Ấn Độ kiên định con đường phát triển điện hạt nhân
15:41 | 01/11/2016
Vì sao năng lượng tái tạo không thể thay thế điện hạt nhân?
Tại sao Việt Nam cần điện hạt nhân?
Vì sao Trung Quốc đề cao vai trò điện hạt nhân?
Điện hạt nhân và tái cơ cấu quy hoạch dài hạn (Bài 1)
Điện hạt nhân và tái cơ cấu quy hoạch dài hạn (Bài 2)
Nguồn tin từ Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho biết: Ngày 10/11 tới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Modi tới Nhật Bản, hai bên sẽ ký một thỏa thuận về hợp tác năng lượng hạt nhân.
Đây sẽ là thỏa thuận đầu tiên của Nhật Bản với một nước không ký Hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Thỏa thuận này sẽ cho phép Nhật Bản xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân cho Ấn Độ.
Hồi cuối năm ngoái, Thủ tướng Shinzo Abe đã có cuộc gặp với Thủ tướng Modi tại Ấn Độ. Tại cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo đã đi tới nhất trí cơ bản về thỏa thuận này. Sau đó, hai chính phủ đã tích cực đàm phán chi tiết của thỏa thuận, cũng như thời điểm ký kết.
Theo dự báo, Ấn Độ có kế hoạch nâng cao công suất phát điện hạt nhân hiện tại là 5,780MWe (từ 21 lò phản ứng) lên tới 63,000MWe vào năm 2032, tương đương với 9% tổng công suất lắp đặt. Ấn Độ rất kỳ vọng rằng năng lực công nghệ của Nhật Bản sẽ giúp quốc gia này đưa vào sử dụng các lò phản ứng nước nhẹ (LWRs) có kích thước lớn.
Là quốc gia phát thải khí CO2 lớn thứ ba thế giới, Ấn Độ có ảnh hưởng rất nhiều đến các vấn đề toàn cầu về năng lượng và môi trường. Việc hợp tác với Nhật Bản trong kế hoạch của Ấn Độ nhằm mở rộng sản xuất điện hạt nhân sẽ giúp giảm thiểu việc cạnh tranh mua lại tài nguyên và hiện tượng nóng lên toàn cầu đang ngày càng trở nên tồi tệ, là những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay.
Nhà máy điện hạt nhân Kudankulam của Ấn Độ sử dụng công nghệ Rosatom (Liên bang Nga).
Trải qua một lịch sử lâu dài và nhiều thập kỷ tích lũy kinh nghiệm xây dựng, vận hành, bảo dưỡng các nhà máy điện hạt nhân, Nhật Bản có một chuỗi cung ứng cho phép quốc gia này cung cấp công nghệ ở trình độ cao.
Dựa trên các bài học kinh nghiệm rút ra từ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản đang tiếp tục nỗ lực để cải thiện an toàn. Với công nghệ và các sản phẩm như vậy, Nhật Bản có khả năng giúp sức cho việc tiếp tục nâng cao an toàn của các nhà máy điện hạt nhân của Ấn Độ.
Việc xâm nhập vào thị trường Ấn Độ, nơi được kỳ vọng sắp tới sẽ có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sẽ không chỉ giúp hồi sinh ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản, mà còn giúp duy trì, cải tiến công nghệ hạt nhân cũng như phát triển và đảm bảo nguồn nhân lực hạt nhân.
Do Ấn Độ chưa ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và đã tiến hành một vụ thử hạt nhân vào năm 1974, quốc gia này đã không thể có được sự hợp tác hạt nhân quốc tế và đã phải tự lực thực hiện chương trình phát triển hạt nhân của mình.
Tuy nhiên, năm 2005, Hoa Kỳ đã có động thái để đưa Ấn Độ vào khuôn khổ của hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế. Tuy nhiên, sau đó đã quyết định thúc đẩy hợp tác hạt nhân với Ấn Độ, với điều kiện nước này phải tuân thủ lệnh cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân, áp dụng các biện pháp thanh sát của IAEA đối với các cơ sở hạt nhân dân sự, chấp hành các hướng dẫn của nhóm cung cấp hạt nhân (NSG) và nhiều hơn thế nữa.
Kể từ năm 2008, với sự tham gia của 45 quốc gia, các nhà cung cấp của NSG đã chấp thuận hợp tác hạt nhân với Ấn Độ - một quốc gia không tham gia NPT.
Nhiều nước như Hoa Kỳ, Pháp, Nga, Canada, Hàn Quốc, Australia, Kazakhstan và các nước khác đã ký kết thỏa thuận hợp tác hạt nhân với quốc gia này và Nhật Bản hiện nay có được thỏa thuận hợp tác hạt nhân như vậy với Ấn Độ.
NangluongVietnam Online