RSS Feed for 20 năm vận hành đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 00:29
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

20 năm vận hành đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam

 - Sáng ngày 27/5, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm vận hành đường dây siêu cao áp 500kV Bắc-Nam. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đến dự và phát biểu chỉ đạo.

>> 20 năm đường dây 500kV Bắc - Nam: EVN NPT phát huy thành quả, hướng đến tương lai
>> Đường dây siêu cao áp 500kV: "Đường điện Trường Sơn"
>> Ý chí siêu cao áp 500kV Bắc - Trung - Nam
>> Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam: Một mốc son lịch sử

Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trao Huân chương lao động Hạng nhì cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia.

Biểu dương những nỗ lực mà các thế hệ cán bộ công nhân viên ngành điện đã cống hiến để đưa đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 hoàn thành, vận hành an toàn, tin cậy, phát huy hiệu quả trong 20 năm vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Việc xây dựng và hoàn thành đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 trong bối cảnh 20 năm trước đã trở thành kỳ tích của ngành điện Việt Nam. Đưa đường dây vào vận hành thành công, chúng ta đã xóa bỏ đi những hồ nghi, e ngại ban đầu và quan trọng nhất là chúng ta đã có một hệ thống điện quốc gia hợp nhất, từ đó đảm bảo việc vận hành kinh tế các nhà máy điện trong cả nước, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện cho sự nghiệp phát triển đất nước. Tổng kết 20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, càng khẳng định việc đầu tư đường dây là một quyết định đúng đắn, kịp thời của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, mà trực tiếp là Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Việc xây dựng và đưa vào vận hành đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 đã giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của các khu vực miền Nam, miền Trung, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần quan trọng trọng việc hình thành hệ thống truyền tải điện bền vững: phát huy ý chí tự lực, tự cường của con người Việt Nam và phát triển ngành công nghiệp xây dựng điện của Việt Nam.

“Điều quan trọng hơn là sau đường dây 500kV, chúng ta đã có được một đội ngũ cán bộ trưởng thành, qua thử thách, từ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ kỹ thuật, đến lực lượng công nhân thi công xây lắp, vận hành, sửa chữa hệ thống truyền tải điện”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, tuy ngành Điện đã đạt được nhiều thành tựu, song vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa, tiếp tục phát triển nhanh và mạnh hơn nữa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phát triển kinh tế xã hội. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trong phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải.

Theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ đặt ra cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong giai đoạn mới là rất lớn và rất nặng nề. Nhưng chắc chắn, Tập đoàn sẽ phát huy tốt hơn nữa những thành tựu đã đạt được và truyền thống tốt đẹp của mình để tiếp tục phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn và thu được nhiều thành tích cao hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện, phát triển hạ tầng hệ thống điện hiện đại và đồng bộ, phấn đấu đạt trình độ tiên tiến so với các nước trong khu vực, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vào thời kỳ đầu những năm 90 của thế kỷ 20, nhu cầu sử dụng điện tại các tỉnh miền Nam rất lớn và luôn đối mặt với tình trạng thiếu điện. Trong khi đó, tại miền Bắc lại thừa điện, các nhà máy không phát huy được tối đa công suất. Trước tình hình đó, ngày 25/02/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Nay là Thủ tướng Chính phủ) đã quyết định xây dựng đường dây 500 kV Bắc – Nam, nhằm đưa điện từ Bắc vào Nam. Thời gian thi công trong vòng 2 năm và thực hiện đồng thời các bước khảo sát, thiết kế, nhập vật tư, thiết bị và thi công.

Ngày 05/4/1992, công trình được khởi công và sau 2 năm lao động cần cù sáng tạo, không quản ngày đêm của cán bộ, công nhân ngành Điện Việt Nam, công trình truyền tải điện siêu cao áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam được hoàn thành. Đúng 19 giờ 07 phút ngày 27/5/1994, tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện Việt Nam, với 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, tại Trạm 500kV Đà Nẵng qua đường dây 500kV, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành.

Để hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trong khoảng thời gian ngắn ngủi là sự đóng góp rất lớn của cán bộ công nhân viên các công ty xây lắp 1,2,3,4, Tổng công ty Sông Đà và hỗ trợ rất lớn của lực lượng quân đội, bao gồm Binh đoàn 12, Binh đoàn 15, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 và nhiều đơn vịu khác, cũng như sự giúp đỡ và tạo điều kiện mọi mặt của chính quyền 17 tỉnh, thành phố và người dân trong khu vực có công trình đi qua.

Với việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 đã giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của miền Nam và miền Trung. Cụ thể, điện thương phẩm của toàn quốc với mức độ tăng trưởng từ 5 - 6% giai đoạn 1990-1992 đã có mức tăng trưởng đột biến lên 18,2% giai đoạn 1993-1997, với đỉnh điểm là 21% năm 1995, trong đó, khu vực miền Trung và miền Nam là 21% giai đoạn 1993-1997 và năm 1995 là 25%. Góp phần giúp nền kinh tế của đất nước đạt được tốc độ tăng trưởng GDP từ 5,1% vào năm 1990 lên 9,5% vào năm 1995, trong đó, tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 12% đến 14% trong giai đoạn 1990 - 1995, vượt các chỉ tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã đề ra.

Sau hơn 10 năm vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, ngày 23/9/2005, ngành Điện Việt Nam lại có thêm một kỳ tích là hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 2 (từ Nho Quan đến Phú Lâm). Với việc đưa vào vận hành 2 mạch đường dây 500kV Bắc - Nam đã giải quyết thiếu điện rất lớn ở miền Bắc và đặc biệt là Hà Nội trong giai đoạn 2005-2008. Ngoài ra, 2 mạch đường dây 500kV Bắc - Nam đã thực sự là “trục xương sống” của hệ thống truyền tải điện quốc gia theo cả hai chiều, nâng cao độ an toàn, ổn định cung cấp và chất lượng điện, đồng thời tạo điều kiện để khai thác tối ưu các nguồn điện hiện có trong hệ thống.

Sau 20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 và gần 10 năm đường dây 500kV mạch 2, mặc dù công trình đi qua nhiều địa hình khó khăn và hiểm trở nhưng cán bộ công nhân viên EVN, luôn đảm bảo hệ thống lưới điện truyền tải Bắc - Nam được thông suốt, các chỉ tiêu suất sự cố và thời gian ngừng cung cấp ở mức thấp hơn so với thiết kế. Đến nay, cùng với đường dây 500kV mạch 2, lượng công suất truyền tải trên 2 mạch đường dây đảm bảo vận hành 1.600 - 1.800MW, với sản lượng truyền tải trên 12 tỷ kWh/năm, cao gấp 6 lần so với khi đường dây 500kV mạch 1 đưa vào vận hành.

Để đảm bảo điện mùa khô năm 2014 và những năm tiếp theo cho khu vực miền Nam, đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, với quy mô 437,5 km (hai mạch) và Trạm 500kV Cầu Bông được khởi công xây dựng từ ngày 23/10/2011 và đã hoàn thành đóng điện vào ngày 5/5 vừa qua. Việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được xác định là đường dây 500kV mạch 3 của hệ thống lưới truyền tải điện Bắc - Nam. Qua đó tăng khả năng truyền tải đoạn từ Pleiku vào miền Nam lên 2.300MW, ngay khi đưa vào vận hành để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Nam, làm cơ sở để hình thành hệ thống liên kết lưới điện truyền tải 500kV của Việt Nam với lưới điện trong khu vực.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động