Tổng Giám đốc EVNNPT trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam
08:20 | 10/02/2022
Liên kết lưới điện khu vực, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia Đó là quan điểm của ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) khi trao đổi với phóng viên về vai trò, ý nghĩa của việc liên kết lưới điện giữa các nước trong khu vực, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. |
Công tác ứng phó của EVNNPT trước dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp Ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Tổng Công ty đã có cuộc trao đổi với Phóng viên về công tác ứng phó dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. |
Ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia. |
Năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xẩy ra năm thứ hai liên tục một cách nặng nề trên phạm vi cả nước. Xin ông cho biết các chỉ tiêu chủ yếu về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD) nói chung, kết quả đầu tư xây dựng (ĐTXD), quản lý vận hành lưới điện truyền tải năm 2021 của EVNNPT?
Ông Phạm Lê Phú: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, năm đầu tiên của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của đất nước nói chung, đến các hoạt động SXKD - ĐTXD của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và EVNNPT nói riêng. Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của lãnh đạo Tổng công ty, cùng sự cố gắng nỗ lực và quyết tâm cao độ của tập thể CBCNV, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của EVN, sự ủng hộ, hỗ trợ từ các bộ ngành, chính quyền địa phương, EVNNPT đã vượt qua những khó khăn và hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch 2021 được EVN giao.
Trong năm qua, EVNNPT đã vận hành an toàn, ổn định lưới điện truyền tải, góp phần cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với sản lượng điện truyền tải đạt 200,86 tỷ kWh, bằng 98,53% so với năm 2020. Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã quyết liệt chỉ đạo và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sự cố, hiện tượng bất thường trên lưới điện. Kết quả trong năm 2021, số vụ sự cố trên lưới điện truyền tải đã giảm mạnh (giảm 36,5%) so với năm 2020. Tất cả các chỉ tiêu suất sự cố của Tổng công ty đều đạt tốt hơn kế hoạch EVN giao.
Trong bối cảnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng, đặc biệt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), với nỗ lực rất lớn, công tác ĐTXD của Tổng công ty đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Cụ thể, đã hoàn thành giá trị giải ngân vốn ĐTXD đạt 16.499 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch; đã khởi công 41 dự án và hoàn thành đóng điện 42 dự án. Trong số các dự án đã đưa vào vận hành trong năm có các dự án có vai trò hết sức quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, các nhà máy thủy điện, các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) và các dự án nâng cao năng lực lưới điện truyền tải để đảm bảo cung cấp điện như: Các ĐZ 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2; Mỹ Tho - Đức Hòa; Tây Hà Nội - Thường Tín; TBA 500 kV Đức Hòa; nâng công suất TBA 500 kV Pleiku 2; các ĐZ 220 kV Mường Tè - Lai Châu, Đông Hà - Lao Bảo, Quảng Ngãi - Quy Nhơn...
Hoạt động SXKD có lợi nhuận vượt kế hoạch EVN giao. Các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Tổng công ty đều đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quy định.
Các nhiệm vụ và lĩnh vực công tác trọng tâm khác như: Chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai chiến lược phát triển, văn hóa doanh nghiệp, phòng chống tham nhũng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, quan hệ quốc tế, thông tin truyền thông... đều đạt kết quả tốt theo kế hoạch đề ra.
Đánh giá chung, năm 2021 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm vượt qua khó khăn, khắc phục những hạn chế, EVNNPT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch được EVN giao.
Trong năm 2021, Tổng công ty đã có những giải pháp gì đối phó, khắc phục đại dịch Covid-19, đảm bảo công tác ĐTXD và vận hành an toàn lưới điện, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch đề ra, thưa ông?
Ông Phạm Lê Phú: Để đối phó, khắc phục đại dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt khi xuất hiện một số biến chủng với khả năng lây lan mạnh, EVNNPT đã triển khai thực hiện đồng thời nhiều giải pháp để đảm bảo thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nhằm đảm bảo công tác ĐTXD, vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải. Một số giải pháp EVNNPT đã và đang triển khai thực hiện như sau:
Thứ nhất: Ngay từ đầu năm 2020, EVNNPT đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 do Tổng giám đốc làm Trưởng ban chỉ đạo, cơ quan EVNNPT và toàn bộ 9 đơn vị thành viên trực thuộc đều thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 để tổ chức thực hiện các chỉ đạo về hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Ban chỉ đạo thường xuyên được rà soát và kiện toàn nhân sự để đáp ứng yêu cầu công tác thực tế tại đơn vị.
Thứ hai: Về công tác tiêm vắc xin: EVNNPT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế, các địa phương để triển khai tiêm vắc xin cho CBCNV, rà soát và kết thúc kế hoạch tiêm vắc xin cho CBCNV trong tháng 12/2021. Hiện tại EVNNPT đang tiếp tục triển khai tiêm vắc xin mũi nhắc lại, mũi bổ sung cho CBCNV, đặc biệt ưu tiên cho lực lượng vận hành, sửa chữa, thí nghiệm, bảo vệ và lực lượng thường xuyên phải di chuyển phục vụ công tác đầu tư xây dựng, quản lý vận hành.
Thứ ba: Về tổ chức sản xuất: Các đơn vị trực thuộc đã xây dựng phương án phòng, chống Covid-19 và tổ chức thực hiện phương án để sẵn sàng, chủ động trong các tình huống phát sinh dịch bệnh theo từng cấp độ; tổ chức ăn nghỉ tập trung tại nơi làm việc sau ca sản xuất, vận hành, thực hiện làm việc từ xa theo nguy cơ tại các địa phương và theo các chỉ thị của Chính phủ; áp dụng triệt để hình thức họp trực tuyến để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Các phương án phòng, chống Covid-19 được cập nhật thường xuyên phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, cũng như các quy định phòng, chống dịch của trung ương và địa phương. Trong thời gian tới, các đơn vị tiếp tục tổ chức sản xuất phù hợp với tình hình dịch bệnh tại từng địa phương và đảm bảo các nguyên tắc về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Thứ tư: Trong công tác ĐTXD: Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, dẫn đến công tác đi lại làm việc của các nhà thầu tư vấn, xây lắp và Ban Quản lý dự án các công trình điện hết sức khó khăn. Công tác vận chuyển VTTB, thi công xây lắp do bị hạn chế đi lại và phải cách ly, xét nghiệm khi đến làm việc tại địa phương cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án. Các địa phương cũng đóng băng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án do phải thực hiện giãn cách xã hội, nên không thể thực hiện các bước tiếp theo của quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng, kể cả trong việc vận động các hộ dân. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện công tác phòng chống dịch và các dự án khác trên địa bàn nên nguồn lực để thực hiện công tác BTGPMB cho các dự án lưới điện truyền tải cũng còn hạn chế.
Với tinh thần khẩn trương, tập trung mọi nguồn lực và giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải, EVNNPT đã, đang tập trung chỉ đạo “thực hiện nhiệm vụ kép” vừa chống dịch, vừa đảm bảo đầu tư xây dựng để hoàn thành đóng điện dự án theo kế hoạch.
EVNNPT quán triệt trong cơ quan, đơn vị và toàn thể CBCNV nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Tập trung tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở nâng cao ý thức của CBCNV trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh và thực hiện thông điệp 5K. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh đối với các đơn vị trực thuộc.
Thứ sáu: EVNNPT đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện kịp thời CBCNV mắc bệnh như:
- Chủ động thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với CBCNV có nguy cơ lây nhiễm cao.
- Thực hiện nghiêm túc, triệt để việc điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và các trường hợp ca bệnh nghi ngờ.
- Phát huy vai trò của Tổ an toàn Covid trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và điều tra dịch tễ các trường hợp nhiễm/nghi nhiễm tại đơn vị.
- CBCNV tăng cường theo dõi sức khỏe của bản thân, đặc biệt CBCNV ở/lưu trú trong khu cách ly y tế, hoặc gia đình đang có người mắc bệnh.
- Thực hiện cách ly y tế theo đúng quy định.
Thứ bảy: Đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho CBCNV bị nhiễm Covid (F0): EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị thành lập Tổ tư vấn để tư vấn, theo dõi và điều trị cho CBCNV F0, diện theo dõi điều trị tại nhà (nguy cơ thấp). Trường hợp F0 có bệnh nền và khác thuộc diện có nguy cơ trung bình được điều trị tại cộng đồng, gửi Tổ tư vấn điều trị Covid-19 của EVN để tư vấn theo dõi và điều trị.
Năm 2021 và tương lai những năm tới, nhiều nguồn điện NLTT như điện gió, điện mặt trời đã và đang tiếp tục đưa vào hệ thống điện truyền tải. Với đặc điểm số giờ vận hành thấp của các loại nguồn trên, trong khi EVNNPT được giao trách nhiệm đầu tư mạnh lưới điện truyền tải để giải tỏa nguồn điện tái tạo, vậy những khó khăn gì và những biện pháp gì để ĐTXD và đảm bảo hoàn chi phí cho ngành truyền tải Việt Nam?
Ông Phạm Lê Phú: Để phục vụ giải tỏa các nguồn NLTT phát triển mạnh trong thời gian các năm gần đây, EVNNPT đã và đang tập trung đầu tư nhiều công trình lưới điện truyền tải để phục vụ giải tỏa các nguồn điện NLTT. Tập trung chủ yếu trên địa bàn các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.
Với đặc thù của các nguồn NLTT có số giờ vận hành thấp, việc đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các nguồn NLTT đem lại hiệu quả không cao, khả năng thu hồi vốn chậm. Ngoài ra, đối với công tác quản lý vận hành, Tổng công ty cũng gặp nhiều khó khăn do sự dao động lớn về công suất phát của các nhà máy NLTT trong quá trình vận hành. Với giá truyền tải còn thấp như hiện tại, các vấn đề nêu trên đã và sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận chung, cũng như công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải của EVNNPT.
Để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, EVNNPT đã và sẽ tiếp tục cố gắng nỗ lực và tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các nguồn NLTT. Để góp phần tháo gỡ khó khăn, EVNNPT đã thường xuyên đề xuất và kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét có một quy hoạch tổng thể và dài hạn đối với việc phát triển các nguồn NLTT và lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các nguồn NLTT để EVNNPT có thể chủ động xây dựng kế hoạch, có đủ thời gian để triển khai các dự án lưới điện truyền tải đồng bộ với các nguồn NLTT.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án để đảm bảo thời gian và tiến độ, EVNNPT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đây là các dự án cấp bách và có cơ chế đặc thù, đặc biệt trong công tác BTGPMB và chuyển đổi đất rừng để có thể rút ngắn thời gian triển khai.
Trong việc đảm bảo tài chính, giá truyền tải điện, EVNNPT đã và sẽ tiếp tục theo dõi, phân tích đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các nguồn NLTT, cũng như đánh giá sự tác động của các nguồn NLTT gây sụt giảm sản lượng điện truyền tải hàng năm của EVNNPT để báo cáo Bộ Công Thương xem xét quyết định giá truyền tải phù hợp, góp phần đảm bảo chi phí SXKD , đầu tư phát triển lưới điện truyền tải.
Năm 2021 là năm EVN và các Tổng công ty trực thuộc thực hiện “Chương trình chuyển đổi số”. Được biết, EVNNPT có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều cải tiến trong Chương trình chuyển đổi số. Xin ông cho biết một số kết quả đạt được và những nội dung chưa đạt, cần thúc đẩy tiếp tục triển khai trong năm 2022?
Ông Phạm Lê Phú: Năm 2021, EVNNPT đã phê duyệt và triển khai thực hiện “Kế hoạch chuyển đổi số của EVNNPT”. Kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm tất cả các lĩnh vực từ công tác quản trị, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành (QLVH) lưới điện truyền tải.
Hiện nay EVNNPT đang triển khai nhiều nội dung để từng bước thực hiện công tác chuyển đổi số toàn diện công tác QLVH. Đến nay đã đạt được một số kết quả ban đầu, cụ thể:
Trong QLVH lưới điện truyền tải: EVNNPT đã số hóa, hoàn thiện CĐS thiết bị lưới điện truyền tải. Đến nay 100% các thiết bị trên lưới truyền tải điện đã được số hóa, được cập nhật đầy đủ trên hệ thống PMIS.
EVNNPT đã đưa vào thử nghiệm các ứng dụng số hóa công tác quản lý vận hành đường dây, TBA, thí nghiệm. Cụ thể, trong công tác kiểm tra, quản lý vận hành đường dây, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích hình ảnh, cũng như trong công tác kiểm tra, quản lý vận hành thiết bị trạm và trong lĩnh vực thí nghiệm, sửa chữa bảo dưỡng thiết bị lưới điện truyền tải.
EVNNPT đã xây dựng ứng dụng số hóa, đánh giá chỉ số sức khỏe của thiết bị, triển khai ứng dụng công nghệ sửa chữa bảo dưỡng theo điều kiện vận hành (CBM). EVNNPT đã thuê tư vấn xây dựng trung tâm dữ liệu lưới điện truyền tải, triển khai dự án chuẩn hóa dữ liệu hệ thống điện truyền tải dựa trên mô hình thông tin chung (CIM). EVNNPT đang triển khai dự án số hóa hệ thống điện trên bản đồ thông tin địa lý (GIS).
Về sửa đổi các quy trình, đào tạo nhân lực, tổ chức bộ máy phù hợp với CĐS, EVNNPT đã thực hiện: Rà soát các quy trình, quy định về quản lý vận hành, sửa chữa bảo dưỡng và hiệu chỉnh phù hợp với mục tiêu tin học hóa và chuyển đối số công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải. Thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức vận hành trạm, từ trạm biến áp có người trực vận hành (11 người đối với TBA 220 kV; 20 người đối với TBA 500 kV) sang trạm biến áp không người trực và xây dựng các trung tâm vận hành trạm biến áp không người trực. Đến nay EVNNPT đã chuyển 76% các TBA sang vận hành theo mô hình TBA không người trực.
Các đơn vị trực thuộc thành lập các đội ứng dụng công nghệ, UAV, trí tuệ nhân tạo trong phân tích hình ảnh kiểm tra quản lý vận hành đường dây.
Đã và đang triển khai các chương trình đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu CĐS như: Đào tạo kiến thức về chuyển đổi số; Đào tạo ứng dụng công nghệ thiết bay không người lái-UAV trong kiểm tra quản lý vận hành; Đào tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích hình ảnh...
Kết quả ban đầu đạt được trong năm 2021 là tiền đề để EVNNPT tiếp tục triển khai trong năm 2022 với mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ hoàn thành số hóa công tác quản lý vận hành, đến năm 2025 sẽ triển khai các ứng dụng phân tích dữ liệu bằng công cụ phân tích thông minh trong công tác quản lý kỹ thuật.
Năm 2022 được dự báo là năm kinh tế khôi phục sau dịch bệnh Covid-19, vậy xin ông cho biết các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu cùng các giải pháp thực hiện kế hoạch SXKD của Tổng công ty? Tổng công ty có những khó khăn gì cần kiến nghị cấp thẩm quyền ban hành các chính sách tháo gỡ?
Ông Phạm Lê Phú: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Với dự báo là năm kinh tế đất nước khôi phục sau dịch bệnh Covid-19, sẽ tạo một số điều kiện thuận lợi cho EVNNPT trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch. Tuy nhiên, Tổng công ty đánh giá sẽ tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn thách thức. Cụ thể là tình hình diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, khó lường, sản lượng điện truyền tải tăng trưởng không cao trong bối cảnh nguồn NLTT ngày càng chiếm tỷ trọng lớn; Công tác đầu tư xây dựng tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức trong việc bố trí quỹ đất và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp, cơ chế chính sách trong đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án lưới điện truyền tải.
Trong bối cảnh đó, thực hiện theo chủ trương của EVN đã đề ra trong Chủ đề năm 2022 là ”Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, Tổng công ty đã đề ra mục tiêu chính cần đảm bảo, đó là:
Thứ nhất: Thích ứng an toàn, linh hoạt với các diễn biến của dịch Covid-19 và các điều kiện khí tượng thủy văn, các diễn biến kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước để đảm bảo an toàn cho người lao động và an toàn trong vận hành hệ thống điện, nâng cao tính hiệu quả trong mọi hoạt động của EVNNPT.
Thứ hai: Cùng EVN cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Không để xảy ra tình trạng thiếu điện.
Theo đó, Tổng công ty sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của Tổng công ty, cụ thể như sau:
Tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ mọi giải pháp trong quản lý kỹ thuật, vận hành để giảm thiểu sự cố và đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định. Đặc biệt đối với lưới điện 500 kV Bắc - Nam để góp phần cùng EVN đảm bảo cung cấp điện cho phát triển KT - XH của đất nước. Nâng cao năng lực công tác quản lý kỹ thuật; rà soát việc xây dựng, triển khai các quy trình, quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật; tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại trong công tác QLVH; nâng cao chất lượng công tác an toàn để đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị.
Tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương để xử lý tháo gỡ dứt điểm các khó khăn vướng mắc và thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác chuẩn bị đầu tư, chuyển đổi đất rừng, BTGPMB, cung cấp VTTB, thi công xây dựng... để đảm bảo chất lượng và tiến độ các công trình ĐTXD với mục tiêu kế hoạch trong năm 2022 khởi công 43 dự án, đóng điện 71 dự án. Trong đó, đặc biệt tập trung đối với các dự án trọng điểm phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, các nguồn NLTT, các nguồn thủy điện, mua điện từ nước bạn Lào, các dự án nâng cao năng lực lưới điện truyền tải và đảm bảo cung cấp điện như: ĐZ 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân và TBA 500 kV Vân Phong; các ĐZ 500 kV: Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, Vũng Áng - Quảng Trạch, Quảng Trạch - Dốc Sỏi, Sông Hậu - Đức Hòa; NCS các TBA 500 kV Pleiku 2; Đăk Nông; các ĐZ 220 kV Lào Cai - Bảo Thắng, Nậm Sum - Nông Cống...
Tập trung thực hiện các giải pháp để quản trị dòng tiền hiệu quả; đảm bảo thu xếp hiệu quả và đủ vốn cho công tác ĐTXD. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD để Tổng công ty hoạt động có lợi nhuận đạt và vượt kế hoạch EVN giao. Các chỉ tiêu tài chính đảm bảo đáp ứng theo quy định.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ theo lộ trình đã được phê duyệt, đặc biệt là chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành, ĐTXD, quản lý: tài sản, VTTB, nguồn vốn… để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác SXKD và tăng NSLĐ.
Về các khó khăn vướng mắc:
Trong quá trình triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, EVNNPT đánh giá sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn vướng mắc, trong đó đặc biệt các khó khăn vướng mắc trong công tác ĐTXD để có thể hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch rất nặng nề như đã nêu trong phần trên, còn có các khó khăn vướng mắc cụ thể như sau:
Thứ nhất: Việc thực hiện thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khó khăn phức tạp, thời gian kéo dài, đặc biệt trong khi Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) chưa được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt.
Thứ hai: Khó khăn vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư do thủ tục, trình tự phức tạp và thời gian kéo dài.
Thứ ba: Khó khăn vướng mắc trong công tác thỏa thuận vị trí TBA và tuyến ĐZ, trong công tác thỏa thuận ĐTM và chuyển đổi đất rừng, ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án của EVNNPT.
Thứ tư: Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp VTTB và công tác thi công các dự án. Đặc biệt:
Thứ năm: Các khó khăn vướng mắc kéo dài trong công tác BTGPMB gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành đóng điện của nhiều dự án trọng điểm, cấp bách của EVNNPT.
Các đề xuất, kiến nghị:
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
- Xem xét sớm phê duyệt QHĐ8 để làm cơ sở triển khai các dự án lưới điện truyền tải của EVNNPT trong thời gian tới. Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố căn cứ đất sử dụng cho mục đích năng lượng trong QHĐ8 để đưa vào Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố và kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
- Chỉ đạo chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các khó khăn vướng mắc trong công tác BTGPMB đối với các dự án lưới điện trọng điểm của EVNNPT.
- Cho phép các dự án được phê duyệt trong QHĐ8 không phải phê duyệt chủ trương đầu tư khi triển khai thực hiện.
- Cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích xây dựng công trình điện mà không phải thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng cho từng dự án đối với các dự án đã có trong QHĐ8.
- Bổ sung vào các quy định của Nhà nước, hoặc có các biện pháp chế tài khi thực hiện công tác đền bù phục vụ thi công vì đây là dạng đặc thù, không nằm trong các quy định của Chính phủ, địa phương.
Kiến nghị các bộ, ngành:
- Xem xét, hỗ trợ EVNNPT đẩy nhanh tiến độ trong quá trình phê duyệt/trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư; thỏa thuận các hồ sơ, tài liệu (ĐTM, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, PCCC…) trong quá trình đầu tư các dự án lưới điện truyền tải.
- Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo ưu tiên thẩm định đối với các dự án lưới truyền tải, đặc biệt các dự án trọng điểm, cấp bách.
Kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố:
- Tạo điều kiện, hỗ trợ EVNNPT trong công tác đầu tư xây dựng các công trình lưới điện theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện/thị xã trực thuộc phối hợp hoàn thành các thủ tục về thỏa thuận tuyến, bàn giao tuyến, không để phát sinh nhà cửa, công trình trong hành lang tuyến đường dây và mặt bằng trạm biến áp đã thỏa thuận; phê duyệt đơn giá BTGPMB.
- Sớm có thỏa thuận vị trí trạm, tuyến đường dây đi qua và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương cho các dự án theo danh mục, đảm bảo đồng bộ tiến độ các dự án theo yêu cầu. Bố trí quỹ đất cho các dự án điện trên địa bàn vào quy hoạch sử dụng đất hằng năm và công bố công khai. Tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho chủ đầu tư trong công tác BTGPMB theo mục tiêu tiến độ yêu cầu, đặc biệt đối với các công trình tại thành phố và các thị trấn, thị tứ trong tỉnh.
Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông./.
CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM