RSS Feed for Tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án điện sử dụng khí Lô B | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 23:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án điện sử dụng khí Lô B

 - Tại buổi làm việc với chủ đầu tư, các đơn vị liên quan tại Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn, ngày 27/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng (Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực) đã đề nghị các các bên liên quan cần sớm vào cuộc, tìm giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 sử dụng khí Lô B.

Tình hình triển khai Chuỗi dự án khí - điện Lô B


Theo báo cáo Ban Quản lý Dự án Điện 3 (EVNPMB 3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện các dự án Nhiệt điện Ô Môn vẫn đang được triển khai, tuy nhiên tiến độ thực hiện đã chậm hơn so với kế hoạch. Nguyên nhân là do quá trình đàm phán về mua bán khí và định giá khí giữa EVN - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chưa đạt được thoả thuận để thúc đẩy việc hoàn thành các dự án và một số nguyên nhân khác.

Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3 là dự án thuộc nhóm A, công trình năng lượng cấp 1. Công nghệ nhà máy chạy bằng tua bin khí chu trình hỗn hợp, công suất khoảng 1.050MW±10%, số giờ vận hành công suất cực đại Tmax: 6.000h, điện áp đấu nối 220 kV, nhiên liệu chính sử dụng khí Lô B (nhu cầu khoảng 1,25 tỷ m3/năm). Tổng mức đầu tư khoảng 25.573 tỷ đồng, trong đó, dự kiến 20% vốn chủ sở hữu, 80% vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và tiến độ hoàn thành dự kiến vào quý 4/2025.

Về tiến độ triển khai, ngày 14/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định dự án Nhiệt điện Ô Môn 3. Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác thẩm định, bên cạnh đó nhà máy không thuộc đối tượng áp dụng Luật Đầu tư công năm 2019 nên đã gặp một số khó khăn.

Trước tình hình này, EVN đã văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án theo thẩm quyền. Tháng 3/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng các quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 để thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời sửa đổi “Hội đồng thẩm định Nhà nước” thành “Hội đồng thẩm định liên ngành” để thẩm định dự án.

Còn với dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 4 - công trình năng lượng cấp 1, công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp, cấu hình 2-2-1, công suất khoảng 1.050MW±10%, số giờ vận hành công suất cực đại Tmax là 6.000h, điện áp đấu nối 500 kV, nhiên liệu chính từ khí đốt thiên nhiên từ mỏ khí Lô B (nhu cầu khoảng 1,25 tỷ m3/năm) và nhiên liệu dự phòng là dầu DO. Tổng mức đầu tư khoảng 29.944 tỷ đồng, trong đó, 20% vốn chủ sở hữu, 80% vốn vay thương mại và tiến độ phát điện thương mại dự kiến vào quý 4/2023.

Về triển khai dự án Nhiệt điện Ô Môn 4, tháng 2/2020, EVN đã có văn bản về giá khí và bao tiêu khí dự án, trong đó đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận như sau:

1/ Giá khí tiêu thụ cho Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 4 được chuyển ngang sang giá điện thanh cái của dự án.

2/ Cho phép chuyển ngang các quy định bao tiêu nhiên liệu Nhà máy này trong hợp đồng cung cấp nhiên liệu sang hợp đồng mua bán điện.

4/ Chi phí sản xuất điện của dự án này được hạch toán vào chi phí giá thành của EVN.

Theo đó, EVN đã phê duyệt kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 4, tháng 4/2020 đã khởi công xây dựng văn phòng làm việc của Ban QLDA và Tư vấn tại công trường; tháng 4/2020, ký hợp đồng tư vấn lựa chọn nhà thầu và hỗ trợ thương thảo Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng nhà máy (EPC).

Theo kế hoạch, tháng 7/2020 phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC, tháng 4/2021 ký Hợp đồng gói thầu EPC, tiếp nhận khí để thử nghiệm nhà máy vào tháng 8/2023, chạy thử thách vào tháng 11/2023 và phát điện thương mại vào tháng 12/2023.

Hiện tại, đối với gói thầu tư vấn lập đề án khai thác, sử dụng nước mặt và xả thải vào nguồn nước dự án nhà này đã được hoàn thiện theo ý kiến của EVN và ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cùng với đó, gói thầu số 1 tư vấn đấu thầu và hỗ trợ thương thảo Hợp đồng EPC hiện đã được tiến hành theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Đã lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng với PECC3, hiện đơn vị này đang lập hồ sơ mời thầu.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, các dự án nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn đã được triển khai từ nhiều năm qua, nhưng tiến độ vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Do có, các bên liên quan cần sớm vào cuộc, tìm giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Việc đưa vào vận hành các dự án tại Trung tâm nhiệt điện Ô Môn để giải quyết nhu cầu điện hiện nay là rất bức thiết, tuy nhiên việc để chậm tiến độ thi công các dự án sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển nguồn năng lượng và kinh tế, xã hội của đất nước.

Do vậy, EVN và PVN tiếp tục đàm phán và sớm thống nhất về các điều khoản bao tiêu khí.

“Đối với hợp đồng mua bán khí, cần thể hiện ý chí giữa hai bên, cũng như phải có sự đồng thuận, tính hợp lý và sớm giải toả khúc mắc đang làm chậm dự án” - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động