RSS Feed for Khoa học công nghệ là nền tảng trong hoạt động của EVN | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 03:36
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Khoa học công nghệ là nền tảng trong hoạt động của EVN

 - "Là tập đoàn có hàm lượng công nghệ cao, trong quá trình điều hành, cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khoa học - công nghệ luôn khẳng định vai trò then chốt, là nền tảng và động lực quan trọng giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo cung ứng đầy đủ điện năng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và sinh hoạt của người dân" - Đó là phát biểu của ông Ngô Sơn Hải - Phó tổng giám đốc EVN tại Hội nghị khoa học và công nghệ điện lực toàn quốc năm 2017, ngày 15/11/2017, tại Hà Nội.

Đến năm 2030 KHCN điện Việt Nam đạt trình độ tiên tiến thế giới
Điện lực miền Bắc và cách mạng công nghiệp 4.0 (Kỳ 1)
Điện lực miền Bắc và cách mạng công nghiệp 4.0 (Kỳ 2)

Phó tổng giám đốc EVN - Ngô Sơn Hải.

Phát biểu tại hội nghị, Phó tổng giám đốc EVN - Ngô Sơn Hải cho biết, bước vào năm 2017, với chủ đề "Đẩy mạnh khoa học công nghệ", EVN một lần nữa khẳng định mục tiêu của Tập đoàn trong năm 2017 cũng như các năm tiếp theo là triển khai ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, áp dụng trong quản lý điều hành, đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống điện, kinh doanh, dịch vụ khách hàng, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó là quyết liệt triển khai có hiệu quả các dự án nguồn, đảm bảo cân đối cung cầu giữa các vùng miền, nâng cao độ tin cậy vận hành hệ thống, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh, doanh, gắn với bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Cụ thể hóa nội dung trên, EVN đã ban hành Quy chế Quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong Tập đoàn. Theo đó sẽ ứng dụng, phát triển công nghệ mới, hiện đại trong quản lý, vận hành và đầu tư xây dựng như: công nghệ đập thủy điện bê tông đầm lăn, công nghệ nhiệt điện than, năng lượng gió, điện mặt trời, ứng dụng dây dẫn siêu nhiệt, máy biến áp tổn hao thấp, SVC, trạm GIS… Phát triển các trung tâm điều khiển xa và trạm không người trực. Ứng dụng công nghệ sửa chữa Hotline không cắt điện. Nghiên cứu máy bay không người lái, Flycam trong quản lý, vận hành đường dây.

Trên thực tế, EVN đã ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh. Cụ thể là phát triển hệ thống phần mềm dùng chung áp dụng trong toàn Tập đoàn, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường điện theo các cấp độ, Smart gird (AMR, AMI, HES…), hệ thống thu thập dữ liệu, đọc chỉ số công tơ…

Theo ông Ngô Sơn Hải, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam trong những năm qua tăng trưởng ở mức rất cao (khoảng 11% trong 5 năm qua). Theo Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh), dự báo trong các năm tới cũng sẽ vẫn trên 10%. Đây là mức tăng trưởng điện cao so với các nước trên thế giới. Với mức tăng trưởng như vậy thì yêu cầu về đầu tư vào hệ thống điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải là khoảng 7,9 tỷ USD/1 năm.

Tính đến hết năm 2016, tổng công suất đặt phần nguồn điện đạt 41.422 MW, trong đó EVN sở hữu 60% và Việt Nam đã đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á về công suất đặt (sau Indonesia). Đến cuối năm 2016, tổng chiều dài đường dây cấp điện áp 500kV là 7.346 km, cấp 220kV và 110kV là 35.000 km và trên 400.000 km đường dây trung, hạ thế. Tổng số khách hàng dùng điện là 23 triệu khách hàng.

"Với qui mô hệ thống ngày càng lớn như vậy, việc đảm bảo cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng cao sẽ là một thách thức rất lớn đối với ngành điện, vì vậy cần đặc biệt quan tâm và có các giải pháp phù hợp" - Ông Ngô Sơn Hải nhấn mạnh.

Với chủ đề "Nâng cao độ tin cậy, đảm bảo an ninh năng lượng hệ thống điện Việt Nam", hội nghị lần này bao gồm các báo cáo khoa học trong tập trung vào chủ đề, lĩnh vực liên quan đến phát triển nguồn điện, truyền tải, phân phối và sử dụng điện.

Từ hội nghị này, EVN mong muốn các đơn vị tham gia cũng như các cá nhân sẽ có được cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu, hợp tác trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực điện lực. Từ đó, tạo thêm động lực thúc đẩy và phát triển hơn nữa các hoạt động khoa học công nghệ cho toàn ngành điện trên toàn quốc.

Hội nghị Khoa học và công nghệ điện lực toàn quốc năm 2017.

Thành tựu từ hoạt động khoa học công nghệ

Báo cáo tổng kết hoạt động khoa học công nghệ của EVN giai đoạn 2014-2017, ông Nguyễn Quang Việt - Ban Khoa học công nghệ và Môi trường cho biết: Ngay từ khi mới được thành lập, EVN luôn chú trọng và đã đầu tư thích đáng vào hoạt động khoa học công nghệ, nhằm phục vụ đắc lực cho xây dựng và phát triển ngành Điện lực Việt Nam.

Cụ thể, công suất lắp đặt các nguồn điện của EVN từ mức 15.692 MW (năm 2011) tăng lên 26.164 MWMW (năm 2016), chiếm 63,16% công suất toàn hệ thống. Sản lượng điện sản xuất và mua tăng 106.500 GWh (năm 2011) lên 176.990 GWh (năm 2016). Sản lượng điện thương phẩm tăng từ 94.660 GWh (năm 2011) lên 177.590 GWh (năm 2017).

Tính đến hết năm 2016, EVN đã đưa điện lưới quốc gia đến 99,98% số xã và 98,95% số hộ dân nông thôn. Đặc biệt, chất lượng điện ngày càng được cải thiện. Tính chung toàn EVN, tổng thời gian mất điện trong năm của khách hàng bình quân (SAIDI) là 1.579 phút (giảm 25% so với năm 2015). Tần suất mất điện kéo dài bình quân (SAIFI) là 10,23 lần/khách hàng (giảm 23% so với năm trước). Tần suất mất điện thoáng qua bình quân (MAIFI) là 1,94 lần/khách hàng (giảm 4,35% so với năm 2015). Chỉ tiêu độ tin cậy của 5 tổng công ty điện lực đều tốt hơn so với kế hoạch.

Về chỉ số tiếp cận điện năng, thời gian bình quân giải quyết cấp điện đối với lưới trung áp tại 5 tổng công ty điện lực là 6,52 ngày, ngắn hơn so với chỉ tiêu (10 ngày). Những nỗ lực của EVN đã góp phần đưa chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đứng ở vị trí 96/190 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với xếp hạng năm 2015.

Trong giai đoạn 2014 -2017, EVN đã thực hiện các đề tài cấp nhà nước như: Đề tài "Nghiên cứu lựa chọn và ứng dụng các giải pháp hợp lý áp dụng cho lưới điện phân phối Việt Nam đạt tiêu chuẩn thông minh" và Đề tài "Hoàn thiện thiết kế và quy trình công nghệ chế tạo MBA 220 kV đạt tiêu chuẩn IEC 60076". Riêng đối với các đề tài, sáng kiến cấp EVN trong thời gian 2014 -2017, đã có 13 đề tài được thực hiện và 17 sáng kiến được công nhận. 

Các đề tài đều đảm bảo được ứng dụng tốt tại chỗ, một số đề tài có thể ứng dụng rộng rãi, như đề tài: Vệ sinh cách điện lưới điện phân phối (22, 35, 110 kV) đang mang điện bằng nước áp lực cao của Truyền tải điện 3. Hoặc đang được các đơn vị khác nghiên cứu để áp dụng như: Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công tác chăm sóc khách hàng; Xây dựng và tổ chức chấm điểm đánh giá kết quả thực hiện công việc của CBCNV của EVNSPC…

Ngoài ra, còn có các nghiên cứu như: sản xuất thiết bị hạn chế dòng điện ngắn mạch đã được lắp đặt tại trạm biến áp Bình An đạt hiệu quả cao, hạn chế được thiệt hại do dòng ngắn mạch tăng cao lên máy biến áp; nghiên cứu về sửa chữa điện Hotline cũng giúp cho việc giảm thiểu thời gian cắt điện để sữa chữa, thay thế thiết bị trên lưới…

Nhiều tập thể, cá nhân được nhận giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học Việt Nam trao như: "Nghiên cứu thiết kế tổ máy biến áp lực 3 pha 500 kV - 3 x 150 MVA" đoạt giải nhì năm 2013. Hoặc như đề tài "Nâng cao chất lượng điện năng qua việc hạn chế nhiễu sóng hài và quá điện áp nội bộ trong lưới điện phân phối" đã đạt giải nhì hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc của VIFOTEC, vv...

Tiếp đó, hội nghị được nghe phần trình bày các báo cáo trong phiên họp toàn thể và các phân ban, sau đó các đại biểu thảo luận, góp ý kiến cho các tác giả để lựa chọn ra một số đề tài có giá trị thực tiễn cao và triển khai áp dụng vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoặc trở thành các đề xuất cụ thể về chính sách đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.

MAI THẮNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động