RSS Feed for Điện gió Thứ sáu 29/03/2024 13:37
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện gió "vận tốc thấp" và cơ hội phát triển của Việt Nam

 - Tập đoàn Envision Energy là nhà tiên phong trong phát triển, sản xuất tua bin gió thông minh và cung cấp các giải pháp cho trang trại gió thông minh. Các tua bin điện gió của Envision có thể vận hành với tốc độ gió chỉ 4m/s. Nhờ có các thiết bị sử dụng thuật toán thông minh, các tua bin này có thể dự báo trước tốc độ, hướng gió, vì vậy tăng thêm hiệu suất và số giờ làm việc hiệu quả... Nhân dịp Envision vừa ra mắt Văn phòng đại diện tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với ông Li - Tao - Trưởng Văn phòng đại diện tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Envision Energy khai trương Văn phòng đại diện tại Việt Nam

Năng lượng Việt Nam: Được biết, Envision là một trong những tập đoàn được xếp hạng hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sản xuất thiết bị, cũng như đầu tư dự án, đặc biệt là các dự án điện gió. Ông có thể cho biết về ưu thế, thế mạnh của Envision và các thông tin trong việc cung ứng phát triển nguồn năng lượng tái tạo?

Ông Li - Tao: Envision là một Tập đoàn năng lượng lấy sản phẩm làm trung tâm, coi khách hàng làm mục tiêu dẫn đường và lấy thách thức làm gốc rễ cho sự phát triển. Envision được thành lập từ năm 2007, với sự đầu tư chuyên sâu trong nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, Envision đã cho ra đời tua bin gió dùng cho vùng gió vận tốc thấp đầu tiên tại Trung Quốc, mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho thị trường điện gió vận tốc thấp, từ đó trở thành ngọn cờ tiên phong của ngành điện gió.

Envision cũng là đơn vị đầu tiên đưa ra khái niệm tua bin gió thông minh và trang trại gió thông minh. Envision nhận thấy hiện tại đang là thời đại mà sự phát triển của phần mềm sẽ quyết định sự phát triển của phần cứng, do đó năm 2013 chúng tôi đã cho ra đời hệ thống phần mềm quản lý toàn bộ vòng đời của dự án trang trại điện gió mang tên Greenwich. Đây cũng là ưu thế của chúng tôi, dựa trên nền tảng phần mềm với đầy đủ tính năng chuyên dụng, toàn diện và có độ chính xác cao này, Envision sẽ cung cấp một phương án phát triển dự án tối ưu nhất cho khách hàng của mình.

Với thị trường Việt Nam, Envision có 3 ưu thế nổi trôi như sau:

Thứ nhất: Trang trại gió tiên tiến và kỹ thuật tua bin gió tiên tiến: Thông qua nền tảng Greenwich và Wind OS sẽ cung cấp cho khách hàng một bộ giải pháp từ giai đoạn nghiên cứu phát triển dự án, lập dự án cho đến xây dựng dự án và quản lý vận hành toàn bộ vòng đời dự án. Thông qua các ưu thế kỹ thuật của tua bin gió thông minh, trụ tua bin có chiều cao lớn và đường kính cánh quạt lớn để cung cấp phù hợp cho thị trường điện gió có vận tốc thấp của Việt Nam.

Thứ hai: Ưu thế của công nghệ Envision là giúp cho chủ đầu tư/nhà phát triển điện gió kiểm soát một cách chính xác rủi ro về thu nhập từ dự án. Mặt khác, thông qua việc cố định chi phí giá thành trong quá trình vận hành bảo dưỡng (O&M) dự án giúp cho chủ đầu tư/nhà phát triển dự án chốt được các rủi ro về vốn trong giai đoạn vận hành dự án sau này.

Thứ ba: Đa dạng hóa phương thức giải quyết nhu cầu vốn đầu tư dự án cho chủ đầu tư và chính sách hợp tác cùng đầu tư dự án linh hoạt: Envision qua quá trình phát triển đã kết nối được với rất nhiều các đối tác là các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính, do đó các nhà đầu tư/nhà phát triển dự án đến từ Việt Nam, hoặc nước ngoài có thể giải quyết vấn đề vốn đầu tư phát triển dự án thông qua các hình thức hợp tác khác nhau như xin đất lập dự án đầu tư (Greenfield), mua lại dự án hoặc BT.

Ông Li - Tao phát biểu tại lễ ra mắt Văn phòng đại diện Envision tại Việt Nam.

Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho biết thêm về việc đầu tư của Envision tại Trung Quốc cũng như tại nước ngoài, hoặc các dự án hợp tác đầu tư điển hình? Kế hoạch phát triển tại Việt Nam trong tương lai, cũng như kế hoạch đầu tư tại các nước khác?

Ông Li - Tao: Envision đã tiến hành đầu tư các dự án điện gió tại Trung Quốc với tổng công suất trên 15GW, trong đó dự án Lai An tại An Huy đã phá vỡ lịch sử không thể khai thác điện gió của tỉnh An Huy, mở ra kỷ nguyên khai thác điện gió vận tốc thấp tại Trung Quốc; Dự án Guang Ling Sơn Tây từ khi đưa vào vận hành đến nay luôn xếp hạng là dự án có lượng phát điện cao nhất toàn tỉnh; Dự án Jiang Jia Sha Giang Tô là dự án điện gió trên biển có khoảng cách xa bờ lớn nhất Trung Quốc.

Ngoài thị trường Trung Quốc, Envision cũng đã xây dựng một mạng lưới phát triển rộng rãi trên toàn cầu. Trước mắt tại thị trường các quốc gia phát triển như tại Pháp, Envision đã mua lại dự án 500MW, tại Mexico mua lại nguồn dự án 1.5GW, tại Argentina thông qua đấu thầu cạnh tranh trúng thầu dự án 180MW, tại Chile và cộng hòa Montenegro cũng đã có dự án đã hoàn thành lắp đặt.

Đối với thị trường các quốc gia đang phát triển, Envision coi thị trường Việt Nam là thị trường chủ đạo. Bắt đầu từ năm 2017, Envision chính thức xây dựng đội ngũ nhân lực để phát triển thị trường Việt Nam, trong vòng 1 năm đã đăng ký thành lập Văn phòng đại diện, nội địa hóa nhân lực bản địa. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 2 dự án tổng công suất 120MW quyết định sử dụng tua bin gió của Envision. Chúng tôi hy vọng trong vòng 2 năm tới sẽ đạt mục tiêu 2GW, sẽ đem những công nghệ tiên tiến nhất tới thị trường điện gió Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam phát triển nhanh và mạnh nguồn năng lượng tái tạo.

Năng lượng Việt Nam: Do vị trí địa lý và ảnh hưởng của khí hậu dẫn đến việc phát điện không ổn định, vì thế khi hòa lưới sẽ gặp phải nhiều vấn đề. Envision có giải pháp kỹ thuật nào để khắc phục được khuyết điểm này để có thể khai thác các dự án điện gió và điện mặt trời với hiệu quả cao nhất? Phương án giải quyết nào là phương án tối ưu nhất của Envision?

Ông Li - Tao: So với các dự án điện nhiệt điện than truyền thống thì nguyên vật liệu sản xuất của ngành năng lượng tái tạo tương đối không ổn định, ví dụ như nguồn tài nguyên gió thì rất khó có thể phán đoán khi nào có gió, và gió to thế nào, gió thổi từ hướng nào tới. Do đó, Envision đã tự nghiên cứu sáng chế và cho ra đời hệ thống phần mềm Greenwich, là phần mềm hội tụ tích hợp 5 lớp số liệu, bao gồm số liệu vệ tinh Mesoscale quốc gia, số liệu của các trạm đo gió trên toàn cầu và dữ liệu truyền về từ các cảm biến được lắp đặt trên từng tua bin gió của các dự án. Từ đó đưa ra đối chiếu phân tích, chỉnh sửa giữa quy hoạch vĩ mô và quy hoạch vi mô để tính toán và cung cấp một bản đồ tài nguyên gió chính xác và có tính đại diện cho vùng dự án. Đồng thời kết hợp với hai trung tâm siêu máy tính lớn nhất Trung Quốc để tính toán đưa ra mô hình mô phỏng thực tế luồng gió CFD có tính chính xác cao, từ đó có tác dụng hỗ trợ rất đắc lực cho việc đưa ra phương án quy hoạch lựa chọn vị trí khai thác vĩ mô cho đến vi mô.

Sau khi dự án được hòa lưới phát điện, Envision sẽ ứng dụng hệ thống phần mềm tự nghiên cứu sáng chế mang tên Wind OS để tiến hành quản lý vận hành và giám sát từ xa, kiểm soát theo thời gian thực toàn bộ số liệu và tình hình tại hiện trường dự án, thông qua hệ thống dự đoán công suất gió mang tên "Khổng Minh" để đưa ra dự báo về vận tốc gió và lượng phát điện cho tới 24 giờ và 7 ngày tiếp theo.

Ngoài ra, do kiểm soát tình hình vận hành của tua bin theo thời gian thực nên có thể thông qua hệ thống dự đoán để lựa chọn những ngày vận tốc gió thấp để tiến hành duy tu bảo dưỡng trước khi tua bin gió xảy ra lỗi, làm giảm thiểu tối đa tổn thất do việc dừng tua bin gây ra. Hệ thống phần mềm của Envision đã bao gồm toàn bộ từ việc lựa chọn quy hoạch cho đến quản lý vận hành toàn bộ vòng đời dự án, từ đó đưa ra một phương án hoàn chỉnh cho chủ đầu tư, xóa bỏ những nỗi lo, những nghi hoặc trong từng giai đoạn dự án cho khách hàng của mình.   

Năng lượng Việt Nam: Việt Nam có tiềm năng rất lớn về điện gió và điện mặt trời, hơn nữa Chính phủ Việt Nam cũng có rất nhiều lộ trình để phát triển quy hoạch điện gió, điện mặt trời. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tiến hành đầu tư điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam. Ông có thể cho biết kế hoạch phát triển của Envision tại Việt Nam?

Ông Li - Tao: Envision đánh giá cao về tiềm năng phát triển của thị trường điện gió Việt Nam, đây cũng là nguyên nhân mà Envision xác định phát triển mạnh về chiều rộng và chiều sâu, cũng như lâu dài tại Việt Nam. Hiện công suất trên toàn bộ các nguồn năng lượng của Việt Nam vào khoảng 45GW, và luôn giữ mức tăng trưởng về nhu cầu sử dụng điện trên dưới 10%/năm. Tuy nhiên, nguồn năng lượng từ thủy điện về cơ bản đã được khai thác hết và dừng dự án điện hạt nhân, do đó việc tăng trưởng về nguồn điện chủ yếu dựa vào nguồn nhiệt điện. Nhưng nguồn trữ lượng than của Việt Nam còn thiếu, chủ yếu dựa vào than nhập khẩu.

Đối với điện mặt trời, do Việt Nam dân số đông, đất đai có hạn, việc phát triển điện mặt trời trong tương lai sẽ bị hạn chế. Trong khi nguồn tài nguyên gió phong phú, với vận tốc gió 6m/s có tiềm năng khai thác khoảng 27GW, hơn nữa đa phần đều phân bố tại vùng đồng bằng ven biển và khu đồi núi thấp, điều kiện xây dựng tương đối tốt. Dự kiến công suất từ điện gió trong 10 năm tới sẽ đạt trên 20GW, sẽ vượt xa hơn rất nhiều với con số 6.2GW mà Chính phủ Việt Nam quy hoạch.

Với, Envision, trước mắt chúng tôi đã có một dự án tại Việt Nam có tổng công suất 120MW đã được ký kết và chuẩn bị giao hàng, cạnh đó là đã cơ bản hoàn thành đàm phán hợp tác đầu tư dự án 155MW và đã đầu tư xây dựng các trạm đo gió tại các tỉnh của Việt Nam như: Cà Mau, Tiền Giang, Đắc Lắc. Envision đề ra mục tiêu trong năm 2018 sẽ hoàn thành 200MW dự án có sử dụng tua bin Envision và đàm phán hợp tác đầu tư 300MW.

Xét thấy tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam, Envision đã và đang làm việc Chính phủ, các bộ, ngành và các đối tác tại Việt Nam để đi đến mở rộng hợp tác, hy vọng hoàn thành mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất tua bin tại Việt Nam để thúc đẩy hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành năng lượng tái tạo.

Một tua bin gió của Envision.

Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho biết những khó khăn, thách thức mà Envision gặp phải khi tiến hành đầu tư các dự án điện gió tại Việt Nam?

Ông Li - Tao: Khó khăn lớn nhất hiện tại đó chính là so với các nhà sản xuất đến từ châu Âu thì Envision còn khá lạ lẫm đối với thị trường Việt Nam, hơn nữa chưa có dự án nào đã đưa vào vận hành. Tuy nhiên, tôi tin rằng cùng với việc đưa vào hào lưới phát điện dự án 120MW như đã đề cập ở trên và việc tăng về số lượng các dự án trong tương lai thì thị trường Việt Nam sẽ thấy được tính năng và hiệu suất phát điện cao của tua bin Envision, từ đó làm cho chủ đầu tư Việt Nam hiểu hơn và biết đến tua bin thương hiệu của chúng tôi.  

Năng lượng Việt Nam: Envision có kiến nghị gì đối với các chính sách phát triển, các giải pháp kỹ thuật cũng như quản lý nhà nước về ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là điện gió?

Ông Li - Tao: Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chế tài, quy định và chính sách phát triển khá hoàn chỉnh để hỗ trợ phát triển ngành năng lượng tái tạo, tuy nhiên Envision cũng có một số kiến nghị mà nếu thực hiện được sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới đối với sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo, đó là:

Thứ nhất: Hiện nay việc đảm bảo bằng hợp đồng mua bán điện (PPA) cho các dự án điện gió và các dự án điện năng lượng tái tạo là chưa đủ, dẫn đến việc thu xếp vốn đầu tư nước ngoài còn gặp khó khăn. Nếu Chính phủ Việt Nam có thể tiến hành tăng mức uy tín cho PPA sẽ cải thiện rất lớn cho việc vay vốn cho dự án.

Thứ hai: Các vùng ven biển Việt Nam có nguồn tài nguyên gió phong phú để phát triển điện gió gần bờ và xa bờ, tuy nhiên các dự án vùng này còn thiếu các chính sách hỗ trợ mang tính minh bạch, rõ ràng và trợ giá bán điện chung (hiện Việt Nam vẫn đàm phán theo hình thức từng dự án cá biệt).

Thứ ba: Nguồn tài nguyên gió trên cạn cũng rất phong phú, cùng với việc xây dựng ngày càng nhiều các dự án thì suất đầu tư của dự án cũng sẽ ngày càng được giảm xuống, giá thành cho dự án điện gió trên cạn có hy vọng sẽ giảm xuống chỉ còn 5 UScent/kWh, từ đó điện gió sẽ trở thành nguồn năng lượng có sức cạnh tranh nhất. Nhưng hiện tại hệ thống lưới điện Việt Nam vẫn còn ở thời kỳ giai đoạn đầu của quá trình cải tạo thành hệ thống lưới điện thông minh, việc đấu nối tiêu thụ còn khá yếu, cần đẩy nhanh quá trình xây dựng lưới điện thông minh.

Năng lượng Việt Nam: Xin cảm ơn ông đã giành thời gian cho cuộc phỏng vấn thú vị này.

NGUYỄN ANH TUẤN - LÊ MỸ (THỰC HIỆN)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động