RSS Feed for Dự án truyền tải điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam gặp nhiều vướng mắc | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 01/05/2024 06:31
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dự án truyền tải điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam gặp nhiều vướng mắc

 - Dự án Trạm cắt 220 kV Đăk Oóc và các đường dây 220 kV đấu nối - phục vụ nhập khẩu điện từ Nhà máy Thủy điện Nam Emoun (Lào) về Việt Nam được đặt mục tiêu hoàn thành trong quý 3/2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn đang còn rất nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua.
Vướng mắc chuyển đổi đất rừng - Nguy cơ chậm tiến độ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam Vướng mắc chuyển đổi đất rừng - Nguy cơ chậm tiến độ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam

Các dự án đường dây 500 kV Monsoon (Lào) - Thạnh Mỹ (đấu nối tại khu vực huyện Nam Giang, Quảng Nam) và dự án trạm cắt 220kV Đăk Ooc, cùng đường dây 220 kV đấu nối, cũng thuộc khu vực huyện Nam Giang, có mục tiêu nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam. Trong đó, dự án cấp điện áp 220 kV, mặc dù cột cuối đấu nối ngay bên kia biên giới đã được nước bạn Lào xây dựng xong, chờ sẵn, nhưng chủ đầu tư, nhà thầu phía Việt Nam hiện vẫn đang lúng túng chưa thể hoàn thành các thủ tục về chuyển đổi đất rừng tự nhiên để thực hiện các hạng mục móng cột đường dây và đường tạm thi công.

PPA giữa EVN và chủ đầu tư điện gió Monsoon (Lào) có hiệu lực từ năm 2023 PPA giữa EVN và chủ đầu tư điện gió Monsoon (Lào) có hiệu lực từ năm 2023

Ngày 17/11 tại Hà Nội, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có buổi làm việc với các đối tác phát triển dự án điện gió Monsoon (Lào), do ông Peck Khamkanist - Giám đốc điều hành Impact Electrons Siam (nhà sáng lập dự án điện gió Monsoon) làm trưởng đoàn công tác. Tại buổi làm việc, EVN đề nghị các nhà phát triển dự án này giải quyết các tồn tại trước ngày 31/12/2022 để đảm bảo Hợp đồng mua bán điện (PPA) Nhà máy điện gió Monsoon chính thức có hiệu lực từ năm 2023.

Thách thức nhất là thời tiết:

Dự án Trạm cắt 220 kV Đăk Ooc và các đường dây 220 kV đấu nối từ Nhà máy Thủy điện Nam Emoun (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam, được đầu tư xây dựng tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Dự án có quy mô chính gồm: Xây dựng trạm cắt 220 kV Đăk Ooc; xây dựng khoảng 13,4 km 2 mạch đường dây 220 kV từ NMTĐ Nam Emoun (Lào) đến Trạm cắt 220 kV Đăk Ooc (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam); xây dựng khoảng 2 km đoạn đường dây 4 mạch 220 kV từ trạm cắt 220 kV Đăk Ooc đến đường dây mạch kép 220 kV Xekaman 3 - Thạnh Mỹ hiện hữu.

Dự án do EVN làm chủ đầu tư, Ban QLDA Điện 2 thay mặt chủ đầu tư thực hiện công tác quản lý dự án, Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 4 là đơn vị thực hiện công tác khảo sát, thiết kế và hỗ trợ bên mời thầu trong quá trình xét thầu và thương thảo hợp đồng và tư vấn giám sát của gói thầu.

Dự án truyền tải điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam gặp nhiều vướng mắc
Thời tiết mưa nhiều ngày khiến tiến độ thi công dự án bị ảnh hưởng lớn.

Theo Ban QLDA Điện 2, hạng mục Trạm cắt 220 kV triển khai thi công từ đầu tháng 9/2022. Tuy nhiên, trong các tháng 9, 10, 11, 12/2022 và tháng 1, 2/2023 thời tiết mưa nhiều, liên tục (thống kê số ngày mưa là 85/122 ngày), riêng 21 ngày của tháng 2/2023 có 16 ngày mưa. Do đó hầu như không triển khai thi công được công tác san nền trạm cắt. Chưa triển khai để đổ bê tông tường chắn bê tông cốt thép, mặc dù đã hoàn thành đổ bê tông khoan cọc nhồi (ngày 16/12/2022). Hiện nhà thầu Lilama đang tiếp tục nạo vét bùn đất để đầu tháng 3/2023 thực hiện đắp nền trạm cắt.

Đối với hạng mục đường dây 220 kV đấu nối 2 mạch, đến nay nhà thầu Toji thi công đổ bê tông móng được 3/7 vị trí, đang triển khai thi công 2 vị trí; 2 vị trí khác còn lại đang thỏa thuận đường vào thi công với các hộ dân.

Đường dây 220 kV đấu nối 4 mạch đã hoàn thành đổ bê tông 2/8 vị trí móng, đang triển khai thi công đổ bê tông 1 vị trí và làm đường vào các vị trí còn lại.

Bên cạnh thách thức lớn nhất là thời tiết cản trở tiến độ thi công, dự án còn các khó khăn, vướng mắc chính liên quan đến công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng các vị trí móng. Công tác giải phóng mặt bằng bị chậm và gặp nhiều khó khăn do một số hộ dân có ý kiến chưa đồng thuận với phương án bồi thường đã niêm yết. Nhiều vị trí móng đi qua rừng tự nhiên nên việc vận chuyển vật tư, thiết bị hoàn toàn bằng thủ công.

Khó khăn nhất trong thi công hiện nay của dự án là nhà thầu phải tổ chức thi công bằng thủ công các móng trụ trong khu vực rừng tự nhiên. Nhưng qua khảo sát thực tế thì nhà thầu cho rằng phải có đường tạm vào thi công các móng trụ nên rất cần thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng các đường tạm này. Ngày 16/2/2023, EVNPMB2 đã trình địa phương nên trong thời gian tới phải bám sát địa phương để hoàn chỉnh thủ tục trình các bộ, ngành xem xét rồi sau đó trình Chính phủ xem xét nên rất thời gian sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoàn chỉnh thủ tục.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án (trong quý 3/2023):

Ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Ban QLDA Điện 2 cho biết: Trước những thách thức trên, Ban QLDA Điện 2 đã yêu cầu liên danh nhà thầu tập trung, tăng cường đầy đủ thiết bị, nhân lực, tăng ca, kíp để triển khai thi công 3 ca liên tục nhằm bù đắp khối lượng thiếu hụt trong thời gian mưa trước đây.

Hoàn thành lập tiến độ thi công chi tiết trong đầu tháng 3/2023 để các bên làm cơ sở theo dõi, giám sát và điều hành thi công trên công trường. Đôn đốc nhà thầu tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp tại công trường nhằm đảm bảo tiến độ thi công của các hạng mục.

Về vướng mắc trong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, Ban QLDA Điện 2 bám sát Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi (trong tháng 3/2022) và hoàn thành thủ tục tại địa phương để bàn giao mặt bằng (trong tháng 5/2023).

Dự án truyền tải điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam gặp nhiều vướng mắc
Tranh thủ thời tiết hửng nắng, các đơn vị thi công triển khai các công việc.

Trong công tác giải phóng mặt bằng, Ban QLDA Điện 2 sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Giang giải quyết sớm các tồn tại vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Làm việc với UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan để hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đối với các vị trí móng trụ ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh chia sẻ với những thách thức mà Ban QLDA Điện 2 và các đơn vị tham gia dự án gặp phải do thời tiết mưa nhiều làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Dự án được đầu tư xây dựng nhằm thực hiện cam kết song phương về quan hệ hợp tác giữa Chính phủ hai nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào trong lĩnh vực phát triển năng lượng; nhập khẩu điện từ Nhà máy Thủy điện Nam Emoun (Lào) về Việt Nam.

Để đảm bảo hoàn hoàn thành dự án (trong quý 3/2023), Phó Tổng giám đốc EVN yêu cầu Ban QLDA Điện 2 chủ động làm việc với các cấp chính quyền địa phương, bộ, ngành để đẩy nhanh công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công. Trong quá trình làm việc nếu có vướng mắc cần kịp thời báo cáo EVN để EVN từng bước tháo gỡ.

EVN yêu cầu phải cử lãnh đạo Ban thường xuyên có mặt tại công trường để đốc thúc nhà thầu, nếu có khó khăn vướng mắc cần xử lý ngay tại công trường.

Đối với các nhà thầu thi công, Phó Tổng giám đốc EVN yêu cầu liên danh nhà thầu phối hợp chặt chẽ và chủ động thực hiện công việc để cùng hoàn thành dự án, trong đó tập trung nhân lực, phương tiện, cung cấp đầy đủ vật tư thiết bị.

Bám sát các cấp chính quyền để thực hiện nhanh nhất công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đối với đường tạm vào thi công vị trí cột. Đồng thời tìm phương án và biện pháp thi công để đảm bảo thi công hoàn thành sớm nhất các móng trụ trong khu vực rừng tự nhiên. Bố trí cán bộ thường xuyên có mặt tại công trường để thực hiện công tác giám sát tác giả, kịp thời xử lý các vấn đề về thiết kế, yêu cầu kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tiến độ và quá trình thi công./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động