RSS Feed for Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 03/01/2025 00:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

 - Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị nêu rõ phát triển năng lượng vừa là động lực vừa là hạ tầng cơ sở để đẩy mạnh, phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030 tầm nhìn năm 2045 có đưa ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng 7% năm 2030 và khoảng 14% năm 2045. Việc phát triển năng lượng từ các nguồn như điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo (NLTT) tốn kém rất nhiều công của đầu tư, nhiều năm mới đạt được những thành quả như bây giờ; nếu đầu tư phát triển năng lượng mà không tiết kiệm năng lượng, sẽ dẫn tới tình trạng lãng phí, hao mòn làm tổn hại đến tiền của nhân dân. Bài viết này đề cập tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực điện năng và việc thực thi “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” của Quốc hội (ban hành từ ngày 28/6/2010).


VNEEP3: Nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Việt Nam

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của Việt Nam: Thực trạng và vấn đề đặt ra


TRẦN VIẾT NGÃI - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

I/ Tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực điện năng

Điện năng là một nhu cầu tất yếu quan trọng không thế thiếu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân, do đó độ ảnh hưởng của nó rất sâu rộng và có giá trị đặc biệt.

Tiết kiệm điện cần đi từ nguồn điện tới truyền tải, phân phối, sản xuất và tiêu dùng:

1/ Tiết kiệm trong các nhà máy điện

Nguồn điện, nhất là các nhà máy nhiệt điện dùng nhiên liệu than, khí hoặc dầu, cần tiết kiệm nhiên liệu để sản xuất ra điện. Đối với nhà máy mới, việc tiết kiệm được thể hiện ở khâu quản lý vận hành tối ưu để định mức tiêu hao nhiên liệu trên mỗi kWh điện sản xuất ra đạt mức đã được thiết kế; đối với nhà máy đang vận hành hoặc đã cũ, ngoài việc quản lý vận hành tốt, cần có công tác cải tạo, khôi phục, nâng cấp thiết bị để tiêu hao nhiên liệu trong mức kỹ thuật cho phép.

Do giá dầu cao hơn giá khí và than, nên càng cần phải chú trọng hơn tiết kiệm nhiên liệu trong các tổ máy sử dụng dầu DO, FO cho phát điện. Năm 2019, tỷ trọng nhiệt điện than và khí chiếm gần 68% tổng sản lượng điện, do đó tiết kiệm trong lĩnh vực này hết sức quan trọng.

Đối với tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than, kể cả các nhà máy có công nghệ lò hơi dưới tới hạn hoặc siêu tới hạn, cần tận dụng khai thác triệt để tro xỉ, cung cấp cho các hộ công nghiệp xi măng, vật liệu xây dựng, rải đường trong các công trình giao thông... để mang lại nguồn lợi ích kinh tế, giảm ô nhiễm và cũng là một cách tiết kiệm hiệu quả.

Năm 2019, các nhà máy thủy điện sản xuất tới 27,6% tổng sản lượng điện hệ thống. Nhưng do tình trạng biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, hạn hán kéo dài liên tục nhiều năm qua và có thể cả các năm tới, từ đó làm giảm mức nước hồ chứa các nhà máy thủy điện, giảm sút sản lượng điện phát ra hàng năm. Do đó, các giải pháp về quản lý lưu vực, điều tiết dòng chảy, quản lý hồ/ đập và tiết kiệm nước để đảm bảo nước cho phát điện, kể cả khi bị hạn hán, là giải pháp tiết kiệm điện đi từ gốc.

Các tổng công ty phát điện, các nhà máy thủy điện cần hết sức quan tâm, kết hợp với các cơ quan chuyên ngành của Trung ương như Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; các chuyên gia kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao... để phối hợp giải quyết. Đặc biệt, cần có hợp tác với Tập đoàn Kyusu - Nhật Bản, có văn phòng đại diện tại Việt Nam, là đơn vị có nhiều giải pháp công nghệ và kinh nghiệm tiết kiệm nước của các nhà máy thủy điện.

Mọi nhà máy điện đều có phần điện cần thiết cho các khâu quản lý, vận hành thiết bị, chiếu sáng... trong nhà máy, gọi là “điện tự dùng”. Ví dụ năm 2019 tỷ lệ “điện tự dùng” của các nhà máy điện chiếm tới 5,7% sản lượng toàn hệ thống.  Tiết kiệm điện trong khâu này cũng đáng kể, cần được thực hiện ngiêm túc. EVN và các Genco cần đưa ra các chỉ tiêu tiết kiệm điện tự dùng để các nhà máy nghiêm túc thực hiện.

2/ Tiết kiệm từ đường dây truyền tải điện quốc gia

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và các công ty thành viên, với nhiều nỗ lực trong thời gian dài, đã thực hiện được giảm tổn thất điện năng đáng kể trong lưới truyền tải: Hiện tại tổn thất điện năng của hệ thống truyền tải Việt Nam đã đạt mức thấp so với các nước ở khu vực. Nhưng nếu làm tốt hơn nữa thì chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng có thể được giảm thêm. Để có thể tiếp tục phấn đấu đạt các chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng tốt hơn trên hệ thống, EVNNPT và các đơn vị thành viên cần làm tốt công tác quản lý chặt về chất lượng, kỹ thuật trong đầu tư xây dựng các đường dây và trạm 500 kV, 220 kV trên toàn quốc, khi mà sắp tới khối lượng lưới sẽ tiếp tục tăng lên đáng kể.

Việc bảo hành, bảo dưỡng: Nếu đường dây nào, trạm biến áp nào bị quá tải, cần có kế hoạch thay thế sớm; đối với các đường dây cũ, vận hành lâu năm cũng cần thay thế, kể cả các mối nối, hàn, kẹp... để không gây tổn thất điện năng cục bộ tại các chỗ ấy...

Việc duy tu, bảo dưỡng đường dây, phát hành lang tuyến để tránh cây đổ vào về mùa mưa bão... cần quan tâm thực hiện để đảm bảo an toàn hệ thống, vừa giảm được tổn thất điện năng và an toàn lưới điện.

Hiện nay, do phát triển ồ ạt các dự án điện mặt trời, điện gió nên việc giải tỏa công suất trong một số khu vực đang còn gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, EVNNPT đã có nhiều giải pháp khắc phục và hiện tại gần như đã ổn định. Nhà nước đã cho tư nhân đầu tư xây dựng các trạm 500 kV, 220 kV và các đường dây nhánh rẽ 500 kV, 220 kV từ các dự án điện mặt trời hoặc điện gió của họ nối vào lưới quốc gia, còn việc quản lý thì EVNNPT chịu trách nhiệm. Xu thế này, nếu phát triển nhiều trên hệ thống thì EVNNPT cần quan tâm lớn đến việc đảm bảo chất lượng kỹ thuật đường dây và trạm của các nhà đầu tư tư nhân, để khi kết nối vào lưới quốc gia và quá trình vận hành sau này không làm tăng tổn thất điện năng.

3/ Tiết kiệm điện trên lưới phân phối

Đối với hệ thống lưới phân phối, từ đường dây và trạm ở các cấp điện áp 110 kV, 35 kV, 22 kV tới 0.4 kV, thuộc 5 tổng công ty điện lực quản lý, trong đó 63 công ty điện lực các tỉnh, thành trực tiếp quản lý vận hành. Khối lượng lưới phân phối hết sức đồ sộ, rộng lớn và phức tạp từ thành thị tới nông thôn, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ngoài quá trình đầu tư xây dựng phát triển, đến nay lưới điện đã phủ kín đến 100% số xã và trên 98% số dân là thành tựu rất đáng tự hào, ít quốc gia trong khu vực làm được, song việc quản lý vận hành, đặc biệt công tác giảm tổn thất điện năng cho cả hệ thống vô cùng phức tạp, do đó:

Trong những năm qua, EVN đã đề ra nhiều giải pháp tiết kiệm điện và đã mang lại những kết quả thiết thực. Vừa qua, để triển khai thực hiện “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” của Quốc hội và các Nghị định của Chính phủ, EVN đã đề xuất nhiều giải pháp quản lý và tiết kiệm điện trong giai đoạn 2020, tầm nhìn năm 2030, đã có các văn bản gửi Bộ Công Thương báo cáo về giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu tiết kiệm điện...

Cần có những giải pháp cụ thể, tích cực, chu đáo từ các tổng công ty, tới các công ty, các chi nhánh, các đội quản lý. Cần quán triệt về việc tiết kiệm điện, trong đó có việc giảm tổn thất điện năng hết sức quan trọng. Hiện tại, các đường dây trung thế, hạ thế ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi có nhiều nơi bị kéo dài, xa trạm biến áp cấp, gây sụt áp và gây tổn thất điện năng lớn. Cần được điều chỉnh hợp lý bằng các công tác cải tạo lưới.

Hiện nay do kinh tế xã hội phát triển yêu cầu điện tiêu dùng và điện sản xuất công nghiệp ngày càng tăng cao, trong đó điện cho công nghiệp chiếm từ 50% đến 55% tổng lượng điện thương phẩm. Khi cung cấp điện cho các khu công nghiệp, nhất là các nhà máy công nghiệp nặng như hóa chất, xi măng, sắt, thép... tiêu hao điện năng nhiều. Cần khuyến cáo thay đổi công nghệ cũ bằng công nghệ mới với thiết bị tiết kiệm năng lượng...

Cần khuyến cáo các công sở, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, chung cư cao tầng, hộ dân sử dụng nhiều thiết bị điện như điều hòa, tủ lạnh, bếp điện... có công nghệ tiên tiến, tiêu hao điện năng thấp; khuyến cáo người dân nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm năng lượng... 

Đối với ngành dầu khí, vấn đề tiết kiệm từ thăm dò, khai thác, chế biến, tồn trữ dầu và khí đều được đề cập trong “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Trong nhiều năm qua ngành dầu khí đã có chương trình, mục tiêu về tiết kiệm trong hoạt động của ngành và đã đạt được những thành quả đáng kể. Nhưng cũng như ngành điện, để đánh giá được kết quả cuối cùng, tiết kiệm hàng năm bằng con số cụ thể thì ngành dầu khí chưa đưa ra; các giải pháp thực thi “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” chưa đề ra mục tiêu cụ thể vào từng năm.

Trong những năm qua, ngành than đã đầu tư những công nghệ hiện đại vào việc khai thác than. Do một mặt, điều kiện khai thác hầm lò ngày càng xuống sâu, ngân sách bị hạn chế, mặt khác do hạn chế về chồng lấn khu vực thăm dò với quy hoạch rừng, việc cấp phép thăm dò gặp nhiều khó khăn, do vậy, để tìm ra trữ lượng mới còn nhiều thách thức.

Đối với ngành than, từ khâu thăm dò, khai thác, chế biến, vận tải, tồn trữ và tổ chức thực hiện đã được đề cập trong “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Đặc thù của ngành than có quá trình thăm dò và khai thác rất phức tạp, quy mô mở rộng khai thác ngày càng thu hẹp, sản lượng khai thác than ngày càng ít dần. Các giải pháp triển khai thực hiện “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” đặt ra chưa sát với thực tế và kết quả hàng năm đạt được còn thấp.

Đối với NLTT: Để khai thác tài nguyên thiên nhiên như năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, rác thải, những năm vừa qua đã triển khai được một bước tích cực, đặc biệt trong việc phát triển điện gió và điện mặt trời, điện mặt trời trên mái nhà. Hiện tại đã đạt được con số trên 5.000 MW điện gió và mặt trời, sản lượng điện phát ra khoảng 2,5 tỷ kWh/năm, bổ sung cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên hiện nay còn bị một số rào cản về cơ chế chính sách, nên việc phát triển NLTT còn gặp nhiều khó khăn.

4/ Tiết kiệm năng lượng phải tính đến từ khâu đầu tư các dự án năng lượng

Việc đầu tư xây dựng các hầm mỏ than, mỏ dầu khí, các giàn khoan... các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thủy điện, nhiệt điện dầu, việc đầu tư hàng năm trong ngành năng lượng lên đến hàng trăm tỷ USD, nếu tiết kiệm tốt trong lĩnh vực này cũng là khoản tiết kiệm rất lớn cho đất nước, chỉ cần tiết kiệm vài ba phần trăm trong số tiền nêu trên thì đã làm lợi được hàng trăm ngàn tỷ đồng cho đất nước mỗi năm.

II/ Việc thực thi “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” của Quốc hội (ban hành từ ngày 28/6/2010)

Một là: “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2010, sau đó Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định giao cho một số ngành kinh tế triển khai thực hiện và Bộ Công Thương đã ban hành một số thông tư hướng dẫn. Trong luật nêu khá đầy đủ các chương, các điều có ý nghĩa sâu sắc đề cập các vấn đề đối với ngành điện, ngành than, ngành dầu khí, NLTT, trong đó có cả các giải pháp, cơ chế chính sách để triển khai thực hiện... đã hơn 10 năm qua việc đưa luật vào cuộc sống để mang lại kết quả như mong muốn, thì chưa làm được nhiều. 

Hiện nay, Việt Nam là nước có tiêu thụ năng lượng vào loại cao và lãng phí bậc nhất thế giới, trong đó cả hệ số đàn hồi và cả cường độ tiêu thụ NL đều lớn.

Ví dụ trên thế giới các nước phát triển một đơn vị năng lượng sản sinh ra được 5 đến 7 đơn vị sản phẩm, còn ở Việt Nam thì ngược lại 5, 7 đơn vị năng lượng mới sản sinh ra được 1 đơn vị sản phẩm.

Hai là: Một số vấn đề cần được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm để đề ra các chủ trương chính sách, cơ chế và thực thi pháp luật trong việc thực hiện “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” do Quốc hội ban hành, đó là:  Cơ quan thực thi luật của Quốc hội là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ:

1/ Hàng năm Chính phủ giao chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng về các bộ, ngành ở Trung ương, các Chủ tịch UBND ở địa phương trong toàn quốc thực hiện tiết kiệm năng lượng từ nay tới năm 2030 và tầm nhìn năm 2050. Chỉ tiêu hàng năm tăng dần từ 2 tiến tới 5, 7, 14% và trên mức đó nữa, như Nghị quyết 55 - Bộ Chính trị đề ra, ví dụ tiết kiệm 3% điện thương phẩm cho khoảng 230 tỷ kWh mỗi năm thì đạt được con số 6.900 triệu kWh mỗi năm, khoảng trên 3 tỷ đồng 1 năm, chỉ tính riêng cho ngành điện. Nếu các chỉ tiêu về tiết kiệm NL được thực hiện một cách triệt để trong cả nước từ Trung ương đến địa phương, đến doanh nghiệp thì “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” sẽ thực sự đi vào cuộc sống và góp một phần kinh phí thu được khá to lớn nhờ tiết kiệm năng lượng.

2/ Cần giao nhiệm vụ cho người đứng đầu có trách nhiệm thực thi “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, được quy định bằng luật pháp: Ai thực hiện được chỉ tiêu Chính phủ giao hàng năm sẽ được thưởng bằng nhiều hình thức; ai không thực hiện được sẽ bị phạt từ mức cảnh cáo, cách chức, và có thể truy cứu hình sự nếu vi phạm mức độ nặng, làm tổn hại đến kinh tế xã hội.

3/ Mỗi bộ, ngành Trung ương, chủ tịch các tỉnh thành ở địa phương cần có bộ máy giúp việc để điều hành, giám sát, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện tiết kiệm năng lượng hàng năm của từng địa phương mình từ các doanh nghiệp, các hộ dân...

4/ Để thực hiện được triệt để Luật nêu trên; các cơ quan được Chính phủ giao cần có các giải pháp tích cực, hiệu quả, thực tiễn, sáng tạo, đột phá, đồng bộ với công tác tuyên truyền rộng rãi trong doanh nghiệp và toàn xã hội để quán triệt “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.

5/ Chính phủ và các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ cần nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ trong việc đổi mới các dây chuyền công nghệ lạc hậu sang dây chuyền công nghệ tiên tiến, thay động cơ roto lòng sóc bằng động cơ roto ruột cuốn biến tần, tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy sản xuất công nghiệp, để vừa tiết kiệm năng lượng đồng thời tăng năng suất lao động, tăng sản phẩm cho doanh nghiệp; dùng các thiết bị điều hòa, bình nước nóng, tủ lạnh trong nhà dân, trong công sở, trong các đơn vị dịch dụ, khách sạn, nhà chung cư cao tầng, đều là những thiết bị tiết kiệm NL (ví dụ: công nghệ inverter). Các tiêu chuẩn kỹ thuật này được quán triệt và thực hiện từ cấp Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và tới người dân.

6/ Các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam hiện nay đang sử dụng công nghệ lạc hậu, chưa được thay bằng công nghệ hiện đại. Do vậy việc hoán đổi công nghệ này cần phải có kinh phí. Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cần tạo điều kiện về cơ chế chính sách việc vay vốn cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ các cơ sở sản xuất của mình...

7/ Ngành xi măng, hóa chất, sắt thép là những ngành tiêu hao năng lượng lớn nhưng công nghệ lạc hậu, cần phải có kế hoạch để thay thế.

8/ Các doanh nghiệp lớn cần giao chỉ tiêu về tiết kiệm năng lượng hàng năm, như các tập đoàn EVN, PVN, TKV, tập đoàn hóa chất, xi măng, thép...

9/ Hàng năm, quá trình theo dõi, điều tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, đánh giá tổng kết việc thực hiện “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” cần được báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, có kết luật kèm theo khen thưởng, kỷ luật và công bố trên thông tin đại chúng kết quả về tiết kiệm năng lượng. Việc tiết kiệm năng lượng từ giao chỉ tiêu tới thực hiện đều được quy ra tiền mỗi năm là bao nhiêu để luật này thực sự có hiệu quả và có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, như mong muốn của Đảng và Nhà nước./.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động