RSS Feed for EVNNPT và mục tiêu nâng cao hiệu quả Hệ thống truyền tải điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 05/01/2025 07:53
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

EVNNPT và mục tiêu nâng cao hiệu quả Hệ thống truyền tải điện

 - Năm 2018, công tác vận hành hệ thống điện truyền tải đã được cải thiện đáng kể, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đưa vào hàng loạt dự án đầu tư mới và cải tạo, nâng công suất để khắc phục tình trạng vận hành đầy và quá tải. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý kỹ thuật và vận hành để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sự cố, khiếm khuyết, hiện tượng bất thường trên lưới điện.

Năng lượng Việt Nam: Hiện trạng và triển vọng phát triển

Hệ thống truyền tải điện được cải thiện

Báo cáo của EVNNPT cho biết: Năm 2018, Tổng công ty đã vận hành hệ thống điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định góp phần cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân, với sản lượng điện truyền tải đạt 184,5 tỷ kWh, bằng 101,8% so với kế hoạch Tập đoàn giao, tăng 11,03% so với năm 2017.

Tỷ lệ tổn thất điện năng (TTĐN) trong năm 2018 của Tổng công ty đạt 2,45%, bằng kết quả thực hiện năm 2017, cao hơn 0,08% so với chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn giao. Trong đó TTĐN lưới 500 kV là 2,71%, giảm 0,18% so với kế hoạch được giao (2,89%), TTĐN lưới 220 kV là 1,16%, đạt so với kế hoạch được giao.

Năm 2018, doanh thu truyền tải điện của Tổng công ty ước đạt 20.402 tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm 2017. EVNNPT đã thực hiện tốt công tác nâng cao hiệu quả tài chính và tối ưu hóa chi phí.Thực hiện tiết kiệm 7,5% chi phí so với định mức đã được Tập đoàn giao, tương ứng với tiết kiệm 118 tỷ đồng. Các nhóm chỉ tiêu về tăng hiệu quả sử dụng vốn và nâng cao hiệu quả vận hành đều được thực hiện tốt so với kế hoạch.

Cùng với đó, Tổng công ty đã thực hiện khối lượng sửa chữa lớn đạt trên 780 tỷ đồng, đạt 100% so kế hoạch EVN giao, tăng 5,2% so với khối lượng thực hiện năm 2017. Với kết quả này đã góp phần bảo đảm chất lượng lưới điện truyền tải, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, vận hành.

Đối với các chỉ tiêu nâng cao hiệu quả trong đầu tư xây dựng, Tổng công ty đã tối ưu hóa chi phí và tiết kiệm đạt giá trị 2.079 tỷ đồng ,tương đương 17,75% so với tổng giá trị gói thầu đối với các gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi.

Đây cũng là năm EVNNPT thực hiện tốt các chỉ tiêu nâng cao năng suất lao động với kết quả thực hiện chuyển đổi 48 TBA không người trực, vượt 6 TBA không người trực so với kế hoạch được giao.

Với việc thực hiện tốt công tác rà soát, bố trí sắp xếp lao động hợp lý, hạn chế tối đa tuyển dụng lao động mới, điểm nhấn trong việc nâng cao năng suất lao động của EVNNPT trong năm là mặc dù khối lượng quản lý vận hành tăng nhưng số lao động của Tổng công ty giảm 260 người so với cuối năm 2017. Qua đó, năng suất lao động của EVNNPT năm 2018 đạt 29,06 triệu kWh/lao động, tăng 20,33% so với năm 2017.

Năm 2018, Tổng công ty đã hoàn thành khối lượng đầu tư đạt 15.769 tỷ đồng, đạt 87,1% kế hoạch Tập đoàn giao. Giải ngân đạt 15.496 tỷ đồng, đạt 85,6% kế hoạch. Cụ thể, đã khởi công được 31/35 dự án 220/500 kV theo kế hoạch và 12 dự án ngoài kế hoạch, nâng tổng số dự án khởi công trong năm 2018 là 43 dự án.

Đặc biệt, năm 2018, EVNNPT đã khởi công được các dự án đường dây 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Pleiku 2. Đây là dự án đặc biệt quan trọng phục vụ bảo đảm cung cấp điện cho miền Nam trong giai đoạn đến năm 2020 và các năm tiếp theo.

Tổng công ty cũng đã đóng điện 50/62 dự án theo kế hoạch (10 dự án 500 kV, 40 dự án 220kV). Ngoài ra, để đảm bảo cung cấp điện theo yêu cầu của các Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty còn hoàn thành đóng điện thêm 4 dự án ngoài kế hoạch, nâng tổng số dự án đóng điện trong năm 2018 là 54 dự án.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Tuy nhiên, EVNNPT cũng cho biết, một số dự án khởi công, đóng điện và khối lượng đầu tư chưa đạt so với kế hoạch, theo EVNNPT, nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn trong thỏa thuận với chính quyền địa phương về địa điểm trạm và tuyến đường dây dẫn đến thời gian lập dự án đầu tư bị kéo dài.

Tới thời điểm hiện tại, còn có dự án như đường dây cáp ngầm 220 kV Tao Đàn - Tân Cảng theo kế hoạch phải khởi công trong năm 2018 nhưng chưa thỏa thuận được tuyến. 

Bên cạnh việc trình tự thủ tục và thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư bị kéo dài, việc chuyển đổi nguồn vốn từ vốn ODA sang sử dụng nguồn vốn trong nước theo chủ trương hạn chế sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ cũng dẫn đến chậm tiến độ triển khai dự án như đường dây 500 kV Chơn Thành - Đức Hòa. 

Trên thực tế vẫn còn một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tư vấn và các nhà thầu thi công xây lắp, cung cấp vật tư thiết bị, chưa quyết liệt trong việc xử phạt các nhà thầu vi phạm hợp đồng.

Vướng mắc trong đấu thầu khi giá dự thầu vượt giá gói thầu dẫn đến chậm tiến độ triển khai dự án như đường dây 500 kV Thường Tín - Tây Hà Nội, TBA 220 kV Thanh Nghị, Thay dây chống sét trên đường dây 500 kV mạch 1. 

Cùng với đó là những vướng mắc trong chuyển đổi đất rừng theo Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ chuẩn bị đầu tư và thỏa thuận đánh giá tác động môi trường của các dự án đi qua đất rừng như TBA 220 kV Nghĩa Lộ và đường dây 220 kV Nghĩa Lộ - Việt Trì. 

Một nguyên nhân nữa là do khó khăn trong việc bố trí cắt điện phục vụ thi công gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhiều dự án như đường dây 220 kV Đồng Hới - Đông Hà, Đông Hà - Huế. 

Ngoài ra, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cũng là một khó khăn rất lớn, làm ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án như: các đường dây 500 kV Vĩnh Tân rẽ Sông Mây - Tân Uyên, Sông Mây - Tân Uyên, Long Phú - Ô Môn; các đường dây 220 kV: Nhánh rẽ sau TBA 220 kV Tây Hà Nội, nhánh rẽ 1C sau TBA 500 kV Phố Nối, Đồng Hới - Đông Hà - Huế (mạch 2), Bình Long Tây Ninh, Quảng Ngãi - Quy Nhơn, Ô Môn - Sóc Trăng.

Mục tiêu mới

Năm 2019, để thực hiện chủ đề “Nâng cao hiệu quả quản lý vận hành Hệ thống truyền tải điện quốc gia” EVNNPT đặt mục tiêu truyền tải 203,2 tỷ kWh, tăng 10,15% so với thực hiện năm 2018. 

Để đảm bảo vận hành Hệ thống truyền tải điện quốc gia an toàn, liên tục và ổn định trong năm 2019, EVNNPT sẽ tập trung nguồn lực và phương tiện đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, tin cậy các đường dây và trạm biến áp, đặc biệt là hệ thống 500 kV Bắc - Nam trong bối cảnh sẽ tiếp tục truyền tải tăng cao để cấp điện cho miền Nam.

Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng tiếp tục triển khai các biện pháp toàn diện và quyết liệt nhằm ngăn chặn tai nạn lao động, giảm thiểu sự cố. Tập trung điều tra, phân tích sự cố để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp xử lý hiệu quả và kịp thời. Tăng cường kiểm tra kỷ luật vận hành và kiểm tra, bảo vệ hành lang tuyến đường dây cao áp. Đồng thời tăng cường quản lý kỹ thuật; tập trung xử lý các khiếm khuyết về chất lượng đối với các công trình lưới điện truyền tải; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật vận hành, tuyệt đối không để xảy ra các sự cố do nguyên nhân chủ quan. Đảm bảo đầy đủ vật tư, thiết bị dự phòng sẵn sàng khắc phục nhanh sự cố.

Cùng với việc đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực truyền tải điện như: Lưới điện thông minh, trạm biến áp không người trực, vệ sinh sứ online, định vị sự cố, giám sát dầu online, giám sát MBA, flycam, quản lý thông tin bản đồ GIS, giám sát cảnh báo sét... để nâng cao khả năng truyền tải, độ tin cậy, ổn định hệ thống truyền tải điện và nâng cao năng suất lao động, Tổng công ty còn hoàn thành xây dựng và ban hành quy định thông số kỹ thuật của các thiết bị chính đang vận hành trên hệ thống truyền tải điện để thống nhất áp dụng trong toàn EVNNPT. Tổ chức tổng kết, đánh giá chất lượng các thiết bị đang vận hành, làm cơ sở xem xét và có hình thức xử lý các nhà sản xuất thiết bị kém chất lượng. 

Mặt khác, Tổng công ty cũng xây dựng tiêu chuẩn, kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các thiết bị lâu năm có chất lượng suy giảm nhằm ngăn ngừa sự cố và tăng cường độ tin cậy, ổn định của hệ thống truyền tải điện. Tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình vận hành. Xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý vận hành.

Ngoài ra, tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng đề án thiết kế và chất lượng thi công lắp đặt, thí nghiệm thiết bị và tổ chức nghiệm thu các công trình trạm biến áp và đường dây. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư thiết bị đưa lên lưới điện truyền tải.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động