RSS Feed for Điện lực Bỉm Sơn gắn kết với lợi ích doanh nghiệp | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 12/12/2024 18:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện lực Bỉm Sơn gắn kết với lợi ích doanh nghiệp

 - Cũng như các đơn vị điện lực khác của Công ty Điện lực Thanh Hóa, Điện lực Bỉm Sơn bằng những việc làm thiết thực thể hiện sự tri ân khách hàng, gắn bó chặt chẽ lợi ích của mình với lợi ích người tiêu dùng, nhất là với các doanh nghiệp trên địa bàn theo chiều hướng: Nước nổi thuyền nổi.

Trung tâm Chăm sóc khách hàng NPC sau 1 năm nhìn lại
Dịch vụ khách hàng của EVNNPC chuyển biến tích cực
"Nhịp cầu" nối 9 triệu khách hàng mua điện với NPC
Khách hàng là động lực trong tiến trình đổi mới NPC

Tri ân khách hàng bằng việc cấp điện liên tục, ổn định

Thị xã Bỉm Sơn sớm hình thành khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, hiện là một trong bốn khu công nghiệp động lực của tỉnh. Nhu cầu dùng điện trong thị xã mỗi năm một tăng, đến nay số lượng khách hàng đã lên hơn 21 nghìn hộ, trong đó khách hàng kinh tế chiếm 1.350 hộ. Nếu Điện lực Bỉm Sơn không đáp ứng đầy đủ yêu cầu cấp điện cho khách hàng, thì không thể đạt mức 205.500 kW điện thương phẩm, không thể có doanh số bán hàng đạt 70 tỷ đồng như năm 2016 vừa qua.

Ai vào trụ sở Điện lực Bỉm Sơn đều thấy tấm băng-rôn lớn treo trên khu nhà chính: "Tri ân khách hàng". Việc tri ân không phải là một mỹ từ, một khẩu hiệu coi khách hàng là Thượng đế, mà là sự đòi hỏi đối với công nhân viên chức ngành điện cần nêu cao trách nhiệm phục vụ khách hàng, bởi khách hàng chính là người đem lại nguồn thu cho công ty, đem lại đồng lương thu nhập cho mỗi người lao động.

Nhận thức rõ, Điện lực Bỉm Sơn theo sự chỉ đạo trực tiếp và đầu tư của Công ty Điện lực Thanh Hóa đã nhiều năm không ngừng vượt qua khó khăn để xây lắp, củng cố nâng cấp hệ thống lưới điện bằng việc cắm thêm trạm biến áp, thay cột bê-tông mới, thay dây mới (riêng dự án cải tạo lưới điện Bỉm Sơn năm 2016 được đầu tư hơn 75 tỷ đồng).

Dạo quanh đường phố Bỉm Sơn, người trong nghề điện cũng như người ngoài ngành đều nhận rõ hệ thống lưới điện ở đây rất bề thế, bền vững với hơn 125 km đường dây trung thế, hơn 156 km đường dây hạ thế cùng 209 trạm biến áp có dung lượng 88,530 kVA. Tình trạng cấp điện phập phù, non tải làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh như trước đây coi như đã chấm dứt. Nhận thức rõ vai trò của điện lực ở một khu công nghiệp cửa ngõ phía bắc tỉnh Thanh Hóa, Điện lực Bỉm Sơn ngoài nhiệm vụ cấp điện thường xuyên cho những khách hàng đã có, còn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu dịch chuyển, mở rộng mạng lưới theo quy hoạch phát triển của thị xã.

Tri ân khách hàng đi đôi với sự chăm sóc khách hàng là việc làm hằng ngày của Điện lực Bỉm Sơn. Phòng giao dịch khách hàng đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết nhanh yêu cầu cấp điện mới cho hộ mua điện 1 pha hoặc 3 pha. Thường xuyên tìm gặp khách hàng hoặc mở hội nghị khách hàng nhằm lấy ý kiến nhận xét về sự hài lòng hay nhắc nhở, phê bình những thiếu sót; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền nhất là tuyên truyền về việc tiết kiệm điện; cập nhật thông báo những việc làm cụ thể, thông báo lịch cắt điện sửa chữa và thời hạn sửa chữa; thông qua tổng đài chăm sóc khách hàng, mọi ý kiến của khách hàng đều được phản ánh nhanh đến bộ phận trực ban. Trên đường hiện đại hóa, Điện lực Bỉm Sơn đã áp dụng 100% các công nghệ mới vào công việc, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thông báo đến từng khách hàng có liên quan hoặc thông báo trênwebsite của công ty.

Điện lực cùng doanh nghiệp thực hiện "Hợp đồng tiểu tu"

Từ lĩnh vực phát triển kinh tế của thị xã Bỉm Sơn, có thể hiểu được những đóng góp xứng đáng của ngành điện. Năm 2016, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế của thị xã Bỉm Sơn đều tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 14.563 tỷ đồng (theo giá năm 2010); tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,4%. Trong cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 73,8%, thương mại dịch vụ chiếm 24,5%. Nhiều sản phẩm chính tăng cao như xi-măng đạt 3.170 triệu tấn tăng 7,3%; gạch xây đạt 170,5 triệu viên tăng 13,7%, lắp ráp ô-tô đạt 4.428 chiếc tăng 31%, chiết nạp ga đạt 21.500 tấn tăng 8,8%.

Nói đến công nghiệp tăng trưởng không thể không nói đến sự đóng góp của điện lực. Đến thăm một số cơ sở công nghiệp ở Bỉm Sơn, khi tôi hỏi về quan hệ với điện lực, những người lãnh đạo cơ sở đều tỏ ra hài lòng, có người nói: Ngành điện nêu cao sự tri ân khách hàng, nhưng chúng tôi - khách hàng cũng phải biết tri ân ngành điện, bởi mấy năm nay không có chuyện cắt điện bất thường, giờ cắt điện không kéo dài, nguồn điện cung ứng luôn ổn định có chất lượng. Giám đốc Công ty Gạch xây Ba Lan thừa nhận: Khi cơn bão số 1 năm 2016 đổ bộ vào Bỉm Sơn, tuy làm đổ gãy hàng loạt cột điện, làm đứt nhiều đường dây, nhưng ngay sau bão là có điện. Tại xí nghiệp, mưa bão ngập nước làm hỏng hai kho gạch mộc, nhưng vẫn có điện cho lò nung tuy-nen hoạt động.

Một trong những nguyên nhân giúp cho việc cấp điện liên tục, ổn định là Điện lực Bỉm Sơn đã có biện pháp chăm sóc khách hàng tại chỗ bằng "Hợp đồng tiểu tu". Đây là đơn vị đầu tiên của Điện lực Thanh Hóa áp dụng cách làm mới này. Lúc đầu, cũng có những ý kiến khác nhau, có người cho rằng ngành điện chỉ có trách nhiệm quản lý đến đồng hồ đo điện bên ngoài, còn bên trong doanh nghiệp thì ai nấy tự lo. Trong những lần gặp mặt khách hàng hoặc họp Hội đồng nhân dân thị xã, Giám đốc Điện lực Bỉm Sơn Nguyễn Văn Thành đã trình bày phân tích về sự việc này. Tuy việc duy tu bảo dưỡng hoặc sửa chữa nhỏ là việc của nội bộ doanh nghiệp, nhưng trong thực tế không ít doanh nghiệp do thiếu trình độ chuyên môn về điện, việc sửa chữa thường kéo dài, hay để xảy ra sự cố, mà muốn khắc phục sự cố nhiều khi điện lực thị xã phải cắt điện cả một tuyến đường dây để cho một doanh nghiệp sửa chữa.

Điện lực Bỉm Sơn khuyến khích mọi doanh nghiệp có lịch tiểu tu định kỳ hằng năm, có thể thuê bất cứ ai vào duy tu bảo dưỡng cho doanh nghiệp; nếu doanh nghiệp nào đồng thuận thì ngành điện sẽ ký hợp đồng duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ một năm hai lần. Tiền công và tiền mua vật tư thay thế, Điện lực Bỉm Sơn đều có biên lai và nộp lên công ty, đây không phải là việc làm thêm ngoài kế hoạch để có nguồn thu riêng. Ý kiến của Giám đốc Điện lực Bỉm Sơn dần được đa số doanh nghiệp đồng thuận vì thấy có lợi trước hết cho mình.

Đến thăm Công ty CP Vật liệu xây dựng Bỉm Sơn gặp Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Tất Quán. Đây là một trong mười công ty cổ phần đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Từ khi cổ phần hóa, công ty trải qua nhiều thời kỳ lận đận, làm nhiều loại sản phẩm khác nhau để tồn tại như gạch lát, thảm đay, nghiền xi-măng, chế biến tinh bột sắn, đúc bê-tông xốp cách âm, cách nhiệt...

Từ năm 2004, công ty chuyển hẳn sang làm sản phẩm truyền thống là gạch xây. Hiện, công ty có hai lò gạch tuy-nen, đang đầu tư thêm lò thứ 3. Năm 2016, sản lượng của công ty đạt 63 triệu viên gạch, tiêu thụ hết. Sản xuất, kinh doanh tăng, một năm công ty chi trả tiền điện 11 tỷ đồng, nộp ngân sách bình quân 5 tỷ đồng/năm, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba, cúp vàng sản phẩm tiêu biểu của quốc gia.

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Tất Quán phần quyết định quan trọng là được cung cấp đầy đủ điện năng, đã góp phần trong quá trình tăng trưởng của công ty, mới đây có thêm "Hợp đồng tiểu tu" giúp công ty không phải lo quản lý điện mà chỉ tập trung sản xuất. Mấy năm nay trong công ty không xảy ra sự cố điện nào, nếu mất điện do khách quan đều được báo trước và thời gian mất điện hầu như chỉ tính bằng giờ.

Việc tri ân và chăm sóc khách hàng là việc của ngành điện, còn lợi ích giữa ngành điện với khách hàng, với kinh tế địa phương là quan hệ hai chiều, là chuyện: Nước nổi ắt thuyền nổi.

PHẠM THANH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động