Châu Á - Thái Bình Dương: Một hành tinh để chia sẻ
06:00 | 25/05/2012
Phó giám đốc UNDP tại Việt Nam - Bakhodir Burkhanov cho biết, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực tiêu thụ tới 80% lượng than của thế giới và 85% nguồn năng lượng then chốt từ nguồn nhiên liệu hóa thạch, đồng thời cũng thải ra 37% tổng lượng khí thải toàn cầu từ sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, người dân ở khu vực này, đặc biệt là người nghèo, phải đối mặt với nhiều tác động phức tạp của biến đổi khí hậu (BĐKH) như: Hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng, hiệu ứng nhà kính...
Báo cáo phát triển con người khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012 của UNDP chỉ ra rằng, khi đối mặt với BĐKH, các nước cần thay đổi phương pháp sản xuất, đặc biệt, phải tìm ra những cách thức để tạo ra năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả. Sử dụng nhiều năng lượng tái tạo và công nghệ ít các-bon, cùng với việc cắt giảm sử dụng các nhiên liệu hóa thạch có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xanh hóa sản xuất.
Báo cáo phân tích sâu về cách thức mà các nước sản xuất hàng hóa, nhất là trong sản xuất công nghiệp; các tiến trình các bon thấp hơn trong sản xuất công nghiệp; các nguồn tạo ra năng lượng sạch; tính toán phát thải theo tiêu thụ... Một số nước đang chứng minh tiềm năng hướng tới sản xuất ít các bon như: Trung Quốc, Nhật Bản...
Ở Việt Nam, hiện có 543 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 5 ngành công nghiệp chủ yếu (gạch, gốm sứ, dệt may, sản xuất giấy và chế biến thực phẩm) đã và đang nhận sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Dự án Bảo toàn năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa để lắp đặt các công nghệ hiệu suất năng lượng.
Sáng kiến này đã tiết kiệm 232.000 tấn dầu tương đương, đồng thời thúc đẩy lợi nhuận và nâng cao chất lượng, đặc biệt là thông qua việc sử dụng các lò nung hiện đại hơn cho gạch và gốm sứ. Bên cạnh đó, báo cáo chỉ ra rằng, các quốc gia trong khu vực cần luật hóa các chính sách tài chính như đánh thuế phát thải các bon, nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả hơn; tuyên truyền để người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm xanh hơn, an toàn hơn thông qua việc cung cấp thông tin về hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm rác thải trên nhãn mác, bao bì, sản phẩm.
Đại diện UNDP nhấn mạnh, đã đến lúc các nước châu Á - Thái Bình Dương phải quyết định hành động để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhằm đạt mục tiêu: Giảm đói nghèo, tăng thịnh vượng, song hành với giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến mức thấp nhất.
(Nguồn: Congthuong)