RSS Feed for Mô hình hợp tác xã trồng nấm tiết kiệm điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 27/04/2024 11:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Mô hình hợp tác xã trồng nấm tiết kiệm điện

 - Chị Đào Thị Thiện - Chủ nhiệm HTX Sản xuất Chế biến và Tiêu thụ Sản phẩm Nấm Sáng Thiện, một người phụ nữ đã vượt qua mọi khó khăn để thoát nghèo từ việc trồng nấm. Chị cũng là người tích cực trong việc thực hiện tiết kiệm điện trong việc sản xuất kinh doanh.

Chúng tôi tới thăm chị Đào Thị Thiện - Chủ nhiệm HTX Sản xuất Chế biến và Tiêu thụ Sản phẩm Nấm Sáng Thiện, xã Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội, khi chị đang cần mẫn kiểm tra chất lượng từng nhánh nấm trong các lán trại. Nhìn dáng chị chất phác, hiền lành nhưng cũng không tránh hỏi hằn lên sự lam lũ, vất vả của một người phụ nữ sớm phải bươn chải với cuộc đời.

Chị Đào Thị Thiện

Thoát nghèo từ trồng nấm

Cuộc sống của chị Thiện là một chuỗi những nhọc nhằn, khó khăn: Sinh ra và lớn  lên tại vùng quê nghèo khó, đất đai cằn cỗi quanh năm; người chồng của chị - anh Trần Văn Sơn bị di chứng chất độc màu da cam. Hai năm chung sống hạnh phúc, song trong ngôi nhà của anh chị vẫn vắng bóng trẻ thơ nô đùa. Anh buồn bã, chị ngậm ngùi. Biết là không thể sinh con, hai anh chị đã tính chuyện xin con nuôi. Năm 1983, anh chị đã nhận một người con gái về làm con nuôi, và đặt tên là Trần Thị Thuận. Năm 1987, anh chị lại đón nhận thêm bé Trần Văn Thành làm con nuôi nên gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai chị…

Bao nỗi khó khăn cứ chất chồng lên người phụ nữ ấy, nhưng chị không nản chí, không bi lụy, càng gặp khó khăn thì chị càng quyết tâm vươn lên. Làm đồng ruộng không hiệu quả, chị quyết tâm đổi nghề, năm 2006 chị mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm và thành lập lán trại nuôi nấm tại nhà.. Được các chuyên gia của Viện Di truyền nông nghiệp Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển nấm Văn Giang hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống, giúp đỡ xây dựng lán trại, chị quyết tâm học hỏi, sưu tầm sách hướng dẫn kỹ thuật, vay vốn mở rộng sản xuất. Trong những ngày đầu thành lập, khó khăn lớn nhất của chị là vốn. Nguồn vốn tự có chỉ vẻn vẹn 2 triệu đồng, chị mày mò làm hồ sơ xin vay thêm Ngân hàng Phát triển Nông thôn huyện Sóc Sơn 8 triệu đồng để dựng 200m2 lán trại; rồi chị tìm xuống Trung tâm Công nghệ Sinh học Thực vật - Viện Di truyền Hà Nội sưu tầm một quyển sách nuôi trồng nấm. Sau hai tháng vừa học vừa làm, chị đã trồng thành công 3 loại nấm sò, rơm, mỡ. Một năm sau, chị quyết định mở rộng diện tích trại trồng nấm lên 650m2, doanh thu từ nấm đạt 250-260 triệu đồng, lợi nhuận lên tới hơn 100 triệu đồng.



Chủ nhiệm Đào Thị Thiện bên sản phẩm của HTX

Gia đình chị đã thực sự thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá. Từ đó, việc sản xuất của chị ngày càng phát triển, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo trong xã. Năm 2010, chị thành lập HTX Sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện. Đến nay, HTX Sáng Thiện đã tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động, việc làm thời vụ cho gần 100 người, đảm nhiệm hướng dẫn thực hành công nghệ nuôi trồng nấm, hỗ trợ vốn, giống, bao tiêu sản phẩm cho hàng trăm hộ nông dân, phụ nữ nghèo các huyện trong vùng. Ngoài ra, chị Thiện còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội; nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với các hộ kinh doanh, bà con hàng xóm có dự định lập trại nuôi nấm, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Đến ngày 01/07/2010, dựa vào những thành công đã đạt được, chị Thiện đã vận động 9 xã viên trong xã Quang Tiến xin thành lập hợp tác xã nuôi trồng nấm, lấy tên là HTX Sản xuất Chế biến và Tiêu thụ Sản phẩm Nấm Sáng Thiện Quảng Hội, do chị làm chủ nhiệm. Với sự nỗ lực của các cán bộ xã viên, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương: Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Ngân hàng chính sách, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn TP. Hà Nội… HTX Sản xuất Chế biến và Tiêu thụ Sản phẩm Nấm sáng Thiện Quảng Hội đã đi vào hoạt động thuận lợi và đạt kết quả cao. HTX có 21 lán trại với diện tích gần 4.000m2, các loại nấm chủ yếu được nuôi là: Nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ, mộc nhĩ, nấm linh chi dược liệu. Thu tổng số 76 tấn, doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng, trừ chi phí các loại, HTX thu lãi 800 triệu đồng; giải quyết công ăn việc làm cho 65 lao động trong xã. Không chỉ làm kinh doanh, chị Thiện còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội: Ủng hộ đồng bào bão lụt, gia đình chính sách, ủng hộ cho các cháu bị chất độc màu da cam… số tiền ủng hộ của gia đình chị và HTX lên tới hơn 20 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, chị còn tổ chức các buổi tham quan, nghỉ mát… để tạo tâm lý thoải mái cho bà con xã viên trong HTX.
 

HTX đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Mô hình tiết kiệm điện hiệu quả

Trồng nấm cũng là một công việc đòi hỏi phải sử dụng nhiều điện. Tuy nhiên, HTX Sản xuất Chế biến và Tiêu thụ Sản phẩm Nấm Sáng Thiện Quảng Hội còn lại là mô hình thiết kế và sử dụng điện ở mức tiết kiệm nhất nhằm tiết kiệm chi phí, khi mà trang trại nấm rộng hơn 6.000 m2, doanh thu 500 triệu/năm mà chỉ phải trả hơn 400 nghìn đồng tiền điện/tháng... điều đó đã góp phần nâng cao doanh thu cho hợp tác xã, tiết kiệm năng lượng điện cho quốc gia.    

Theo chị Thiện, vào mùa đông, nhất là những đợt rét đậm, nấm cần được ủ ấm bằng bóng đèn sợi đốt để kích thích tăng trưởng. Loại đèn này tiêu thụ lượng điện lớn nên chỉ sử dụng khi nào thật cần thiết. Trước khi sưởi ấm cho nấm, “gia cố” lại lều trại thật kín gió để giữ nhiệt, đặt bóng đèn ở giữa để nhiệt toả đều.

Sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện thay thế bóng đèn sợi đốt.

Bên cạnh việc sử dụng các trang thiết bị phục vụ sản xuất hợp lí, với các thiết bị điện sinh hoạt, chị Thiện cũng sử dụng tiết kiệm tối đa như: Lắp đặt toàn bộ hệ thống chiếu sáng cho lều trại bằng bóng đèn compact, tận dụng nguồn ánh sáng và gió mát tự nhiên…

Qua nhiều năm thực hiện việc nuôi trồng nấm, quản lý trang trại nấm, chị Đào Thị Thiện đã tích lũy được một bề dày kinh nghiệm không nhỏ về vấn đề tiết kiệm năng lượng trong trang trại nấm của mình. Theo chị Thiện, “để tiết kiệm năng lượng trong trại nấm có hiệu quả thì phải nâng cao nhận thức cho người quản lí và công nhân làm việc trong trang trại.” Do đó, chị Thiện luôn quan tâm, nhắc nhở anh chị em công nhân và người quản lí phải biết tiết kiệm điện cho hợp tác xã, làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình.

Là một người nông dân nhưng chị luôn ý thức được ý nghĩa của việc tiết kiệm năng lượng là hết sức quan trọng, không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần đảm bảo vấn đề năng lượng của quốc gia. Chị chia sẻ với chúng tôi rằng chị đã từng đi nhiều vùng núi rất khó khăn về nguồn điện, điện rất yếu và không đủ dùng, nếu mỗi người tiết kiệm được một chút thì sẽ giúp ích  rất nhiều người, nhiều vùng thường xuyên thiếu điện trong cả nước. Không những thế, theo chị thì số tiền tiết kiệm được đó có thể sử dụng được vào rất nhiều việc có ích cho xã hội như ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, ủng hộ trẻ em tật nguyền, lang thang cơ nhỡ...Thấy được tình cảm của chị và ý nghĩa hết sức lớn lao của việc tiết kiệm điện nên anh em công nhân không ai bảo ai đều tự giác trong việc sử dụng điện hợp lí, chống lãng phí.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt vấn đề tiết kiệm điện, chuyển từ bóng đèn sợi đốt sang compact như hiện nay, chị cũng gặp phải không it khó khăn, chị chia sẻ: Những năm trước, khi trang trại vẫn còn sử dụng bóng đèn sợi đốt thì năng lượng tiêu thụ là rất lớn, chi phí tiền điện rất cao. Khi biết được bóng đèn compact có những ưu điểm vượt trội so với đèn sợi đốt, đặc biệt trong việc tiết kiệm năng lượng điện thì chị Thiện đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi mô hình bóng đèn trong trang trại nấm của mình. Lúc ấy có rất nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, có người bảo rằng làm vậy là lãng phí, chi phí cao, lượng đèn sợi đốt hiện tại không dùng thì  phí lắm…Nhưng với tư duy của một người quản lí thì chị Thiện đã quyết định chuyển đổi ngay, chuyển đổi toàn bộ. Chị luôn tin tưởng vào quyết định của mình sẽ mang lại hiệu quả, lợi ích cho trang trại. Và chẳng mấy chốc, sau một thời gian việc chuyển đổi đã cho những kết quả nhất định, số tiền đầu tư ban đầu đã lấy lại được chỉ sau một thời gian sử dụng. Hơn nữa, kinh nghiệm cho thấy bóng đèn sợi đốt nhanh hỏng hơn rất nhiều so với bóng đèn compact và ánh sáng mờ hơn nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của trang trại nấm.

Qua sự phấn đấu và nỗ lực của bản thân, từ năm 1996 - 2013 chị Đào Thị Thiện luôn được các cấp có thẩm quyền khen thưởng, nhiều giấy khen, bằng khen của Quỹ Tình thương chi nhánh Sóc Sơn II và các giấy chứng nhận, kỷ niệm chương Chương trình người tốt việc tốt...

Hằng năm có hàng trăm lượt người đến trang trại này để học tập kinh nghiệm trồng nấm, tiết kiệm năng lượng của chị. Tất cả họ đều được chị Thiện hướng dẫn, quan tâm truyền đạt hiểu biết, kinh nghiệm của mình một cách hết sức tận tình trong việc tiết kiệm năng lượng. Chị Thiện thường xuyên nói với họ rằng nông dân ta còn nghèo, còn thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng, mọi người đi đến đâu thì nên hướng dẫn cho họ biết về sự cần thiết và cách sử dụng năng lượng một cách có hiệu quả, có như vậy dân ta mới giàu lên được. Đồng thời để đông đảo người dân ta có Có thể nói, hợp tác xã trồng nấm của chị Thiện là một mô hình tiết kiệm năng lượng điển hình mà chúng ta cần phải tuyên truyền, nhân rộng rộng rãi cho người dân Việt Nam nói chung và người nông dân nói riêng được biết và học tập. Qua đó góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhân dân, tiết kiệm năng lượng phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Nguồn: anhsangonline.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động