Chuỗi dự án khí điện Lô B trước nguy cơ chậm tiếp tiến độ
09:14 | 24/06/2020
Tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án điện sử dụng khí Lô B
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực cho biết, hiện tại, tiến độ dự án thượng nguồn cấp khí không đồng bộ với các dự án hạ nguồn là các nhà máy nhiệt điện trong Trung tâm Điện lực Ô Môn.
Cụ thể, theo thông báo của Công ty Điều hành dầu khí Phú Quốc (PQPOC), tới cuối tháng 12/2023 mới có khí từ Lô B đến hàng rào Trung tâm Điện lực Ô Môn, trong khi đó, theo Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 19/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch phát triển cụm mỏ khí Lô B và 48/95 và Lô 52/97 thì dòng khí đầu tiên vào năm 2021 và Quyết định số 183/QĐ-TTg thì tiến độ phát điện Nhà máy điện Ô Môn 4 vào quý 4/2023, dẫn đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh lại tiến độ phát điện dự án này. Do đó, dự án đã bị chậm hơn 2 năm so với tiến độ trong Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Do giá khí được quy định tại Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 19/7/2018 được tính từ năm 2016 và trượt giá 2,5%/năm nên việc kéo dài thời gian chuẩn bị dự án sẽ dẫn đến làm tăng giá thành sản xuất điện của EVN.
Mặt khác, phương án vay vốn nước ngoài cho dự án phát triển mỏ khí Lô B và dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn đến nay vẫn chưa được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp phê duyệt cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Trước nguy cơ Chuỗi dự án khí điện Lô B có thể chậm tiếp tiến độ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng (Phó Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực) cho rằng: Cần đẩy nhanh tiến độ đồng bộ cả chuỗi dự án (từ thượng nguồn phát triển mỏ khí, trung nguồn dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn và hạ nguồn phát triển các nhà máy điện). Vì có nhiều chủ đầu tư tham gia, nên việc phối hợp cần phải chặt chẽ giữa chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước để triển khai dự án có hiệu quả.
Đặc biệt, cần thống nhất tiến độ chuỗi dự án các nhà máy điện vào vận hành đồng bộ phù hợp với tiến độ các dự án khí Lô B theo tình hình mới để làm cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai dự án điện: Ô Môn 4 (năm 2023), Ô Môn 3 (năm 2025), Ô Môn 2 (năm 2024).
Theo đó, EVN và PVN tiếp tục đàm phán sớm thống nhất các điều kiện, điều khoản bao tiêu khí để nhà đầu tư thượng nguồn có cơ sở phát triển mỏ, báo cáo các khó khăn vướng mắc lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp để có chỉ đạo kịp thời.
Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo khẩn trương có ý kiến về hồ sơ đề xuất dự án Nhiệt điện Ô Môn 2 để UBND Thành phố Cần Thơ hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, làm cơ sở cho chủ đầu tư sớm triển khai dự án.
Mặt khác, Ban Chỉ đạo cũng đề nghị nhà đầu tư nhiệt điện Ô Môn 2 (Liên danh nhà đầu tư Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Marubeni Nhật Bản) chủ động nghiên cứu các quy định pháp lý liên quan đến dự án, như quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện, v.v...
Đồng thời lưu ý nhà đầu tư nhiệt điện Ô Môn 2 phải lường hết các khó khăn của dự án (khi triển khai dự án nguồn điện theo hình thức IPP và các điều kiện không bảo lãnh của Chính phủ) để xây dựng kế hoạch đảm bảo tiến độ. Nếu khả năng không đảm bảo được tiến độ thì yêu cầu khẩn trương báo cáo Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực chủ trì, phối hợp Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, Cục Điều tiết Điện lực tổ chức họp chuyên đề triển khai các dự án điện lớn theo hình thức IPP (dự án điện độc lập) do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Phối hợp đôn đốc Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhiệt điện Ô Môn 3./.
PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM