RSS Feed for Đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân là ‘một ý tưởng tồi tệ’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 15/01/2025 15:30
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân là ‘một ý tưởng tồi tệ’

 - “Hầu hết các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản, như Tomari ở Hokkaido, chưa từng đứng trước nguy cơ đe dọa bởi sóng thần. Nhưng quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân sau trận động đất Tohoku và thay thế phát điện bằng nhiệt điện than, dầu mỏ và khí đốt là một ý tưởng tồi tệ đã dẫn đến cái chết của nhiều người, hơn cả số người chết gây ra do thảm họa sóng thần”. (Trích từ báo Mugu-Shisai).

Mở rộng quy mô điện hạt nhân toàn cầu: Chuyện riêng của ngành hạt nhân?



TÁC GIẢ: JEMES CONCA


Cho đến nay, có nhiều người đã chết vì việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) của Nhật Bản sau trận động đất Tohoku năm 2011 hơn là từ sóng thần và động đất cộng lại, con số này khoảng 20.000 người.


 

Nhà máy ĐHN Tomari ở Hokkaido (Nhật Bản).

 

“Hầu hết các nhà máy ĐHN của Nhật Bản, như nhà máy ĐHN Tomari ở Hokkaido trên tấm ảnh này, chưa từng đứng trước nguy cơ đe dọa bởi sóng thần. Nhưng quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy ĐHN sau trận động đất Tohoku và thay thế phát điện hạt nhân bằng nhiệt điện than, dầu mỏ và khí đốt, là một ý tưởng tồi tệ đã dẫn đến cái chết của nhiều người, hơn cả số người chết gây ra do thảm họa sóng thần”. (Trích từ báo Mugu-Shisai).

Tất nhiên, cho đến nay không có một ca tử vong do bất kỳ loại bức xạ nào thoát ra từ lò phản ứng, và trong tương lai cũng sẽ như vậy. Thực tế, liều bức xạ thoát ra đơn giản là không đủ để gây ra cái chết của bất kỳ một người nào.  

Những kết luận này hiện đang gây ra tiếng vang trong khắp các cộng đồng khoa học và y tế. Nghiên cứu mới nhất của 3 tác giả Matthew Neidell, Shinsuke Uchida và Marcella Veronesi đã chỉ ra rằng: Mặc dù sau tai nạn hạt nhân Fukushima Daiichi, tất cả các nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động và điện hạt nhân đã được thay thế bằng nhiên liệu hóa thạch, vẫn có sự gia tăng đáng kể về giá điện và tỉ lệ tử vong của dân chúng.  

Việc tăng giá điện dẫn đến sự giảm tiêu thụ năng lượng, chính điều này đã gây ra sự gia tăng tỷ lệ tử vong trong điều kiện khí hậu lạnh giá của mùa đông Nhật Bản. Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá - thủ phạm gây ra các bệnh đường hô hấp, càng làm gia tăng tỷ lệ tử vong. Ước tính số ca tử vong do cả hai nguyên nhân kết hợp nói trên vượt xa con số người chết do sóng thần và động đất gây ra. Điều này cho thấy, quyết định đường đột dừng sản xuất điện hạt nhân quả là một ý tưởng rất tệ hại.

Sự hối thúc nhằm chấm dứt hoạt động của tất cả các lò phản ứng hạt nhân ngay sau tai nạn hạt nhân Fukushima là điều dễ hiểu. Tuy vậy, trên thực tế Nhật Bản chỉ có 15 trong số 54 lò phản ứng hạt nhân đứng trước nguy cơ sóng thần. Việc đóng cửa các lò phản ứng có nguy cơ như vậy (15) là hợp lý để quyết định các giải pháp an toàn sao cho các lò phản ứng đó có thể chịu đựng được mối đe dọa đặc biệt này.

Những lò phản ứng khác không bị sóng thần đe dọa lẽ ra cần phải được tiếp tục hoạt động trong quá trình đánh giá an toàn sau tai nạn, cũng như trong quá trình thiết lập cơ quan pháp quy hạt nhân mới và trong suốt quá trình xây dựng, cũng như thực thi các biện pháp an toàn mới.

Việc đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân cùng một lúc khiến cho tỷ lệ nhập khẩu năng lượng vào Nhật Bản tăng tới 85% nhu cầu năng lượng của đất nước này, gây ra sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng than, dầu và khí đốt, kèm theo là những tác động tiêu cực rõ ràng đến sức khỏe của dân chúng. Chi phí tổng cộng của sai lầm này sẽ lên tới vài trăm tỷ đô la vào thời điểm các nhà máy điện hạt nhân được khởi động lại.

Tuy nhiên, chỉ có ít người đã đề cập đến những tác động gián tiếp hơn tới môi trường và sức khỏe con người gây ra do việc tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch để thay thế cho năng lượng hạt nhân.

Như  Giáo sư David Weinstein của Đại học Columbia đã nêu: “Giá như Nhật Bản quyết định cho tất cả các lò phản ứng hạt nhân [không bị ảnh hưởng bởi tai nạn Fukushima] mở cửa vào năm 2012, và nhờ vậy giảm một cách tương ứng tỷ lệ sử dụng than, dầu, khí thiên nhiên hóa lỏng và các nguồn năng lượng khác để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Nhật Bản, tôi cho rằng chính sách này đã cứu được 9,493 mạng sống, căn cứ vào tình trạng ô nhiễm không khí của riêng năm đó (2012)”.

Thảm họa tại Nhà máy Điện hạt nhân  Fukushima Daiichi sau trận sóng thần hủy diệt ở Nhật Bản vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 đã được chứng tỏ là gây ra tổn thất to lớn trên nhiều lĩnh vực - chính trị, kinh tế và cảm xúc. Kỳ lạ thay, những chi phí không bao giờ đong đếm được lại là đáng sợ nhất, đó là những nỗi sợ hãi sẽ bị mắc bệnh ung thư và tử vong do bức xạ.

Trên thực tế, đã và sẽ không thấy có ảnh hưởng của bức xạ tới sức khỏe, cũng như không có trường hợp nào mắc ung thư, tử vong, hoặc mắc bệnh do bị nhiễm xạ từ thảm họa Fukushima. Không một ai đã bị nhận đủ liều (bức xạ), ngay cả số 20.000 công nhân đã làm việc không mệt mỏi để khắc phục sau sự cố này.

Các chi phí trực tiếp của thảm họa Fukushima sẽ là khoảng 15 tỷ đô la Mỹ để dọn dẹp đống đổ nát và làm sạch môi trường trong 20 năm tới và hơn 60 tỷ đô la Mỹ để bồi thường cho người tị nạn.

Những con số này là rất lớn, chi phí tái thiết và phục hồi liên quan đến trận động đất, sóng thần, không bao gồm lò phản ứng, sẽ lên tới 250 tỷ đô la Mỹ. Kể từ khi Nhật Bản đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân của họ, thâm hụt thương mại của quốc gia này đã trở nên tồi tệ nhất trong lịch sử và hiện là nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Nói một cách công bằng, đó là trận sóng thần lớn nhất trong lịch sử đã tấn công quốc gia công nghiệp đông dân nhất trong lịch sử.

Vào ngày hôm đó, một trận động đất 9 độ richter xảy ra trên Tohoku ở ngoài khơi bờ biển phía đông của Nhật Bản đã gây ra một cơn sóng thần cao 50ft (khoảng 17m), tràn vào bờ biển mà hầu như không có cảnh báo, làm ngập lụt hơn 500 dặm vuông đất liền, giết chết gần 20.000 người, phá hủy một triệu căn nhà và cơ sở kinh doanh, và làm cho 300.000 người trở thành vô gia cư.

Khi trận động đất xảy ra ở khu vực xung quanh Fukushima, mười một lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại bốn nhà máy điện hạt nhân đều tự động ngừng hoạt động. Không một lò phản ứng nào bị thiệt hại bởi trận động đất này. Tuy nhiên, bức tường biển đê chắn sóng xung quanh sáu lò phản ứng tại nhà máy của Công  ty Điện lực Tokyo, Fukushima Daiichi không đủ cao, khiến cho sóng thần tràn qua các bức tường chắn sóng làm ngập nhà máy và phá hủy các hệ thống phát điện dự phòng, thiết bị đóng ngắt điện cần thiết để duy trì hệ thống làm mát. Bốn lò phản ứng đã bị phá hủy và 940 PBq sản phẩm phân hạch, vật liệu phóng xạ bị phát tán vào không khí.

Vào ngày 13 tháng 3 năm 2011, 150.000 người đã được lệnh sơ tán khỏi phạm vi 20 km từ nhà máy hạt nhân. Điều này rất hiệu quả trong việc ngăn chặn bất kỳ và tất cả các tác động đến sức khỏe do bức xạ gây ra đối với công chúng. Tuy nhiên, riêng việc sơ tán dân này đã gây ra hơn 1.600 cái chết chứ không phải do bức xạ, động đất hay sóng thần.

Lẽ ra, dân chúng không cần phải sơ tán quá nhanh như vậy.

Những ảnh hưởng tới sức khỏe duy nhất mà dân chúng tiếp tục phải chịu do tai nạn nóng chảy lõi lò phản ứng là sự căng thẳng, trầm cảm và sợ hãi.

Trước khi xảy ra tai nạn, các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đã cung cấp 30% nhu cầu điện của đất nước, nhưng trong vòng 14 tháng sau vụ tai nạn, việc sản xuất điện hạt nhân của Nhật Bản đã bị đình trệ trong quá trình thay đổi quy định về an toàn. Tổng cộng có chín tổ máy đã được khởi động trở lại từ năm 2015, trong khi 17 lò phản ứng hiện đang trong quá trình chờ đợi được cấp phép khởi động lại.

Đầu năm nay, Michael Shellenberger, Chủ tịch của tổ chức nghiên cứu và chính sách tiến bộ môi trường đã nói với các đại biểu tại Diễn đàn quốc tế lần thứ XI Atomexpo 2019 được tổ chức tại Sochi, Nga rằng: Một cuộc "sơ tán quá hoảng loạn" trong khu vực đã gây ra khoảng 2.000 cái chết, với nỗi sợ bức xạ gây ra "căng thẳng tâm lý nghiêm trọng".

Ông ta cũng lưu ý rằng: Ủy ban Khoa học của Liên Hiệp quốc về ảnh hưởng của bức xạ nguyên tử đã phát hiện ra là không có trường hợp nào tử vong do bức xạ thoát ra từ Fukushima.

Chúng tôi đã cố gắng trong nhiều thập kỷ để tư vấn cho các chính phủ trên thế giới và người dân của họ rằng: Phản ứng thái quá do nỗi sợ hãi bức xạ mang lại hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với hậu quả mà bức xạ có thể gây ra. Nhưng những ý kiến “ầm ỹ” từ những người không phải là nhà khoa học và những người có tư tưởng phản đối hạt nhân cứ liên tục nhấn chìm khoa học, vì vậy công chúng không biết phải nghĩ sao cho đúng.

Tôi thực sự không biết phải làm gì một khi sự ủng hộ/niềm tin vào khoa học bắt đầu sụp đổ trong những xã hội vốn dĩ luôn ủng hộ mạnh mẽ. Nhưng chúng ta cần phải  quan ngại đến điều này.

Giới thiệu tác giả: 

James Conca

James Conca Contributor - Chuyên gia về hạt nhân, năng lượng và môi trường.

James Conca là một nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học trái đất và môi trường trong 33 năm, chuyên về xử lý chất thải địa chất, nghiên cứu liên quan đến năng lượng, các quá trình trên bề mặt hành tinh, sinh học phóng xạ và che chắn cho các trạm không gian, vận chuyển dưới mặt đất và làm sạch môi trường kim loại nặng. 

Ông là Ủy viên Quản trị của Quỹ Herbert M. Parker, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Wahsington - WSU. Ông cũng là nhà khoa học liên kết tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (LANL) và là nhà tư vấn lập kế hoạch chiến lược cho các cơ quan môi trường của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE), cho các cơ quan của Nhà nước, hoặc của Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) và các ngành công nghiệp (bao gồm các công ty sở hữu điện hạt nhân, thủy điện, các trạm điện gió, cánh đồng pin năng lượng mặt trời, các nhà máy điện chạy bằng than và khí đốt). 

James Conca đồng thời là chuyên gia tư vấn ​​cho EPA, hoặc các cơ quan môi trường của nhà nước và ngành công nghiệp về việc làm sạch kim loại nặng từ đất và nước. Trong hơn 25 năm, ông đã là thành viên của Câu lạc bộ Sierra, Greenpeace, NRDC, Quỹ Bảo vệ Môi trường và nhiều tổ chức chuyên nghiệp khác, bao gồm Hiệp hội Hạt nhân Hoa Kỳ, Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ, Hiệp hội Địa chất Hoa Kỳ và Hiệp hội các nhà Địa chất Dầu khí Hoa Kỳ.

NGUYỄN THỊ THU HÀ - VINATOM (BIÊN DỊCH)


https://www.forbes.com/sites/jamesconca/2019/10/31/shutting-down-japans-nuclear-plants-after-fukushima-was-a-bad-idea/#676d6a9c19a4

nangluongvietnam.vn/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động