RSS Feed for Điện hạt nhân - "An ninh quốc gia" của Nhật Bản | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 10:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện hạt nhân - 'An ninh quốc gia' của Nhật Bản

 - Chính phủ Nhật Bản đang có nhiều động thái tích cực nhằm khởi động trở lại các nhà máy điện hạt nhân để giảm tải bớt áp lực cho nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ, đồng thời Nhật Bản cũng đã xây dựng nhiều giải pháp xanh, tiết kiệm năng lượng trong công cuộc tái thiết đất nước... Tuy chưa thể kiểm chứng được những giải pháp xanh này hiệu quả tới đâu, nhưng trước mắt, đối với Nhật Bản hiện nay thì điện hạt nhân vẫn là phương án “kinh tế” nhất trong tất cả các phương án cung cấp nguồn năng lượng để tái thiết đất nước.

 

Theo tờ báo hàng đầu Nhật Bản Tokyo Shimbun đưa tin, các Thượng nghị sĩ nước này đã nhất trí về một sửa đổi trong Luật năng lượng nguyên tử cơ bản, theo đó cho phép nước này sử dụng năng lượng hạt nhân vào các mục đích nhằm đảm bảo "an ninh quốc gia". Tờ báo này cũng giải thích thêm là Thượng viện đã bổ sung thêm một thông tin mới vào Chương II - chi phối chính sách cơ bản.

Những động thái mới

Đặc biệt hơn khi trước đó, vào giữa tháng 6, Chính phủ Nhật Bản đã tiến gần hơn tới việc thành lập cơ quan quản lý hạt nhân mới sau khi Hạ viện nước này cùng ngày thông qua dự luật liên quan do các đảng cầm quyền và đối lập soạn thảo. Tiếp sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã yêu cầu Công ty Điện lực Kansai tái mở cửa hai lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Oi nằm ở trung tâm công nghiệp phía tây Nhật Bản.

Dù với mục đích gì thì những động thái này đã làm cho dư luận nghĩ về một mối đe dọa mới cho an ninh khu vực Đông Bắc Á nói riêng hay châu Á nói chung, hoặc cũng có thể là từ dự luật này mà Nhật Bản sẽ danh chính ngôn thuận trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

Mặc dù trước đó thì Luật năng lượng nguyên tử cơ bản của Nhật giới hạn chỉ sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình, theo đó "việc nghiên cứu, phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân có thể bị giới hạn ở những mục đích hòa bình và việc xuất, nhập khẩu, sở hữu... nhiên liệu hạt nhân sẽ phải tuân thủ các quy định về kiểm soát mục đích".

Trung tâm điều khiển lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Ohi, Nhật Bản

Một số đánh giá khác lại cho rằng động thái này chỉ vì mục đích đơn thuần là phục vụ cho việc tái thiết nền kinh tế sau thảm họa kép. Các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật đáp ứng đến 1/3 nhu cầu năng lượng của nền kinh tế này, trong khi thủy điện, nhiệt điện, vẫn chưa thể đủ sức thay thế.

Từ sau thảm họa động đất và sóng thần, toàn bộ các lò phản ứng của Nhật Bản đều đã đóng cửa. Điều này tạo nên một cơn khát năng lượng trên toàn đất nước, do đó bắt buộc Nhật liên tục có những động thái như trên - được giới quan sát đánh giá là bước tiến quan trọng trong nỗ lực phục hồi ngành công nghiệp hạt nhân của chính phủ.

Vì nếu toàn bộ 54 lò phản ứng hạt nhân Nhật vẫn bị đóng cửa vào mùa hè thì cả nước có thể thiếu 10% điện năng trong thời gian cao điểm và khi đó nhiều hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, đe dọa nền kinh tế Nhật Bản và xa hơn là có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới.

Nếu không có điện hạt nhân

Trong trường hợp không có điện hạt nhân thì nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này sẽ phụ thuộc vào 3 nguồn chính: than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên. Điều này dẫn đến chi phí điện tăng cao, khiến cho cả nước, từ các xí nghiệp, nhà máy, đến cư dân phải sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm nhất, từ đó tạo nên áp lực rất lớn cho nền kinh tế đang trên đà suy thoái trong thời gian gần đây.

Theo số liệu công bố gần đây của Hiệp hội các công ty điện Nhật Bản thì 10 nhà máy điện địa phương đã nhập gần 52,9 triệu mét khối khí gas hóa lỏng trong năm tài chính kết thúc ngày 31/3, tăng 27% so với cùng kì năm trước -khi Nhật chưa phải đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Nhập khẩu dầu thô đã tăng hơn gấp đôi, lên 23,3 triệu mét khối (147 triệu thùng), khiến lượng dầu mỏ tiêu thụ lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân có tác động xếu đến mức ông Noda phải thốt lên: "Điện giá rẻ và ổn định là hết sức quan trọng. Nếu tất cả các lò phản ứng từng cung cấp 30% nguồn điện cho Nhật Bản bị ngưng hoạt động hoặc để không thì xã hội Nhật không thể tồn tại được". Thêm vào đó, Bộ trưởng Yukio Edano cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với một mùa hè "thiếu hụt điện năng nghiêm trọng" nếu không tái khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân.

Có thể nhìn vào mùa hè năm 2011 để hiểu thế nào là "thiếu hụt điện năng nghiêm trọng", khi mà Chính phủ Nhật Bản đã phải kêu gọi toàn dân, đặc biệt là các tập đoàn lớn phải cắt giảm mức tiêu thụ điện năng xuống ít nhất 15%, cùng với các yêu cầu kèm theo như: hạn chế sử dụng đèn, điều hòa, thay đổi giờ làm sớm hơn hay chuyển vào các ngày cuối tuần để tránh tình trạng quá tải.

Đặc biệt hơn khi chính việc "thiếu hụt điện năng nghiêm trọng" vào mùa hè theo lời của ông Noda cũng đã tác động xấu đến định hướng phát triển của phần lớn các công ty ở Nhật Bản. Cụ thể, có rất nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất đang tính đến chuyện chuyển hướng làm ăn hoặc xây dựng các xưởng sản xuất mới ở nước ngoài nếu như tình trạng thiếu điện vào mùa hè không được cải thiện. Mà tình trạng này chỉ có thể khắc phục khi các nhà máy điện hạt nhân hoạt động trở lại. Nếu không, một ngày nào đó kinh tế Nhật sẽ chẳng còn là "đất lành chim đậu" nữa.

Nhật không "ổn" thì thế giới cũng không "yên"

Chưa dừng lại ở đó, việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân không chỉ gây ảnh hưởng xấu trong nước, mà nền kinh tế thế giới cũng phải chịu những hệ lụy khôn lường.

Việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân làm cho nhu cầu nhập khẩu các nguyên liệu khác (đặc biệt là dầu mỏ) để sản xuất điện tăng cao. Theo số liệu thống kê của tờ Financial Times đưa ra, thì vào tháng 12/2011, Nhật Bản đã nhập khẩu khoảng 730.000 thùng/ngày, tăng 350% so với cùng kỳ năm trước đó.

 

Việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân không chỉ gây ảnh hưởng xấu trong nước, mà nền kinh tế thế giới cũng phải chịu những hệ lụy khôn lường.

Đặc biệt là trong mùa hè, khi mà nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, thì nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ sẽ tăng lên rất cao, vì nhu cầu sử dụng có thể lên tới hơn 1 triệu thùng/ngày. Điều này đồng nghĩa với việc giá dầu trên thị trường quốc tế sẽ bị đẩy lên cao, theo quy luật "cầu vượt cung". Đặc biệt hơn khi giá dầu thế giới đã tăng lên đáng kể từ năm ngoái do những căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân Iran.

Giá dầu tăng cao sẽ là một thách thức không nhỏ với nền kinh tế thế giới hiện nay, khi mà khủng hoảng khu vực eurozone vẫn đang loay hoay chưa tìm ra cách giải quyết. Trong trường hợp giá dầu cứ tiếp tục tăng thì có thể kinh tế thế giới sẽ lại rơi vào một cuộc suy thoái mới.

Chính vì thế mà việc Nhật Bản đang có nhiều động thái tích cực nhằm khởi động trở lại các nhà máy điện hạt nhân sẽ giảm tải bớt áp lực cho nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ, từ đó nền kinh tế thế giới bớt đi một nguyên nhân gây nên khủng hoảng. Cùng với đó thì niềm tin của người Nhật nói riêng và toàn thế giới nói chung về năng lượng hạt nhân sẽ "tươi đẹp" trở lại.

Song song với đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đã xây dựng nhiều giải pháp xanh, tiết kiệm năng lượng trong công cuộc tái thiết đất nước. Theo đó, Nhật sẽ phải phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với công nghệ xanh, sử dụng sức gió và pin mặt trời để đáp ứng nhu cầu năng lượng.

Tuy chưa thể kiểm chứng được những giải pháp xanh này hiệu quả tới đâu, nhưng trước mắt, đối với Nhật Bản hiện nay thì điện hạt nhân vẫn là phương án "kinh tế" nhất trong tất cả các phương án cung cấp nguồn năng lượng để tái thiết đất nước. Dù rằng hiện nay phương án này vẫn đang vấp phải sự phản đối kịch liệt của đa số người dân Nhật Bản do những hệ quả từ di chấn Fukushima.

Nghĩa Huỳnh - Hà Mai (Nguồn: vef.vn)

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động