Việt Nam hướng tới chỉ xuất khẩu sản phẩm khoáng sản sau chế biến
17:53 | 22/12/2012
>> Hiện trạng và quy hoạch phát triển nguồn than
>> Bãi bỏ quy định cấm vận chuyển khoáng sản ra khỏi địa phương
>> Thành lập Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia
>> Đánh giá tổng thể bể than Quảng Ninh
>> Sẽ điều chỉnh một số nội dung kỹ thuật trong Đề án thăm dò than
Nước ta có nguồn tài nguyên khoáng sản rất dồi dào với trên 5.000 mỏ và điểm quặng đã có 60 loại khoáng sản đã được phát hiện. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải nhập nhiều loại sản phẩm từ khoáng sản, kể cả từ những loại khoáng sản mà trong nước có tiềm năng dồi dào.
Chiến lược phát triển khoáng sản đến năm 2020 tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ sẽ không xuất khẩu khoáng sản thô, chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị cao đối với khoáng sản quy mô lớn.
Bất cập và lãng phí
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (năm 2011), Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú. Ngành khai thác khoáng sản (bao gồm cả dầu khí) đóng góp 10 - 11% GDP và đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 28%. Ngành khai thác khoáng sản đã có đóng góp tích cực trong việc giải quyết việc làm cho 275,6 nghìn người, chiếm 0,96% tổng lực lượng lao động. Như vậy có thể nói, ngành khai thác khoáng sản có đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy vậy, theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam), nước ta có nguồn tài nguyên dồi dào nhưng chúng ta vẫn chưa quản lý và khai thác tốt nguồn tài nguyên đó, vì vậy hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều loại sản phẩm từ khoáng sản. Nhu cầu nguyên liệu khoáng sản, nhất là than của nền kinh tế ngày càng tăng cao vượt quá khả năng khai thác trong nước, trong khi tài nguyên không phải là vô tận, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn và công nghệ khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nói chung còn lạc hậu, nhiều mỏ, vùng mỏ chưa tìm được công nghệ khai thác thích hợp và nhiều loại khoáng sản chưa nắm được công nghệ chế biến sâu.
Theo nghiên cứu của Viện Tư vấn phát triển (CODE), tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác còn cao. Đặc biệt ở các mỏ hầm lò, mỏ địa phương quản lý. Một số điều tra nghiên cứu cho thấy tổn thất khai thác khoáng sản như khai thác than hầm lò, tổn thất 40 - 60%, khai thác apatit 26 - 43%, quặng kim loại 15-30%, vật liệu xây dựng 15 - 20% và dầu khí là 50 - 60%.
Lý giải điều này, Ths. Nguyễn Đình Hòa (Viện Tư vấn phát triển) cho rằng: “Do năng lực hạn chế, khai thác ở mức độ cơ giới hóa thấp nên đa số các mỏ nhỏ hiện nay chỉ lấy được những phần trữ lượng giàu, bỏ đi toàn bộ phần quặng nghèo và khoáng sản đi cùng dẫn đến không thể tận thu được. Tổn thất trong chế biến khoáng sản ở mức độ cao”.
Một trong những lí do khiến cho tình trạng khai thác khoáng sản ở nước ta chưa đạt hiệu quả cao vì đa phần các loại khoáng sản phân bố rải rác ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa trình độ phát triển kinh tế - xã hội và dân trí thấp, gây khó khăn cho công tác đầu tư và quản lý hoạt động khai thác.
Cùng với đó, công tác lập và thực hiện chiến lược, quy hoạch khoáng sản còn nhiều bất cập và yếu kém gây hậu quả nghiêm trọng đến việc quản lý, đầu tư, khai thác và sử dụng khoáng sản. “Có một tình trạng chung của các chiến lược, quy hoạch khoáng sản là sau khi được phê duyệt chưa lâu, thậm chí mới chỉ thông qua cấp Bộ và đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đã bị lạc hậu hoặc không phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến nhiều bất cập, yếu kém trong quản lý và hoạt động khoáng sản”, PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam cho biết.
Chỉ xuất khẩu sản phẩm khoáng sản sau chế biến
Nhiều nước trong khu vực đang tìm cách “bảo toàn” nguồn tài nguyên khoáng sản trong nước, khai thác nguồn nguyên liệu thô của nước ngoài để đảm bảo nguồn cung cho sản xuất trong nước. Trong khi đó, thời gian qua, Việt Nam đã để tình trạng “chảy máu khoáng sản”, xuất khẩu khoáng sản thô ra nước ngoài. Điều này gây lãng phí nguồn tài nguyên và lợi nhuận thu được ít.
Thực tế hiện nay, sản phẩm khai thác chế biến khoáng sản ở Việt Nam phần lớn mới dừng lại ở sản phẩm tinh quặng, giá trị và hiệu quả sử dụng thấp, chưa tương xứng với giá trị của khoáng sản. Đến nay, mới chế biến sâu đến sản phẩm cuối cùng (kim loại) đối với một số loại khoáng sản như kẽm, đồng, sắt... Nền kinh tế của nước ta hiện nay và trong những năm tới có nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu khoáng sản. Đây là một quy luật tất yếu của nền sản xuất công nghiệp.
Theo TS. Lê Ái Thụ (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), thời gian qua, khoáng sản của Việt Nam hầu hết được xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng của khoáng sản đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội bị giảm đáng kể.
“Theo cách phân ngành kinh tế hiện hành, giá trị gia tăng của khoáng sản đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội chỉ bao gồm phần giá trị gia tăng của khoáng sản thuộc công đoạn khai thác. Phần giá trị gia tăng của khoáng sản thuộc công đoạn chế biến không được tính đến. Chính điều này đã phần nào giảm vai trò và giá trị đóng góp của khoáng sản vào tổng sản phẩm quốc nội”, TS. Thụ lí giải.
Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam, mặc dù nhà nước quy định giá than vận hành theo cơ chế thị trường nhưng trên thực tế cho đến nay giá bán trong nước vẫn do Nhà nước quy định thấp hơn so với giá xuất khẩu, nhất là giá than bán cho sản xuất điện quá thấp so với giá thành (chỉ bằng 50 - 70%). Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chảy máu khoáng sản”. Vì vậy cần có chính sách điều chỉnh giá nội địa sao cho phù hợp để hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô.
Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định sẽ ưu tiên điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản cả phần đất liền và biển, hải đảo để làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản. Đồng thời cũng quy định chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị cao đối với khoáng sản quy mô lớn bởi việc xuất khẩu thô khiến giá trị thu về không xứng đáng với tiềm năng khoáng sản của nước ta. Tuy vậy, để thực hiện tốt việc này cần phải nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng công nghệ chế biến sâu.
Đầu tư khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng
Thực tế hiện nay ở nước ta là nơi nào có khai khoáng, nơi đó có ô nhiễm. TS. Trần Xuân Hòa, Chủ tịch HĐTV Vinacomin chia sẻ: “Khai thác khoáng sản luôn luôn đi kèm với vấn đề môi trường. Đây là thách thức không chỉ với ngành khai khoáng Việt Nam mà còn là thách thức của cả thế giới. Vấn đề xử lý môi trường, đặc biệt là tạo môi trường sạch xanh trong khai thác mỏ đang là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia hiện nay”. TS. Hòa cho rằng, điều kiện khai thác mỏ hiện ngày càng khó khăn, đặt ra vấn đề bức thiết về an toàn trong khai thác khoáng sản.
Tại nhiều địa phương đang diễn ra khai thác khoáng sản hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái… đang là vấn đề “nóng”. Theo báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ - Môi trường của Quốc hội cho thấy trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Việc vi phạm pháp luật về môi trường trong khai thác, kinh doanh, chế biến khoáng sản ngày càng đáng lo ngại. Từ năm 2007 đến tháng 7/2012, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện, xử lý 4.142 vụ. Riêng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 phát hiện và xử lý 2.117 vụ, phạt vi phạm hành chính 21,7 tỉ đồng.
Theo nghiên cứu, đánh giá của Viện Tư vấn phát triển (CODE) thì việc khai thác khoáng sản sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước và nước thải. Một số đơn vị khi tiến hành kiểm tra phát hiện có hàm lượng ô nhiễm cao như nước thải của Công ty than Mông Dương có hàm lượng sunfua vượt 1,9 lần, cá biệt có đơn vị cho kết quả quan trắc vượt tiêu chuẩn cho phép trên 10 lần… Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản cũng có thể gây ô nhiễm, làm biến đổi địa hình tự nhiên, ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên của khu vực.
Chiến lược phát triển khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã khẳng định cần đẩy mạnh khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản để đưa công nghiệp khai khoáng phát triển bền vững. PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam đề xuất cần phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tiếp thu khoa học hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác khoáng sản. Ưu tiên lựa chọn thiết bị, công nghệ mới theo hướng sản xuất sạch, nâng cao tối đa mức độ cơ giới hóa các khâu sản xuất. Coi trọng và đẩy mạnh áp dụng các giải pháp sản xuất sạch để nâng cao hiệu quả và giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cần phải nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, lao động trong ngành công nghiệp khai khoáng.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến:
Khai thác khoáng sản gây tổn hại môi trường nghiêm trọng
Việc phát triển nhanh cả về số lượng doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản đang gây nên những tổn hại về môi trường nghiêm trọng. Song không tạo được nhiều việc làm cho người lao động và phát triển công nghiệp địa phương.
TS. Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội KH&CN mỏ Việt Nam:
Công nghiệp khai khoáng nước ta còn nhiều bất cập
Thực trạng ngành công nghiệp khai khoáng nước ta còn có những vấn đề bất cập. Công tác lập và thực hiện chiến lược, quy hoạch khoáng sản nhiều yếu kém gây hậu quả nghiêm trọng cho việc quản lý, cấp phép, đầu tư, khai thác và sử dụng khoáng sản…Điều kiện khai thác mỏ của chúng ta ngày càng khó, dầu khí và than ngày một khó hơn, vấn đề an toàn xử lý sự cố trong quá trình khai thác đang là thách thức đòi hỏi ngành công nghiệp mỏ chúng ta phải giải quyết. Thứ hai, chúng ta là một nước xuất khẩu nhiên liệu dầu và than, nhưng dần dần, chúng ta đã và đang chuyển sang nhập khẩu.
TS. Nguyễn Thị Kim Ngân (Trường Đại học Mỏ - Địa chất):
Cần điều chỉnh thu phí nước thải trong khai thác khoáng sản
Ở Việt Nam, phí nước thải nói chung và phí nước thải công nghiệp nói riêng được bắt đầu triển khai từ năm 2003. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp ở nước ta còn bộc lộ nhiều bất cập, nhất là hoạt động khai thác khoáng sản. Tỷ lệ thu phí chưa cao, đặc biệt chưa đạt được mục tiêu giảm xả thải chất ô nhiễm vào nguồn nước do các chủ nguồn thải vẫn tiếp tục tăng xả thải gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy cần áp dụng hai loại phí: phí cố định (phí hành chính) và phí biến đổi (phí biến đổi trong một quý của cơ sở sản xuất tính theo tổng lượng ô nhiễm gây ra trong quý và mức phí tính trên một đơn vị ô nhiễm gây ra).
CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Triều Tiên nghi binh để tránh xấu hổ với quốc tế?
Chuyện cha truyền con nối của đại gia Trầm Bê
'Tăng lửa' phá 'băng' bất động sản
Trung Quốc và chiêu bài 'đội tàu dân sự giả danh'
Hé lộ thế hệ lãnh đạo thứ sáu của Trung Quốc
Ẩn số Shinzo Abe trước chính sách đối ngoại Bắc Kinh
Nguồn TTXVN