RSS Feed for Đập thủy điện Sông Tranh 2 an toàn và ổn định | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 21:01
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đập thủy điện Sông Tranh 2 an toàn và ổn định

 - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, về việc thông báo kết quả xử lý thấm, kiểm tra đánh giá an toàn, ổn định đập và kết quả khảo sát động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2, sáng ngày 28/9, tại tỉnh Quảng Nam, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (HĐNTNN) phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Quảng Nam, Viện Vật lý Địa cầu… đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan đến nội dung trên.

 

 

>> Kết luận của Chính phủ về Thuỷ điện Sông Tranh 2
>> Chính phủ chỉ đạo kiểm tra an toàn Thủy điện Sông Tranh 2
>> Đã cơ bản hoàn thành chống thấm đập thủy điện Sông Tranh 2

 

 

Theo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, trong thời gian qua, hiện tượng thấm nước qua đập và động đất bất thường xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam gây lo lắng cho nhân dân và chính quyền địa phương cũng như sự quan tâm nhiều của dư luận.

Sau khi xảy ra hiện tượng thấm nước qua đập thủy điện Sông Tranh 2, chủ đầu tư đã tổ chức khảo sát, đánh giá và lập phương án xử lý thấm. Đã xác định được nguyên nhân chủ yếu do thấm nước qua các khe nhiệt. Phương án xử lý thấm đã được các chuyên gia của HĐNTNN góp ý trước khi chủ đầu tư phê duyệt để thực hiện.

Công tác xử lý thấm bắt đầu từ tháng 6 năm 2012, được thực hiện bởi nhà thầu Viện thiết kế Hoa Đông - Trung Quốc xử lý thấm 10 khe nhiệt có lưu lượng thấm lớn và Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng xử lý thấm 20 khe có lưu lượng thấm nhỏ, phần trên mặt nước.

Theo đó ngày 24/8/2012, công tác xử lý thấm đã kết thúc. Đối với 10 khe nhiệt thấm lớn, tổng lưu lượng thấm trước khi xử lý đo được là 26,2 lít/giây; sau khi xử lý, lưu lượng thấm chỉ còn 0.02 lít/giây, giảm 99.9%.

Với 20 khe nhiệt còn lại lưu lượng thấm là nhỏ (0.015 lít/giây). Riêng đối với nền đập, lưu lượng thấm đo được trước khi xử lý là 4.2 lít/giây và sau xử lý là 3.19 lít/giây, giảm 24%.

Sau khi xử lý thấm, ở mực nước hồ 144m, tổng lưu lượng thấm còn 3.23 lít/giây, trong đó bao gồm cả lưu lượng thấm qua nền là 3.19 lít/giây, giảm 89.4% so với tổng lưu lượng thấm trước khi xử lý chống thấm. Như vậy, kết quả xử lý chống thấm đạt hiệu quả đặt ra tại phương án xử lý thấm đã được phê duyệt.

Thiết kế xây dựng công trình thủy điện Sông Tranh 2 do Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Điện 1 thực hiện. Tư vấn là Liên danh Nippon Koei - J.Power của Nhật Bản thực hiện thẩm tra thiết kế kỹ thuật của công trình. Kết quả thẩm tra thiết kế kỹ thuật của Tư vấn thẩm tra cho thấy đập đảm bảo an toàn và ổn định.

Riêng về thiết kế kháng chấn, ở giai đoạn lập dự án, Viện Vật lý Địa cầu đã tổ chức nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm động đất ở công trình thủy điện Sông Tranh 2 và nghiên cứu các đứt gãy có thể phát sinh động đất trong khu vực.

Sau khi nghiên cứu, phân tích đặc điểm địa hình, địa mạo, mạng lưới đứt gãy trong khu vực, Viện Vật lý địa cầu đã có kết luận là động đất cực đại xảy ra ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 là cấp 7 (MSK64) và gia tốc nền cực đại là amax=150cm/s2. Tư vấn thiết kế đã sử dụng số liệu này để thiết kế.

Ở bước thiết kế kỹ thuật, Viện Vật lý Địa cầu đã tiếp tục thực hiện đánh giá thông số động đất thiết kế công trình thủy điện Sông Tranh 2. Xét tính chất quan trọng của công trình, Viện Vật lý Địa cầu kiến nghị động đất thiết kế lấy bằng động đất ứng với chu kỳ chu kỳ lặp 4750 năm là cấp 7 (MSK64) và amax=150cm/s2 .

Về chất lượng bê tông đầm lăn (RCC) của đập, trong quá trình thi công đã thực hiện đúc mẫu và thí nghiệm theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án, kết quả đều đạt yêu cầu thiết kế; đã thực hiện khoan mẫu RCC tại đập với 6 hố khoan, tổng chiều dài 157m, đã thí nghiệm mẫu nõn khoan kiểm tra cường độ kéo mặt lớp, cường độ nén và hệ số thấm.

Kết quả, ứng suất nén đạt từ 10.86 MPa (ở vai phải) đến 14.13 MPa (ở vai trái) lớn hơn giá trị ứng suất nén cực đại tính toán cho đập là 6.42 MPa; cường độ kéo mặt lớp bằng và vượt giá trị yêu cầu là 0.65 MPa; hệ số thấm trung bình k = 0.19x10-8 m/s nhỏ hơn so với yêu cầu thiết kế là 1.0x10-8 m/s.

Về tổng thể chất lượng bê tông thường và bê tông đầm lăn của đập đã được thi công đạt yêu cầu thiết kế, đập đã được tích nước theo 02 giai đoạn để kiểm tra trạng thái ứng suất, biến dạng và kiểm tra thấm qua thân đập.

Qua đánh giá của tư vấn độc lập AF-Colenco, ý kiến của các chuyên gia HĐNTNN cho thấy đập thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn và ổn định theo thiết kế ở mực nước dâng bình thường 175m với động đất có gia tốc nền là 150cm/s2.

Đập còn có thể chịu được các tổ hợp tải trọng bất lợi hơn như động đất có gia tốc nền là 220 cm/s2 và điều kiện đẩy nổi bất lợi nhất khi giả định tất cả các hố khoan tiêu nước nền đập đều bị tắc và nền đập bị nứt hoàn toàn.

Về động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, sau khi tích nước hồ chứa, từ tháng 10/2011 đến nay đã xảy ra nhiều trận động đất lớn nhỏ khác nhau, đặc biệt từ ngày 03/9/2012, đã liên tiếp xảy ra các trận động đất, trong đó đáng chú ý là trận động đất đêm ngày 3/9/2012 có cường độ khoảng 4,2 độ richte là trận động đất lớn nhất xảy ra trong khu vực kể từ khi tích nước hồ chứa, gây hoang mang cho người dân địa phương. Viện Vật lý địa cầu đã cử đoàn cán bộ khảo sát đánh giá về hoạt động của động đất cũng như tác động của chúng ở khu vực Bắc Trà My.

Trên cơ sở các thông tin đã có được từ trước nhờ hệ thống thiết bị quan trắc về vị trí và độ lớn của động đất, kết quả khảo sát trực tiếp tại hiện trường, Đoàn công tác đã phân ra các vùng chấn động cấp 3, cấp 4, cấp 5, cấp 6 ở khu vực. Vùng chấn động cấp 6 nằm ở khu vực Bắc Trà My, kéo dài theo phương tây bắc - đông nam với độ dài 20 km, độ rộng khoảng 10 km bao hàm cả khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2.

Động đất tại khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam thời gian qua là động đất kích thích, cấp động đất không vượt quá tiêu chuẩn thiết kế của đập thủy điện Sông Tranh 2.

Đập thủy điện Sông Tranh 2 bảo đảm ổn định, an toàn, kể cả khi xảy ra động đất lớn hơn so với cấp động đất cực đại trong thiết kế.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, các điều kiện thủy văn, địa chất kiến tạo có biến động phức tạp, xảy ra trong thời gian qua trên thế giới; hơn nữa đây là trường hợp phức tạp, xảy ra lần đầu tiên với tần suất cao, lại trong lúc mùa lũ đã tới, cho nên, để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, tính mạng, tài sản của người dân và an toàn công trình, nhất thiết không được chủ quan, lơ là. Vì vậy, chưa tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 mà cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm túc tác động của lũ, động đất đến công trình.

 

Công trình thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Công trình có công suất lắp máy 190 MW (2 tổ máy), dung tích hồ chứa 730 triệu m3, kết cấu đập là bê tông trọng lực sử dụng công nghệ đầm lăn; chiều cao lớn nhất của đập dâng là 96m.

Công trình được khởi công xây dựng ngày 05/3/2006. Ngày 29/11/2010 công trình được tích nước đợt 1 đến cao trình ngưỡng tràn 161m. Ngày 19/10/2011, công trình được tích nước đợt 2 đến cao trình mực nước dâng bình thường 175m.

NangluongVietnam.vn

 

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động