RSS Feed for Chế biến dầu khí ở Việt Nam: Thách thức và cơ hội [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 16:40
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chế biến dầu khí ở Việt Nam: Thách thức và cơ hội [Kỳ cuối]

 - Việt Nam đã có Nhà máy lọc dầu Dung Quất (công suất 6,5 triệu tấn) đang hoạt động bình thường, Tổ hợp lọc - hóa dầu Nghi Sơn (công suất 10 triệu tấn) và dự án hóa dầu Long Sơn đang khởi động lại sau một thời gian ngưng trệ. Sau khi Tổ hợp lọc - hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động thì tổng công suất chế biến của Việt Nam cũng sẽ xấp xỉ nhu cầu nội địa về nhiên liệu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện này thì điều đó cũng không còn quan trọng lắm, bởi vì thị trường khu vực có thể bảo đảm nhu cầu trong nước hầu như vô điều kiện. Thiết nghĩ, trước khi đặt kế hoạch, hoặc quy hoạch cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến dầu khí Việt Nam trong tương lai, cần phân tích rất kỹ lưỡng những bài học và kinh nghiệm ở các dự án đã được thực thi. Vì không phải là "người trong cuộc", tác giả chỉ xin nêu một số suy nghĩ qua quan sát và lý giải của mình.

Chế biến dầu khí ở Việt Nam: Thách thức và cơ hội [Kỳ 1]
Chế biến dầu khí ở Việt Nam: Thách thức và cơ hội [Kỳ 2]

GS,TSKH. HỒ SĨ THOẢNG

KỲ CUỐI: MẤY SUY NGHĨ VỀ NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN DẦU KHÍ Ở VIỆT NAM

Thứ nhất: Trong tương lai, chắc chắn nhu cầu nội địa các sản phẩm lọc dầu với tư cách là nhiên liệu sẽ còn tăng và công suất hai nhà máy hiện hữu sẽ không đáp ứng đủ. Nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay và cao hơn nữa thì yêu cầu xây thêm nhà máy lọc dầu không phải là nhu cầu bắt buộc (để bảo đảm an ninh năng lượng như chúng ta vẫn hay nói).

Do đó, đối với những dự án mới cần tính toán nghiêm túc các điều kiện thực tế trong nước và khu vực về quy mô, nguyên liệu, thị trường, chất lượng sản phẩm, cấu hình chế biến… Các dự án mới phải là dự án chế biến sâu, kết hợp lọc dầu và hóa dầu một cách phù hợp nhất với yêu cầu của thị trường trong nước và khu vực để bảo đảm thu được lợi nhuận cao nhất có thể.

Thứ hai: Về hóa dầu, Tổ hợp lọc - hóa dầu Nghi Sơn đã có một nhánh đi từ các hợp chất vòng thơm và Long Sơn đi từ các khí nhẹ. Cần bổ sung nhánh hóa dầu cho Dung Quất, mục đích chính là để nâng cao hiệu quả của nhà máy trong điều kiện mở rộng hợp lý nhà máy.

Đây là cơ hội để điều chỉnh cấu hình nhà máy đến mức tối ưu hướng về tương lai. Bởi khi xây dựng Nhà máy Dung Quất chúng ta đã bỏ qua nhánh hóa dầu không phải do không biết tầm quan trọng của sự liên kết giữa lọc và hóa dầu mà do hạn chế năng lực và tài chính. Cũng do các hạn chế đó mà chúng ta đã chọn cấu hình nhà máy chủ yếu phù hợp để chế biến dầu ngọt Bạch Hổ trong thời gian sản lượng mỏ này đang lên. Đó là một nhược điểm. Sự kéo dài thời gian thực hiện dự án đã làm cho lợi thế về dầu nhẹ Bạch Hổ mất đi, kèm theo đó là bất cập về đáp ứng sự thay đổi tiêu chuẩn sản phẩm.

Thứ ba: Luận chứng khả thi (Feasibility Study - FS) của dự án là hết sức quan trọng. Dự án Dung Quất được làm FS rất nghiêm túc với sự tham gia của của các công ty tư vấn hàng đầu thế giới; IRR của dự án chỉ đạt từ 7% đến 11%. Đó là lý do các đối tác quốc tế, sau khi không được thỏa mãn với đề nghị được làm nhà thầu EPC, hoặc tiêu thụ sản phẩm để bù đắp lợi nhuận thấp, họ phải rời dự án.

Nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chèo chống được; qua bao nhiêu trắc trở, dự án đã thành công và hiện nay đang vận hành với hiệu quả tốt. Sau khi Nhà nước "buông ra", không còn "ưu đãi 3-5-7" (do áp đặt thuế nhập khẩu một cách không hợp lý mới sinh ra "ưu đãi" này), nhà máy đã vận hành thật sự có lãi. Hóa ra do "đầu bài" không đúng, cho nên ngay một số nhà kinh tế cũng giải sai, đổ lỗi cho nhà máy là được ưu đãi mà làm ăn thua lỗ. 

Thứ tư: Về cơ chế chính sách nhà nước đối với ngành công nghiệp này là hỗ trợ nhưng không làm thay và bao cấp hay ưu đãi. Dung Quất và Nghi Sơn chắc là đã cho chúng ta nhiều bài học, trong đó có bài học về chủ trương của Nhà nước đối với đối tác nước ngoài.

Ở dự án Dung Quất chúng ta đã từ chối không cho đối tác tiêu thụ sản phẩm cho nên họ rút lui, trong khi ở dự án Nghi Sơn thì vì cam kết với các đối tác, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang khó khăn vì sẽ phải bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Thế nào là đúng, thế nào là sai? Tốt nhất là để dự án tự bươn chải trên thương trường, Nhà nước chỉ hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi trong thực thi và vận hành dự án chứ không nên can thiệp bằng những biện pháp tài chính. Dung Quất đã chứng tỏ là một dự án hiệu quả, sau 7 năm vận hành, dù chưa trả hết nợ vốn vay, đã nộp ngân sách 6,5 tỷ USD.

Thứ năm: Dự án Dung Quất đã cho thấy Việt Nam có thể tham gia nền công nghiệp chế biến dầu với độ khó vào loại cao nhất trong các ngành công nghiệp chế biến. Dù phải thừa nhận những nhược điểm mà người ta vẫn gán cho người Việt Nam là có thật thì những người đang vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã chứng tỏ là chúng ta có thể học hỏi và tiếp thu, vận hành công nghệ vào loại phức tạp nhất này ở trình độ quốc tế chấp nhận được.

Điều đó cho thấy, việc có đầu tư thêm dự án nào nữa hay không chỉ phụ thuộc vào tính khả thi của dự án, bao gồm phương án tài chính, giải pháp nguồn nguyên liệu, khả năng và cơ hội tiếp cận thị trường, giải pháp công nghệ và cấu hình nhà máy, mô hình quản lý, cùng một số tiêu chí kỹ thuật khác, còn về nguồn nhân lực kỹ thuật chắc chắn sẽ có giải pháp thỏa đáng.

Như vậy, trong ba mảng yêu cầu chủ yếu thì có đến hai mảng chúng ta cần đến yếu tố ngoại lực là công nghệ và tài chính. Nhưng để có được hai yếu tố ngoại lực này tốt nhất có thể thì lại cần những nhân sự liêm chính và tài năng.

Thiết nghĩ, nếu có cách tiếp cận thỏa đáng thì đây là điều trong tầm tay.

Thứ sáu: Về mô hình đầu tư, hiện đã có Nghi Sơn và Long Sơn là liên doanh với nước ngoài, trong đó họ chiếm đa số cổ phần. Dung Quất đang trong quá trình cổ phần hóa. Như vậy, những dự án mới nên theo mô hình cổ phần, trong đó Nhà nước (ví dụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) cũng không nên chiếm đa số, nhất là trong lúc các doanh nghiệp quốc doanh (kể cả đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước giữ đa số) đang bị phê phán là năng suất thấp; kém hiệu quả; có nguy cơ lãng phí, tham nhũng; quản lý kém và về mặt xã hội thì dễ bị hình sự hóa các sai sót trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vv…

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo

[1]. BP Statistical Review of World Energy June 2017; bp.com/statisticalreview (http://www.bp.com/en/global/corporate/energy-economics/statistical-review-of-world-energy/oil/refining.html)

[2]. Global Refining Outlook 2016 – 2035. Stratas Advisors A Hart Energy Company. Webinar  and Live Q & A. March 10, 2016.     (https://stratasadvisors.com/~/.../GlobalRefiningOutlook_Webinar_March10_2016.pdf)

[3]. Petrochemical and Chemical Industry. Flanders Investment and Trade. (https://www.flandersinvestmentandtrade.com/.../CHINAS%20PETROCHEMICAL%20...)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động