Công ty Điện lực Hòa Bình: 30 năm xây dựng và phát triển
16:05 | 31/08/2021
Số hóa hợp đồng mua bán điện sinh hoạt tại PC Hòa Bình Việc triển khai số hóa hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) sinh hoạt không chỉ đem lại lợi ích đối với khách hàng, mà còn là một trong những bước đi để ngành Điện cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi số. Thời gian qua, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành số hóa HĐMBĐ sinh hoạt theo lộ trình đã đề ra. |
Tạo nền móng cho sự phát triển (1991 - 2001)
Ngay sau khi tỉnh Hòa Bình được tái lập năm 1991, PC Hòa Bình cũng ngay lập tức được thành lập với tên gọi ban đầu là Sở Điện lực Hòa Bình. Là một tỉnh miền núi, khi ấy Hòa Bình có 10 đơn vị hành chính gồm: Thị xã Hòa Bình và 09 huyện: Đà Bắc, Kim Bôi, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc và Yên Thủy. Với diện tích tự nhiên chủ yếu là rừng núi, đường sá đi lại hết sức khó khăn do bị chia cắt bởi nhiều sông suối, mật độ dân cư phân tán, trong khi đó, lưới điện trên địa bàn tỉnh chỉ vỏn vẹn có 01 TBA 110 kV, 04 trạm trung gian; 340,7 km đường dây trung thế; 70 km đường dây hạ thế; 59 trạm biến áp phân phối cấp điện cho 55/212 xã, phường, thị trấn với tỷ lệ cấp điện cho khách hàng đạt 38,8%, tương ứng với 4.191 khách hàng.
Áp dụng khoa học công nghệ trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. |
Mặt khác, khi mới thành lập, Sở Điện lực Hòa Bình có 90 CBCNV do ông Lương Thà làm Giám đốc đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, vừa lo quản lý lưới điện vận hành an toàn, đáp ứng tối thiểu nhu cầu dùng điện của nhân dân, vừa phải tăng gia sản xuất để ổn định cuộc sống. Trong khi nơi làm việc, trụ sở điều hành sản xuất của đơn vị chưa có, phải đi thuê; lực lượng lao động ít; lưới điện đã cũ nát và không có kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nên càng xuống cấp trầm trọng, dẫn tới tỷ lệ tổn thất tăng cao, suất sự cố lớn, chất lượng điện năng tại một số nơi chưa được đảm bảo. Do vậy, ngoài việc duy trì quản lý vận hành lưới điện hiện có, CBCNV trong Sở Điện đã tập trung tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương, tranh thủ mọi nguồn lực và chắt chiu từng đồng vốn để cải tạo, nâng cấp các đường dây và trạm biến áp. Đồng thời thực hiện đưa toàn bộ công tơ trong nhà ra ngoài cột điện để tiện theo dõi và ngăn ngừa tiêu cực, trộm cắp điện.
Được sự động viên của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và Công ty Điện lực I (nay là Tổng công ty Điện lực miền Bắc), Ban Giám đốc Công ty đã nêu cao quyết tâm, phải tạo cho được động lực mạnh mẽ để mọi người cùng nhau cố gắng, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục vững bước. Với định hướng ban đầu là hoạt động của ngành Điện chỉ đảm bảo cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong tỉnh, chưa tính tới hiệu quả kinh doanh nên Công ty Điện lực 1 cũng chưa đặt nặng đến việc giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện, mặc dù tỷ lệ tổn thất điện năng ở Hòa Bình tại thời điểm đó đã có lúc đạt tới 19,87%. Tuy nhiên, với tư duy đổi mới, ngành Điện Hòa Bình đã mạnh dạn chuyển hướng tập trung đầu tư, nâng cấp thiết bị công nghệ, phát triển thêm hệ thống các đường dây và trạm biến áp nhằm nâng cao chất lượng năng, hạn chế sự cố mất điện, từng bước giảm tổn thất điện năng, đáp ứng tối đa nhu cầu về điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hoàn thiện để phát triển bền vững (2001 - 2016)
Sau 10 năm kể từ ngày thành lập, từ năm 2001, PC Hòa Bình tập trung thực hiện các dự án vốn vay nước ngoài từ Ngân hàng thế giới (World Bank) để phát triển lưới điện về vùng sâu, vùng xa, đồng thời tiến hành đầu tư, sửa chữa chống quá tải lưới điện trên toàn địa bàn tỉnh. Đây là chủ trương đúng đắn và vô cùng thiết thực, bởi đồng bào các dân tộc trong tỉnh Hòa Bình rất mong chờ bản làng có điện để phát triển sản xuất và nâng cao đời sống tinh thần. Vì vậy, đi đến đâu, ngành Điện cũng nhận được sự ủng hộ của cấp ủy và chính quyền các cấp, nhất là sự đồng thuận của người dân địa phương, do đó, việc phát triển lưới điện mới được triển khai thuận lợi. Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi, đến cuối năm 2002, mật độ phủ lưới điện quốc gia trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đạt 175/214 xã, phường, thị trấn với tỷ lệ đạt 82,2% và số hộ có điện đạt tỷ lệ 73,1%. Đây có thể nói là thành công rất lớn đối với công tác đầu tư, phát triển lưới điện của PC Hòa Bình.
PC Hoà Bình vượt khó đưa điện về tới 100% các thôn bản và từng hộ dân vùng sâu, vùng xa. |
Tuy nhiên, với tâm niệm không bằng lòng với những gì đã đạt được, cũng như dựa trên nền tảng đã đưa điện lưới quốc gia về trung tâm 100% số huyện trên địa bàn, một lần nữa, toàn Công ty quyết tâm đưa điện về tới 100% các thôn, bản và từng hộ dân vùng sâu, vùng xa. Thực hiện chương trình 135 của Chính phủ và theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nhiệm vụ lúc này của PC Hòa Bình là tiếp tục mở rộng phát triển lưới điện. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc, Đơn vị đã tập trung cấy thêm trạm biến áp ở các thị trấn và cải tạo lưới điện cũ, đồng thời tiếp nhận lưới điện từ các chủ đầu tư khác. Chính bằng sự lao động sáng tạo và cách làm riêng của mình, lại nhận được sự ủng hộ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nên PC Hòa Bình đã sớm thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra và được coi là một trong những đơn vị đi đầu hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để trực tiếp bán điện tới trung tâm các xã, thị trấn, qua đó tạo nền tảng để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, được Tổng công ty Điện lực miền Bắc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam khen thưởng, đánh giá cao.
Giai đoạn này, 100% số xã và 99,99% số hộ dân trên địa bàn tỉnh đã được sử dụng lưới điện quốc gia Thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh là 1.764 km ĐZ hạ áp và 143.287 công tơ. Sau khi tiếp nhận, ngành Điện Hòa Bình đã tiếp tục tiến hành thay thế công tơ, sửa chữa tối thiểu lưới điện để bán điện trực tiếp đến các hộ dân, đảm bảo công bằng về giá điện giữa nông thôn với thành thị. Thời điểm này, toàn tỉnh đã có 239,04 km đường dây 110 kV; 2.757km đường dây trung thế; 4.624,6 km đường dây hạ thế và 2.356 trạm biến áp.
Công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được PC Hoà Bình đặc biệt quan tâm trong suốt những năm qua. |
Lưới điện được củng cố, hoàn thiện đã kéo theo nhu cầu sử dụng điện của khách hàng ngày càng cao. Do vậy, bên cạnh việc đảm bảo cấp điện phục vụ tưới tiêu, phát triển nông nghiệp và dân sinh, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được cấp điện, trong đó có hàng trăm khách hàng có nhu cầu sử dụng điện lớn. Theo đó, đến cuối năm 2016, sản lượng điện thương phẩm của toàn tỉnh đã đạt712,89 triệu kWh trong đó sản lượng điện phục vụ cho khách hàng khối công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 47%. Điều này đã mở ra một triển vọng tươi sáng thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ được giao (2016 đến nay)
Dựa trên nền tảng nhiều năm hoạt động tại địa bàn đang rất sôi động về thu hút đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp nên PC Hòa Bình đã tập trung rà soát lại các quy hoạch phát triển công nghiệp và những khu vực có nhiều tiềm năng để có kế hoạch, phương án phát triển lưới điện đồng bộ theo đúng phương châm “điện đi trước một bước”. Mặt khác, Công ty cũng chủ động nâng cấp lưới điện hiện có nhằm hạn chế sự cố và đẩy mạnh cuộc chiến kéo giảm tổn thất điện năng. Trong đó, quyết liệt xử lý với các hành vi trộm cắp điện nhằm cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của ngành.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, PC Hoà Bình vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. |
Bên cạnh đó, PC Hòa Bình còn chủ động thu xếp và huy động nguồn vốn để phát triển nhiều dự án điện quan trọng, trong đó, xây dựng thêm nhiều đường dây và trạm biến áp 110 kV ở những khu vực trọng tâm về sản xuất công nghiệp, đặc biệt là những huyện có nhiều tiềm năng phát triển các khu, cụm công nghiệp… Nhờ vậy mà đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 239,04 km đường dây và 7 trạm biến áp 110 kV với tổng công suất lắp đặt là 340 MVA; 2.757 km đường dây trung áp; 4.624,6 km đường dây hạ áp và 2.356 trạm biến áp phân phối.
Tất cả hệ thống lưới điện do Công ty quản lý được đầu tư đồng bộ, áp dụng công nghệ thiết bị hiện đại, đảm bảo độ tin cậy và an toàn cao. Nhờ việc đầu tư phát triển mạnh lưới điện, nên trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã khắc phục được tình trạng quá tải. Ngoài ra, tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm theo các năm. Tính đến cuối năm 2020, tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn tỉnh đã đạt trên 1.008.5 triệu kWh và hoàn thành suất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh nhiệm vụ phát triển sản xuất - kinh doanh, Công ty còn dành sự quan tâm đặc biệt tới việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo quản lý; Ưu tiên hàng đầu là nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCNV; Hoàn thiện hệ thống các quy chế về cán bộ, tiền lương, thi đua khen thưởng… Bộ máy điều hành từ Công ty xuống các Điện lực được củng cố, hoàn thiện; Cơ sở vật chất của các Điện lực thành viên đều khang trang, trang thiết bị làm việc được trang bị đầy đủ đã giúp cho người lao động có được môi trường phấn đấu lành mạnh và đoàn kết; Đời sống việc làm của người lao động được đảm bảo với mức thu nhập bình quân năm sau cao hơn năm trước; Hoạt động của tổ chức Đảng, Đoàn thể từng bước đi vào nề nếp hơn; Công tác cải tiến, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào mọi mặt hoạt động sản xuất - kinh doanh được tăng cường...
Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, có thể thấy một điều xuyên suốt là ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, lớp lớp các thế hệ CBCNV-NLĐ PC Hòa Bình vẫn mang trong mình một bầu nhiệt huyết, tất cả vì dòng điện quê hươngtỏa sáng. Sự phát triển của tỉnh Hòa Bình hôm nay đều có những đóng góp hết sức quan trọng của ngành Điện nói chung và Công ty Điện lực Hòa Bình nói riêng. Cũng chính nhờ những đóng góp to lớn ấy, Công ty đã đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2002); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2007) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2012) cùng nhiều phần thưởng khác của các Bộ, ngành, địa phương. Đây chính là nguồn động viên quý báu để Công ty tiếp tục vững bước trên những chặng đường tiếp theo, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của ngành Điện lực Việt Nam và có đóng góp tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế./.
TRẦN THỊ THÚY NGA - PC HÒA BÌNH