RSS Feed for Ngành mía đường và tiềm năng phát triển năng lượng sinh khối | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 22:13
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ngành mía đường và tiềm năng phát triển năng lượng sinh khối

 - Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) vừa công bố “Báo cáo về năng lượng sinh khối trong ngành mía đường ở Việt Nam”, trong đó cho thấy ngành công nghiệp đường Việt Nam có thể tạo ra 4.300 GWh điện sạch mỗi năm từ sinh khối, đủ để cung cấp năng lượng cho 630.000 hộ gia đình.

Động lực nào cho năng lượng sinh khối Việt Nam?
Giải pháp nào cho điện đồng phát từ bã mía Việt Nam?

Báo cáo cho biết: Ngành công nghiệp đường có thể sử dụng chất thải từ bã mía từ việc nghiền mía cùng với các nguồn sinh khối khác, chẳng hạn như: dăm gỗ, rơm rạ và vỏ trấu để tạo ra nhiều điện năng cần thiết theo cách trung hòa carbon.

Hiện nay, tại Việt Nam có 41 nhà máy đường, tạo ra hơn 1 tỷ USD doanh thu, đóng góp ít nhất 0,53% GDP. Tổng sản lượng năng lượng có thể đạt 4.300 GWh mỗi năm, đủ cung cấp cho 630.000 hộ gia đình.

Vì vậy, ngành công nghiệp đường có thể tạo thêm 2.180 công việc xanh và giảm khoảng 2,7 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm, tương đương với 7% lượng phát thải khí nhà kính của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2013 - giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào điện than và để đáp ứng các cam kết của Hiệp định Paris cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Adam Ward, Trưởng Đại diện Quốc gia GGGI Việt Nam cho biết: “Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng sinh khối chưa được khai thác, và với chỉ một số thay đổi đơn giản trong chính sách thì 730MW năng lượng sạch có thể giúp giảm phát thải đáng kể”.

Còn theo Ingmar Stelter, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng của GIZ, “Báo cáo này dựa trên một số nghiên cứu tiền khả thi về các dự án năng lượng sinh khối tại các nhà máy đường địa phương mà GGGI và GIZ đã thực hiện từ năm 2017. Dựa trên kết quả đó, một số vấn đề chính cần được giải quyết để thúc đẩy đầu tư trong nước và quốc tế vào năng lượng sinh khối và tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các dự án năng lượng sinh khối”.

Báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong tăng cường năng lực của các nhà máy đường và các tổ chức tài chính để phát triển và đánh giá các dự án năng lượng sinh khối để tài trợ.

TS. Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết thêm: “VSSA hoan nghênh báo cáo này và yêu cầu chính phủ lưu ý các khuyến nghị để thực hiện giá cho năng lượng sinh khối ở mức 9,35USD/kWh. Báo cáo cho thấy những lợi ích này sẽ khai thác tiềm năng to lớn ngành mía đường, góp phần bù đắp nguồn năng lượng khi thấp điểm (mùa khô thiếu nước thủy điện) và an ninh năng lượng quốc gia. Tạo doanh thu, tăng khả năng cạnh tranh ngành mía đường, mang lại công ăn việc làm, thu nhập cho ngành công nghiệp đường và giảm lượng khí thải cacbon”.

Các kết luận của báo cáo được dựa trên các nghiên cứu tiền khả thi được thực hiện bởi GGGI và GIZ tại 5 nhà máy đường trên cả nước. Báo cáo mở rộng phân tích chi tiết đến cấp quốc gia để đưa ra khuyến nghị cho chính phủ về cách tận dụng tiềm năng năng lượng sinh khối trong ngành công nghiệp đường.

Để đạt được tiềm năng đầy đủ trên, báo cáo đề xuất Chính phủ Việt Nam:

1/ Áp dụng và tăng FiT cho các công nghệ về năng lượng sinh khối lên 9,35 cent/ kWh so với mức thuế 5,4 cent/ kWh hiện nay;

2/ Sửa đổi thỏa thuận mua bán điện hiện hành để tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư;

3/ Thúc đẩy sử dụng nhiều nguồn nhiên liệu cùng với bã mía để kéo dài thời gian chạy của các nhà máy năng lượng;

4/ Thúc đẩy công ty phục vụ mục đích đặc biệt, nhằm tăng tính hấp dẫn tài chính từ các nguồn trong nước và quốc tế.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM 

 

 

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động