Doanh thu, lợi nhuận 2019 của GEC vượt kế hoạch 14% và 25%
10:42 | 18/02/2020
GEC: Lợi nhuận 9 tháng đạt 94% kế hoạch năm
Tăng trưởng mạnh nhất 118% là doanh thu đến từ hoạt động bán điện, bao gồm điện mặt trời và thủy điện, trong đó tất cả các nhà máy điện mặt trời đều vượt kế hoạch, với tổng sản lượng đạt 314 triệu kWh, hoàn thành 117% kế hoạch. Hai Nhà máy Đức Huệ 1 Long An (49 MWp) và Hàm Phú 2 Bình Thuận (49 MWp) mặc dù chỉ hoạt động nửa cuối năm 2019 nhưng đều vượt lần lượt 45% và 46%, chiếm 34% sản lượng điện và 22% doanh thu điện. Hai Nhà máy Phong Điền Huế (48 MWp) và Trúc Sơn Đăk Nông (45 MWp) đều vượt 12% kế hoạch sản lượng, chiếm 17% sản lượng điện và 21% doanh thu điện. Riêng Nhà máy Krongpa Gia Lai, với công suất lớn nhất là 69 MWp đã đóng góp 18% và 22% sản lượng và doanh thu điện.
Tháng 11/2019, GEC đã công bố việc mở rộng danh mục dự án sang lĩnh vực điện gió thông qua M&A Dự án V.P.L Bến Tre, công suất 70 MW 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đang được triển khai xây dựng là 30 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, dự kiến vận hành trước tháng 11/2021 để hưởng giá bán điện ưu đãi ngoài khơi 9,8 cents/kWh. GEC cũng phấn đấu đạt công suất điện gió phát điện kịp vào ngày 11/2021 với một tỷ trọng tích cực trong tổng số hơn 1.000 MW điện gió đã được các tỉnh Gia Lai, Tiền Giang, Cà Mau thống nhất trình Bộ Công Thương và Chính phủ.
Lợi nhuận gộp tăng trưởng 113% đạt 651 tỷ đồng đưa biên lợi nhuận gộp tăng lên 56% và cao hơn 27% so với trung bình ngành ở mức 44%. Biên lợi nhuận gộp 2 mảng thủy điện và điện mặt trời vẫn được duy trì ở mức cao, tương ứng 46% và 65%, tính chung cả mảng điện là khoảng 58%, duy trì khả năng sinh lời hấp dẫn.
Chi phí quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần chiếm tỷ trọng 10% so với 14% của năm ngoái cho thấy GEC điều tiết chi phí tốt hơn hơn nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Năm dự án điện mặt trời đang vận hành của GEC sau khi quyết toán chi phí đều ghi nhận giảm so với dự toán ban đầu, tiết kiệm cho Công ty khoảng 500 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 300 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với 207 tỷ đồng cùng kỳ, vượt 25% kế hoạch. Biên EBIT, biên EBITDA và biên lợi nhuận ròng đạt lần lượt 48%, 72% và 25%.
Tính đến hết năm 2019, tổng tài sản của GEC đạt 6.767 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ chủ yếu là tăng tài sản cố định do ghi nhận tài sản 3 nhà máy điện nặt trời mới. Đây cũng là nguyên nhân làm tăng trưởng nợ, chỉ số nợ vay/tổng tài sản và nợ vay/vốn chủ sở hữu lần lượt 0,58 lần là 1,50 lần nhưng vẫn đảm bảo khả năng thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh đạt 1,2 lần và xấp xỉ 1 lần. GEC đang tăng trưởng mạnh mẽ công suất phát điện trong danh mục nhằm đảm bảo dòng tiền ổn định trong 20 năm/vòng đời các dự án. Ban Lãnh đạo cho biết năm 2020, dự kiến tổng doanh thu hợp nhất đạt 1.531 tỷ đồng, tăng 32% và lợi nhuận trước thuế là 320 tỷ đồng, phấn đấu 350 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 17% so với thực hiện 2019.
Năm 2019 là năm chịu tác động El-Nino, theo tổng lượng nước tích được trong các hồ thủy điện trong năm 2019 chỉ đạt hơn 24 tỷ m3, thiếu hụt khoảng trên 11 tỷ m3 so với mực nước dâng bình thường. Đây cũng là nguyên nhân chính sản lượng và doanh thu thủy điện GEC chỉ đạt 79% và 87% kế hoạch. Với chiến lược tối ưu phát triển điện gió, Công ty dự kiến thanh hoán một số thuỷ điện với công suất vận hành nhỏ, hiệu suất chưa cao nhằm tối ưu hóa chi phí phí, tập trung nguồn lực dự kiến phát triển thêm các dự án điện mặt trời, và điện gió trong năm 2020.
Năm 2019, đội ngũ kỹ thuật chế tạo những thiết bị, hệ thống mới để tối ưu hóa sản lượng điện sản xuất trong thực tế. GEC nghiên cứu phát triển thành công và vận hành thử nghiệm sản phẩm mới hệ thống giá đỡ xoay một trục với công nghệ cảm ứng thông minh nhằm tối ưu hóa hoạt động của các dự án điện mặt trời khi đưa tấm pin xoay theo ánh sáng mặt trời chiếu để tận dụng nguồn năng lượng tối đa trong ngày. GEC cũng đã nghiệm thu đề tài lắp đặt Hệ phao nổi năng lượng nặt trời - Điện mặt trời nổi. Nhờ vào diện tích và môi trường trao đổi nhiệt tốt hơn, hiệu suất tấm pin lắp trên Hệ phao nổi năng lượng mặt trời đạt được tăng 10% - 12% so với lắp trên hệ khung cố định. GEC kỳ vọng sẽ sớm đưa vào triển khai đại trà hệ thống này, mở ra một hướng phát triển mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Sau khi chuyển sàn HOSE vào tháng 9/2019, thanh khoản cổ phiếu GEG cũng được cải thiện đáng kể với trung bình 571.000 cổ phiếu/phiên, với giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày khoảng 16 tỷ đồng. Khối ngoại cũng quan tâm đến GEG khi đã mua ròng hơn 820 ngàn cổ phiếu, giá trị giao dịch gần 22 tỷ đồng trong 2 tuần cuối 2019. Tiềm năng và mức độ hấp dẫn nhất định của cổ phiếu GEG đối với nhà đầu tư nước ngoài được thị trường đánh giá khả quan khi giới hạn sở hữu của Nhà đầu tư nước ngoài với GEG chỉ còn khoảng 13%. Chốt ngày 22/1/2020, vốn hóa GEC đạt 5.157 tỷ đồng, khoảng 224 triệu USD./.
NGUYỄN ANH VŨ