RSS Feed for Thứ sáu 26/04/2024 22:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

'Thủy điện nhỏ, nhưng đóng góp lớn cho tỉnh Lào Cai'

 - Theo khảo sát của cơ quan chuyên môn, tỉnh Lào Cai có nguồn thuỷ năng dồi dào, khoảng 1.000MW. Năm 2003, để thống nhất quản lý và tổ chức khai thác nguồn tiềm năng thuỷ điện có hiệu quả, UBND tỉnh Lào Cai đã giao cho Sở Công Thương lập quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhờ có chủ trương của Chính phủ về đa dạng hoá các thành phần kinh tế, bằng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, nhiều dự án đã được các nhà đầu tư tham gia xây dựng.

Vũ Ngọc Cừ - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai

Một công trình thủy điện nhỏ được xây dựng tại Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Ngọc Hà

Tính đến tháng 6/2012, toàn tỉnh Lào Cai có 20 nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ, tổng công suất là 257,5MW đã hoàn thành phát điện, hiện còn 26 nhà máy với tổng công suất 510,5MW đang thi công.

Trong những năm qua, các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, đồng thời bổ sung nguồn điện năng thiếu hụt cho đất nước. Đặc biệt, hệ thống giao thông miền núi đã được cải thiện kể từ khi có dự án thuỷ điện.

Tuy nhiên, thực tế các nhà đầu tư thủy điện nhỏ hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, bởi suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, phần lớn các dự án thuỷ điện nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, đường điện đấu nối truyền tải xa... Bên cạnh đó, hệ thống truyền tải điện chưa phát triển kịp thời để đấu nối từ các nhà máy thuỷ điện, hạ tầng cơ sở trong khu vực nông thôn miền núi quá yếu kém nên công tác vận chuyển vật tư thiết bị và cấp điện thi công gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, do khó khăn chung của nền kinh tế, việc đầu tư thuỷ điện còn chịu nhiều yếu tố như: trượt giá, chính sách tín dụng, thiên tai lũ lụt, hạn hán kéo dài... Theo tính toán, chi phí đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tại Lào Cai có giá từ từ 25 - 30 tỷ đồng/MW, không kể tiền đầu tư đường dây truyền tải đến điểm đấu nối với điện quốc gia (đường dây 35kV hoặc 110kV tuỳ theo công suất của từng nhà máy).

Bên cạnh đó, nhiều dự án phải đầu tư đường dây 110kV để truyền tải điện như: thuỷ điện Mường Hum 25km, thuỷ điện Ngòi Xan 9km, thuỷ điện Nậm Tha 22km... là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều dự án chậm tiến độ.

Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới, sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo nhưng mới chỉ ở mức độ tự cung, tự cấp, điều kiện giao thông, thông tin liên lạc cũng như các dịch vụ y tế, giáo dục còn nhiều hạn chế, nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo khá cao.

Các sông suối trên địa bàn tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển thuỷ điện. Do vậy việc đầu tư thuỷ điện nhỏ là rất cần thiết, không những đáp ứng được nhu cầu năng lượng tại chỗ, bổ sung nguồn điện lên lưới, tạo nhiều việc làm mới cho nhân dân địa phương, mà còn tạo ra nguồn thu ngân sách đáng kể thông qua thuế.

Về mặt xã hội, thủy điện nhỏ góp phần nâng cao dân trí của nhân dân địa phương, giao thông được cải thiện, tạo ra cảnh quan môi trường, thúc đẩy phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế khác.

Bên cạnh đó, các dự án thuỷ điện nhỏ ở địa phương đã và đang đóng góp không nhỏ vào chương trình chung tay xây dựng “Nông thôn mới” của Chính phủ.

NangluongVietnam

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động