RSS Feed for Bóng đèn Compact: Tiết kiện điện cho người trồng thanh long | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 02:08
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bóng đèn Compact: Tiết kiện điện cho người trồng thanh long

 - Thay thế bóng đèn tròn sợi đốt bằng bóng đèn Compact là giải pháp quan trọng trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở “vương quốc” thanh long. Giải pháp này ngày càng minh chứng hiệu quả kinh tế đối với các hộ dân thông qua việc giảm chi tiêu tiền điện, đồng thời bớt đi áp lực cho ngành điện trong đầu tư cung ứng theo nhu cầu.

Bình Thuận là một tỉnh nằm ở Nam Trung Bộ Việt Nam. Với địa hình gồm nhiều vùng bình nguyên và vùng đất phù sa bằng phẳng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Bình Thuận phát triển nhiều loại cây trồng nông nghiệp, trong đó nổi tiếng nhất là cây thanh long.

Từ năm 2005 đến nay, diện tích thanh long trồng mới và sản lượng thu hoạch tăng nhanh. Một trong những lý do quan trọng nhất để sản lượng gia tăng là người nông dân biết chong đèn để xử lí ra hoa trái vụ. Từ khi chong đèn để cho mùa trái vụ, sản lượng bình quân tăng cao từ 40-50 tấn/ha/năm, giá trị thường cao hơn so với vụ chính từ 5.000-6.000 đồng/kg. Thế nhưng, vấn đề tiêu tốn quá nhiều điện năng cho việc chong đèn đã đặt ra thách thức lớn đối với các đơn vị chức năng lẫn ngành điện nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất…

Thay thế bóng sợi đốt bằng compact       

Vài ba năm trước đây, hầu hết nhà vườn thanh long sử dụng bóng đèn tròn sợi đốt (60W) để chong đèn  thanh long trái vụ và kết quả cho thấy: Cùng với năng suất đạt khá thì điện năng tiêu thụ lớn; tỷ lệ bóng hư hỏng không nhỏ (mưa, gió, các yếu tố bất lợi khác); sử dụng bóng đèn sợi đốt sẽ không thể tăng diện tích trồng thanh long, bởi lượng điện cung cấp cho việc trồng thanh long tại Bình Thuận đã tăng vọt trong những năm gần đây (các năm qua nhu cầu điện chong đèn thanh long của Bình Thuận liên tục tăng với tốc độ rất cao, trung bình 48%/năm. Tính riêng trong năm 2011, sản lượng điện tiêu thụ của phụ tải cho đèn thanh long chiếm 26,3% tổng sản lượng thương phẩm toàn tỉnh). Mặt khác, hệ thống lưới điện nội bộ của trang trại cũng không đủ đáp ứng nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng lên cao hơn mức hiện tại; không đảm bảo an toàn về điện cho người làm vườn.

Thu nhập chủ yếu của cây thanh long là ở mùa trái vụ, tức là vụ chong đèn, nhưng tiền điện “ăn” gần phân nửa. Muốn có lãi cao, phải giảm chi phí sản xuất, nhưng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng thì không thể cắt giảm được, còn lại chỉ có tiết kiệm điện, vì chi phí chong đèn tốn khoảng từ 5.000 - 8.000 đồng/kg trái thanh long, tùy thuộc thời tiết lúc chong đèn; có khi còn cao hơn, nếu phải chong đèn nhiều lần do thời tiết lúc chong bị giá lạnh hoặc mưa dầm. Nếu giá thanh long “rớt” xuống dưới 10.000 đồng/kg thì coi như người trồng không có lãi. Do đó vấn đề đặt ra ở đây là làm cách nào nhà vườn vừa thu được lợi nhuận cao, vừa đảm bảo giảm tải trong thời điểm đang thiếu nguồn điện như hiện nay là việc hết sức cấp thiết.

Khắc phục thực trạng trên, thời gian gần đây người dân Bình Thuận đang chuyển hướng mạnh sang sử dụng bóng đèn compact thay cho bóng đèn sợi đốt trong việc kích thích cây thanh long ra hoa, việc chuyển đổi này tiết kiệm một lượng lớn điện và khoản tiền không nhỏ.

Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã phối hợp Trung tâm Khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội vùng duyên hải Bình Thuận (SEDEC) thử nghiệm trên cây thanh long. Trong vụ chong đèn trái vụ cuối năm 2006, việc ứng dụng loại đèn tiết kiệm điện lần đầu tiên triển khai thực hiện cho 2 hộ trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 1 hộ ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam sử dụng điện lưới quốc gia và 1 hộ tại xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc chong đèn bằng máy nổ. Đến cuối vụ, các hộ tham gia thử nghiệm đều đánh giá kết quả “tương đương” về sản lượng so với cách chong đèn thanh long hoàn toàn bằng bóng đèn tròn dây tóc 60 W…

Trung tâm SEDEC Bình Thuận cùng Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tiếp tục thử nghiệm với quy mô ngày càng mở rộng hơn. Năm 2008, mô hình này đã được chuyển giao cho Hội Nông dân tỉnh để triển khai nhân rộng ra 7 xã thuộc hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Sau đó được sự hỗ trợ của Bộ Công thương, các bên gồm: Sở Công thương Bình Thuận, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Hội Nông dân tỉnh tiến hành thực hiện dự án Xây dựng mô hình sử dụng bóng đèn Compact thay bóng đèn dây tóc kích thích thanh long ra hoa trái vụ… Việc thay bóng đèn sợi đốt bằng loại đèn tiết kiệm điện còn được Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long (Sở NN & PTNT Bình Thuận) thử nghiệm. Tất cả cũng nhằm mục đích khảo nghiệm hiệu quả sử dụng bóng Compact 20 W và bóng đèn sợi đốt 60 W để xử lý thanh long ra hoa trái vụ. 

Thông qua các mô hình và dự án do Hội Nông dân triển khai mà đã có hơn 1,2 triệu bóng đèn Compact tiết kiệm điện của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đưa vào sử dụng tại Bình Thuận. Thực tế khi thay thế bóng đèn Compact, nhiều hộ dân ở vùng chuyên canh thanh long ở nơi đây đã tiết kiệm tiền điện được hơn 20 triệu đồng mỗi năm so lúc còn dùng bóng tròn sợi đốt. Thêm nữa qua thử nghiệm từ Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long cho thấy, tỷ lệ hư hỏng trong cùng thời gian chong đèn của loại đèn Compact 20 W chỉ là 0,5% so với 7,8% của bóng tròn 60 W… Nhờ hiệu quả nêu trên, có thể nói các hộ trồng thanh long tại Bình Thuận dần có niềm tin với loại bóng đèn tiết kiệm điện và chấp nhận thay thế loại bóng sợi đốt hao tốn nhiều điện năng. Điều này vô cùng ý nghĩa đối với ngành điện khi biết rằng trong những năm qua, nhu cầu sử dụng điện vào mùa thanh long trái vụ ở Bình Thuận liên tục tăng cao. Cụ thể: Năm 2010 tăng 21,46% so năm trước đó, đến năm 2011 tiếp tục tăng thêm 16,57%, riêng năm 2012 tăng 14,85% và chiếm đến 27,16% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh.

Thành quả mang lại

Theo ông Ung Ngọc Hải, chủ trang trại Ngọc Hân ở thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), hiện 18 mẫu đất trồng thanh long với tổng cộng gần 14 nghìn trụ của gia đình ông đã được ông chuyển hướng sang sử dụng bóng đèn compact loại 20W thay cho bóng đèn sợi đốt 60W để kích thích cho thanh long ra hoa từ 2 năm nay. “Từ khi đưa bóng compact vào sử dụng, lượng điện tiêu thụ đã giảm 2/3, lượng hoa và trái ra tuy có giảm, nhưng lại vừa đủ nên không phải mất công cắt bỏ bớt như trước đây khi sử dụng bóng đèn sợ đốt”- ông Hải đúc kết hiệu quả sau hai năm sử dụng đèn compact.

Cũng theo ông Hải, mỗi chu kỳ chong đèn kích thích cây thanh long ra hoa kéo dài từ 18 - 20 ngày. Khi dùng bóng đèn compact, chi phí tiền điện bình quân mỗi trụ thanh long chỉ bằng 1/3 so với trước đây và với diện tích hiện có, mỗi chu kỳ chong đèn ông Hải tiết kiệm được 154 triệu đồng so với dùng đèn sợi đốt.

Không riêng ông Hải, hiện rất nhiều người dân trồng thanh long tại Bình Thuận đã chuyển hướng sang sử dụng bóng đèn compact thay cho bóng đèn sợi đốt:

Ông Nguyễn Dũng, một hộ dân trồng thanh long tại Hàm Thuận Nam cho biết, ông có khoảng 1.000 trụ, tương đương diện tích 1 ha và đều đã sử dụng bóng đèn compact 20W chống ẩm. Tiền điện một năm (3 vụ) phải trả là 10,685 triệu đồng, trong khi trước đây khi có sử dụng bóng đèn sợi đốt là trên 32 triệu đồng/năm. “Riêng chi phí tiền điện, mỗi năm tôi tiết kiệm trên 21 triệu đồng” - ông Dũng nói.


 

Kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu và phát triển thanh long Bình Thuận tại 187 hộ dân trồng thanh long có sử dụng 100% bóng đèn compact đều cho kết quả đạt ngưỡng tối ưu. Cụ thể, trong cùng một điều kiện về chế độ canh tác, chăm sóc, tuổi cây, thời điểm chong đèn, số giờ thắp đèn/đêm…kết quả thanh long ra hoa trái vụ giữa bóng đèn compact 20W và bóng đèn sợi đốt 60 W đều cho kết quả tương tự nhau.Tỷ lệ bóng hư hỏng khi gặp sự cố như  mưa, gió trong thời gian chong đèn của bóng đèn compact thấp hơn nhiều so với bóng đèn sợi đốt 60W. Đồng thời, sử dụng bóng đèn compact giảm 2/3 lượng điện năng tiêu thụ giúp giảm chi phí đầu vào, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất.


Ông Nguyễn Tấn Lân - Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận tính toán: “Nếu sử dụng đèn compact cho toàn bộ diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (khoảng 19.000 ha), mỗi năm sẽ tiết kiệm 303.240.000 kWh. Với giá điện như hiện nay (1.339 đồng kWh) thì số tiền tiết kiệm được khoảng 406 tỷ đồng/năm”. Không những thế, ông Lân cho biết, điều này còn giúp giảm công suất đỉnh 297 MVA, giảm đầu tư 297 MVA, chi phí đầu tư giảm 679 tỷ.

Để kích thanh long ra hoa kết trái trong những tháng mùa nghịch thời gian dần đây nhiều hộ dân trồng thanh long tại Bình Thuận đã mạnh dạn sử dụng đèn cao áp 250W thay cho đèn compact 20W. Cụ thể, trang trại thanh long của anh Lê Nguyên Phương tại thôn An Trung, xã Bình An, huyện Bắc Bình là một mô hình tiêu biểu của việc sử dụng đèn cao áp. Trang trại đã được lắp đặt trạm biến áp 75KVA, đang sử dụng mô hình dùng đèn cao áp 250W để chong đèn thanh long trong mùa nghịch đạt được năng suất cao, tiết kiệm được lượng điện năng tiêu thụ lớn và mở rộng được quy mô lớn hơn.

Số liệu khảo sát của công ty TNHH Thông Tân Phát (Bình Thuận về hiệu quả sử dụng 3 loại đèn (sợi đốt, compact và đèn cao áp) kích thích thanh long ra hoa trái vụ:

Chi phí tiền điện Đèn sợi đốt Đèn Compact Đèn Cao áp
Đơn vị (trụ) 1000 1000 1000
Công suất (W) 60 23 250
Tuổi thọ (giờ) 3.000 10.000 50.000
Giá tiền (01 bộ) * 37.000 67.000 2.900.000
Số lượng đèn cần cho
1000 trụ
1.200 1.200 65
Tổng chi phí đầu tư 44.400.000 80.400.000 188.500.000
Tổn hao điện năng 1h (kW/h) 72 28 16
Tổn hao điện năng 01 đêm
(10h/ đêm) (kW/h)
720 276 163
Ví dụ đốt liên tục 20 ngày/vụ (kW/h) 14.400 5.520 3.250
Tiền điện 2000VND9/1kW đốt trong 01 vụ 28.800.000 11.040.000 6.500.000

   

Anh Lê Nguyên Phương (trái) người sử dụng mô hình chong đèn thanh long bằng bóng đèn cao áp 250W đạt hiệu quả, tiết kiệm điện cao.

Việc sử dụng bóng đèn cao áp 250W đã giảm được hơn 70% lượng điện năng tiêu thụ so với bóng đèn truyền thống, đồng thời giúp giảm tải cho lưới điện trong thời buổi đang khó khăn hiện tại của ngành điện, đảm bảo về mặt an toàn cho con người.

Hình ảnh sau khi chong đèn bằng bóng đèn cao áp

Chi phí thuê nhân công cho mỗi vụ chong đèn cụ thể như công lắp dây, bóng điện, công chăm sóc và công bảo vệ… giảm trên 70%. Không những thế mà còn giảm được đầu tư ban đầu khi lắp đặt trạm biến áp.Ví dụ: 1 trạm biến áp 75KVA nếu sử dụng bóng đèn cao áp 250W thì chong được 3.000 trụ. Nhưng khi sử dụng theo phương pháp cổ điển dùng bóng đèn tròn 60W thì phải cần 3 trạm biến áp 75KVA. Còn sử dụng bóng đèn compact trong mùa nghịch thì cần đến 2 trạm biến áp 75KVA.

Ngoài những ưu điểm căn bản trên phương pháp chong đèn cao áp 250W còn mang lại những lợi ích mà chong đèn theo phương pháp cổ điển không có được. Đó là, vừa chong đèn vừa tưới phun nước được, vừa chong đèn vừa phun thuốc vào ban đêm được đem lại lợi ích rất lớn. Khi chong đèn cao áp 250W, lượng chồi mới ra đều vì được ánh sáng kích thích phân bổ đều từ trên cao. Sau khi rút điện khoảng 3 ngày nếu gặp thời tiết bất lợi thì hâm tiếp 3 đêm mỗi đêm khoảng 3 giờ, tạo điều kiện ra nụ hiệu quả. Chong đèn cao áp giúp cho việc chạy gối vụ không ảnh hưởng tới mẫu mã trái thanh long trên cây (không đỏ tai). An toàn cao là một ưu điểm nổi trội của việc chong đền cao áp mà hiện tại chưa có một giải pháp nào đạt được.

Thay thế bóng đèn tròn sợi đốt bằng bóng đèn Compact là giải pháp quan trọng trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở “vương quốc” thanh long. Chính vì vậy, việc chung tay thay thêm triệu bóng đèn tiết kiệm điện đang được chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng và doanh nghiệp tiếp tục triển khai. Bởi đây là hướng đi tất yếu, phù hợp điều kiện ở vùng chuyên canh thanh long lớn nhất Việt Nam theo xu thế sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường. Song trước hết, giải pháp này ngày càng minh chứng hiệu quả kinh tế đối với các hộ dân thông qua việc giảm chi tiêu tiền điện, đồng thời bớt đi áp lực cho ngành điện trong đầu tư cung ứng theo nhu cầu.

Nguồn: anhsangonline.vn

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động