Cần có cơ chế đặc thù cho các nhà đầu tư thủy điện nhỏ
05:00 | 20/07/2012
TRẦN ĐÌNH HẢI - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Hưng Hải
Theo quy định hiện hành, các nhà máy thủy điện phải nộp thuế tài nguyên nước khi vận hành phát điện thương mại. Thuế tài nguyên nước được Bộ Tài chính hướng dẫn xác định theo công thức sau: K = A x G x E, trong đó:
K: Thuế tài nguyên nước sử dụng để sản xuất thủy điện (đồng).
A: Thuế suất thuế tài nguyên nước để sản xuất thủy điện (%), A = 2 %
(Phụ lục 1 - Nghị định số 05/2009/NĐ-CP ngày 19/01/2009).
G: Giá bán điện thương phẩm bình quân áp dụng làm giá tính thuế tài nguyên nước thiên nhiên sản xuất thủy điện (đ/kWh).
E: Sản lượng điện xuất tuyến (kWh).
Việc đóng thuế cho Nhà nước khi khai thác tài nguyên là nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc phát triển đất nước. Tuy nhiên, giá bán điện thương phẩm bình quân áp dụng tính thuế tài nguyên nước để sản xuất thủy điện trong năm 2012 là 1.304 đồng/kWh (năm 2011 áp giá ở mức 1.242 đồng/kWh). Cách áp dụng giá bán điện thương phẩm bình quân như trên để đưa vào tính thuế tài nguyên nước là chưa hợp lý, gây bức xúc cho các nhà máy thủy điện (NMTĐ) vì thực tế không có NMTĐ nào bán được điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với mức giá trên.
Với các NMTĐ ký hợp đồng mua bán điện với EVN những năm 2006 -2008 thì giá bán chỉ được khoảng 600-700 đ/kWh cố định trong thời hạn hợp đồng hàng chục năm.
Sau khi có quyết định số: 18/2008/QĐ-BCT, ngày 18/7/2008 về Ban hành quy định về biểu giá chi phí tránh được thì giá mua điện có tăng nhưng trên thực tế vẫn không có nhà máy nào đạt được giá điện trung bình ở mức chi phí tránh được là 916 đ/kWh. Thực tế, vào giờ thấp điểm, đặc biệt là thấp điểm mùa mưa, giá chỉ đạt khoảng 500 đồng/kWh, trong khi sản lượng điện trong năm chủ yếu lại vào mùa mưa.
Như vậy, để thật sự hợp lý và đảm bảo hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích Nhà nước nên quy định áp giá bán điện thực tế của NMTĐ làm đầu vào cho việc tính thuế.
Tính đến nay, cả nước có hơn 200 dự án thủy điện vừa và nhỏ, tổng công suất 4.067 MW đăng ký đầu tư, nhưng số dự án hoàn thành phát điện chưa nhiều và thường chậm so với kế hoạch đăng ký. Có hai nguyên nhân chính dẫn tới việc này là giá bán điện thấp và lãi suất vay vốn quá cao.
Thực tế thời gian qua các chủ đầu tư thủy điện nhỏ không có lãi, thậm chí lỗ nặng. Một phần do hợp đồng mua bán điện với EVN, không được thay đổi giá cho dù các điều kiện đầu vào để đàm phán mua bán điện như chi phí nhân công, lãi suất vay tín dụng… đã tăng lên rất nhiều.
Đó là còn chưa kể đến chi phí phát sinh cấu thành giá bán khi Chính phủ ra Nghị định số: 99/2010/NĐ-CP, ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, chủ đầu tư các nhà máy thủy điện phải nộp thêm chi phí dịch vụ môi trường rừng với mức 20 đ/kWh. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến các NMTĐ đã đi vào phát điện trước năm 2010.
Nếu như vào thời điểm năm 2006 - 2008, các nhà máy thủy điện bán được giá trung bình khoảng 650 đồng/kWh thì đến nay vẫn vậy, mặc dù giá điện mà EVN bán đến tay người tiêu dùng đã tăng lên rất nhiều. Năm 2008, giá bán điện bình quân tới người tiêu dùng là 870,80 đ/kWh, năm 2012 giá bán điện bình quân tới người tiêu dùng đã là 1.369 đ/kWh (Thông tư 17/2012/TT-BCT ngày 29/6/2012), tăng gần 57%, khoảng 14%/năm.
Thực ra, giá bán điện của các nhà máy đã tăng lên sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định số: 18/2008/QĐ-BCT, ngày 18/7/2008 về bán điện theo biểu giá chi phí tránh được áp dụng cho các NMTĐ nhỏ (NMTĐ có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 30MW). Theo đó, giá bán vào giờ cao điểm mùa khô ở mức rất cao, năm 2012 là 2.424 đồng/kWh, mức giá chi phí tránh được trung bình theo tính toán cũng đạt tới 954,52 đồng/kWh.
Tuy nhiên, thực tế không nhà máy nào đạt được giá chi phí tránh được trung bình trên. Nguyên nhân của việc không đạt được giá chi phí tránh được trung bình là do chênh lệch giá bán giữa giờ cao điểm với giờ thấp điểm và giờ bình thường, giữa giá mùa khô - mùa mưa.
Giá bán điện mùa mưa năm 2012 chỉ khoảng 550đ/kWh, trong khi sản lượng điện mùa mưa của các nhà máy khoảng 65-70% sản lượng điện trung bình năm. Chính vì thế, biểu giá này đã làm chênh lệch giữa cung và cầu điện. Các NMTĐ thì tập trung phát vào giờ cao điểm để được giá cao, trong khi các doanh nghiệp tiêu thụ điện lại chuyển qua sản xuất vào ban đêm để tránh giờ cao điểm.
Thêm vào đó, việc hợp đồng mua bán điện của EVN với Trung Quốc có quy định trường hợp điện phát ngược sang Trung Quốc quá 5% công suất ký mua thì EVN còn bị phạt.
Thực tế trong năm 2011, một số điều độ điện lực địa phương (Hà Giang, Lào Cai) phải yêu cầu các nhà máy cắt, giảm phát vào giờ cao điểm gây nên những bức xúc lớn cho doanh nghiệp. Trong thời điểm khó khăn hiện nay, nếu giờ cao điểm bị cắt, giảm phát thì quả thật không công bằng và rất khó khăn cho các nhà máy thủy điện.
Trong hành trình đầu tư - sản xuất - bán điện của doanh nghiệp, ngoài vướng mắc về giá bán điện rẻ, chính sách thuế bất cập, các NMTĐ nhỏ còn đang điêu đứng vì lãi suất vay vốn quá cao. Hiện tại, suất đầu tư cho một nhà máy thủy điện khoảng 30 tỉ đồng/MW, nếu doanh nghiệp phải vay ngân hàng với lãi suất trên 20%/năm, thậm chí có lúc lên đến 22%/năm thì doanh thu bán điện của hầu hết các NMTĐ chỉ đủ trả phần lãi vay cho ngân hàng.
Theo quyết định số: 1208/QĐ-TTg, ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030” gọi tắt là Tổng sơ đồ VII thì hiện tại nước ta có khoảng 9.200 MW thủy điện và mục tiêu tới năm 2020 sẽ khai thác hết tiềm năng thủy điện để đạt công suất 17.400 MW.
NangluongVietnam