RSS Feed for Đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín và ‘nút thắt’ cản trở tiến độ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 28/12/2024 11:00
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín và ‘nút thắt’ cản trở tiến độ

 - Dự án đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đảm bảo điện cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, được khởi công tháng 11/2018 và dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành và tiến độ rất chậm. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).
Tổng Giám đốc EVNNPT trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam Tổng Giám đốc EVNNPT trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Nhân dịp đầu Xuân 2022, ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã chia sẻ với Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam về những kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành lưới truyền tải điện năm 2021, cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu cùng các giải pháp thực hiện năm 2022 và kiến nghị các cấp thẩm quyền ban hành các chính sách tháo gỡ để EVNNPT hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín và ‘nút thắt’ cản trở tiến độ
Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú.

Xin ông cho biết thông tin khái quát về dự án đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín?

Ông Phạm Lê Phú: Công trình đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín là công trình lưới điện truyền tải trọng điểm, cấp bách với mục tiêu tăng cường khả năng liên kết lưới, truyền tải công suất của trục 500 kV Nho Quan - Thường Tín và tăng cường cấp điện cho Trạm biến áp 220 kV Phủ Lý, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, khu vực phía Nam Hà Nội và lân cận; tăng cường độ tin cậy, linh hoạt vận hành hệ thống lưới điện truyền tải 500 - 220 kV khu vực.

Trong bối cảnh TBA 500 kV Nho Quan, TBA 500 kV Thường Tín là 2 TBA 500 kV có vai trò rất quan trọng trên lưới truyền tải điện, tập trung nguồn công suất rất lớn, nhưng hiện chỉ được liên kết với nhau thông qua 1 mạch đường dây 500 kV Nho Quan - Thường Tín (mạch 1), thì việc sớm hoàn thành đưa dự án này vào vận hành là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, công trình đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín còn giúp giảm tổn thất điện năng trong hệ thống, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN, EVNNPT.

Đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín và ‘nút thắt’ cản trở tiến độ
Lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực cùng lãnh đạo EVNNPT kiểm tra tiến độ thi công dự án đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín (tháng 12/2021).

Thưa ông, dự án đã và đang được triển khai như thế nào?

Ông Phạm Lê Phú: EVNNPT đã tập trung đôn đốc, điều hành để đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao được 217/230 vị trí móng (đạt 94%), 22/99 khoảng néo (đạt 22%); đúc móng 163/230 VT (đạt 71%), dựng cột 89/230 vị trí (đạt 39%), kéo dây 13/99 khoảng néo (đạt 13%).

Tuy nhiên, do những khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, nhất là trong công tác thống nhất hướng tuyến, bồi thường giải phóng mặt bằng, nên tiến độ dự án đang bị chậm so với kế hoạch được giao.

Đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín và ‘nút thắt’ cản trở tiến độ
Lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực cùng lãnh đạo EVNNPT làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về dự án đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, (tháng 12/2021).

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những khó khăn này?

Ông Phạm Lê Phú: Đó là vướng mắc về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, vướng mắc về công tác điều chỉnh tuyến trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Trong đó, vướng mắc lớn nhất làm ảnh hưởng, cản trở tiến độ hoàn thành dự án là việc chồng lấn quy hoạch với khu du lịch quốc gia Tam Chúc trên địa bàn tỉnh Hà Nam, dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh tuyến các đoạn tuyến từ vị trí 75 - 86 (gồm 12 vị trí), từ vị trí 92 - 119 (gồm 37 vị trí) theo yêu cầu điều chỉnh tuyến của UBND tỉnh Hà Nam. Việc điều chỉnh tuyến trong khi một số vị trí đã thi công làm phát sinh rất nhiều công việc cần thực hiện, từ khảo sát thiết kế, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tháo hạ di chuyển những vị trí cột đã thi công cùng một loạt những thủ tục liên quan.

Đến nay, công tác điều chỉnh tuyến vẫn đang được EVNNPT tích cực phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam và các đơn vị liên quan tìm biện pháp tháo gỡ, nhưng vẫn còn rất nhiều nội dung cần phải tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Ngoài ra, tình hình dịch bệnh trong 2 năm qua cũng tác động tiêu cực đến tiến độ dự án. Do dịch bệnh nên việc di chuyển nhân lực thi công, đền bù giải phóng mặt bằng, vận chuyển cung cấp vật tư thiết bị gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của dự án này.

Đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín và ‘nút thắt’ cản trở tiến độ
Thi công dự án đường dây 500/220 kV Nho Quan - Phú Lý - Thường Tín hiện đang gặp khó vì vướng mặt bằng.

Dự án chậm tiến độ ảnh hưởng như thế nào đến việc đảm bảo an toàn cung cấp điện?

Ông Phạm Lê Phú: Việc chậm hoàn thành dự án sẽ làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn cung cấp điện các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và khu vực phía Nam Hà Nội cũng như giảm khả năng liên kết của lưới điện quốc gia.

Hiện nay khu vực tỉnh Hà Nam đang được cấp điện qua 2 nguồn chính là từ TBA 220 kV Hà Đông thông qua 1 mạch đường dây 220 kV Hà Đông - Phủ Lý và từ TBA 500 kV Nho Quan thông qua 1 mạch đường dây 220 kV Nho Quan - Phủ Lý. Vào các khung giờ cao điểm tuyến đường dây 220 kV Nho Quan - Phủ Lý và tuyến đường dây 220 kV Hà Đông - Phủ Lý đều vận hành trong chế độ đầy tải, nguy cơ quá tải khi mùa nắng nóng đang đến gần và đặc biệt là nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng, sản xuất được hồi phục khi thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19.

Vì vậy, nếu không khẩn trương hoàn thành dự án thì sẽ ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện cho tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và khu vực phía Nam Hà Nội các giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là trong chế độ sự cố N-1.

EVNNPT đã làm những gì để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên?

Ông Phạm Lê Phú: Để khắc phục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến 2 đoạn tuyến đang phải thực hiện điều chỉnh trên địa bàn tỉnh Hà Nam (từ vị trí 75 - 86; từ VT 92 - 119), EVNNPT đã nhiều lần họp và làm việc với UBND tỉnh Hà Nam với sự tham gia của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Phát triển điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Lần gần nhất Ban Chỉ đạo Quốc gia và Phát triển điện lực đã chủ trì làm việc với UBND tỉnh Hà Nam để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên. Tuy nhiên, đến nay các vướng mắc trên vẫn chưa hoàn toàn được tháo gỡ, tiến độ dự án hiện vẫn đang bị chậm.

Với những đoạn tuyến đã được bàn giao, EVNNPT chỉ đạo Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) đơn vị được giao quản lý điều hành dự án cùng các đơn vị thi công tập trung nguồn lực, khắc phục khó khăn, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh trong tình hình mới để đẩy nhanh tiến độ dự án với phương châm: Mặt bằng được giải phóng đến đâu, tập trung nguồn lực để thi công đến đó, sẵn sàng lực lượng để thi công hoàn thiện những đoạn tuyến còn lại ngay sau khi vướng mắc được tháo gỡ.

Để sớm hoàn thành dự án, EVNNPT có đề xuất kiến nghị gì với các cấp, ngành, địa phương?

Ông Phạm Lê Phú: Khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án là mặt bằng tuyến, mặt bằng thi công. EVNNPT kính đề nghị UBND tỉnh Hà Nam cùng các sở, ngành và địa phương, nhất là khu vực huyện Kim Bảng tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho EVNNPT và các đơn vị liên quan sớm thống nhất tọa độ các vị trí chân móng cột thuộc đoạn tuyến điều chỉnh và ban hành văn bản chấp thuận hướng tuyến các đoạn tuyến điều chỉnh; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng các đoạn tuyến điều chỉnh; hoàn thành bàn giao toàn bộ các vị trí chân móng cột đoạn tuyến điều chỉnh (trong quý 1/2022) và hành lang (trong quý 2/2022).

Đồng thời, EVNNPT cũng kính đề nghị UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan phối hợp với EVNNPT xử lý, tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong quá trình điều chỉnh hướng tuyến. Kính đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh Hòa Bình, UBND TP Hà Nội quan tâm hỗ trợ để EVNNPT đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phần hành lang an toàn đối với các khoảng cột còn lại trên địa bàn.

Xin cảm ơn ông!

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động