khối
Biểu giá chi phí tránh được cho dự án điện sinh khối

Hội thảo Nhà đầu tư về “Các cơ hội đầu tư vào dự án đồng phát năng lượng từ ngành mía đường Việt Nam” do dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (4E) cùng phối hợp với Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu và Hiệp hội mía đường Việt Nam tổ chức, dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), Văn phòng Biến đổi Khí hậu Toàn cầu thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong khuôn khổ Chương trình Sẵn sàng Tài chính Khí hậu (CF Ready) tại Việt Nam.

Bà Sonia Lioret.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Sonia Lioret, Trưởng dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng của Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho biết: Với tốc độ phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay, thì nhu cầu về điện cũng tăng lên nhanh chóng. Việt Nam cũng là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và đã có những cam kết đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo đề ra trong Quy hoạch phát triển điện VII (điều chỉnh).

Theo đó, năng lượng sinh khối sẽ chiếm 1% vào năm 2020 và 3% trong tổng lượng điện sản xuất vào năm 2030. Và khi nói về sinh khối, chủ yểu là chúng ta đang nói về bã mía ở Việt Nam.

Theo bà Sonia Lioret, hiện nay, ngành nông nghiệp chiếm chưa đến 20% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam, nhưng lại chiếm một nửa lực lượng lao động trong cả nước. Phát triển các giải pháp sản xuất năng lượng sinh khối hiện đại sẽ có ảnh hưởng lớn đến lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ngành công nghiệp mía đường hiện nay có vai trò quan trọng đối với Việt Nam. Ngành mía đường đã từ khá lâu sử dụng phụ phẩm để sản xuất nhiệt, điện, và thực sự là một trong những ngành đi đầu trong sản xuất năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Ngành mía đường Việt Nam hiện đang ở giai đoạn giao thời, môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh, trong bối cảnh các rào cản về thuế quan trong khu vực ASEAN đang được giảm trừ...

Các nước sản xuất đường hàng đầu trên thế giới, Thái Lan và Việt Nam đều có ngành công nghiệp mía đường phát triển mạnh mẽ. Trước hết, đó là nhờ vào sự đầu tư khá tích cực vào các nhà máy sản xuất điện từ bã mía, vốn đem lại nguồn thu thêm cho các nhà máy này, và giúp giảm thiểu các nguy cơ kinh doanh trên thị trường quốc tế.

"Những nhà máy sản xuất đường đã đầu tư vào quá trình này từ trước, và hiện nay một số các nhà máy tiếp tục đầu tư. Các tập đoàn lớn thường là đơn vị đầu tư trước tiên. Đây là xu hướng chúng tôi tin rằng sẽ tiếp tục trong thời gian tới...", bà Sonia Lioret phát biểu.

Theo bà Sonia Lioret: "Đầu tư vào các dự án nhiệt điện đồng phát sử dụng bã mía thực ra chính là đầu tư với nhiều mục đích: năng lượng, khí hậu, nông nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam...".

"Mục tiêu hỗ trợ của GIZ trước tiên là tăng sản lượng của các nhà máy sản xuất điện từ nguồn sinh khối bằng cách nâng cao hiệu suất. Chúng tôi khuyến khích các nhà máy này sử dụng các phụ phẩm sinh khối thay thế tại thời điểm ngoài vụ ép mía, vì lúc này các nhà máy thường dừng hoạt động. Nhìn chung, chúng tôi hỗ trợ để phát triển các dự án điện sinh khối khả thi về mặt tài chính và có thể nhận được vốn vay của ngân hàng”, bà Sonia Lioret cho biết.

Ông Phạm Ngọc Doanh.

Theo ông Phạm Ngọc Doanh, Chủ tịch VSSA: Hiện Việt Nam có 41 nhà máy đường, trong đó 38 nhà máy đường mía và 1 nhà máy đường luyện từ đường thô. Các nhà máy này phân bổ: miền Bắc và Bắc Trung bộ 11 nhà máy; miền Trung và Tây Nguyên 14 nhà máy; miền Đông Nam bộ 6 nhà máy và Đồng bằng Sông Cửu Long 112 nhà máy. Tổng công suất lắp đặt của các nhà máy là 155.000 tấn mía/ ngày, sản xuất 2 triệu tấn đường/ năm.

Theo ông Phạm Ngọc Doanh, với 41 nhà máy đường mía vụ 2016-2017, công suất điện sản xuất đạt 477,2 MW, trong đó công suất nối lưới là 99,8 MW (8 nhà máy), điện năng bán nối lưới đạt trên 186,3 triệu kWh.

Các nhà máy điện đã đưa lên nối lưới bao gồm: Lam Sơn, Nghệ An, KCP Phú Yên, Khánh Hòa, TTC Gia Lai, BHS Ninh Hòa, TTC Tây Ninh và Sóc Trăng.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành mía đường Việt Nam đang xây dựng đề án tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; thực hiện cơ cấu lại và đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía trong ngành mía đường.

"Nếu có giải pháp đồng bộ, thực hiện tái cơ cấu hiệu quả thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ có thể đạt 40 triệu tấn mía, sản xuất được 4,7 triệu MWh, tương ứng tổng công suất phát 1.600 MW và lượng điện thương phẩm lên lưới có thể đạt 50 - 60% (2,8 triệu MWh), tương ứng công suất đấu nối vào lưới điện quốc gia 900MW...", ông Phạm Ngọc Doanh khẳng định.

Ông Adam Ward.

Ông Adam Ward, Đại diện Quốc gia - Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu tại Việt Nam nhận định: "Việt Nam đã đặt mục tiêu tới 2030 có 3% điện được cung cấp từ nguồn điện sinh khối. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua sự tham gia của các doanh nghiệp tài chính tư nhân. Đây cũng là cơ hội để các công ty mía đường và các tổ chức tài chính có thể hiểu được nhu cầu của nhau - chỉ khi đó chúng ta mới có thể thấy những dòng tài chính cần thiết cho năng lượng tái tạo cũng như để Việt Nam đạt được các mục tiêu này”.

Tại Hội thảo, Trung tâm Năng lượng tái tạo (Viện Năng lượng) đã công bố Sổ tay Hướng dẫn phát triển dự án Năng lượng Sinh khối tại Việt Nam. Cuốn Sổ tay giải thích các bước trong quy trình đầu tư dự án điện sinh khối tại Việt Nam và hướng tới thúc đẩy sử dụng nguồn phụ phẩm sinh khối để sản xuất điện. 

Tiếp đó, Hội thảo đã được nghe 5 báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được triển khai tại Nhà máy đường Phụng Hiệp, Xí nghiệp đường Vị Thanh, Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An.

Từ những báo cáo tiền khả thi này, các nhà máy đường có thể hình dung được một bức tranh thực tế về các cơ hội đầu tư. Trong quá trình thực hiện báo cáo, công ty tư vấn cũng được đào tạo thêm về cách thức triển khai dự án nghiên cứu tiền khả thi cho các dự án đồng phát năng lượng trong ngành mía đường.

MAI THẮNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động