RSS Feed for Điện lực Việt Nam: 60 năm vinh quang một chặng đường | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 14:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện lực Việt Nam: 60 năm vinh quang một chặng đường

 - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển (1954-2014), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trở thành một trong những tập đoàn kinh tế nhà nước, giữ vai trò chủ đạo trong ngành điện, là lực lượng vật chất để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trao giải cuộc thi ảnh “EVN - 60 năm thắp sáng niềm tin”

HOÀNG QUỐC VƯỢNG - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Cách đây tròn 60 năm, ngày 21/12/1954, Thủ đô vừa tiếp quản, Bác Hồ đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ. Sự kiện này đánh dấu một mốc son lịch sử ngành Điện, kể từ đó, ngày 21/12 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành Điện lực Việt Nam.

Trưởng thành trong gian khó

60 năm qua, các cán bộ, công nhân viên ngành Điện đã không ngừng phấn đấu, trở thành một bộ phận gắn bó hữu cơ với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Nhìn lại các giai đoạn hình thành và phát triển, ngành Điện được vun đắp bởi máu, mồ hôi và nước mắt của cán bộ, công nhân ngành điện.

* Giai đoạn 1954 - 1975, ngay khi miền Bắc vừa được giải phóng, cán bộ công nhân viên ngành Điện đã đoàn kết vượt mọi khó khăn, khẩn trương xây dựng các công trình nguồn và lưới điện mới, phục vụ tái thiết đất nước. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, các cơ sở điện lực là những mục tiêu trọng điểm.

Thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập Tự do”, cán bộ, công nhân viên ngành Điện vừa anh dũng chiến đấu, vừa duy trì sản xuất. Các cơ sở ngành Điện đã đương đầu với 1.634 trận đánh phá, hàng trăm cán bộ công nhân viên anh dũng hy sinh, giữ sáng dòng điện. Đến cuối năm 1975, tổng công suất nguồn điện cả nước đạt 1.326,3MW, tổng sản lượng phát điện năm 1975 đạt 2,950 tỷ kWh.

* Giai đoạn 1976 - 1995, ngành Điện tập trung phát huy nội lực phát triển nguồn, lưới điện theo quy hoạch, từng bước đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Để thực hiện các tổng sơ đồ phát triển điện lực Chính phủ đã phê duyệt, ngành Điện khẩn trương xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (440 MW), Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (1.920 MW), tăng nguồn điện ở miền Bắc lên gần 5 lần, tạo bước ngoặt lớn về lượng và chất trong cung cấp điện ở miền Bắc. Ở miền Nam, Nhà máy điện cũng được xây dựng và đưa vào vận hành. Việc vận hành Nhà máy Thủy điện Trị An (400 MW), đã nâng tổng công suất ở miền Nam lên 1.071,8 MW, đảm bảo đủ nguồn điện cung cấp cho khu vực có mức tăng trưởng cao trong cả nước.

Về lưới điện, ngoài các đường dây và trạm biến áp 220kV đồng bộ với các nhà máy điện mới, một số tuyến đường dây và trạm mới như: đường dây 220kV Thanh Hóa - Vinh, đường dây 220kV Vinh - Đồng Hới, đường dây 110kV Đồng Hới - Huế - Đà Nẵng…được khẩn trương xây dựng và vận hành. Đặc biệt, việc hoàn thành đường dây 500kV Bắc - Nam với tổng chiều dài 1.487 km và 4 trạm biến áp 500kV đã nâng cao hiệu quả khai thác các nguồn điện. Công trình đưa vào vận hành mở đầu thời kỳ hệ thống điện thống nhất trên toàn quốc, qua đó, lực lượng cơ khí điện, lực lượng xây lắp điện, lực lượng tư vấn thiết kế… cũng trưởng thành nhanh chóng.

* Giai đoạn 1995 - 2002, thời điểm điện năng được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lịch sử ngành điện ghi nhận dấu ấn, ngày 27/1/1995, Chính phủ có Nghị định số 14/NĐ-CP thành lập Tổng công ty Điện lực Việt Nam.

Trong giai đoạn này, nhiều biện pháp huy động vốn trong và ngoài nước cũng như tăng cường, góp phần xây dựng và đưa vào vận hành nhiều công trình trọng điểm, như: Nhà máy thủy điện Ialy (720MW), Nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa My (475MW), Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2 (600MW) nâng tổng công suất của Nhà máy nhiệt điện Phả Lại lên trên 1000MW... Đặc biệt, việc hoàn thành xây dựng Trung tâm Điện lực Phú Mỹ đã đưa trên 2.000MW vào vận hành phát điện, nâng tổng công suất lắp đặt của toàn hệ thống điện lên 9.868MW.

Về lưới điện, từ khi có hệ thống đường dây 500kV Bắc - Nam đầu tiên (mạch 1) vào vận hành đã phát huy hiệu quả. Song để đáp ứng nhu cầu điện những năm tiếp theo, Tổng công ty đã đầu tư xây dựng đường dây 500kV mạch 2 đoạn Pleiku - Phú Lâm, Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Thường Tín; đã hoàn thành đường dây 500kV Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm để tải điện từ Trung tâm Điện lực Phú Mỹ về TP. Hồ Chí Minh và đấu nối vào lưới điện quốc gia. Ngoài ra, Tổng công ty cũng khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường dây 500kV từ TP. Hồ Chí Minh đi miền Tây, từ khu vực Đông Bắc và Tây Bắc về Hà Nội… cùng với hàng ngàn km đường dây và trạm biến áp 220kV, 110kV.

* Giai đoạn 2003 - 2013 chứng kiến Tổng công ty Điện lực Việt Nam, sau này là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò chủ đạo trong đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện, đảm bảo điện đi trước một bước trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, cung ứng đủ điện cho ngành kinh tế quốc dân và các nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, do khủng hoảng kinh tế kéo dài từ năm 2008. EVN đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước đặt ra đối với sự phát triển Điện lực. Từ 2003-2013, Tập đoàn đã đầu tư 505.010 tỷ đồng vào phát triển cơ sở hạ tầng điện lực, bình quân hàng năm bằng khoảng 7,14% tổng đầu tư cả nước, trong đó chỉ riêng trong 3 năm 2011-2013, khối lượng thực hiện đầu tư đạt 235.595 nghìn tỷ đồng.

Nhờ vậy, khối lượng đầu tư xây dựng hàng năm đạt giá trị cao, nhiều công trình điện đưa vào vận hành, cung cấp điện cho đất nước. Sản lượng điện hàng hoá cung cấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, tăng từ 34,9 tỷ kWh năm 2003 lên mức 115,2 tỷ kWh năm 2013. Tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân hàng năm là 12,69%/năm, tăng gấp hơn 1,88 lần so với tăng trưởng GDP, đảm bảo điện luôn đi trước một bước theo Nghị quyết của Đảng; điện thương phẩm bình quân trên người dân đến cuối năm 2013 ước là 1.285 kWh/người/năm, tăng 2,96 lần so với năm 2003 (434 kWh/người/năm).

Chuyển đổi mô hình quản lý, trở thành tập đoàn kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế, EVN luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt là việc đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện cam kết của Chính phủ đối với quốc tế về mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo. Nếu như năm 1995 chỉ có 90,6% số huyện có điện lưới quốc gia, 63,2% xã có điện và 50,76% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia thì tới cuối năm 2013, đã đạt được 99,08% số xã có điện lưới quốc gia, 97,85% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện, góp phần thay đổi cơ bản diện mạo nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Đầu tư và cung ứng điện cho nông thôn được Nhà nước xác định là dịch vụ công ích, chi phí đầu tư xây dựng rất lớn, có hiệu quả ý nghĩa lớn về chính trị - xã hội nhưng không có khả năng hoàn vốn. Thực tiễn cho thấy không có doanh nghiệp nào khác có thể đảm nhận được vai trò của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong công cuộc điện khí hoá nông thôn, góp phần quan trọng trong chương trình xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ.

Tập đoàn đóng góp kịp thời và hiệu quả, góp phần cùng Trung ương và Chính quyền địa phương ổn định phát triển kinh tế, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng tại các địa bàn trọng điểm. Tại các vùng đồng bào dân tộc, 10 năm trước đây tỷ lệ có điện còn rất thấp, nhưng đến năm 2013 đại đa số địa bàn và nhân dân đã được sử dụng điện như: Khu vực các tỉnh miền núi Tây Bắc đạt 96,62% về số xã và 83,76% số hộ dân có điện, các số liệu tương ứng khu vực các tỉnh Tây Nguyên là 99,83% và 95,8%; khu vực Tây Nam bộ là 98,85% và 97,27%.

Đến nay hầu hết các xã biên giới tiếp giáp với 3 nước láng giềng đã được cấp điện. Tập đoàn đã bán điện qua biên giới cho các khu vực dân cư giáp biên giới trên lãnh thổ hai nước Lào và Campuchia từ năm 2004, tạo điều kiện để các địa phương trên nước bạn phát triển kinh tế - xã hội, từ đó góp phần cùng với chính quyền địa phương hai bên biên giới xây dựng tình hữu nghị và giữ gìn an ninh biên giới.

Hiện nay, trên tuyến biển đảo, trong số 12 huyện đảo của cả nước có 6 huyện đảo đã và dự kiến sẽ có điện lưới quốc gia trong năm 2014 gồm huyện Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh); Cát Hải (Hải Phòng); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang) và 6 huyện đảo gồm Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quí (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện được cấp điện bằng nguồn điện tại chỗ. EVN đã quản lý vận hành và bán điện trực tiếp cho khách hàng tại 8/12 huyện đảo. Vượt qua mọi khó khăn quá trình triển khai thi công thực hiện các dự án như: địa hình, công nghệ thi công phức tạp (nhất là những vùng biển có độ sâu từ 50 mét trở lên và những vùng biển xa đất liền trên 60 km), thời tiết không thuận lợi, vốn đầu tư lớn…. , các dự án đưa điện lưới quốc gia ra các huyện đảo do EVN thực hiện đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, lâu dài cho các huyện đảo, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trong khu vực và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Những quyết sách đột phá mới

Để đạt được những kết quả trên, EVN đã mạnh dạn thực hiện 5 giải pháp đột phá.

Thứ nhất, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp và thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ. Thực tế, từ năm 2004, Tập đoàn đã đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, chuyển thành công ty cổ phần được 31 đơn vị. Qua đó, có tác động tích cực tới công tác quản trị, điều hành và tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng. Nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, Tập đoàn đã mạnh dạn nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc chuyển 20 đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc sang hạch toán độc lập. Các đơn vị được quyền chủ động về tài chính cũng như quyết định và chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, trước pháp luật.

Thứ hai, tập trung cao độ, dám nghĩ dám làm, phát huy nội lực, trí tuệ của tập thể cán bộ, công nhân viên; Đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật điện, đổi mới công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Giai đoạn 2003-2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ thông qua các dự án đầu tư, làm chủ công nghệ mới tiên tiến của nước ngoài trong phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin. Tập đoàn cũng đã đầu tư nghiên cứu, áp dụng hệ thống thông tin nội bộ chuyên ngành, ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả để quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên. 10 năm qua, Tập đoàn đã có 22 công trình, đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec), 1 công trình đạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2013.

Nhiều công nghệ mới được áp dụng xây dựng đập thủy điện đem lại hiệu quả cao như: công nghệ đập đá đổ với bê tông bản mặt tại một số công trình thủy điện có địa hình địa chất phức tạp; công nghệ đập bê tông đầm lăn (RCC), đây là công nghệ tiên tiến có nhiều ưu điểm nổi bật và mới được tiếp cận tại Việt Nam, qua đó rút ngắn được thời gian xây dựng, tiết kiệm chi phí đầu tư, điển hình là Nhà máy Thủy điện Sơn La đã hoàn thành sớm trước thời hạn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.

Thứ ba, chủ động, sáng tạo trong công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng; thực hiện tiết kiệm điện và giảm tổn thất điện năng đạt kết quả cao. Với phương châm phục vụ “khách hàng là sự tồn tại của chúng tôi”, công tác dịch vụ khách hàng luôn được cải tiến, hoàn thiện. Số khách hàng mua điện trực tiếp tăng từ 1,9 triệu khi mới thành lập lên trên 20 triệu khách hàng năm 2013.

Phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng luôn được Tập đoàn coi là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Giai đoạn 2003 - 2013, EVN đã tiếp nhận lưới điện trung, hạ áp ở khu vực nông thôn từ các đơn vị quản lý khác với khối lượng lưới điện lớn trong hiện trạng phần lớn đã cũ nát, gây ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giảm tổn thất điện năng. Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp giảm tổn thất điện năng từ 12,23% năm 2003 xuống còn 8,87% năm 2013.  

Công tác tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, được EVN tập trung đẩy mạnh bằng nhiều giải pháp tiết kiệm điện. EVN đã phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể ở các địa phương triển khai nhiều chương trình, giải pháp tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn và tư vấn về tiết kiệm điện cho khách hàng sử dụng điện, đóng góp quan trọng vào hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

Thứ tư, quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân viên chức và người lao động vì mục tiêu phát triển bền vững. Đánh giá nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu sản xuất kinh doanh, hoàn thành sứ mệnh và liên tục phát triển, hơn 10 năm qua. Từ năm 2010 đến 2013, hầu hết cán bộ quản lý các đơn vị cấp 2 trở lên đã được tham dự các khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp hiện đại.

Tuy nhiên, yêu cầu của ngành điện không chỉ bắt kịp sự tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới mà còn đỏi hỏi độ ổn định, an toàn rất cao. Do đó, hàng năm các đơn vị trong toàn Tập đoàn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên với số lượng bình quân hơn 1 lần đào tạo/1 người/1 năm (riêng năm 2013 đã có 217.000 lượt người được đào tạo/104.101 lao động), trong đó tập trung chủ yếu vào việc đào tạo lại về an toàn, đào tạo nâng bậc và cập nhật công nghệ mới. Trình độ lực lượng lao động Tập đoàn đã tăng đáng kể, tỷ lệ đã qua đào tạo đạt 94,35%, trong đó lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 32,84%. 

Tập đoàn đã từng bước xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận với trình độ quản lý, kỹ thuật công nghệ tiên tiến trên thế giới. Từ năm 2002, Tập đoàn bắt đầu chọn cử các em đạt giải quốc gia, quốc tế, có thành tích học tập tốt theo học các chuyên ngành kỹ thuật điện ở nước ngoài. Đến nay, 33 sinh viên đã về nước tham gia tích cực vào các vị trí trong ngành điện. Đặc biệt, từ năm 2006 đến 2009, Tập đoàn đã chủ động cử 30 sinh viên tài năng đi học về điện hạt nhân tại Nga và Pháp. Năm 2013, 9 sinh viên đầu tiên đã về nước, bổ sung lực lượng chuẩn bị cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Thứ năm, công tác xã hội, từ thiện, đền ơn, đáp nghĩa tiếp tục được Tập đoàn đặt mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa. Từ năm 2003 đến nay, Tập đoàn đã hỗ trợ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện công tác nhân đạo, từ thiện đối với nhân dân và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước với tổng số tiền 244,5 tỷ đồng (bình quân trên 22,2 tỷ đồng/năm). Hiện nay, đang nhận phụng dưỡng suốt đời 90 bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ giúp đỡ 3 huyện nghèo là Phong Thổ, Tân Uyên và Than Uyên tỉnh Lai Châu. Tập đoàn đã ký kết với UBND tỉnh Lai Châu Chương trình hỗ trợ 3 huyện giai đoạn 2009-2015 có giá trị khoảng 566 tỷ đồng để triển hai các dự án cấp điện, xây dựng nhà bán trú tại các trường học, xóa nhà tạm, cấp học bổng đào tạo nghề cho con em dân tộc, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại 3 huyện từ trên 50% xuống còn dưới 40% (theo tiêu chuẩn nghèo mới).

Gắn bó hữu cơ với phát triển đất nước

Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đặt ra 5 mục tiêu lớn, nhằm góp phần đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Một là, đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển đất nước. Hoàn thành nhiệm vụ đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VII, với các mục tiêu cụ thể: Năm 2015 sản xuất và mua để cung cấp cho nền kinh tế sản lượng điện khoảng 150-155 tỷ kWh, tới năm 2020 đạt sản lượng 300-330 tỷ kWh; Năm 2015 sở hữu 23.000 MW, chiếm 56% tổng công suất hệ thống điện, chủ động sản xuất được khoảng 40% nhu cầu điện; năm 2020 sở hữu gần 32.300MW, chiếm khoảng 43% tổng công suất hệ thống điện, chủ động sản xuất được 38÷40% nhu cầu điện; Xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối hiện đại, đồng bộ với nguồn điện và đảm bảo kết nối đến hộ tiêu thụ; Hoàn thành chương trình đưa điện về nông thôn để đến năm 2015 đạt 98,6% số hộ dân nông thôn có điện và phấn đấu đến năm 2020 đạt mục tiêu hầu hết số hộ dân nông thôn có điện; tiếp tục đầu tư đưa điện lưới đến các huyện đảo; Vận hành tốt thị trường phát điện cạnh tranh; Chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, về mô hình tổ chức để tham gia thị trường bán buôn và bán lẻ điện năng theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt.

Hai là, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, thực hiện phương án tái cơ cấu Tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê, đảm bảo Tập đoàn có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích cho xã hội, quốc phòng an ninh; nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến để đầu tư chiều sâu, cải tạo nâng cấp, hiện đại hóa nguồn và lưới điện, thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bốn là, xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân vững mạnh. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hiện đại hóa của Tập đoàn.

Năm là, xây dựng thành công hình ảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy, thân thiện, hết lòng vì khách hàng.

Khen thưởng cao nhất EVN đã đạt được:

- Huân chương Sao vàng năm 2004, vì đã có công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

- Huân chương Hồ Chí Minh năm 1996 vì đã có nhiều công lao trong xây dựng, phát triển ngành Điện Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp Cách mạng của Đảng, của dân tộc.

- 26 tập thể và 09 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, trong đó có 15 tập thể và 06 cá nhân là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

- Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2008, đạt giải Nhì trong Khối thi đua các Tổng công ty nhà nước và Tập đoàn kinh tế.

- Bằng khen năm 2011 vì đã có thành tích xuất sắc trong điều hành sản xuất, cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động