RSS Feed for Điện hạt nhân và thách thức trong phát triển cơ sở hạ tầng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 05/12/2024 07:48
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện hạt nhân và thách thức trong phát triển cơ sở hạ tầng

 - "Các quốc gia mới bắt đầu một chương trình điện hạt nhân (ĐHN) cần phải đảm bảo rằng sự phát triển của cơ sở hạ tầng pháp lý, pháp quy và hỗ trợ kỹ thuật của quốc gia phải bắt kịp với tiến độ xây dựng các nhà máy ĐHN của mình. Đây là cách duy nhất để đảm bảo rằng chương trình điện hạt nhân của các nước này được thực hiện một cách an toàn, an ninh và bền vững", kết luận của Hội nghị về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân của IAEA, tháng 2/2016, tại Viên (Áo).

Điện hạt nhân: Nguồn năng lượng của thế kỷ 21

Ông Milko Kovachev, Trưởng phòng Phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân của IAEA khẳng định: “Bắt tay vào một chương trình ĐHN là một công việc nghiêm túc đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn, cũng như những trách nhiệm tiềm ẩn phía sau để đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng cần thiết đã sẵn sàng”.

“Một quốc gia chỉ nên bắt đầu một chương trình ĐHN khi nó đã sẵn sàng và đã nhận thức rõ được về thời gian và nguồn lực cần thiết để thực hiện chương trình đó”, ông Milko Kovachev nhấn mạnh.

Còn theo ông Lindell, cựu Giám đốc điều hành đồng thời là quan chức phụ trách về an toàn hạt nhân của Công ty Năng lượng hạt nhân và Cung cấp hạt nhân của Thụy Điển (E.ON Company)  thì: “Một cơ quan pháp quy độc lập và có đủ năng lực là điều thiết yếu để cân bằng vai trò của các nhà vận hành của một nhà máy ĐHN và thiết lập các tiêu chuẩn về an toàn hạt nhân một cách minh bạch”.

Một quốc gia lần đầu tiên phát triển ĐHN, được gọi là “quốc gia mới -newcomer”, phải đối mặt với một số thách thức chung quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng như: hoàn thành việc ban hành một chính sách quốc gia và chiến lược cho chương trình ĐHN, xây dựng khung pháp lý và một cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập, tăng cường quản lý dự án và xây dựng một đội ngũ nhân lực lành nghề.

Các đại biểu dự Hội nghị kỹ thuật hàng năm lần thứ 10 của IAEA về những vấn đề cơ bản trong phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, tổ chức từ ngày 02-05/2/2016 bao gồm đại diện của chính phủ các nước thành viên, các tổ chức chủ sở hữu/nhà vận hành trong tương lai, các cơ quan quản lý và các tổ chức liên quan của cả các quốc gia mới bắt đầu phát triển ĐHN và các quốc gia đang vận hành nhà máy ĐHN.

Khi chia sẻ các bài học kinh nghiệm của mình, các đại biểu dự Hội nghi đến từ các nước mới phát triển ĐHN đã thảo luận nhiều vấn đề khác nhau mà họ phải đối mặt bao gồm sự phức tạp của việc xây dựng khuôn khổ pháp quy và quá trình cấp giấy phép.

Đồng Chủ tịch Hội nghị, ông Per Lindell đến từ Thụy Điển, cho biết, “Một cơ quan pháp quy độc lập và có đủ năng lực là điều thiết yếu để cân bằng vai trò của các nhà vận hành một nhà máy điện hạt nhân và để thiết lập các tiêu chuẩn về an toàn hạt nhân và xây dựng một văn hóa an toàn hạt nhân một cách minh bạch”.

“Tất cả các nước mới bắt đầu phát triển ĐHN đã tuân thủ theo tài liệu hướng dẫn chính của IAEA về phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân đối với chương trình ĐHN”, ông ABDELMAJID Caoui, nguyên Tổng Thư ký của Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân của Ma-rốc, người đồng chủ trì Hội nghị nói trên cho biết. “Điều này được phản ánh thông qua cam kết của các nước thành viên về việc sử dụng năng lượng hạt nhân một cách an toàn, an ninh và vì mục đích hòa bình, thông qua sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ như một trụ cột quan trọng cho chương trình điện hạt nhân mới, cũng như được thể hiện qua việc sớm thành lập và tham gia của các cơ quan quản lý, chủ sở hữu/nhà vận hành và các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật”. Ma-rốc đang xem xét việc sử dụng điện hạt nhân như một nguồn năng lượng carbon thấp dài hạn và đã chủ trì tổ chức làm việc với Đoàn công tác Đánh giá cơ sở hạ tầng hạt nhân tích hợp của IAEA (INIR) vào tháng 10 năm 2015.

Belarus hiện đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình tại Ostrovets. Hai tổ máy công suất 1.170 MW dự kiến ​​sẽ lần lượt đi vào hoạt động trong các năm 2018 và 2020.

Tại Hội nghị, ông Mikhail Mikhadiuk, Thứ trưởng Bộ Năng lượng của Belarus, đã trình bày lộ trình và những cột mốc quan trọng trong chương trình phát triển điện hạt nhân của quốc gia này. “Belarus đã quyết định khởi động chương trình điện hạt nhân vào năm 2008 nhằm tăng cường an ninh cung cấp năng lượng bằng cách đa dạng hóa các nguồn năng lượng, giảm chi phí sản xuất điện và hạn chế phát thải các loại khí nhà kính”.

Ông Mikhadiuk cho biết: “Chúng tôi đang triển khai chương trình điện hạt nhân dựa trên các tiêu chuẩn của IAEA”. Belarus cũng đã tổ chức đợt làm việc với Đoàn công tác Đánh giá cơ sở hạ tầng hạt nhân tích hợp của IAEA (INIR) vào năm 2015.

Nguồn: VAEA/ IAEA

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động