RSS Feed for Điện đã Thứ tư 11/09/2024 23:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện đã 'đi trước một bước' trong xây dựng nông thôn mới

 - Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ngành Công Thương giai đoạn 2010-2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã khẳng định: Điện đã "đi trước một bước" trong xây dựng nông thôn mới.

Thấy gì trong công tác huy động vốn cho các dự án điện của EVN?
Điện lực miền Nam: "Điểm sáng” trong xây dựng nông thôn mới

Điện đã đi trước một bước

Theo báo cáo của EVN: Trong 10 năm qua (2010-2019), EVN đã huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Quy mô nguồn và lưới điện được mở rộng: tổng công suất của toàn hệ thống điện, đến 6/2019 đạt 53.326 MW (tăng gấp 2,55 lần so với năm 2010, trong đó năng lượng mặt trời đạt 4.464 MW); hệ thống lưới điện tăng gần 1,8 lần so với năm 2010. Sản lượng điện tiêu thụ bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.057kWh/người/năm, tăng gấp 1,8 lần năm 2010 (là 1.168kWh/người/năm).

Hiệu quả vận hành hệ thống điện được nâng cao, tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm từ 10,15% năm 2010 xuống còn 6,83% năm 2018. Mức độ phủ điện cao hơn một số nước trong khu vực, tỷ lệ số xã có điện tăng từ 98,6% (năm 2010) lên 100% (năm 2018) và số hộ dân có điện sử dụng điện tăng từ 97,31% tương ứng 19 triệu hộ (năm 2010) lên 99,47% tương ứng 27,41 triệu hộ (6/2019).

Trong đó, số hộ dân nông thôn có điện sử dụng tăng từ 96,29% tương ứng 13,26 triệu hộ (năm 2010) lên 99,18% tương ứng 16,98 triệu hộ (6/2019), cấp thêm cho hơn 3,72 triệu hộ dân nông thôn có điện lưới.

EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vai trò chủ đạo cung cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, nâng cao chất lượng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân nông thôn.

Đến 2015 có 85% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới và năm 2020 là 95% số xã đạt chuẩn.

Tổng số vốn đầu tư của EVN trong 10 năm, hơn 81.700 tỉ đồng, gấp 1,6 lần so với vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 (50.100 tỉ đồng). Trong đó: vốn NSTW khoảng 13.900 tỷ đồng; vốn đối ứng của EVN gần 4.600 tỷ đồng; nguồn vốn vay ODA của các Tổ chức quốc tế hơn 63.000 tỉ đồng (tương đương 3,0 tỷ USD).

Kết quả tới 30/6/2019, có 8.072/8.902 xã đạt Tiêu chí số 4 chiếm 90,7% tổng số xã của cả nước, tăng 45,94% so với năm 2010 và tăng 8,32% so với thời điểm năm 2015. Trong đó, các vùng có tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 4 cao là: Đồng bằng sông Hồng đạt 99,9% (tăng 35,72% so với năm 2010 và 3,36% so với năm 2015); khu vực Bắc Trung Bộ đạt 95,5% (tăng 51,43% so với năm 2010 và 6,56% so với năm 2015); vùng duyên hải Nam Trung Bộ đạt 96,4% (tăng 45,5% so với năm 2010 và 6,19% so với năm 2015); vùng Đông Nam Bộ đạt 90,1% (tăng 35,94% so với năm 2010 và 4,65% so với năm 2015).

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai 10 năm qua cho thấy khó khăn lớn nhất đối với việc đáp ứng tiêu chí số 4 đó là:

Thứ nhất: Thiếu nguồn vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện nông thôn do đặc điểm hình thành lưới điện nông thôn trải trên địa bàn rộng lớn, nhiều khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, có những nơi chưa có đường giao thông; nhiều hộ dân sinh sống rải rác; hơn 6.000 xã có hệ thống điện được đầu tư từ các năm của thập kỷ 80 - 90 được các đơn vị điện lực tiếp nhận từ các tổ chức quản lý điện nông thôn thường cũ nát, chất lượng không đảm bảo, hầu hết lưới điện đều đòi hỏi phải được cải tạo nâng cấp mới đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của Tiêu chí số 4, đồng thời nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho sinh hoạt và phát triển kinh tế khu vực nông thôn ngày càng cao, nên ngoài việc cải tạo lưới điện cũ cần phải nâng cấp lưới điện để đáp ứng yêu cầu chất lượng cung cấp điện;

Thứ hai: Cùng với khó khăn về nguồn vốn, việc giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình xây dựng mới lưới điện, đặc biệt là các công trình lưới truyền tải điện 110/220kV ngày càng trở lên khó khăn, trở ngại, có những công trình đã thu xếp được nguồn vốn nhưng không thể giải phóng được mặt bằng, dẫn đến kéo dài tiến độ, thậm chí có những công trình không thể triển khai được, nên không đáp ứng kịp thời được nhu cầu phát triển của các địa phương;

Thứ ba: Bên cạnh đó để đạt được Tiêu chí số 4 về điện nông thôn ngoài việc đầu tư xây dựng lưới điện của đơn vị điện lực, còn một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng điện là nhận thức của các hộ sử dụng điện, nhiều hộ dân do chưa nhận thức hết nên lắp đặt lưới điện sau công tơ không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, an toàn và sử dụng điện hiệu quả như tư vấn của ngành Điện nên trong quá trình sử dụng điện thiếu an toàn, chất lượng không đảm bảo.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ dân nông thôn.

EVN kiến nghị

Để tiếp tục duy trì và phát triển những thành quả đạt được cũng như phấn đấu đạt được mục tiêu cho các giai đoạn tới, EVN kiến nghị:

1/ Đối với Chính phủ:

Đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối bố trí vốn Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 để thực hiện được mục tiêu của Chương trình “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2013-2020” theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Chính phủ và Quyết định 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018.

Chỉ đạo các Bộ, ngành làm việc với các tổ chức quốc tế tìm kiếm các nguồn vốn ưu đãi và có chính sách của Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho EVN và các TCTĐL để thực hiện các dự án đầu tư lưới điện cho khu vực nông thôn đáp ứng được mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia.    

Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng trong nước có chính sách ưu đãi hỗ trợ vốn đầu tư để cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả phục vụ thúc đẩy phát triển sản xuất của của các hộ dân như phục vụ nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh ven biển giai đoạn 2018-2025, thay bóng đèn tiết kiệm trong trồng hoa màu, thực hiện các chương trình sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả...

2/ Đối với UBND các tỉnh:

Đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các Sở, Ban ngành trên cơ sở Quy hoạch tổng thể của tỉnh về hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... theo các tiêu chí mà Chính phủ và địa phương quy định, xây dựng và ban hành quy hoạch đồng bộ hệ thống điện phù hợp, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu điện với chất lượng ổn định, an toàn, đồng thời tránh lãng phí, đầu tư đón đầu.

Chỉ đạo các Sở, Ban ngành, UBND các huyện xây dựng quy hoạch đồng bộ về kết cấu hạ tầng điện, đường nông thôn và lộ giới nông thôn để có mặt bằng cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn nhằm không gây ảnh hưởng đến bất kỳ công trình hạ tầng và kiến trúc nào cũng như đảm bảo hành lang an toàn lưới điện trong vận hành.

UBND các tỉnh ưu tiên bố trí vốn ngân sách hàng năm của tỉnh để thực hiện đầu tư cấp điện cho các hộ chưa có điện khi ngân sách TW chưa bố trí vốn, lồng ghép các nguồn vốn như Chương trình 30a, Chương trình 135... để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới vì các dự án này mang tính công ích, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội nên không thể vay vốn thương mại để đầu tư.

Chỉ đạo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh có kế hoạch và thống nhất danh mục các xã xây dựng nông thôn mới đồng bộ các nguồn lực để thực hiện tập chung 19 tiêu chí, không dàn trải, sử dụng kết hợp các nguồn vốn có hiệu quả trong khi các nguồn vốn đều đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo UBND các huyện/xã khi xây dựng đường giao thông nông thôn, cần thực hiện đồng bộ việc di dời công trình điện nằm trong phạm vi cải tạo, mở rộng đường; bố trí kinh phí trong chi phí đền bù giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư và có sự hỗ trợ từ ngân sách trong việc cải tạo, di dời lưới điện hiện hữu (tiếp nhận từ lưới điện nông thôn trước đây) ra khỏi đất của người dân nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của ngành Điện và của người dân.

Vận động các hộ dân tự nguyện tham gia giải phóng mặt bằng để có thêm vốn đầu tư xây dựng mới lưới điện phục vụ nhu cầu sử dụng điện của nhân dân các xã và hỗ trợ ngành Điện trong việc tuyên truyền vận động người dân tạo điều kiện trong việc phát quang hành lang an toàn lưới điện, vận động người dân không trồng các cây nhanh phát triển dưới đường dây hiện hữu, đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn cho các hộ dân.

Chỉ đạo tuyên truyền các hộ dân sử dụng điện đúng mục đích, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả./.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động