RSS Feed for Than nhập khẩu đã chiếm 1/4 thị phần của Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 05:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Than nhập khẩu đã chiếm 1/4 thị phần của Việt Nam

 - "Trong 7 tháng năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu trên 8 triệu tấn than, chiếm 1/4 thị phần thị trường than của Việt Nam", ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2016, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25/8/2016, tại Hà Nội.

Tăng cường tiêu thụ để giảm tồn kho than
Xây dựng ngành Than thành ngành công nghiệp phát triển

Theo ông Nguyễn Văn Biên, thì trong số hơn 8.000.000 tấn nhập khẩu 7 tháng của năm 2016, TKV chỉ nhập 900.000 tấn, còn lại chủ yếu là của các doanh nghiệp nhập khẩu thương mại. Sản lượng than nhập khẩu từ các nước bán vào Việt Nam tăng nhanh gây sức ép lên ngành than nội địa.

Ông Biên cũng cho biết, năm 2016, TKV chủ trương sẽ sản xuất và tiêu thụ khoảng 36 triệu tấn than. Nhưng đến nay, TKV đã phải giảm kế hoạch sản lượng xuống còn 33 triệu tấn. 

Theo tính toán, than vẫn chiếm tới 39% cơ cấu năng lượng thế giới. Giá than hiện nay đã tăng nhẹ, lên khoảng 70USD/tấn nhưng vẫn đang ở mức thấp, trong bối cảnh các chi phí và điều kiện khai thác than ngày càng khó khăn.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị giao ban ngành Công Thương trước đó, ông Nguyễn Văn Biên đã lý giải nguyên nhân vì sao than trong nước kém cạnh tranh hơn so với than nhập khẩu, và cho rằng, thuế tài nguyên của Việt Nam cao hơn các nước như Indonesia, Úc, Trung Quốc từ 5 - 7%.

Trong khi, theo Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội, thuế tài nguyên tiếp tục tăng thêm từ ngày 1/7/2016. Theo đó, sản phẩm than khai thác lộ thiên sẽ tăng 12% và than khai thác hầm lò 10%. Theo tính toán, với mức thuế tài nguyên điều chỉnh tăng đồng nghĩa với việc TKV tăng chi phí phải nộp lên khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

Vì thế, TKV đề xuất giảm thuế tài nguyên trong nước, tránh để than nước ngoài tràn vào Việt Nam làm ảnh hưởng đến sản xuất, tình hình việc làm của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Phân tích về chính sách thuế tài nguyên; chính sách thuế, phí đối với khai thác khoáng sản, PGS, TS. Nguyễn Cảnh Nam (Hội đồng Khoa học - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam) cho rằng: Thuế tài nguyên Việt Nam không những không giảm mà còn tăng lên làm cho thuế tài nguyên của chúng ta vốn dĩ đã cao nhất thế giới lại cao thêm, đi ngược lại với tinh thần của chính sách coi tài nguyên khoáng sản là nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Theo TS Nam: Một số ý kiến cho rằng tăng thuế tài nguyên cũng để tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản. Điều đó là ngụy biện và phi thực tế. Việc tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản chỉ có thể thực hiện thông qua nâng cao chất lượng và tăng cường kỷ cương công tác quy hoạch, công tác cấp phép, công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản và các chính sách hợp lý đối với tài nguyên khoáng sản. Qua xem xét mọi khía cạnh việc tăng thuế suất thuế tài nguyên chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là để tăng thu NSNN.

Do vậy, theo TS Nguyễn Cảnh Nam, Việt Nam cần đổi mới chính sách thuế, phí nói chung, trong đó có thuế tài nguyên nói riêng đối với khai thác khoáng sản theo hướng thay vì tận thu tài chính cho tăng thu ngân sách chuyển sang khuyến khích tận thu tối đa tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nên xem xét bổ sung, sửa đổi một số quy định bất hợp lý của Luật Khoáng sản, trong đó bỏ quy định về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vì nó trùng lặp với thuế tài nguyên.

NangluongVietnam Online

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động