RSS Feed for Bàn về sự chia sẻ của Cựu Ngoại trưởng Mỹ với Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 13:28
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bàn về sự chia sẻ của Cựu Ngoại trưởng Mỹ với Việt Nam

 - Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 (trong đó có một phiên thảo luận về năng lượng sạch cho Việt Nam từ ý tưởng cho đến thực tế) do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tổ chức mới đây, Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry - Chủ tịch danh dự Quỹ Hoà bình Quốc tế Carnegie (Quỹ về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh) cho rằng: "Nếu Việt Nam gia tăng sử dụng điện than trong nhiều năm và bổ sung thêm nhà máy nhiệt điện than, tôi cho rằng, đây không phải là quyết định thông minh". Để bạn đọc có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn (trên bình diện toàn cầu, nước Mỹ và Việt Nam) về vấn đề này, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin trao đổi lại dưới đây để bàn xem liệu sự chia sẻ của ông John Kerry có phải là lời "có cánh" cho năng lượng tái tạo để phủ nhận chủ trương phát triển nhiệt điện than của Việt Nam hay không?

Phát triển nhiệt điện than có đi ngược xu thế toàn cầu?
Chưa thể thay nhiệt điện than bằng phong điện [Kỳ 1]

Chia sẻ của Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry:

Theo báo Dân trí (11/1/2018), Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chia sẻ như sau:

1/ Hiện ngành năng lượng của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào than đá, nhưng tôi cho rằng than đá hiện là một trong những tài nguyên bẩn nhất gây tác động tiêu cực cho thế giới. Nhiều quốc gia dịch chuyển ngành năng lượng của mình khỏi than đá. Năm ngoái, ngành năng lượng của Mỹ đã có khoảng 75% năng lượng tái tạo bổ sung vào tổng nguồn cung năng lượng, than đá chỉ chiếm 0,2% mà thôi.

2/ Việt Nam hiện có tài sản lớn mà thiên nhiên ưu đãi, bức xạ mặt trời lớn, gió và sinh khối. Tuy nhiên, hiện 45% tổng năng lượng của Việt Nam là nhiệt điện than, khí... Nếu Việt Nam gia tăng sử dụng điện than trong nhiều năm và bổ sung thêm nhà máy nhiệt điện than. Tôi cho rằng đây không phải là quyết định thông minh.

3/ Tôi có niềm tin vững chắc, than đá không phải là rẻ so với mặt trời, sức gió và sinh khối bởi nó kéo theo chi phí về giao thông vận tải, đất đai, tác động tiêu cực đến cộng đồng, không khí... Trung Quốc đang là quốc gia lớn nhất về phát triển kinh tế năng lượng mặt trời, họ thoái lui và tránh xa điện than trong những năm vừa rồi. Các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ cũng phát triển năng lượng tái tạo của họ gấp đôi vào 2022. Các nước phát triển thế giới như Thụy Điển là 100% là năng lượng tái tạo, Đức đang phấn đấu sử dụng 40% năng lượng tái tạo vào năm 2025, và đạt 80% vào năm 2057. Thế giới đang dịch chuyển, Việt Nam cần nằm trong sự dịch chuyển ấy và các bạn có thể tiết kiệm hàng chục tỷ USD và làm cho dân chúng có thể hạnh phúc hơn. Đồng thời, các định chế tài chính tại Mỹ và thế giới hiện cũng không khuyến khích đầu tư vào than đá, chính vì thế chúng ta không thể tiếp tục tăng vào phát triển nhiệt điện than.

4/ Nhiều người cho rằng, tôi sang Việt Nam để đại diện cho nước Mỹ rao giảng về năng lượng tái tạo hay về Thỏa thuận Paris mà Mỹ đã rút ra khỏi gần đây. Tuy nhiên, các thống đốc của Mỹ đều đưa ra tuyên bố khác hẳn so với Tổng thống, chúng tôi làm hết sức có trách nhiệm. 19 thị trưởng của Mỹ như New York, San Fancisco, Washington... đều cam kết thực hiện ở cấp độ địa phương. (Trích từ báo Dân trí)

Sau đây chúng tôi sẽ bàn về sự chia sẻ của Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về những vấn đề đã nêu.

Thứ nhất: Về tình hình sử dụng năng lượng sơ cấp:

Tình hình sử dụng năng lượng sơ cấp (NLSC) của các nước có liên quan nhất trong sự chia sẻ nêu trên gồm: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước ASEAN và Việt Nam từ năm 2006 đến 2016 được tổng hợp trong bảng dưới đây [1].

Đơn vị: Triệu TOE

Khu vực và nước

2006

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

%  TG

Toàn thế giới

11266,7

12170,0

12455,3

12620,7

12866,0

12988,9

13105,0

13276,3

100

- Mỹ

2331,6

2284,1

2264,5

2209,3

2270,6

2296,5

2275,9

2272,7

17,1

- Trung Quốc

1974,7

2491,1

2690,3

2797,4

2905,3

2970,6

3005,9

3053,0

23,0

- Ấn Độ

414,0

537,1

568,7

598,3

621,5

663,6

685,1

723,9

5,5

- In-đô-nê-xia

123,9

149,3

162,8

170,5

174,2

162,9

164,8

175,0

1,3

- Ma-lai-xia

69,4

72,4

79,8

83,2

89,2

91,5

93,8

99,5

0,7

- Thái Lan

87,2

102,4

106,4

113,7

115,7

119,1

121,8

123,8

0,9

- Việt Nam

28,1

44,3

50,3

52,5

54,8

59,8

63,7

64,8

0,5

Nhận xét: Việc sử dụng NLSC chỉ có Mỹ có xu hướng giảm nhẹ, còn lại các nước đều tăng và toàn thế giới tăng mạnh.

Thứ hai: Về cơ cấu sử dụng NLSC trong năm 2016 của các nước nêu trên như sau [1]

Tên nước

Tổng NLSC (TOE)

% trên tổng số thế giới

Tỷ trọng trên tổng số (%)

Dầu

Khí TN

Than

Nguyên tử

Thủy điện

NLTT

Thế giới

13276,3

100

33,28

24,13

28,11

4,46

6,86

3,16

Việt Nam

64,8

0,49

31,02

14,81

32,87

-

21,14

0,15

Mỹ

2272,7

17,12

37,98

31,52

15,77

8,44

2,60

3,69

Trung Quốc

3.053,0

23,00

18,96

6,20

61,83

1,58

8,62

2,82

In-đô-nê-xia

175,0

1,32

41,49

19,37

35,83

-

1,89

1,49

Ma-lai-xia

99,5

0,75

36,48

38,89

20,00

-

4,22

0,30

Thái Lan

123,8

0,93

47,66

35,14

14,3

-

0,65

2,26

Ấn Độ

723,9

5,45

29,38

6,23

56,90

1,19

4,02

2,28

Nhận xét:

1/ Dầu, khí và than vẫn giữ vai trò chính và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu NSLC của các nước, tỷ trọng trên toàn thế giới là 85,5%.

2/ Tổng sản lượng năng lượng tái tạo của thế giới năm 2016: 419,6 triệu TOE (chỉ chiếm 3,16% tổng sản lượng NLSC). Trong đó (triệu TOE): Mỹ 83,8 (20,0%); Brazil 19,0 (4,5%); Đức 37,9 (9%); Ý 15,0 (3,6%); Tây Ban Nha 15,5 (3,7%); Anh 17,5 (4,2%); Trung Quốc 86,1 (20,5%); Ấn Độ 16,5 (3,9%); Nhật Bản 18,8 (4,5%); tổng cộng 9 nước 74%; còn lại các nước khác đều có sản lượng NLTT < 5 triệu TOE và đa phần < 1 triệu TOE.

Cả châu Phi và Trung Đông 5,7 triệu TOE (chiếm 1,4%).

Ngay như Hàn Quốc chỉ có 4,3 triệu TOE; Úc 5,4; Áo 2,4; Bỉ 3,2; Đan Mạch 4,1; Phần Lan 3,4; Pháp 8,2; Hà Lan 3,1; Thụy Điển 6,1; Na Uy 0,5; Thụy Sĩ 0,8; Thổ Nhĩ Kỳ 5,2; Bồ Đào Nha 3,7; Ireland 1,5; Nga 0,2, vv...

Chỉ có Đức có tỷ trọng năng lượng tái tạo > 10% và Philipine > 5%, còn lạị đều < 5%, trong đó nhiều nước <1%.

Thứ ba: Về tình hình trữ lượng, sản xuất, sử dụng than năm 2016 [1]:

Tên nước

Dân số

(106 ng) [8]

Trữ lượng (106 T)

Sản xuất

Tiêu thụ

Antraxit & Bitum

Ábitum & Than nâu

Tổng

%

(106 TOE)

%

(106 TOE)

%

Việt Nam

91,7

3116

244

3360

0,3

22,0

0,6

21,3

0,6

Mỹ

321,2

221400

30182

251582

22,1

364,8

10,0

358,4

9,6

Trung Quốc

1.371,9

230004

14006

244010

21,4

1685,7

46,1

1.887,6

50,6

In-đô-nê-xia

255,7

17326

8247

25573

2,2

255,7

7,0

62,7

1,7

Ma-lai-xia

30,8

*

*

*

*

*

*

19,9

0,5

Thái Lan

65,1

-

1063

1063

0,1

4,3

0,1

17,7

0,5

Ấn Độ

1.314,1

89782

4987

94769

8,3

288,5

4,9

411,9

11,0

Thế giới

7.336

816214

323117

1139331

100

3656,4

100

3.732,0

100

Nhận xét:

1/ Ba nước: Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ sử dụng than nhiều nhất, tổng cộng 3 nước chiếm tới hơn 70% tổng sản lượng tiệu thụ của toàn thế giới.

2/ Ma-lai-xia và Thái Lan có sản lượng than khai thác trong nước không đáng kể nhưng tiêu thụ than tương đối lớn (gần bằng Việt Nam), chủ yếu là từ nguồn than nhập khẩu. In-đô-nê-xia khai thác than để xuất khẩu là chính, ngược lại Trung Quốc và Ấn Độ phải nhập khẩu lượng than đáng kể để dùng trong nước. Sản xuất và tiêu thụ than của Việt Nam còn rất thấp xét theo cả quy mô và bình quân đầu người.

Thứ tư: Về tình hình phát thải khí nhà kính:

Về lượng phát thải khí CO2 năm 2016 của các nước như sau:

Tên nước

Dân số (người)[2]

% trên tổng số thế giới

Lượng phát thải CO2[1] (106 tấn)

% trên tổng số thế giới

B/q người (Tấn/ng)

Thế giới

7.406.162.030

100

33.432,0

100

4,6

Việt Nam

95.261.021

1,32

167,0

0,5

1,75

Mỹ

323,995,528

4,38

5.350,4

16,0

16,5

Trung Quốc

1.373.541.278

18,6

9.123,0

27,3

6,64

In-đô-nê-xia

258,316,051

3,52

531,4

1,6

2,06

Ma-lai-xia

30.073.353

0,42

263,8

0,8

8,8

Thái Lan

68,200,824

0,96

292

0,9

4,3

Ấn Độ

1,266,883,598

18,0

2.271,1

6,8

1,8

 

Nhận xét:

1/ Xét về quy mô thì 3 nước Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ phát thải nhiều nhất, tổng cộng chiếm tới hơn 50% tổng lượng phát thải khí nhà kính của toàn thế giới.

2/ Xét theo đầu người thì Mỹ, Ma-lai-xia và Trung Quốc có mức phát thải khí nhà kính cao nhất và cao hơn nhiều so với bình quân đầu người của toàn thế giới. Việt Nam có mức phát thải cả về quy mô cả theo bình quân đầu người còn rất thấp.

Như vậy, để chống biến đổi khí hậu việc giảm phát thải khí nhà kính trước hết phải tập trung vào Mỹ, Trung Quốc và các nước phát triển khác có mức phát thải khí nhà kính cao quá mức.

Để cho dễ hiểu có thể ví các nước này đã mắc "căn bệnh phát thải cao quá mức" rất trầm trọng, cần phải có "liệu pháp điều trị ngay lập tức" với "liều lượng cao" - tức là phải có giải pháp giảm phát thải ngay với mức giảm rất cao.

Còn đối với các nước có mức phát thải thấp, chẳng hạn như Việt Nam thì chưa mắc "bệnh" này và còn có "dư địa" để phát thải tiếp. Do vậy, Việt Nam chưa phải "điều trị" bệnh" mà chỉ "phòng ngừa" để khỏi mắc bệnh - tức là trong quá trình phát triển kinh tế sắp tới vẫn có thể tiếp tục phát thải, vẫn sử dụng than nhưng với mức độ vừa phải và kiểm soát được để không vượt ngưỡng mức phát thải cho phép.

Qua đó cho thấy, để chống biến đổi khí hậu cần có 2 nhóm giải pháp áp dụng cho 2 nhóm nước: Nhóm giải pháp giảm phát thải ngay áp dụng cho các nước đã có bệnh "phát thải cao quá mức" và nhóm giải pháp phòng ngừa áp dụng cho các nước còn có mức phát thải thấp - tức là chưa mắc bệnh "phát thải cao quá mức".

Chắc chắn rằng, liệu pháp trị bệnh sẽ khác với liệu pháp phòng ngừa bệnh chứ chúng không thể giống nhau. Do đó không thể áp dụng liệu pháp trị bệnh cho trường hợp phòng ngừa bệnh.

Từ những phân tích và nhận thức nêu trên có thể luận bàn về những chia sẽ của Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nêu trên như sau:

Thứ nhất: Một cựu ngoại trưởng Mỹ mà nói rằng "than đá hiện là một trong những tài nguyên bẩn nhất gây tác động tiêu cực cho thế giới" là hoàn toàn không đúng với bản chất của nó, mà ngược lại, tài nguyên than còn sạch hơn nhiều so với tài nguyên dầu mỏ, khí thiên nhiên, quặng urani, vv...

Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta coi than là "vàng đen" và Lê Nin thì coi than là "bánh mì của công nghiệp". Thực ra chỉ có việc khai thác, sử dụng than chưa hợp lý mới gây tác động tiêu cực cho thế giới. Nói điều này không phải bắt bẻ câu chữ mà để có tư duy, nhận thức đúng về tài nguyên than và tìm cách khai thác, sử dụng chúng sao cho hợp lý nhất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cuộc sống con người chứ không phải coi đó là thứ "bẩn thỉu" phải bỏ đi.

Thứ hai: Cựu Ngoại trưởng nêu: "Năm ngoái, ngành năng lượng của Mỹ đã có khoảng 75% năng lượng tái tạo bổ sung vào tổng nguồn cung năng lượng, than đá chỉ chiếm 0,2% mà thôi".

Điều đó cho thấy, nước Mỹ không những không thực hiện giảm ngay sự phát thải khí nhà kính mà còn tăng thêm thể hiện qua "than đá chỉ chiếm 0,2%" (tăng thêm 0,2%) trong tổng nguồn cung năng lượng bổ sung, tức vẫn tăng lên, và qua đó cũng cho thấy việc rút khỏi Thỏa thuận Paris và hủy bỏ hạn chế khai thác than, dầu khí không chỉ là tuyên bố của Tổng thống mà trên thực tế đã thực hiện.

Thứ ba: Về việc "Trung Quốc thoái lui và tránh xa điện than trong những năm vừa rồi".

Thông tin này không chuẩn xác, vì rằng, như trên đã nêu việc Trung Quốc phải giảm ngay mức phát thải hiện nay xuống mức cần thiết là trách nhiệm cấp bách của họ để chữa căn bệnh "phát thải quá mức", nhưng trên thực tế việc thực hiện mới chỉ là bước đầu mang tính đối phó với động cơ tuyên truyền là chính chứ không phải "thoái lui và tránh xa điện than"; họ chủ yếu mới chỉ loại bỏ một số nhà máy điện than cũ, hết thời hạn hoạt động và đóng cửa những mỏ than địa phương nhỏ lẻ mất an toàn, gây nhiều tác động xấu tới môi trường. Tổng công suất của các nhà máy điện than và mỏ than đóng cửa còn quá nhỏ so với mức cần thiết.

Chừng nào Trung Quốc giảm sử dụng than từ mức của năm 2016 khoảng 1.887,6 triệu TOE tấn xuống còn một nửa thì mới tương đương với mức sử dụng than của Việt Nam hiện nay tăng lên khoảng 3,1 lần (tính theo bình quân đầu người). Chắc chắn rằng Trung Quốc không thể giảm sử dụng than xuống mức như vậy, còn Việt Nam thì đến năm 2030 cùng lắm mức sử dụng than cũng chỉ tăng lên đến 3 lần, như vậy khi đó vẫn còn quá thấp so với của Trung Quốc.

Do vậy, theo chúng tôi, lấy thực tế giảm sử dụng than và nhiệt điện than của Trung Quốc để làm gương cho Việt Nam là không phù hợp.

Thứ tư: Thụy Điển làm sao có đến 100% năng lượng tái tạo (NLTT) được.

Theo Wikipedia năm 2016, Thụy Điển sản xuất 150 TWh, trong đó thủy điện: 61, gió: 15, điện hạt nhân: 61, các dạng khác: 13.  Như vậy, nếu kể cả thủy điện và gió đều là NLTT cả thì sản lượng NLTT chỉ chiếm 50,7% (76/150). Nếu tính thủy điện lớn và vừa đều là NLTT như trên thì trong cơ cấu sử dụng NLSC năm 2016 Việt Nam là nước có tỷ trọng NLTT cao nhất trong số 7 nước được dẫn trong bảng với 21,3% trong khi bình quân thế giới là: 10%, Mỹ: 6,3%, Trung Quốc: 11,4%, Ấn Độ: 6,3%, Indonesia: 3,3%, Malaysia: 4,5%, Thailan: 3%. Còn về lượng phát thải khí nhà kính CO2 năm 2016 Việt Nam lại là nước có suất phát thải thấp nhất so với 7 nước đã nêu với 1,75 tấn/người trong khi Mỹ chiếm vị trí cao nhất với 16,5 tấn/người. 

Tuy nhiên, nước Mỹ lại đơn phương rút khỏi cam kết COP21 và vẫn tiếp tục phát triển nhiệt điện than, mặc dù theo như ngài John Kerry đã có 19 bang của Mỹ vẫn theo đuổi COP21, nhưng thưa ngài Kerry, nước Mỹ có 50 bang chứ không phải chỉ 19, vậy trách nhiệm của nước Mỹ với thế giới như thế nao (?)   

Thứ năm: Còn việc "Các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ cũng phát triển năng lượng tái tạo của họ gấp đôi vào 2022".

Điều này chẳng có gì đáng kể so với Việt Nam. Cụ thể là, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg) thì mục tiêu đặt ra là: Đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140 MW hiện nay lên khoảng 800 MW vào năm 2020 (gấp 5,7 lần), khoảng 2.000 MW vào năm 2025 (gấp 14,3 lần) và khoảng 6.000 MW vào năm 2030 (gấp gần 43 lần). Cạnh đó, đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030. Đó là chưa kể các nước này cũng đang tăng cường sử dụng than, trong đó Malaysia mặc dù phải nhập khẩu than và có mức phát thải trên đầu người cao gần gấp đôi bình quân của thế giới.

Thứ sáu: Về điều Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói: "Nhiều quốc gia dịch chuyển ngành năng lượng của mình khỏi than đá".

Vừa qua tại Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc (LHQ) về chống biến đổi khí hậu lần thứ 23 (COP23) tại thành phố Bonn, miền Nam nước Đức, 20 quốc gia, trong đó có Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Pháp, Ý, Canada, Mexico, Costa Rica, El Salvador, Fiji, Quần đảo Mashall, New Zealand,… đã tuyên bố thành lập "Liên minh chống sử dụng than đá" (PPCA) theo sự khởi xướng của Anh, Canada và quần đảo Marshall. Theo các cam kết ban đầu, Anh sẽ dừng dùng than từ năm 2023, Canada và Pháp sẽ chấm dứt sử dụng loại nhiên liệu hóa thạch "bẩn" này sớm hơn, vào năm 2021-2022.

Về vấn đề này, chúng tôi có một số nhận xét như sau: Trong số các nước tham gia Liên minh, trừ Canada và Mexico, còn lại các nước khác hầu như không có, hoặc sắp hết tài nguyên than, cho nên việc "chống sử dụng than đá" chỉ là hình thức. Ví dụ như Anh là một trong 3 nước khởi xướng chỉ có trữ lượng than còn lại 70 triệu tấn, do đó việc cam kết dừng dùng than từ năm 2023 chẳng khác gì một người biết mình chỉ sống còn 1 tháng nữa cam kết rằng sau 1 tháng nữa sẽ nhịn ăn suốt đời.

Tương tự, Pháp cũng vậy, không còn than. Còn Canada cam kết sẽ chấm dứt sử dụng than vào năm 2021-2022 thì chúng ta hãy chờ xem, từ nay tới đó chỉ còn 3-4 năm nữa, trong khi sản lượng than năm 2016 của nước này khoảng 66 triệu tấn.

Còn tất cả các nước có nhiều tài nguyên than hoặc sử dụng than đá nhiều nhất thế giới như: Trung Quốc, Đức, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nam Phi, Úc, U-crai-na, In-đô-nê-xia, Ka-dắc-xtan, Ba Lan, Nhật Bản (sử dụng than), Hàn Quốc (sử dụng than) đều không tham gia Liên minh.

Như vậy, chúng ta cũng cần tỉnh táo xem xét cái gọi là "Nhiều quốc gia dịch chuyển ngành năng lượng của mình khỏi than đá" để đừng "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào".

Thứ bảy: Còn việc Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói: "Nếu Việt Nam gia tăng sử dụng điện than trong nhiều năm và bổ sung thêm nhà máy nhiệt điện than, tôi cho rằng đây không phải là quyết định thông minh".

Để thực hiện cam kết COP21 đến năm 2030 sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính bằng nội lực trong nước và nếu có hỗ trợ tài chính thích hợp của quốc tế (song phương và đa phương) thì phấn đấu giảm 25%, Chính phủ Việt Nam đã có hành động cụ thể bằng việc điều chỉnh lại Quy hoạch điện VII phê duyệt theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 bằng Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) phê duyệt theo Quyết định số 428/2016/Q Đ-TTg ngày 18/3/2016.

Theo đó, ngoài việc tăng cường phát triển nguồn điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như đã nêu trên, đã điều chỉnh giảm đáng kể nguồn nhiệt điện than xây dựng mới.

Cụ thể, đến năm 2020 giảm tổng công suất từ 36.000 MW và sản lượng điện sản xuất 156 tỷ kWh theo Quy hoạch VII (trước đây) xuống chỉ còn tương ứng là 26.000 MW và sản lượng sản xuất khoảng 131 tỷ kWh theo Quy hoạch VII (điều chỉnh).

Không hiểu việc điều chỉnh Quy hoạch điện như vậy liệu đã là "quyết định thông minh" chưa? Nhưng chắc chắn rằng, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc cam kết của mình chứ không như Mỹ đã rút khỏi COP21!

Tóm lại, qua những phân tích nêu trên cho thấy, những chia sẻ của Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nếu không phải là "rao giảng" thì cũng chỉ là những lời "có cánh".   

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo:

[1] BP Statistical (2017).

[2] Niên giám Thống kê Việt Nam năm 2017.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động