RSS Feed for Ngành Than gặp khó do nhu cầu tiêu thụ giảm | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 16:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ngành Than gặp khó do nhu cầu tiêu thụ giảm

 - Qua 4 tháng đầu năm 2012, lượng than tiêu thụ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) chậm lại, với số lượng tồn kho lên đến 7,5 triệu tấn. Trước động thái giảm sút của thị trường trong nước và quốc tế, Vinacomin đã tiến hành các giải pháp như hạ giá bán than cả trong nước và quốc tế, tăng cường xuất khẩu than đi các thị trường, tiết giảm chi phí quản lý, sản xuất tối ưu, đảm bảo ổn định việc làm cho trên 13 vạn CNVCLĐ...

 




Trong nước giảm mua

Theo đánh giá của Vinacomin, than tiêu thụ trong nước 4 tháng đầu năm nay đã giảm trên 930.000 tấn (quý I tiêu thụ đạt 6,771 triệu tấn, đạt 21% và bằng 88% so cùng kỳ, dưới mức 25% bình quân của kế hoạc năm 2012). Lượng than tiêu thụ chủ yếu vào các hộ lớn là: xi măng, phân bón, vật liệu xây dựng... nay đồng loạt giảm mua số lượng lớn so cùng kỳ, dẫn đến lượng than tồn kho tại các cảng, khai trường của đơn vị ngành Than lên đến 7,5 triệu tấn.

Trước những thực trạng khó khăn của nền kinh tế trong nước, Vinacomin dự báo lượng than tiêu thụ sẽ giảm xuống 2 triệu tấn, dẫn đến kế hoạch tiêu thụ năm 2012 của thị trường nội địa giảm xuống còn 30 triệu tấn than.

Theo ông Phạm Văn Mật - Phó tổng giám đốc Vinacomin, Giám đốc Trung tâm điều hành sản xuất than Quảng Ninh cho biết: Thị trường đầy những trắc trở là nguyên nhân dẫn đến khó khăn cho hoạt động sản xuất của Vinacomin khi mà đầu năm trong quý I, giá bán cho một số hộ trong nước được Bộ Tài chính điều chỉnh tăng thêm 10% (bằng 90% giá than xuất khẩu) là nhằm bù đắp vào chi phí giá thành sản xuất ra hòn than.

Vậy mà đầu quý II, tình hình đã thay đổi theo chiều hướng ngược lại do lượng than tiêu thụ chậm, tồn đọng nhiều nên Vinacomin lại phải điều chỉnh hạ giá bán than nội địa xuống thêm 3%, trong khi xuất khẩu giảm giá bán ngay trong quý I trung bình là 6% và sang quý II giảm tiếp 4% (tương đương từ 3-5USD/ tấn than).

Không chỉ giảm giá bán cho thị trường xuất khẩu, năm 2012 dòng thuế xuất khẩu áp cho mặt hàng này cũng tăng từ 13 lên đến 20%/mỗi tấn than, càng làm đội thêm chi phí sản xuất, trong khi 3 tháng đầu năm xuất khẩu cũng chỉ 2,739 triệu tấn (đạt 20,3 % kế hoạch).

Than tồn đọng nhiều khiến các đơn vị trực tiếp khai thác lo lắng. Lãnh đạo ở một Cty có diện khai thác lớn tại TP.Hạ Long băn khoăn trước sản lượng khai thác ra còn tồn lớn ở các kho chứa trên khai trường, dẫn đến vốn đầu tư trên 100 tỉ đồng vay từ ngân hàng bị đọng lại.

Tăng xuất khẩu, giữ ổn định sản xuất

Trong những giải pháp mà lãnh đạo Vinacomin đưa ra liên quan đến hoạt động tiêu thụ than trong quý II là giảm giá bán, kích thích nhu cầu cho thị trường xuất khẩu. Dự liệu ban đầu trong năm 2012, Vinacomin sẽ xuất khẩu 13,5 triệu tấn than các loại. Nhưng nay, do tình hình trong nước tiêu thụ “bấp bênh”, ban lãnh đạo Vinacomin đã cho rà soát lại thị trường nội địa và quyết định đưa ra phương án tăng lượng xuất khẩu lên thêm 1 triệu tấn, nâng con số của năm 2012 là 14,5 triệu tấn than sạch.

Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Vinacomin, tiêu thụ chủ yếu là các loại than cám 11A-B và 12 A-B, trong năm nay dự kiến sẽ nhập khoảng 10 triệu tấn. Để kích cầu thị trường này, Vinacomin đã đàm phán, ký với đối tác Trung Quốc về sản lượng nhập 6 tháng/hợp đồng và điều chỉnh giá bán 3 tháng/lần. Riêng chủng loại than tốt dành cho thị trường Nhật Bản, Vinacomin đã tiến hành đàm phán giá trong tài khóa mới của bạn hàng.

Theo đánh giá, chủng loại than tốt cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc trong cơ cấu xuất khẩu không nhiều so với Trung Quốc, nhưng giá bán lại giảm mạnh (than cục số 2B có nhiệt năng cao, giá bán áp dụng trong tháng 4.2012 là 212USD/ tấn, giảm 100USD so với giá bán áp dụng năm 2011).

Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ của ngành Than cũng cho thấy nhiều lạc quan do kế hoạch xuất khẩu trong quý II đã được ký kết xong với phía đối tác. Điều quan ngại chủ yếu phụ thuộc vào việc điều tiết tiêu thụ tại chính thị trường nội địa có khả quan như kế hoạch của Vinacomin hay không còn phụ thuộc nhiều vào triển vọng sáng sủa của nền kinh tế trong nước.

Trước những thách thức từ tiêu thụ, giá bán than giảm khiến nguồn tài chính dành cho hoạt động sản xuất gặp khó khăn, Phó tổng giám đốc Vinacomin, ông Phạm Văn Mật khẳng định: Quan điểm điều hành của Vinacomin là phải giữ ổn định sản xuất, đảm bảo đủ việc làm và thu nhập cho tất cả CNLĐ; ưu tiên đầu tư đào lò, XDCB, bóc đất đá cho các đơn vị khai thác hầm lò, lộ thiên để chuẩn bị cơ hội phát triển cho những năm tới; tiết giảm chi phí quản lý, sản xuất ở mức 5% (cụ thể là không mua xe con, tạm dừng xây dựng văn phòng, nhà điều hành mới...); tiếp tục đề nghị Chính phủ, các bộ ngành xem xét thị trường hóa giá than theo lộ trình năm 2013; đôn đốc, thu hồi nợ đọng tiền ở ngành điện (hiện còn thiếu 2.500 tỉ đồng từ mua điện của Vinacomin và mua than).

Trước mắt, Vinacomin sẽ tập trung phát hành trái phiếu quốc tế và tìm kiếm hợp tác từ các tổ chức tài chính khác để có nguồn vốn lãi suất thấp, duy trì ổn định cho ngành khai thác than trong năm 2012 dự kiến phải đầu tư trên 32.000 tỉ đồng.

 


Trần Ngọc Duy (nguồn: Laodong)


 

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động