Đề xuất tăng hạn ngạch xuất khẩu than tới Nhật Bản
07:04 | 11/12/2017
TKV xây dựng kế hoạch sản xuất năm 2018
Giải pháp nào để PVN giải quyết thách thức nguồn than cho điện?
Theo Bộ Công Thương, kế hoạch xuất khẩu ban đầu năm 2017 của ngành than là 2 triệu tấn than cục, than cán loại 1,2,3 cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu và 2 triệu tấn than cam loại 4b.3, 5a.3, 5b.3 khu vực Vàng Danh - Uông Bí cho thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc yêu cầu các loại than nhập khẩu từ Việt Nam trước khi pha trộn sử dụng phải được giám định lại chất lượng theo hàng rào tiêu chuẩn các nguyên tố vi lượng như thủy ngân, asen, phốt pho, clo, flo...
Bộ Công Thương cho rằng, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đối tác, bạn hàng Trung Quốc đã tích cực phối hợp, nhiều lần lấy mẫu và phân tích mẫu than antraxit do TKV sản xuất tại nhiều phòng thí nghiệm trong nước và quốc tế.
Kết quả phân tích mẫu cho thấy than antraxit do TKV sản xuất không đáp ứng được các yêu cầu về hàng rào tiêu chuẩn các nguyên tố vi lượng theo quy định của Chính phủ Trung Quốc.
Vì vậy, đến nay, TKV chưa ký được hợp đồng xuất khẩu chủng loại than cám 4b.3, 5a.3, 5b.3 khu vực Vàng Danh - Uông Bí vào thị trường Trung Quốc trong năm 2017, dẫn đến tồn kho tại khu vực Vàng Danh - Uông Bí khoảng 2,5 triệu tấn than.
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, nếu Chính phủ chấp thuận, dự kiến cả nước sẽ xuất khẩu 4,05 triệu tấn than trong năm 2018 (bao gồm cả TKV và Tổng công ty Đông Bắc). Để xử lý khối lượng than cám bị tồn kho nêu trên, TKV đang tích cực tìm kiếm, đàm phán với các đối tác, thị trường ngoài Trung Quốc, như Thái Lan, Hàn Quốc… để xuất khẩu than với khối lượng khoảng 2 triệu tấn.
Trường hợp các rào cản về kỹ thuật được phía Trung Quốc tháo gỡ, khả năng xuất khẩu than của khu vực Vàng Danh - Uông Bí sẽ tăng lên. Tuy vậy, do áp lực tồn kho, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ cho phép TKV ký hợp đồng dài hạn xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao (loại 1, 2, 3) cho phía Nhật Bản do trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết.
Bộ Công Thương cho rằng việc xuất khẩu than dài hạn sang Nhật giúp Việt Nam duy trì và khai thác nguồn tín dụng dài hạn nước ngoài, bảo lãnh cho các khoản tín dụng mà Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) xem xét cấp cho TKV, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, phát triển, có thêm nguồn ngoại tệ, vv…
Bộ Công Thương khẳng định, trong những năm qua, Nhật Bản là thị trường truyền thống ổn định và có mối quan hệ hợp tác rất tốt trong việc nhập khẩu than của TKV. Việc duy trì xuất khẩu dài hạn sang Nhật giúp ngành than ổn định sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu qủa tài nguyên than, duy trì tốt mốt quan hệ 2 nước.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép TKV xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao (cám 1, 2, 3) trong nước không có nhu cầu sử dụng, hoặc sử dụng không hết trong giai đoạn 2017-2020.
Tuy nhiên, thời hạn này chưa đáp đứng được yêu cầu cấp tín dụng của JBIC (tối thiểu là 5 năm tài khoá Nhật Bản). Vì vậy, để TKV có điều kiện huy động nguồn tín dụng của JBIC, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TKV được ký hợp đồng nguyên tắc dài hạn đến năm 2025 xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao.
Khối lượng cụ thể, TKV thực hiện theo quy định hiện hành và phù hợp với kế hoạch xuất khẩu than hằng năm được Thủ tướng phê duyệt.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM