RSS Feed for "Bước lùi thận trọng" của hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 17:00
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

"Bước lùi thận trọng" của hạt nhân

 - Mặc dù chưa có quyết định chính thức, nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định việc khởi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 theo Nghị quyết của Quốc hội trước đó sẽ được lùi lại. Theo ý kiến của một số chuyên gia, lùi thời gian khởi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 có thể xem là bước lùi thận trọng.

>> IAEA cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân
>> Việt Nam hội đủ các yếu tố để phát triển thành công điện hạt nhân
>> Nga sẽ giao công nghệ điện hạt nhân an toàn nhất cho Việt Nam
>> Rosatom hỗ trợ kiến thức cho sinh viên ngành điện hạt nhân Việt Nam
>> Chuẩn bị phương án công nghệ cho dự án ĐHN Ninh Thuận 1
>> Ký ghi nhớ cung cấp dịch vụ tài chính cho điện hạt nhân Ninh Thuận 1

Phải trình Quốc hội xem xét

Thực tế thì thông tin lùi thời gian khởi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập tại lễ tổng kết hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2013của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ngày 15/1. Theo Thủ tướng, Việt Nam làm điện nguyên tử cần phải chặt chẽ, hiệu quả. Để đạt được độ an toàn cao nhất thì có thể lùi thời gian khởi công điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2020, lúc đó chúng ta có luật lệ, cơ sở pháp đầy đủ…

Mới đây, khi trao đổi với báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cũng khẳng định: việc khởi công dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 chưa thể thực hiện trong năm nay mà phải lùi lại khoảng 2-3 năm nữa.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, năm 2014 phía Việt Nam mới hoàn thành việc thẩm định báo cáo đầu tư, sau đó mới lựa chọn công nghệ, đàm phán tài chính. Năm 2015, sẽ mời thầu thiết kế. Đơn vị nào trúng thầu cũng phải mất 1 năm mới hoàn thành thiết kế. Khi duyệt thiết kế mới bước vào giai đoạn đấu thầu vật tư, lựa chọn nhà thầu thi công. Nhanh nhất cũng phải năm 2025, tổ máy đầu tiên mới đi vào hoạt động.

Về việc lựa chọn địa điểm để xây dựng nhà mày, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: rất khó đánh giá thế nào là tối ưu. Nhiều khi tối ưu về mặt kĩ thuật lại chưa chắc tối ưu về mặt xã hội. Ninh Thuận được coi là địa điểm chấp nhận được, chứ chưa phải tối ưu.

Trong khi đó, đại diện Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cũng cho biết, Bộ đang xem xét trình Chính phủ việc lùi thời gian khởi công dự án. Hiện chưa có văn bản chính thức nào phê duyệt việc chậm khởi công dự án nhà máy điện nguyên tử. Mọi công việc vẫn đang triển khai theo đúng đề án.

Theo Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội, năm 2014 sẽ chỉ có thể khởi công các công trình hạ tầng phục vụ thi công như đường giao thông, điện, nước. Sớm nhất năm 2017 mẻ bêtông đầu tiên cho tâm lò phản ứng mới được đổ.

Dẫn lời ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, báo Tuổi trẻ cho biết: nguyên nhân chậm tiến độ là do những vấn đề phát sinh trong việc nghiên cứu lựa chọn địa điểm đã làm kéo dài thời gian lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư khoảng hai năm so với dự kiến ban đầu. Trong thời gian lập dự án đầu tư, sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, Chính phủ đã yêu cầu rà soát để bổ sung các giải pháp đảm bảo an toàn chống động đất, sóng thần cho dự án. Đến thời điểm cuối năm 2013, Bộ Công Thương chưa đánh giá được chính xác chi phí tăng thêm cũng như hiệu quả kinh tế, do việc lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư chưa hoàn thành. Do đó, việc lùi thời điểm khởi công dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 của Chính phủ phải được trình lên Quốc hội thông qua.

IAEA cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân. (trong ảnh: Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano thị sát địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhận Ninh Thuận 1). ảnh: TTXVN

Ngày 10/1/2014, trong chuyến thị sát vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, ông  Yukiya Amano - Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng khẳng định: Cần có bước chuẩn bị thật tốt cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đảm bảo an toàn, an ninh và bền vững chứ không thể vội vàng.

Theo Tổng giám đốc IAEA, vị trí xây dựng nhà máy về cơ bản đáp ứng được những tiêu chí do Việt Nam đặt ra cũng như được cộng đồng quốc tế chấp thuận. Tuy nhiên, IAEA còn băn khoăn về địa điểm ở nhà máy số 2 (do Nhạt Bản khảo sát, thăm dò), bởi khảo sát địa chất cho thấy có khả năng có đứt gãy.

Hiện phía Nhật Bản đang tiếp tục khảo sát, thăm dò. Nếu có dấu hiệu đứt gãy thì cần phải tăng cường các yếu tố an toàn, như thế đầu tư phải lớn hơn. Việt Nam mới bắt đầu thẩm định báo cáo đầu tư của Nga, Nhật Bản. Khi có kết quả chính thức mới kết luận lựa chọn địa điểm nào.

Ngổn ngang nhiều việc phải làm

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, ngoài vấn đề kinh phí, cơ sở pháp lý thì đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu về lĩnh vực điện hạt nhân cũng đang được đặt ra. Mặc dù hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án 2.000 tỉ đồng chi cho việc đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân đến năm 2020. Nhưng cơ chế còn quá bất cập khi phải vòng vèo qua Bộ GD-ĐT, rồi đề xuất kinh phí đưa sang Bộ Tài chính phê duyệt. Do vậy, đến thời điểm này, đề án mới chi được hơn 10 tỉ đồng.

Cùng với đó, là thẩm quyền cấp phép cho nhà máy điện hạt nhân bị phân tán. Bộ Khoa học và Công nghệ là nơi thẩm định, giám sát, nhưng cơ quan cấp phép vận hành lại là Bộ Công Thương. Một khi Luật được sửa theo hướng quy về một mối, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định an toàn thì cũng sẽ là nơi cấp phép vận hành.

Theo ông Vương Hữu Tấn - Nguyên Cục trưởng Cục An toàn bức xạ (Bộ Khoa học và Công nghệ), tại Việt Nam cơ sở hạ tầng để bảo đảm an toàn cho hoạt động của nhà máy điện hạt nhân đang còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Nếu trong quá trình thực hiện, cơ sở hạ tầng không đầy đủ, bị vướng mắc ở khâu nào thì không thể xây nhà máy điện hạt nhân.

Mô hình Nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam

Ngoài ra, với chính sách phát triển mạnh mẽ điện hạt nhân của Trung Quốc như hiện nay, trong đó có nhà máy điện hạt nhân gần biên giới với tỉnh Quảng Ninh thì việc xây dựng hệ thống xử lý khẩn cấp sự cố của các nhà máy điện hạt nhân ở các vùng này là hết sức cần thiết. Vì vậy, phải khẩn trương xây dựng trung tâm kỹ thuật hỗ trợ ứng phó sự cố về an toàn bức xạ tại các vùng biên.

Theo tính toán, nếu như nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đưa vào vận hành chậm vài năm so với dự kiện thì rất có thể Việt Nam sẽ hụt tới 4.000MW công suất điện sau năm 2020. Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng đã chỉ đạo PVN phải triển khai dự án khai thác khí để phục vụ cụm nhiệt điện có công suất khoảng 5.000MW tại miền Trung. Hiện công tác lựa chọn nhà máy điện đang được PVN chuẩn bị và có thể sẽ xây dựng tại Dung Quất hoặc Chu Lai.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, lùi thời gian khởi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 có thể xem là bước lùi thận trọng. Việt Nam chưa sẵn sàng cả về mặt pháp lý và nguồn nhân lực phục vụ việc giám sát, vận hành nhà máy điện hạt nhân được an toàn. Trong thời gian lùi lại, Việt Nam lại có thêm được khoảng thời gian quý báu để hoàn thiện những thiếu sót hiện nay. Như chính lời Tổng giám đốc IAEA đã chia sẻ, thời gian không phải vấn đề chính mà làm thế nào để chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng. Vì thế, Việt Nam không nên quá vội vàng, gấp gáp khi nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là dự án lớn với một quốc gia mới phát triển điện hạt nhân như Việt Nam.

NGUYỄN TÂM (tổng hợp)/ NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Tình hình châu Á 2014: Dự báo bất ngờ sau bất ổn
Nếu Mỹ chọn phương án đối đầu với Iran?
Kịch bản về một cuộc chiến khủng khiếp nhất trong lịch sử
Bình luận của chuyên gia Nhật về Quân cảng Cam Ranh

Chính sách "ngoại giao độc tài" Trung Quốc quay về phản chủ

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động