RSS Feed for Công ty Nhiệt điện Uông Bí: 61 năm hình thành và phát triển | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 04:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Công ty Nhiệt điện Uông Bí: 61 năm hình thành và phát triển

 - Cách đây 61 năm, với mục tiêu “Điện lực được ưu tiên phát triển một bước” và sự giúp đỡ chí tình của Đảng cộng sản, Chính phủ và nhân dân Liên Xô, Công trình xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí đã được khởi công xây dựng ngày 19/5/1961 nhân kỷ niệm lần thứ 71 ngày sinh nhật Bác Hồ.
Nhiệt điện Uông Bí công khai thông số quan trắc môi trường Nhiệt điện Uông Bí công khai thông số quan trắc môi trường

Bảng điện tử hiển thị các thông số về khí thải như: Thông số đo nồng độ bụi, thông số đo NO, SO2,O2, CO, thông số đo lưu lượng, thông số nhiệt độ; các thông số về chất lượng nước thải như lưu lượng, nhiệt độ.

Nhiệt điện Uông Bí: 60 năm giữ dòng điện luôn tỏa sáng Nhiệt điện Uông Bí: 60 năm giữ dòng điện luôn tỏa sáng

Tự hào về truyền thống 2 lần được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng, Công ty Nhiệt điện Uông Bí đã đang và tiếp tục phát huy sáng tạo, vượt lên mọi khó khăn để giữ dòng điện luôn tỏa sáng.


Qua 61 năm hình thành và phát triển, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động Công ty luôn nêu cao tinh thần đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sau hơn hai năm lao động vất vả, ngày 26/11/1963, dòng điện đầu tiên từ Nhà máy điện Uông Bí đã hòa vào lưới điện miền Bắc. Từ đây Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí đã trở thành “chim đầu đàn”, nguồn phát điện chủ lực của hệ thống điện miền Bắc XHCN, với sản lượng năm 1965 đạt 146 triệu kWh.

Một sự kiện đặc biệt, đó là vào sáng mồng Một tết Nguyên Đán (năm Ất Tỵ) tức ngày 2/2/1965, Bác Hồ về thăm và chúc Tết cán bộ nhân dân các dân tộc thị xã Uông Bí. Trong cuộc mít-tinh, Bác đã vui vẻ ngợi khen thành tích của các chuyên gia Liên xô và anh chị em công nhân đang xây dựng và vận hành Nhà máy.

Người khen CBCNV Điện Uông Bí: “Có nhiều sáng kiến hợp lý hóa sản xuất để tăng cường lao động. Lắp lò hơi số 3 nhanh trước hai tháng. Lắp máy số 3 tiết kiệm được 70 vạn đồng”. Bác căn dặn : "Hiện nay Nhà máy điện Uông Bí và mỏ than Vàng Danh đều là những xí nghiệp vào loại to và hiện đại nhất của nước ta. Than và điện rất cần cho công nghiệp và nông nghiệp. Các cô, các chú hãy ra sức làm cho nhiều, nhanh, tốt, rẻ".

Ghi sâu lời bác dặn, những người thợ điện Uông Bí đã không quản ngại khó khăn gian khổ hăng hái thi đua lao động để sản xuất thật nhiều điện cho Tổ quốc phục vụ sự nghiệp xây dựng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc bằng không quân với ý đồ hủy diệt các mục tiêu Kinh tế - Chính trị và Quốc phòng của ta, Nhà máy điện Uông Bí đã trở thành mục tiêu trọng điểm oanh tạc hủy diệt của không quân Mỹ. Với khẩu hiệu "Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu", “Quyết tử vì dòng điện của Tổ quốc”, tập thể CBCNV Nhà máy đã dũng cảm vừa bám lò, bám máy để sản xuất, vừa sát cánh cùng quân và dân địa phương chống trả các đợt không kích tiêu diệt máy bay Mỹ; Nêu cao tinh thần “vừa sản xuất vừa chiến đấu” để sản xuất điện cung cấp cho miền Bắc.

Trong cuộc chiến đấu để bảo vệ nhà máy, có nhiều cán bộ CNVC đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, đó là các Liệt sỹ: Nguyễn Hồng Tý, Nguyễn Trường Hiến, Nguyễn Đình Phức, Bùi Trung Tần, Trần Thị Bằng, Phạm Văn Thuận, Nguyễn Hữu Đến và Nguyễn Khắc Nghĩa. Các anh chị mãi mãi là những tấm gương sáng ngời về sự quên mình, về tính tổ chức kỷ luật của đội ngũ công nhân điện Uông Bí, họ đã ngã xuống để bảo vệ nhà máy cho dòng điện toả sảng, sự hy sinh cao cả của họ mãi là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), Nhà máy vừa lo khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa tiếp tục mở rộng đợt 3, đưa vào vận hành 22/12/1975; Mở rộng đợt 4, đưa vào vận hành 7/11/1976.

Đến ngày 15/12/1977, công tác phục hồi và mở rộng xây dựng mới đã hoàn thành thắng lợi, nâng tổng công suất của 4 đợt lên 153 MW, trở thành nhà máy chủ lực cung cấp điện năng sau khi nước nhà thống nhất. Cho đến những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX một số nhà máy phát điện có quy mô lớn, hiện đại hơn được xây dựng như Nhiệt điện Phả Lại, Thuỷ điện Hoà Bình... Nhà máy điện Uông Bí tuy không còn giữ vai trò chủ lực nữa nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống điện miền Bắc khi đó.

Ngành điện nói chung, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí nói riêng cũng có những bước thăng trầm cùng đất nước. Phát huy truyền thống, năng lực và kinh nghiệm của nhà máy từng là đứa con đầu đàn của ngành Điện lực Việt Nam, được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao nhiệm vụ, nhà máy đã đề xuất và được Đảng, Nhà nước đồng ý cho mở rộng nhà máy với quy mô ngày càng lớn.

Ngày 26/5/2002 khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng giai đoạn 1 với công suất 300 MW. Ngày 23/5/2008 đã khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng giai đoạn 2 với công suất 330 MW. Sau khi các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động đã nâng tổng công suất đặt của Công ty thêm 630 MW (gấp 5 lần sản lượng hiện có), góp phần quan trọng đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với truyền thống anh hùng và những kinh nghiệm quý báu được đúc kết qua hơn nửa thế kỷ qua, các thế hệ thợ điện kế tiếp nhau của Nhà máy điện Uông Bí không quản ngại khó khăn gian khổ, không sợ nguy hiểm, không sợ hy sinh, đã đoàn kết gắn bó keo sơn vượt qua thử thách khốc liệt, vượt qua bao hoàn cảnh, bao thời khắc gian nguy để xây dựng, chiến đấu phục hồi và phát triển Nhà máy Nhiệt điện khi xưa thành Công ty Nhiệt điện Uông Bí hôm nay, nhiều người đã trở thành những cán bộ chủ chốt, cao cấp của Ngành như bác Phạm Khai, bác Vũ Ngọc Hải, bác Lê Ba, bác Vũ Hiền; Nhiều người đã trở thành những cán bộ chủ chốt, những cán bộ Lãnh đạo các nhà máy, xí nghiệp khác và còn rất nhiều người đã trở thành những người thợ có bàn tay vàng, làm nòng cốt cho nhiều nhà máy xí nghiệp khác nữa v.v...

Những công lao, cống hiến của các bậc cha anh, của các thế hệ thợ điện Uông Bí đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng hai danh hiệu Anh hùng đó là: Anh hùng lao động (năm 1973) và Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân (năm 1998) và gần 300 huân huy chương các loại cho các tập thể và cá nhân.

Với những trang sử truyền thống và lịch sử hào hùng, thế hệ cán bộ công nhân, người lao động Công ty Nhiệt điện Uông Bí hôm nay mong muốn và tin tưởng rằng, với lòng tràn đầy nhiệt huyết, với sự truyền nghề đầy đam mê và nhiệt huyết của các thế hệ đi trước, các thế hệ nối tiếp sẽ luôn sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thách thức để viết tiếp những trang sử đáng tự hào trong những năm tháng tiếp theo./.

TẠ NGỌC THẮNG - NHIỆT ĐIỆN UÔNG BÍ

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động