RSS Feed for Tô thắm sắc xuân Năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 06:12
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tô thắm sắc xuân Năng lượng Việt Nam

 - Năm 2017 - qua hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) lần thứ III (Nhiệm kỳ 2016 - 2021), mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự cố gắng quyết tâm của Ban Chấp hành, nhất là bộ phận Thường trực, VEA đã cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành Năng lượng Việt Nam.

TRẦN VIẾT NGÃI - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

NHỮNG THÀNH TỰU TRONG NĂM 2017

Phát triển và không ngừng quan tâm lợi ích hội viên

Phát triển hội viên: Trong năm qua, công tác vận động các doanh nghiệp tham gia VEA đã được thực hiện tích cực và đã đạt được những kết quả tốt, đến nay VEA đã có 310 thành viên chính thức, trong đó có 270 thành viên là tổ chức và 40 thành viên cá nhân. Hoạt động của VEA đã có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong toàn quốc; trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI.

Không ngừng quan tâm đến lợi ích hội viên: VEA đã làm tốt nhiệm vụ đại diện cho hội viên kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, trong năm 2017, VEA đã có các các văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ: (i) Đề nghị tháo gỡ các vướng mắc tại dự án thủy điện La Ngâu của Công ty cổ phần thủy điện La Ngâu; (ii) Đề nghị chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, giao Công ty TNHH MTV Ngôi Sao Vàng thực hiện dự án Nhà máy đốt rác thải để phát điện tại các khu xử lý rác ở TP Hồ Chí Minh.

Tham gia xây dựng văn bản, chính sách của Đảng và Nhà nước

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của VEA, nhằm tạo điều kiện cho các quy định của pháp luật phù hợp với điều kiện với thực tế để các đơn vị thành viên thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, VEA đã quan tâm thực hiện nhiệm vụ này với trách nhiệm cao, các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan quản lý nhà nước xin ý kiến VEA đều được Thường trực Hiệp hội nghiên cứu nghiêm túc, tổng hợp ý kiến từ các đơn vị thành viên có liên quan để đóng góp ý kiến kịp thời và đã đạt được kết quả tích cực, nhiều kiến nghị của VEA đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan chấp thuận, hoặc chỉ đạo cho các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, sửa đổi.

Bên cạnh đó, VEA đã chuẩn bị tài liệu, báo cáo Ban Kinh tế Trung ương về tiềm năng và định hướng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Tài liệu được Ban Kinh tế Trung ương tham khảo để xây dựng báo cáo chuyên đề về năng lượng tái tạo trình Bộ Chính trị.  

Đồng thời, VEA đã tham gia góp ý dự thảo nhiều văn bản quan trọng như: Dự thảo Nghị định quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì sọan thảo. Tại văn bản này, VEA đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:

(i) Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường bãi bỏ văn bản số 5657/BTNMT-TCMT ngày 01/12/2016 về thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các dự án thủy điện do chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.

(ii) Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ xem xét sửa đổi quy định về cấp lại Giấy phép khai thác tài nguyên nước đối với những dự án thủy điện theo hướng phân cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt đối với các dự án thủy điện nhỏ.

(iii) Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét bổ sung, sửa đổi Nghị định số 72/2007/NĐ-CP về Quản lý an toàn đập cho phù hợp với Luật Thủy lợi và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan.

(iv) Chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định không được phép chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác tại Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

(v) Giao Bộ Công Thương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung, điều chỉnh Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam,...

Tuyên truyền chủ trương, chính sách của nhà nước

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để các thành viên Hiệp hội hiểu rõ về các chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, nhất là các quyết định phê duyệt quy hoạch, chiến lược của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng, góp phần xây dựng và phát triển ngành năng lượng Việt Nam bảo đảm theo đúng quy hoạch, chiến lược đã được duyệt. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, năng lượng mặt trời, sinh khối, thủy điện,…), góp phần vào việc giảm sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu khỏ, khí đốt), ngày càng cạn kiệt, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đã được đẩy mạnh.

Nhiệm vụ này được thể hiện qua các hoạt động sau:

Các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng được Hiệp hội phổ biến kịp thời đến các thành viên. 

Tạp chí Năng lượng Việt Nam/ NangluongVietnam Online (cơ quan ngôn luận chính thức của Hiệp hội), đã thường xuyên cập nhật các thông tin của các ngành (điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo); các lĩnh vực (năng lượng - môi trường, khoa học - công nghệ, văn hóa doanh nghiệp); đề xuất, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho ngành năng lượng. Ngoài ra, Tạp chí cũng tổ chức các diễn đàn để các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng có thể tham gia đóng góp ý kiến về những vấn đề nóng trong lĩnh vực năng lượng… Do có chủ đề phong phú, tin tức được cập nhật thường xuyên, trang NangluongVietnam Online đã được nhiều tổ chức trong nước, quốc tế cùng bạn đóc đánh giá cao.

Tổ chức các hội thảo chuyên đề

Trong năm 2017, VEA đã tổ chức nhiều Hội thảo quốc tế như:

Phối hợp với Hiệp hội Phát triển ngành Công nghiệp ESS Hàn Quốc (KEIDA) tổ chức Hội thảo về “Công nghệ nguồn, lưới điện trong hệ thống điện có tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo cao” tại Hà Nội vào ngày 14/3/2017 và TP Hồ Chí Minh ngày 16/3/2017. Hội thảo đã phân tích các công nghệ nguồn điện, nhất là các loại nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, trên cơ sở đó đề xuất công nghệ phù hợp đối với Việt Nam. Đề xuất ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh và sử dụng công nghệ lưu trữ năng lượng để kết nối, vận hành ổn định các nguồn năng lượng tái tạo nhằm tạo điều kiện khai thác có hiệu quả, góp phần khuyến khích phát triển, tăng tỷ lệ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo.

Hội thảo về “Tăng cường phát triển Thủy điện vừa và nhỏ, Năng lượng tái tạo” tổ chức tại ngày 28/7/2017. Qua Hội thảo, các đại biểu đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, nhưng đến nay chủ yếu tập trung khai thác nguồn thủy điện; các nguồn điện gió và điện mặt trời có quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, mặc dù nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đã được ban hành. Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc bổ sung, điều chỉnh các cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án nguồn năng lượng tái tạo. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, các doanh nghiệp, Hiệp hội đã có văn bản gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án năng lượng.

Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Kyushu (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo “Công nghệ của Nhật Bản trong vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ tại các nhà máy thủy điện” tại Hà Nội vào ngày 27/10/2017. Qua các báo cáo của các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hội thảo nhận thấy việc áp dụng Chương trình HNT tại các nhà máy thủy điện ở Việt Nam đem lại lợi ích kinh tế và tăng độ an toàn cho công tác vận hành hồ chứa đơn lẻ, cũng như hệ thống liên hồ chứa. Theo đề xuất của Hiệp hội, Tập đoàn Điện lực Kyushu đã đồng ý hỗ trợ kinh phí để thực hiện thí điểm Chương trình HNT tại 2 nhà máy thủy điện tại Việt Nam ngay từ năm 2018.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng cử chuyên gia có kinh nghiệm chuẩn bị tài liệu báo cáo tại các Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương, Báo Công Thương, Viện Kinh tế Việt Nam,… chủ trì.

Mở rộng hợp tác

Xây dựng và phát triển mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước: VEA đã cử lãnh đạo tham gia đầy đủ các cuộc họp hàng tháng, hàng quý tại Bộ Công Thương; tham gia các cuộc họp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để góp ý vào các dự thảo quy định phát luật để hạn chế đến mức thấp nhất các văn bản pháp luật ban hành ra gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế (đa phương và song phương) và trong nước, nhằm tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức trong nước. Trong năm qua, VEA đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Phát triển ngành Công nghiệp ESS Hàn Quốc (KEIDA); Công ty Điện lực Wongwang (Hàn Quốc) và Tập đoàn Điện lực Kyushu (Nhật Bản).

Tăng cường hoạt động kiểm tra thực tế: Trong năm 2017, VEA đã tổ chức đi thực tế, làm việc với các đơn vị thành viên: Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn; Nhà máy chế tạo cơ khí của Doosan Vina (Hàn Quốc); Tổng công ty Điện lực miền Trung; Công ty Xây lắp điện miền Trung; Ban Quản lý các dự án điện miền Trung;…

BẢY NHIỆM VỤ TRONG TÂM NĂM 2018

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Hiệp hội lần thứ III, năm 2018, VEA sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý: trên cơ sở Điều lệ sửa đổi, bổ sung sẽ được Bộ Nội vụ phê duyệt, Hiệp hội sẽ ban hành các Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; Quy chế quản lý, sử dụng tài chính; Quy định chức năng nhiệm vụ của các phòng, ban chuyên môn và các quy định khác trong nội bộ Hiệp hội.

Thứ hai, phát triển hội viên và chi hội mới: dự kiến năm 2018 phát triển thêm 10 - 20 hội viên mới. Xem xét phát triển các chi hội năng lượng tại các địa phương, nhất là tại các địa phương có nhiều thành viên Hiệp hội.

Thứ ba, quan tâm đến lợi ích của hội viên: làm tốt nhiệm vụ đại diện cho hội viên kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành chức năng về ban hành mới hoặc bổ sung, sửa đổi các chủ trương, chính sách, biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành năng lượng. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các trường hợp, vụ việc gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của ngành và của hội viên.

Bên cạnh đó, làm việc với các tổ chức quốc tế (đa phương và song phương) nhằm hỗ trợ các đơn vị thành viên phát triển hiệu quả, bền vững ngành năng lượng: (i) Tiếp tục làm việc với Hiệp hội Phát triển ngành Công nghiệp ESS Hàn Quốc (KEIDA) về nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc để thực hiện dự án lắp đặt thí điểm hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS) tại Việt Nam; (ii) Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Kyushu thực hiện để áp dụng thí điểm Chương trình HNT trong vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ tại các nhà máy thủy điện A Vương và Sông Tranh 2; đánh giá kết quả thực hiện thí điểm để xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng đại trà tại các dự án thủy điện, thủy lợi tại Việt Nam; (iii) Làm việc với các doanh nghiệp có năng lực và kinh nghiệm để hợp tác thực hiện chuyển đổi sang đốt sinh khối các nhà máy nhiệt điện đốt than cũ.

Thứ tư, tăng cường hoạt động kiểm tra thực tế: VEA sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Công Thương và các tập đoàn EVN, PVN, TKV, thực hiện chương trình đi thực tế để tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị thành viên, nhất là tại các dự án trọng điểm, các dự án năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành và đang được đầu tư xây dựng, các đơn vị đang gặp khó khăn để kịp thời đề xuất với lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết vướng mắc, giúp các đơn vị thành viên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, hoặc xem xét điều chỉnh các cơ chế, chính sách, các quy hoạch, chiến lược hiện hành, đã được phê duyệt để đảm bảo cung cấp có hiệu quả năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ năm, tăng cường mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước: VEA sẽ chủ động trong việc truyền đạt nguyện vọng của doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước; chủ động trong việc tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo ra môi trường ngày càng thuận lợi cho việc phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Làm việc với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên về tài chính, tín dụng, lãi suất, miễn giảm thuế và các cơ chế đặc thù, ưu đãi khác nhằm giúp các hội viên vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Thứ sáu, xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế (đa phương và song phương) và trong nước. Hỗ trợ các thành viên Hiệp hội trong việc hợp tác với các tổ chức quốc tế Hiệp hội đã ký Bản ghi nhớ hợp tác.

Thường xuyên tổ chức các Hội nghị, Hội thảo quốc tế nhằm tăng cường trao đổi các kinh nghiệm trong hoạt động thuộc lĩnh vực năng lượng.

Thứ bảy, đẩy mạnh công tác truyền thông: Tạp chí Năng lượng Việt Nam/ NangluongVietnam Online cập nhật thông tin về các hoạt động của ngành năng lượng Việt Nam, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển năng lượng; đồng thời phản biện những thông tin trái chiều gây ảnh hưởng xấu đến các đơn vị thành viên VEA nói riêng và ngành năng lượng Việt Nam nói chung. 

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động